måndag 21 november 2016

MÙA TUYẾT (1)

MÙA TUYẾT
 



 tuyết đã xuống bên vườn
 
*

họa sĩ của thiên nhiên đã vẽ bức tranh này chăng?
 
*
 

đường làng đợi tuyết..
 

**********************



lördag 12 november 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 9 )


 
hai bông hồng một thời phiêu lãng (9)
 
( Tiếp theo và Đoạn kết ) 
 
 
 
Những ngày này, cô gái con Thụy Khanh quá bận rộn. Siêu thị nơi cô làm, thường cho cô nghỉ vào hai ngày giữa tuần, để đến cuối tuần, cô đến làm thay cho người chưa được nghỉ. Việc trong siêu thị với những nhân viên ở 'sân sau' cũng dễ làm, có lúc chuyển đồ từ kho đến quầy trưng đồ, đôi khi dọn dẹp quanh siêu thị. Công việc hiện nay khác hẳn những năm trước và nhìn người nào cũng có vẻ nhanh tay nhanh chân. Thời buổi công việc đang khó kiếm, ai tìm được việc làm 'chắc chân' hẳn là rất mừng.
 
... Vậy là chờ mãi đến giữa tuần, sáng nay cô mới được nghỉ theo lịch định sẵn. Đang dự tính lựa ít đồ để đem ra xe, cô chợt nghe tiếng chuông điện thoại kêu reng reng.
 
- "Alô... Vâng, con chào Dì. Thưa Dì, con đến ngay đón Dì. Vâng... vâng." 
 
Cô nói xong, lựa vài món đồ cần đem theo và vừa hát khe khẽ, vừa chọn vài bông hồng cô mua chiều qua để đem đến tặng cha. Màu sắc tươi mát nhiều màu của những bông hồng làm cô vui thêm, khi cô chợt nhớ tới một câu nói, lát nữa đây cô sẽ nói với cha: "Ba ơi. Dì Diễm!"
 
 
 

Chuyện những bông hồng vẫn còn là bí ẩn với Thụy Khanh. Ông đâu hay biết trong ngày gặp lại Diễm nơi phi cảng, khi con gái ông nói vài chuyện làm quen với Diễm và trong lúc ông chạy tới chạy lui mua vài lon nước uống, cô con gái đã mau miệng hỏi địa chỉ và số điện thoại của Diễm. Và sau đó là vài ngày cô tìm đến tận nơi hai mẹ con Diễm, với mong muốn "Dì để con giúp dì, Dì khỏi lo..." Thật ra, qua việc "giúp Dì", cô còn muốn biết thêm tâm tình của "Dì" nữa. Và điều cô chẳng ngờ, "Dì Diễm" cũng ít nhiều hợp tính hợp nết với cha con cô.
 
 
 
Chiếc xe lượn vào khúc rẽ ngõ nhà Thụy Khanh. Cô gái dừng xe lại bên đường nói với dì Diễm:
 
- Thưa Dì. Dì thử phôn đến Ba con. Con chẳng rõ lúc này Ba con có ở nhà không.
 
Diễm cười vui vẻ và thoáng đưa mắt nhìn "cô cháu nghịch ngợm". "Chẳng có nhỏ này, đâu dễ gặp lại Thụy Khanh hôm nay". Diễm thầm nghĩ.
 
- "Alô! Chào anh... Anh Thụy Khanh đấy ư?"
 
.. "Ôi, Diễm! Anh đây..."
 
- "Anh hiện nay ở nhà, hay là..."
 
"Anh đang ở nhà mà. Thế em nghĩ anh ở đâu?"
 
- "Em ngỡ là anh đưa tiễn hoặc đi đón rước cô nào cơ?!"
 
"Ôi, Diễm. Em vẫn còn hờn giận với anh sao?"
 
- "Đâu có dễ bỏ qua chuyện đó, phải không anh?"
 
"Diễm ơi. Chuyện đó xưa rồi Diễm!"
 
- "Chuyện đâu có xưa. Chuyện này mới mà!"
 
"Ôi, Diễm ơi...!"
 
Chiếc xe lăn bánh tiếp và dừng trước ngõ nhà Thụy Khanh. Cô gái con Thụy Khanh bước xuống trước và mở bên cửa xe để Diễm bước xuống.
 
Thụy Khanh, sau một phút ngẩn người, ông đặt nhanh tay nghe điện thoại xuống bên cửa sổ. Ông mở vội cửa và chạy nhanh tựa luồng gió thổi ra phía ngõ:
 
- Kìa Diễm. Em đã đến đấy ư?
 
- Vâng, em đã đến.
 
Cô con gái Thụy Khanh nhanh tay đưa tặng Thụy Khanh và Diễm, mỗi người một bông hồng. Cô cười tươi tắn:
 
- Ba ơi, Dì Diễm ơi. Hôm nay vui quá. Con nhìn Ba và Dì Diễm hôm nay... đẹp đôi quá đi thôi. Hai bông hồng này cũng đẹp nữa, những bông hồng đang tươi nở...
 
 
 
Mùa Xuân, 2010
 
Mùa Tuyết, 2016  (xong bản cuối )
 
Vân Võ Hoài Phương
 
**********************
 


Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 8 )


hai bông hồng một thời phiêu lãng (8)

Mùa đông lạnh lẽo còn phủ tuyết trắng trên các lối mòn và trên những cành cây khẳng khiu rét mướt. Thụy Khanh mở cửa bước ra ngoài, gió mạnh và những giọt mưa bên hiên làm chiếc áo choàng thêm nặng, mái tóc điểm màu muối tiêu của Thụy Khanh lấm tấm những bông tuyết và hai bàn tay ông lạnh giá.
 
Thụy Khanh đến bên hòm thư đặt nơi đầu ngõ, không một lá thư nào gửi đến. Ông đứng vài phút bên hòm thư, mắt nhìn những bông tuyết lượn bay trước ngõ và ngẫm nghĩ đôi hồi. Thụy Khanh tự trách ông quên khuyấy không kịp ghi địa chỉ của Diễm. Quả thật hôm đó ông thật đoảng, nỗi vui mừng gặp lại đến nhanh khiến ông quên luôn việc cần thiết.
 
Hôm gặp lại, trong khoảng vài mươi phút bên Diễm, Thụy Khanh chỉ kịp chạy vội đến tiệm bán đồ uống trong phi cảng mua nhanh vài lon nước, trong khi Diễm và con gái ông nói vài chuyện làm quen. Khoảng trời xa cách giữa ông và Diễm hiện giờ xa vời quá. Một khoảng không tuyết rơi và gió thổi.
 
Thụy Khanh lặng lẽ bước vào nhà. Gió lạnh thổi ùa vào phòng làm đung đưa các tấm màn cửa. Ông bước vài bước quanh phòng khách, nhẩm nhớ lại lời nói của Diễm. Hay là Diễm, lúc này sống thỏa nguyện với cuộc đời mới và chỉ nghĩ tới tương lai? Giờ đây Diễm vui với nguồn vui đoàn tụ bên con gái, và xa hẳn những hệ lụy tình đời? "Vậy thôi, chia tay anh nhé!". Ôi, đúng rồi. Diễm đã chẳng nói như thế ư?
 
Đã hơn một tuần qua Thụy Khanh không nghe hồi chuông điện thoại nào vang lên trên chiếc bàn đặt bên cửa. Thụy Khanh nhìn tờ lịch trên tường, vậy là gần nửa tháng nay, kể từ ngày "chia tay" ở phi cảng, ông chưa nghe lại một lời nào của Diễm.
 
Diễm chẳng còn nhớ đến hình ảnh một chiểu xưa hai người chụm đầu và nói với nhau những lời trìu mến... và nay Diễm đã quên ông?...
 
(còn tiếp)
 
VVHP
 
********************** 

torsdag 10 november 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 7 )


hai bông hồng một thời phiêu lãng  (7)

Cuộc gặp với mối tình xưa để lại trong tâm tư Thụy Khanh nhiều nỗi vấn vương. Ông nghĩ hoài, nghĩ hoài suốt chặng đường từ phi cảng về đến nhà. Cô gái con Thụy Khanh lúc đưa ông về, trông nét mặt cô có vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi. Việc vừa đến, lạ lùng thay, ngoài những sắp đặt và ý muốn của cô. Suy đi xét lại, cô tự hiểu, chẳng một ai có lỗi trong việc này; trước nhất là cô, với mong muốn cha cô có bạn đời kề cận, để cùng chăm sóc lẫn nhau và cùng sống vui trong những năm hoàng hôn cuộc đời, nên việc "hân hạnh giới thiệu" vừa qua của cô không ngoài mục đích cô đã nghĩ tới; còn người phụ nữ nhận lời mời quá bộ đến thăm nhà, bà là người dễ mến và cũng mong có một gia đình để yêu thương, chia sẻ trong quãng tuổi xế chiều. Một cánh chim đã mỏi cánh bay, nay đến lúc tìm nơi yên bình dưỡng thân, đâu có chi là lỗi? Còn "người tình năm xưa" của cha cô..., sự hiện diện ngẫu nhiên của bà, với ánh mắt chăm chú nhìn cha cô, có thể khi đó bà muốn tìm kiếm sự thật sau vài ánh đèn máy ảnh lóe sáng. Với ánh nhìn ẩn chứa không ít nghi ngại, chắc hẳn bà muốn thẩm định một điều mà bà rất muốn tin và cũng còn phân vân ngờ vực? Bao nhiêu năm xa rồi và với kinh nghiệm sống từng gặp đủ thứ người nên cái nhìn của bà nơi phi trường có vẻ bình tĩnh và thoáng chút lượng định. Đôi mắt lúc đó của bà đâu còn ngây thơ "mắt nai" mà cô thỉnh thoảng nhìn tấm hình kỷ niệm cha cô vẫn thường đặt trên kệ sách của ông. Người phụ nữ hiện diện đúng giây phút cha cô đưa tay vẫy chào, đâu có lỗi. Bà từng có chung tình yêu đầy ắp kỷ niệm với cha cô, chắc hẳn là vậy, bởi ông còn lưu giữ tấm hình của bà, một kỷ niệm không phai mờ - dấu ấn cuộc tình đơn sơ thời còn trẻ. Dáng vẻ người phụ nữ, cô vẫn thường thấy nơi vài người trong cuộc hành trình của những chuyến bay đường dài, tuy có chút vẻ bận rộn nhưng háo hức và vui thích. Nhìn bà sắp để hành lý giống vẻ một con chim vừa thoát khỏi lồng và chăm chút bộ cánh mượt mà của mình, vẻ đẹp này mới đáng yêu làm sao. Có thể vì thế nên cha cô đứng nhìn mãi hình ảnh đó chăng?
 
Nghĩ tới nghĩ lui thì người bận tâm nhất trong cuộc gặp hôm nay, hiển nhiên là cha cô. Thật ra trong việc này, "trên sàn diễn cuộc đời" ông chỉ là diễn viên bất đắc dĩ: Một diễn viên thể hiện hai tình cảm trong cùng lúc 'đụng trận' với một cuộc tình chợt đi và một cuộc tình chợt đến. Vai diễn này, quả thật là khó diễn! Thực sự, ông đã nhập một vai nửa cười ngoài miệng, nửa khóc trong lòng. Đã thế, 'cố nhân' xưa của ông lúc này bay đến chốn nào, đâu chịu hiểu? Rõ ràng trong việc này, ông cũng chẳng là kẻ có lỗi.
 
 
*
 
 

Dừng xe bên ngõ nhà, cô gái con Thụy Khanh bước xuống và mở bên cửa xe, chờ Thụy Khanh bước ra. Những việc đến sau ngày hôm nay với cha cô sẽ ra sao? Và cha cô có còn giữ được niềm tin, hy vọng trong quãng ngày sắp tới? Cô không thể đoán trước. Thụy Khanh xuống xe, vẻ mặt ưu tư, ông khẽ nói lời chào tạm biệt với con gái và bước từng bước chậm vào nhà.
 
Vài phút sau, Thụy Khanh đứng bên cửa nhà nhìn ra và mắt ông vẫn còn thấy chiếc xe của con ông dừng nơi đầu ngõ. Khác hẳn những lần đưa tiễn trước, hôm nay cô còn dừng xe lại, ngồi lặng im bên tay lái vài phút, nghĩ ngợi điều chi đó, và vài phút sau chiếc xe chầm chậm chuyển bánh ra khỏi đường vòng lối ngõ trước nhà.


(còn tiếp)



VVHP
 
**********************
 
          

måndag 7 november 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 6 )


  hai bông hồng một thời phiêu lãng (6)

Cuộc gặp gỡ tình cờ diễn ra ngắn ngủi. Trước đó vài giây, Thụy Khanh cố giữ nét mặt bình thản của một diễn viên bất đắc dĩ, miệng cười tươi như hoa mà lòng dửng dưng hờ hững. Ấy vậy mà chỉ sau vài giây, vẻ mặt ông sững sờ và trong lòng vui với niềm vui vô bờ bến. Nhiều năm qua, một hình một bóng trên đường đời, Thụy Khanh đâu dễ quên cuộc tình xưa với Diễm, những lúc nhớ thoáng qua ông cũng cảm thấy buồn tiếc cho một quãng đời, nhưng rồi nghĩ đến hai người nay đường ai nấy đi, và nghĩ tới hai đứa con, chẳng lẽ ông dứt bỏ tình cảm cha con, hưởng vui thú một mình bên một người đàn bà mới? Hai hướng tình cảm này làm ông khó nghĩ. Có một hai cuộc tình đơn phương đến với ông, 'thuần túy' cũng có và 'hiện đại' cũng có, nhưng tại sao ông chẳng dám phiêu lưu? Tại sao ông không dám trao linh hồn của ông cho họ?
 
Còn Diễm, con gái con ông Đốc học. Kể từ ngày mắt đẫm lệ buồn trong lễ vu quy và sống bên chồng. Vui sướng gì đâu khi tình nghĩa vợ chồng chỉ là sự đổi trao giữa hai bên cha mẹ; một bên ham chuộng hư vinh và một bên chỉ tính đến của hồi môn chờ đợi. Sau cuộc đổi đời 30 tháng Tư nhiều người đã biết, liền sau đó là các biến động lớn trong xã hội, người chồng của Diễm chấm dứt đời công chức "sớm vác ô đi, chiều vác ô về", cùng lúc gia sản nhà vợ mất sạch về tay đoàn quân chiến thắng. Kết cục một cuộc chiến, bao giờ cũng có người thắng và kẻ thua. Đó là chuyện thường ai cũng biết, và lúc này nhiều kẻ thua quá sợ một chủ thuyết mới nên tìm đường vượt biển, của cải để lại ê hề: tủ lạnh, tivi, giàn loa, máy nghe nhạc, quạt máy... gom lại vội vã lên tàu, lên xe chuyển hối hả về phía bắc trong quãng ngày đó. Người chồng Diễm lo sợ thành phần lý lịch dính chính quyền cũ bên nhà vợ sẽ khó làm ăn ở thời buổi mới, nhân có đợt kê khai thành phần, làm đơn ly dị không chút hối tiếc, dẫu cho lúc này hai người có với nhau một đứa con gái.
 
... Tiếng cười của Diễm sau câu nói chợt nhận ra ông, trong một thoáng thôi đã chuyển đưa cái vị đắng ngắt trong người Thụy Khanh hòa vào niềm vui vừa đến trong cảnh tình cờ hai người gặp gỡ. Thụy Khanh vừa thầm nhủ con tim của ông phải im hơi lặng tiếng trước một viễn cảnh yêu đương dẫu có cho ông vàng mười, ông chẳng dám phiêu lưu thêm vài bước, bởi ông khó có thể thành công trong vai diễn suốt cả đời sống với tình cảm giả tạo. Hơn nữa, bản tính ông xưa nay điềm tĩnh ít lời, trái ngược hẳn những sốt sắng, nựng chiều nhiệt tình của những tình yêu hừng hực lửa. Có thể người ngoài cuộc nhìn vài cuộc tình lướt qua đời ông với vẻ thầm tiếc cho ông. Còn Thụy Khanh, sau một hai viễn ảnh tình yêu chợt đến rồi chợt rời xa, ông lại tự bằng lòng với cách sống không vướng bận. Giờ đây, đứng gần bên Diễm, nhìn ánh mắt và giọng nói yêu thương thuở nào, Thụy Khanh quên hẳn những ngày dài từng chịu đựng cô đơn. Trong tâm trí ông, trong tâm hồn ông, trước mắt ông hiện giờ chỉ có hình ảnh và tiếng nói, tiếng cười của Diễm.
 
Diễm cho ông hay tin, qua vài tháng lo liệu xong khoản giấy tờ sang đoàn tụ với con, sau chuyến hành trình Diễm đến sông với con gái, nay ở cách phi trường này vài giờ bay. Diễm không ngờ, giữa chặng dừng chân chuyển tiếp, gặp lại chàng thư sinh năm nào...
 
Một giờ sau đó, trong niềm vui gặp gỡ ngắn ngủi, Diễm tạm biệt và không quên ghi số điện thoại của ông. Trước khi vào cửa riêng của chuyến bay mới, Diễm đứng lại vài giây:
 
- Em sẽ gọi đến anh sau. Vậy thôi, chia tay anh nhé! Em không quên hình ảnh của ngày hôm nay đâu nha!
 
Diễm nói, mắt chăm chú nhìn Thụy Khanh và nhìn chiếc máy ảnh.
 
(còn tiếp)
 
VVHP
 
**********************
 
    
 
     
 


fredag 28 oktober 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 5 )


                                hai bông hồng một thời phiêu lãng (5)
 
Nếu mỗi người có một cuốn tình sử, ghi lại chuyện tình cảm suốt đời mình, thì với riêng Thụy Khanh, cuốn tình sử của ông lúc này nhiều trang còn để trắng. Ông là kẻ kém may mắn về đường tình và có những năm dài, những trang tình sử đời ông vắng vẻ và tuyệt không một bóng hồng nào lai vãng. Giờ đây, nói văn vẻ và đôi chút lãng mạn thì... giữa một mùa đông giá lạnh, giữa cảnh hoang liêu của những dải đường nằm trong băng giá, một bóng hồng vượt đường xa đến bên ông. Thụy Khanh, với vài ít ỏi nhỏ nhoi hiểu biết về phụ nữ, trong đoạn dạo khúc đầu cuộc tình không tên này, có lúc ông tự hỏi lòng, những cảm nhận của ông khi nghĩ về vị nữ khách này đã đúng? Hiện thời, mối thiện cảm vị nữ khách dành cho ông thể hiện qua vài lời thưa gởi nhã nhặn của một phụ nữ có học biết kính trên nhường dưới, cùng tình cảm quan tâm đặc biệt đến vài sở thích của ông làm Thụy Khanh cảm thấy giữa hai người có vài chia sẻ gần gũi. Tuy nhiên Thụy Khanh tự hiểu, những cảm nhận và phán đoán nơi ông có thể sai lạc. Một người đàn bà, khi có cảm tình với người đàn ông nào thì thường nhìn đối tượng với ánh mắt thân thương và có một chút âu yếm. Đó là lẽ thường tình bởi phần nhiều bản tính phụ nữ vốn giàu tình cảm, thường quan tâm đến những kẻ ưa mến. Thụy Khanh hiểu điều này, nhưng hôm nay... đôi lúc ông vẫn cảm thấy bối rối trước ánh nhìn hiền dịu và giọng nói ấm áp, ngọt ngào của 'bóng hồng' mới gặp.
 
Thụy Khanh chợt nhớ tới một câu ông đọc trong một cuốn sách: " Đàn bà là một vùng đất lạ mà đàn ông dù có đến định cư từ hồi còn trẻ cũng chẳng bao giờ hiểu rõ". Thế mà giờ đây, kinh nghiệm tình trường của ông chẳng có là bao ngoài vài điều đọc qua về tình yêu trong sách, báo. Thật may phước cho ông trong những phút mới quen biết này, mỹ nhân ngồi gần ông cảm thấy thoải mái và ưa thích tính điềm đạm, í́t nói của Thụy Khanh, quả là ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong cảm nghĩ của vị khách mới. Trong khi ngồi nhấm nháp đôi món ăn nguội với người khách nữ, Thụy Khanh luôn giữ một khoảng cách, những lúc vị khách nói, ông lặng lẽ lắng nghe, mỉm cười với vẻ tán thưởng và tâm đắc.
 
Chừng hai giờ sau, cô con gái Thụy Khanh và ông đưa tiễn vị khách ra phi trường. Thụy Khanh được biết thoáng qua lời con gái. Người phụ nữ này cũng sống cảnh cô đơn giống ông, là mẹ bạn học cô, hiện cô ở chung nhà với con gái của bà. Do có công chuyện mới về kinh doanh nên bà ghé qua nơi đây, và nhân thể, nhận lời mời của con gái ông, đến thăm để "biết nhà, biết cửa".
 
Chiếc xe rời khỏi đoạn đường vòng trước nhà. Cô gái con Thụy Khanh ngồi sau tay lái, còn Thụy Khanh và vị khách nữ ngồi nơi ghế sau. Suốt chặng đường, người phụ nữ và Thụy Khanh ngồi lặng lẽ ngắm cảnh trí bên đường. Dẫu giữa hai người đã có vài phút gần gũi hiểu nhau ít nhiều, nhưng mối thân tình mới chỉ thoáng qua trong ngày đầu gặp gỡ.
 
Phút chia tay đã đến, cô con gái yêu quý soạn sẵn trước một pha ngoạn mục. Cô đẩy nhẹ người Thụy Khanh đứng gần bên người đàn bà vừa quen biết, và với chiếc máy ảnh trong tay, cô nói: "Ba ơi, Ba đứng gần hơn nữa để con bấm vài "" làm kỷ niệm. Thế... thế, Ba cười tươi lên nào! Ôi, đẹp quá! Để con bấm "" nữa." Ánh đèn máy ảnh chớp sáng. Người đàn bà tươi cười âu yếm nhìn Thụy Khanh, và đặt nhẹ một bàn tay lên bờ vai của ông. Ánh đèn máy ảnh chớp sáng vui rực rỡ. Cảnh hai người quàng vai nhau, đứng bên nhau thật là tình tứ. "Những tấm ảnh về cuộc tình... hờ. Chẳng lẽ..." Thụy Khanh thoáng nghĩ, ông chưa thể đoán trước những tình cảm vừa đến rồi sẽ kết cuộc nơi đâu.  
 
Người phụ nữ bước đến lối vào cửa chiếc phi cơ đợi chờ hành khách, và sau đó đứng lại vài giây bên cửa vẫy tay chào. Cô con gái nói nhỏ với Thụy Khanh: "Ba ơi, Ba vẫy tay chào tạm biệt đi Ba. Chỉ còn một phút nữa thôi, Ba à!".
 
Thụy Khanh mỉm cười và đưa tay vẫy chào, người phụ nữ cũng vẫy tay chào lại. Đúng lúc này, Thụy Khanh bỗng cảm thấy có ai đứng gần bên nhìn ông. Cái linh tính kỳ diệu ấy ít khi đến với ông, đúng vào giây phút ông kịp nhận ra điều khác lạ. Thụy Khanh bỗng quay nghiêng người và thật bất ngờ, chính ông cũng không hiểu ông vừa nói ra câu gì nữa.
 
- Kìa, Diễm... Em đã từ nơi xa xôi nào...
 
Trong một tích tắc thoáng qua, Thụy Khanh ngỡ thấy lại hình ảnh bến đò năm xưa, trong cảnh nắng chiều gần tât, một ngón tay Diễm dí vào trán ông, và bên tai ông vẫn chưa tắt tiếng cười của một ngày xưa xa vắng. Dáng hình người con gái ngày nào đã yêu ông, chắc hẳn lưu lại vĩnh viễn trong ký ức ông để phút giây này, Thụy Khanh bỗng nhiên nhận ra ngay những nét thân thương hiện rõ trước mắt ông trong tầm tay, không thể nào nhầm lẫn.
 
- Anh đấy ư, Thụy Khanh? - người yêu năm xưa của ông, nói - Rất vui và... cũng rất buồn, được gặp lại anh!
 
Thụy Khanh bỗng cảm thấy trong lòng ông một vị đắng ngắt.
 
 
( còn tiếp)
 
VVHP
 
**********************
 
 
 
̉

onsdag 26 oktober 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 4 )



hai bông hồng một thời phiêu lãng (4)

Cô con gái Thụy Khanh lại hiểu chuyện này ở góc cạnh khác. Theo quan niệm của cô, những người nhiều tuổi là những người từng trải và có kinh nghiệm trong việc đời. Cô kính mến Thụy Khanh, bởi ông trải qua nhiều tháng năm sống nhọc nhằn, từng chịu khốn chịu khổ mới nuôi nổi hai anh em cô khôn lớn. Người cha thân yêu  của cô, nay vẫn sống trong lẻ loi hiu quạnh, và ngày qua ngày ông trở nên quen thuộc với cảnh quạnh quẽ quanh ông. Nhìn thoáng qua Thụy Khanh, người ta bỗng hiểu ra gam màu hiu hắt thật sự của người đàn ông khi thiếu vắng đôi tay chăm sóc của người vợ đảm. Với Hồng Thanh, bạn của cha cô, cô rất kính nể ông, bởi lẽ ông còn giữ được trong gia đình một nếp sống có lễ nghĩa. Ông là người thấu hiểu nhiều câu châm ngôn, những lời thường có trong túi khôn nhân loại và lưu truyền trong đời sống. Cách giảng giải của ông dễ hiểu, chẳng cao xa mà khiến người ta phải bật cười vì là những lẽ tự nhiên, giản dị giống y chang nhiều việc họ vẫn gặp thường ngày. Cô không phản đối việc ai đó đứng ra tác thành tình duyên đôi lứa, miễn là việc này đừng quá ép buộc. Nếu các nhận xét, gợi ý về một người nào đó, hợp với cách nhìn nhận theo yêu thích của cô, có lẽ cô sẽ sẵn sàng chấp nhận và không ngại tìm hiểu về người bạn đời mai sau, và khi được tốt duyên tốt phúc, chắc hẳn cô biết ơn sự chỉ lối đưa đường. Song sau ngày xảy ra chuyện lấn bấn giữa hai nhà, Hồng Thanh và Thụy Khanh dường như chẳng còn tha thiết với sứ mệnh đại diện đứng ra giao ước. Hai ông từng trải qua một thời ước muốn, chẳng còn lạ gì khi người con trai thấy bén trong lòng một ngọn lửa tình. Ôi, "thương cha, thương mẹ có hồi. Thương em, khi đứng khi ngồi cũng thương". Câu ca ngày xưa chẳng đã nói đến đó sao?

Có một hôm cách đây đã lâu, cô con gái Thụy Khanh dẫn về nhà một người đàn bà, trông điệu đi đứng cũng thấy ngay là một phụ nữ hiện đại. Người đàn bà khoảng chừng trên dưới bốn chục tuổi, mái tóc uốn lượn trông xa gần giống một siêu sao điện ảnh, ánh mắt vừa kín đáo vừa thân thiện nhìn Thụy Khanh làm ông bối rối đến một phút. Nghe xong lời giới thiệu, người phụ nữ bước đến bên ông, với nụ cười tươi tắn và ánh mắt ngời sáng làm mê hồn kẻ đối diện, một bàn tay chắc chắn đưa ra trước Thụy Khanh, nửa như thân ái yêu kiều, nửa như đang đợi chờ một tình yêu đã nhiều năm mỏi mắt tìm kiếm nay mới gặp. Lúc này, hai ánh mắt Thụy Khanh nhấp nháy liên hồi vì mùi nước hoa lạ lẫm.

Phút gặp gỡ làm quen đã qua, chủ và khách bước theo phòng treo áo bên ngoài vào phòng bên, nơi có một khoảnh rộng đặt bộ ghế soffa tiếp khách. Người khách nữ đã cởi bỏ áo khoác ngoài, và lúc này, dưới mái tóc vấn cao là một bờ vai thon thả, chiếc áo viền cổ với đường thêu ren làm nổi chiếc cằm rất ưa nhìn, khoảng ngực trần nửa kín nửa hở dưới chiếc khăn voan mỏng; vị khách nữ ở độ tuổi trung niên càng thêm sức quyến rũ và hấp dẫn hơn dưới ánh sáng của giàn đèn trong phòng khách. Có lẽ... không chỉ riêng tấm gương rộng lớn bên tường phòng khách mà ngay cả Thụy Khanh cũng bất ngờ bởi hình ảnh rực rỡ này. Ánh sáng giàn đèn màu tỏa chiếu trong tấm gương làm nổi bật một vẻ đẹp Thụy Khanh chưa từng thấy trong ngôi nhà thường yên tĩnh của ông. Thụy Khanh cảm thấy ông đến gần một 'thế giới' hoàn toàn khác lạ. Lúc này đây, tâm thức và ánh nhìn Thụy Khanh hướng về nơi hương thơm dịu mát vị nữ khách vừa đến từ giây phút này.

"Ba ơi, Ba!", cô con gái Thụy Khanh nhỏ nhẹ nói tiếp: "Ba khui giúp con một chai champagne để uống mừng ngày hôm nay. Ba ơi, con nghe có ai đó nói, chữ champagne còn có ý nghĩa là hân hoan, may mắn và vui vẻ. Ba à".

Khúc dạo đầu trầm ấm của bản nhạc xưa cũ thoáng vang lên bên các chiếc loa nhỏ gắn gần tường. Một bản tình ca dang dở, khiến tâm trí người nghe phảng phất chút vui buồn của chuyện tình yêu chưa kết trái. "Mà sao, những chuyện tình càng nhiều oan trái, càng khuấy động suy tư vài kẻ đã đôi lần thầm yêu trộm nhớ!". Thụy Khanh nhìn những hạt bọt sủi lăn tăn trong ly vang trắng và ngẫm nghĩ. Vị khách nữ tỏ ra sành điệu, tay nâng ly và ngửi thoáng mùi rượu trước khi uống, ánh mắt long lanh nhìn chủ nhà có vẻ hài lòng. "Ba ơi, Ba. Con để sẵn máy ảnh, lát nữa đến phi cảng, chụp vài tấm hình. Ba ơi, hôm nay nhìn Ba yêu đời quá ha!". Cô con gái nhìn Thụy Khanh và nhìn khách đến thăm, vừa cười vừa nói.

Thụy Khanh ngồi bên bàn, chẳng còn biết nói sao, tâm trạng ông lúc này nửa lo nửa mừng; nỗi lo nỗi mừng với những tình cảm vẫn còn chưa hiểu hết bên một 'thế giới' nhiều hương sắc gọi mời và có thể còn nhiều thử thách đợi chờ nơi cuối đường chăng? Cuộc gặp này, có khi chỉ là một cái "test", một thử nghiệm của cô gái con ông - hay là sẽ làm thay đổi những ngày yên tĩnh với riêng ông? Nhưng, dẫu cuộc gặp hôm nay có là một dạng thức thế nào, nghĩ thực lòng, Thụy Khanh vẫn thấy xôn xao một hoài vọng, và trong giây phút này, nữ thần Tình Yêu đang mỉm cười trìu mến với ông. Người phụ nữ ngồi bên ông, có nhân dáng dễ nhìn, mái tóc vấn cao, thân hình quyến rũ rất hòa điệu với cảnh trí nơi đây, và, đôi mắt thoáng say đắm đôi lúc nhìn ông thầm vẻ hứa hẹn một tình yêu nhiều hoa thơm quả ngọt.

Một tấu khúc êm dịu bên những chiếc loa nhỏ trong phòng khách làm chủ nhà và khách có đôi phút thả hồn theo tiếng nhạc. Trong tâm trí Thụy Khanh thoáng hiện vài cảnh đời những tháng năm qua. Thời gian không ngừng trôi và quãng ngày tháng cũ ẩn hiện ở đâu đó... Có những người phụ nữ đi tìm tình yêu trong may rủi, và cũng có những người phụ nữ đi tìm một bờ vai để dựa quãng cuối đời. Còn Thụy Khanh, ông đã sống lẻ loi một quãng đời hiu hắt, giờ đây nhìn ngược về chuỗi ngày cũ kỹ, quả thật ông chợt nhận ra quãng ngày cô liêu một hình một bóng mà chẳng hiểu sao ông chịu đựng nổi? Có thể, với cuộc gặp hôm nay, cảnh sống êm đềm trong giây phút này đưa ông đến gần những niềm vui mới.

(còn tiếp)

VVHP





   
.

fredag 7 oktober 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 3 )


hai bông hồng một thời phiêu lãng (3)

Chiều nay, Thụy Khanh quanh quẩn gần vài chậu cây bên thềm nhà. Những lúc Thụy khanh cảm thấy trong lòng có điều chi mắc mớ, tâm linh của ông lại xốn xang một hoài vọng xa xôi.

Thụy Khanh tạm nghỉ công việc và dành ít phút với vài chậu cây bên vườn. Ông lễ mễ chuyển đôi ba chậu cây để ra ngoài nắng. Sau những cơn mưa tuyết cuối năm, bầu trời đã phơn phớt một màu xanh trở lại. Những tia nắng ấm chỉ hừng lên vài giờ nhưng cũng đủ xua tan đi ít nhiều cái giá lạnh của một mùa đông khắc nghiệt.

Chuyển xong vài chậu cây bên thềm, Thụy Khanh cảm thấy sức lực những năm xa xôi trở về trong đường gân thớ thịt, xương cốt tuổi xế chiều của ông được dịp hồi xuân có lẽ nhờ vào mấy chậu cây xanh mà lâu nay ông vẫn thường chăm sóc. Thụy Khanh ngắm nhìn mảnh vườn nhỏ trước hiên nhà, khoan khoái thở không khí trong lành và nhớ lại ngày ông từng quanh quẩn nhiều giờ trong các tiệm bán cây trồng khi Hồng Thanh dẫn ông làm quen với nơi ở mới.

Nhìn Thụy Khanh mải mê trong dãy nhà kính với cây lá muôn màu, Hồng Thanh chợt hiểu ra một điều thầm kín trong tâm tính Thụy Khanh. Ngày ấy, Hồng Thanh nói với ông "nghề dịch thuật cần một nơi tĩnh trí". Vài ngày sau, Hồng Thanh ra sức tìm kiếm để giúp Thụy Khanh và hai đứa con nhỏ của ông được ở một nơi yên tĩnh, có nhiều cây xanh, xa cách hẳn nơi đô thị ồn ã. Từ ngày Thụy Khanh chuyển về nơi ở mới, Hồng Thanh chưa một lần nói về tiền bạc bỏ ra lo liệu giúp Thụy Khanh. Chuyện mua nhà nơi đây xem ra chẳng đơn giản. Có người bỏ thời gian hàng tháng đi tới đi lui xem xét nhiều căn nhà đang rao bán, nhưng sau ba bốn năm dài vẫn lưỡng lự phân vân không biết cuối cùng sẽ mua nhà nào. Có anh bạn quen thân với Hồng Thanh từ ngày mới đến đây, sau gần mười năm làm việc cần kiệm, không chơi bời đàn đúm hụi lớn hụi nhỏ, mặc thiên hạ ganh đua các kiểu lạ đời, anh ta chỉ lo đi làm để dành tiền... thế rồi đùng một cái anh ta mua một căn nhà hai tầng. Nhà cao cửa thoáng, vườn rộng thênh thang. Thế nhưng ngôi nhà đứng biệt lập một nơi trống vắng, dân tây đôi khi ưa thích sống cảnh này, còn người mình có lẽ lâu ngày chịu không nổi. Quả vậy, chưa tới một năm căn nhà bỏ hoang. Chủ nhà không thể hàng tháng chi trả khoản tiền "khống", anh ta đành cho không một người bạn. 

Niềm vui lớn nhất với Hồng Thanh là việc lo xong nơi ở của bạn, việc này đòi hỏi nhiều tâm sức, am hiểu. Hồng Thanh và vợ ông (cô gái con của Nhà xuất bản ngày trước), vui mừng trong cảnh đàn con của họ và hai đứa con của Thụy Khanh vui đùa và quây quần bên nhau. Bọn trẻ bây giờ có nhiều cái ngộ đến mắc cười không kể đâu cho hết!


*

Sau vài năm trở lại với nghề dịch thuật, bằng các bản chuyển ngữ phóng khoáng, Thụy Khanh đem đến với người đọc nhiều hiểu biết có ích và đa chiều trên tờ báo do Hồng Thanh làm chủ nhiệm. Thụy Khanh thường chọn dịch các bài viết trên các tạp chí nổi tiếng uy tín, các bản tin về những cuộc thăm dò dư luận nóng hổi được cập nhật thường xuyên trên báo. Hồng Thanh biết bạn ông có niềm đam mê và sở trường về chuyển ngữ. Thụy Khanh thường ngồi từ giờ này tới giờ khác mải mê đọc tác phẩm cần dịch, và đương nhiên trong khi Thụy Khanh để hết tâm trí vào bản gốc, khó ai có thể lôi kéo 'con mọt sách' ra khỏi bài viết hay quyển sách được ưa thích. Những bản chuyển ngữ theo sát bản gốc do Thụy Khanh dịch thường uyển chuyển và ngôn ngữ gần gũi, thân thiện với đọc giả. Dù có khi cần dịch sát nghĩa hoặc đôi lúc dịch thoát ý, Thụy Khanh vẫn đem đến bản dịch của ông một gợi mở, một hài lòng thú vị với người đọc. Hồng Thanh rất vui khi biết ông có một trong những cây át chủ bài, tuy rằng cây át chủ bài này chưa hẳn đã nổi danh gần xa biết đến nhưng đích thực là lực hấp dẫn để bạn đọc gần tờ báo hơn. Mãi đến ngày tháng này, quá nửa đời người trong nghiệp "báo bổ", Hồng Thanh chợt hiểu ra và có lần ông tâm sự với Thụy Khanh "một đoạn văn hay, bao giờ cũng dễ hiểu và giản dị, nó làm tươi mát lòng người như một nụ hôn thoáng qua trong giây lát".

... Dưới giàn hoa leo bên thềm cửa, Thụy Khanh ngồi và lặng lẽ lấy ra từ túi áo choàng hai cây viết và cuốn sổ nhỏ. Hai cây viết Hồng Thanh tặng ông, còn cuốn sổ nhỏ dùng để ghi chép là cô con gái biếu ông sau một lần Thụy Khanh đưa tiễn một ... mối tình hờ ra phi trường. Hai kỷ vật này đánh dấu hai khúc ngoặt trong cuộc đời Thụy Khanh.


*
Những mảnh quá khứ thường trở lại trong ký ức Thụy Khanh mỗi khi ông nhớ về Diễm. Một thuở xa vời với những nắng mưa. Phút đầu tiên ông và Diễm nhìn nhau ngập ngừng, bỡ ngỡ. Một con đò nhỏ đứng đợi bên sông vắng. Bởi chiếc đò tròng trành nên khi cùng bước xuống thuyền hai người phải nắm vội tay nhau. Có phải giây phút này đã lướt nhẹ đoạn nhạc mở đầu một mối tình dang dở ?... Vạt áo dài màu hoàng yến của Diễm bay trong hoàng hôn màu tím, và, một cánh tay Diễm đưa lên chới với trong cảnh chiều tà. Con đò nhỏ rời bến và sóng nước hiện lên vô vàn những màu lấp lánh. 

Kỷ niệm ấy lắng đọng mãi trong hồn ông, dù giờ phút này, ông ngồi ở nơi đây, xa bến sông xưa muôn ngàn mây nước, xa mối tình đầu đã mấy chục năm. Ông và Diễm đã nói với nhau những gì, trong chiều hôm đó? Lúc bước xuống đò, Thụy Khanh nắm chặt một bàn tay mềm của Diễm, thoáng nhìn Diễm rồi nhẹ tay kéo Diễm lại gần, và rồi, một ngón tay Diễm dí nhẹ trên trán Thụy Khanh, chẳng hiểu tại sao lúc ấy hai người nhìn nhau cười khúc khích...


*

Những năm sau này, Hồng Thanh mải lo làm ăn nên ít biết tâm tư của bạn. Tuy thế, ít ra đã hơn một lần, Hồng Thanh gợi ý với Thụy Khanh về chuyện "con nuôi cha không bằng bà nuôi ông", rằng "con cái, mỗi đứa có phận riêng của chúng nó. Bọn trẻ, khi lớn khôn bước vào đời, mỗi đứa cũng cần một gia đình riêng". Và sau hết, Hồng Thanh nói xa nói gần, ông rất hãnh diện giúp Thụy Khanh "vượt mọi trở ngại" nếu một ngày Thụy Khanh tìm được "một người bạn song hành trên đường đời". Thụy Khanh tỏ ra chẳng mấy bận tâm về những chuyện ông vẫn nghĩ là ngoài tầm tay của ông, dù có đôi lúc Thụy Khanh bắt gặp vài phút bất ngờ khi một, hai "người đẹp độc thân không vướng bận" đưa mắt thoáng nhìn ông trong vài khoảnh khắc say đắm. Thụy Khanh thường nghĩ, nơi trái tim ông từng tôn thờ một người ông yêu thương, sức quyến rũ của tình yêu với Diễm tựa hương thơm vẫn còn phảng phất cùng ông theo năm tháng. Đến nay, Thụy Khanh vẫn bước lẻ loi trên đường đời với tình cảm riêng ông và bình thản sống tiếp.

Cảm thấy Thụy Khanh né tránh đề nghị ông đưa ra, Hồng Thanh tự biết việc này chẳng thể một sớm một chiều làm được, gượng ép nhiều có thể sẽ sứt mẻ tình cảm giữa hai người. Một hôm ghé thăm Thụy Khanh sau chuyến thăm người nhà nơi xa, Hồng Thanh tặng ông vài tặng phẩm, trong đó có hai cây viết rất đẹp tiện dùng khi cần đ́ến, và Hồng Thanh nói với lời chẳng biết vui hay buồn "thôi, từ nay, việc riêng của anh, anh tự chọn... đường anh - anh cứ đi !".  


*

Ngôi nhà một tầng Thụy Khanh hiện đang ở, so với các khu nhà lân cận, nhìn qua có vẻ ngoài xưa cũ. Con đường vào nhà lượn vòng, dẫn đến khoảng sân hình vuông trước hiên nhà có rải những viên sỏi nhỏ. Một ghế băng đặt gần góc vườn, dưới một cây liễu, tỏa xuống những cành lưa thưa như mái tóc điểm sương của một thiếu phụ. Thụy Khanh bước đến chiếc ghế băng dài. Những khi cần nghĩ ngợi, ông thường ra ngồi ở đây và nhìn về phía xa xa.

Vài bạn cũ đến thăm ông nơi đây, họ thường nói nơi này cô liêu và vắng vẻ; cũng theo nhận xét của họ, nơi đây có phong cảnh của "thiền". Riêng Thụy Khanh, ông lại thích vẻ đơn sơ bên ngoài ngôi nhà. Ông ưa màu vân muôn vẻ của những viên đá núi được ghép với nhau từng mạch trên tường nhà, màu sắc này hợp với tuổi tác của ông, nó gợi lên cho ông những cảm nghĩ sâu xa mỗi khi ông ngồi ngẫm nghĩ. Ngôi nhà đã chứng kiến ngày con trai ông lấy vợ. Đến nay, Hồng Thanh đối với ông, ngoài tình bạn bè thân thiết, giữa hai nhà còn có thêm mối quan hệ nữa: nhà Hồng Thanh vui lòng gả con gái đầu lòng cho con trai ông.

Trong việc này - theo Thụy Khanh nghĩ - duyên số chỉ là chuyện phụ. Mọi việc khởi đầu do Hồng Thanh dự tính, còn các việc tiếp theo được cả hai nhà nhiệt tình vun vén. Bạn bè Thụy Khanh và Hồng Thanh vui mừng cho cả hai gia đình, đôi trẻ vừa đôi phải lứa và cũng có vẻ quý mến nhau. Năm đầu, xem chừng 'hai cô cậu' xuôi chèo, mát mái. Sang đến một hai năm sau, khi đứa cháu nội của Thụy Khanh lẫm chẫm biết đi, không ngờ cậu con trai ông nghe phải một tiếng sét ái tình đánh cho nghiêng ngả. Quan hệ giữa hai nhà, đến hồi này, nhiều người đã nghĩ "hổng còn thuốc chữa!". Một, hai buổi hẹn hò của con trai ông với một cô gái cùng làm trong Hãng, đã đến tai nhiều người, đến tai Thụy Khanh và đến tai cô con dâu của ông. Hồng Thanh và Thụy Khanh, trước tin chẳng hay ho này, cả hai buồn rầu và nhiều lúc sinh ra bực dọc, thế nhưng nghĩ lại, thời tuổi trẻ của hai người có thiếu gì những chuyện như vậy! Có thể con trai ông, đến bước đường đời năm nay, bỗng bắt gặp một tình yêu ngoài sự sắp đặt trước. Và cơ sự, may thay, mới chỉ lẻ tẻ một hai lần hẹn gặp...

Chuyện xảy đến làm hai nhà sầu muộn. Hồng Thanh và Thụy Khanh ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Giữa khi hai người buồn bực chán nản về bầu không khí căng thẳng giữa hai gia đình, thì may thay bỗng nhiên cậu con trai Thụy Khanh "hồi tỉnh" lại. Cô gái mới thoáng bồ bịch với chàng đã thấy sự dan díu của cô làm cô và nhiều người khác khổ tâm. Cô đoạn tuyệt với chàng, và để chấm dứt vĩnh viễn mối tình xảy ra trong lúc cạn nghĩ, cô sống xa hẳn nơi đây, gần một người bạn cũ, để không còn lụy phiền về tình cảm một thời quá khứ.

Thụy Khanh và Hồng Thanh trải qua một phen lên thác xuống ghềnh. Vài ngày sau chuyện các "sắp nhỏ" trở lại bình an, một bữa ngồi uống trà với Thụy Khanh, Hồng Thanh cười vui, nói: "Trời đất! Thôi, tôi cạch đến già, chẳng mối lái cho ai hết. Ở đời đã có ông Tơ, bà Nguyệt rồi... Xém chút nữa thì hết thuốc chữa! Đúng là bọn trẻ bây giờ có nhiều cái ngộ thật".
Thụy Khanh và Hồng Thanh, cả hai nhìn nhau cười vui khi tình quyến thuộc giữa hai nhà trở lại hòa dịu.

(còn tiếp)

VVHP
**********************

fredag 30 september 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 2 )



 hai bông hồng một thời phiêu lãng (2)

Tác phẩm đầu tay của Hồng Thanh, in dấu một thời kỷ niệm qua các vùng chiến thuật, được in ra cũng là khi Hồng Thanh xuất ngũ bởi lý do sức khỏe và chuyển sang sống đời dân sự. Ông chủ nhà xuất bản trao cho anh tiền nhuận bút, với vẻ mặt chẳng lấy gì làm vui, khi biết anh đã chiếm lĩnh được trái tim cô con gái quý. Dẫu thế nào mặc lòng, Hồng Thanh và cô vẫn làm lễ cưới. Mẹ cô nói với bố vợ tương lai của anh: "Ông à, thương con thì ngon rau... ". Mãi sau, ông chủ nhà xuất bản mới chịu. Đám cưới, đương nhiên ông bố vợ phải ra tay giúp và khá tưng bừng với quan viên hai họ. Một bên là nhà gái, ăn mặc quyền quý kiêu sa, pháo đỏ rượu hồng và xe hoa lộng lẫy; một bên là Hồng Thanh và những người bạn chiến binh, với cuộc đời chiến trận, sờn vai áo lính. Đám cưới có vẻ một nửa nhà binh và một nửa phú thương.

Cô con gái Nhà xuất bản hợp duyên và tốt phúc, một phần bởi vẻ nết na đằm thắm sẵn có, một phần vì cô chăm sóc, cưng chiều Hồng Thanh với tình yêu chân chất. Có thể vì vậy, nên Hồng Thanh chẳng còn lòng nào mơ tưởng đến những người đàn bà khác. Niềm vui được sống bên nhau, những tháng năm đượm lửa yêu thương của hai người, và sức mạnh tình yêu đã tạo nên cho họ một đàn con. Riêng Hồng Thanh, bằng cây viết và bằng nội lực vui thích thời trẻ, sau vài năm trong nghề, anh quả thật là người có chân tài và gây dựng một cơ ngơi  không nhỏ.

Thụy Khanh còn nhớ ngày tình cờ gặp lại Hồng Thanh trong một siêu thị. Cái duyên văn tự giữa hai người vẫn không hề phai nhạt, tựa như câu hát xa xưa "biết nhau từ thuở se thừng, trăm chắp ngàn mối... ". Dáng vẻ Hồng Thanh vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ chẳng khác những ngày trước hai người gặp nhau trong tòa soạn báo do Hồng Thanh đứng tên chủ bút. Quãng ngày ấy Hồng Thanh kế nghiệp ông bố vợ quá xuất sắc, vừa làm báo lại vừa in sách, Bà mẹ vợ vui mừng hả dạ lắm, có hôm bà tươi cười nói với ổng: "Ông à, đúng là ông bà ngày trước ăn ở nhân đức nên con cháu có phước có phần".

... Được biết Thụy Khanh mới sang và còn bỡ ngỡ về nhiều thứ, Hồng Thanh đem những trải nghiệm chia sẻ với bạn. Hồng Thanh sống nơi đây đã lâu, gia đình ông trải qua nhiều cay cực khi mới định cư nơi này. Có những ngày hai vợ chồng rời nhà từ mờ sáng, đến xưởng làm tận tối mịt mới về, đàn con chẳng mấy khi có dịp chuyện trò cùng bố mẹ. Trong quãng ngày ly hương gây dựng lại không ít cực khổ và làm quên ngày quên tháng, đàn con nhỏ của vợ chồng Hồng Thanh chỉ còn biết nương tựa vào ông bà ngoại. Ngày tháng qua nhanh, những người cùng quê hương xứ sở quy tụ về nơi đây làm ăn sinh sống, mong có đời sống yên vui cùng người bản địa. Hồng Thanh, hồi còn sống trong nước có một quãng đời là dân làm ăn, đến nay với vốn liếng ban đầu ít ỏi, ông trở lại niềm ưa chuộng nghề nghiệp năm xưa và những năm này làm ăn khá tốt. Nhiều khi ngồi nghĩ ngợi, ông cũng chẳng rõ nhờ bí quyết nào giúp ông nuôi nổi tờ báo. Nói đến cơ may đưa đến trong nghiệp "báo bổ" quả thật khó, trước Hồng Thanh và sau ông, có vài người tài giỏi nhưng chỉ "gồng, gánh" một quãng thời gian không nhiều lắm. Với Hồng Thanh trong ngày gặp lại, ông không thể bỏ mặc bạn. Tuy nhiên ông cũng không khỏi đắn đo liệu tính vài việc trước sau.

Hồng Thanh vẫn biết vốn liếng ngoại ngữ của Thụy Khanh rất khá. Sau vài ngày gặp gỡ thân tình, Hồng Thanh đứng ra lo liệu giúp Thụy Khanh, bàn định với Thụy Khanh về việc dùng tài năng để sống. Và sau vài tháng nghỉ ngơi, sắp xếp ổn định nơi ở mới, Thụy Khanh dần dà làm quen, thực hiện tiếp công việc chuyển ngữ trước đây của ông.

Thụy Khanh từng thức trắng nhiều đêm trong nghề dịch thuật. Có những khi mệt mỏi, ông buông cây viết đứng dậy, trong giây phút cô đơn lặng lẽ, Thụy Khanh lại nghĩ đến "cô gái nghèo" của ông. Ông cảm nhận hương vị sầu mong của cảnh đời đơn lẻ. Những đêm khuya lạnh hình như làm tâm trí ông có thêm một chút vấn vương, trong ký ức thoáng hiện về những luyến nhớ một thời xa xôi diệu vợi. Niềm mong ước của Thụy Khanh theo tháng năm chậm đến chậm đi khiến ánh nhìn của ông có lúc hờ hững, nhưng bức tranh "cô gái nghèo" ông thường mường tượng, đã không phai mờ mà lại càng ngày càng rõ nét.

( còn tiếp )

VVHP

**********************

tisdag 27 september 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 1 )


Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng

*Đôi lời tác giả: Mến tặng bạn hữu và bạn gần xa tôi đã gặp sau những ngày rời xa Quê Hương.
Cám ơn các bạn kể tôi nghe những kỷ niệm trong đời để tôi có thêm chất liệu và cảm xúc làm nên tác phẩm.

Mến tặng Anh HT (sĩ quan Thủ Đức) và Anh HC (tạp chí Tự Do); kỷ niệm tình bằng hữu trong những
tháng năm đầu tị nạn.

TRÂN TRỌNG
Vân Võ Hoài Phương
             *

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng (1)

Thụy Khanh đang ở độ tuổi xế chiều, nhưng nhìn cách đi đứng của ông, người ngoài biết ông vẫn còn giữ được phong độ và tư cách. Thời thanh niên của Thụy Khanh là những tháng năm cần mẫn và miệt mài với sách vở. Trong các môn học, Thụy Khanh nổi trội về ngoại ngữ, văn bằng tốt nghiệp khi rời ghế nhà trường ghi nhận hạng ưu của ông về môn học này. Thụy Khanh đã yêu tha thiết một cô gái, con một ông Đốc học. Hai người đã nguyện thề cùng sống bên nhau, nhưng cái duyên cái số của họ không được ông Tơ, bà Nguyệt để ý đến; và sau hết cuộc tình, nàng lên xe hoa ngậm ngùi trong tiếng khóc, còn chàng lui về một xóm nhỏ ngoại ô... Một chuyện tình cách nay vài chục năm vẫn thường trắc trở là vậy, và những tình khúc với giai điệu này, tuy có đôi chút lãng mạn nhưng cũng có vị cay đắng lúc chia xa. Thụy Khanh không vì thế mà giận đời, vả lại khi đó Diễm - người tình một thuở của anh - đã bước qua cầu, sống cuộc đời vàng son trong nhung lụa. Thụy Khanh nào có gì, ngoài tấm bằng lúc đó bán chẳng ai mua, anh bước vào đời với hai bàn tay trắng.

Tuy vậy, Thụy Khanh vẫn còn một chút may mắn. Trong thời sinh viên anh kết thân với vài bạn học tốt, họ từng chia ngọt sẻ bùi những khi anh gặp nhiều gian khó. Thường trong đời những người mến nhau về đức, về tài - hợp nhau về tính tình, cảnh ngộ - thường là sống lâu bền bên nhau trong mối thiện cảm thân thiết. Bạn bè mến Thụy Khanh, bởi vì anh có sức học hơn người, nhưng anh không kiêu căng hợm hĩnh. Kiếm được tiền thì rủ bạn bè đi ăn nhậu, mua sắm. Hết, lại mải chạy tìm việc để kiếm ra tiền, vất vả và nhiều mệt nhọc nhưng không một lời than thở. Tuổi thanh xuân đã qua, nhưng phong cách Thụy Khanh vẫn điềm tĩnh và có vẻ chịu đựng như ngày nào, ngay cả khi bão tố cuộc đời dồn dập ào tới, lúc vợ anh bỏ anh...

Sau các biến cố dữ dội và sau cuộc đổi đời nhiều người từng nếm trải, đời sống càng lúc càng khó khăn hơn. Quãng ngày tan hoang và ngổn ngang đó, Thụy Khanh sống với một mẹ già và hai đứa con của vợ để lại. Anh sống qua những ngày dài đói khổ và nhiều khi phải cố dằn lòng, soi vào gương và nhìn nụ cười của anh trong gương để tiếp tục sống. "Biết đâu... Ồ, nếu có một ngày... một ngày ở đâu đó, một tình yêu sẽ đến với ta. Có thể, khi đó vẫn còn chưa muộn." Đó là lời Thụy Khanh thầm nhắc nhủ anh, trong quãng ngày anh buồn như chiếc lá héo ủ rũ. "Một cô gái cũng nghèo như ta, cũng gặp biết bao đắng cay trắc trở. Và hai kẻ chịu nhiều đau khổ sẽ sống bên nhau những khi gió lạnh, sương chiều". 

*

Mãi đến năm nay, mái tóc đã nhuốm chút màu muối tiêu, Thụy Khanh vẫn chưa tìm được "cô gái nghèo" ông thường nghĩ tới. Sau khi mẹ ông bệnh nặng và qua đời, thời thế khiếp đảm sau cuộc biến đổi kinh sợ năm 1975 đẩy nhiều gia đình đến các vùng kinh tế mới, sống khốn khổ ăn uống qua ngày, còn người ở lại sống trong sợ hãi và không thể kể hết những người tù nhiều năm nằm nơi rừng sâu núi hiểm. Thụy Khanh là một trong hàng triệu người rời xa quê hương để tìm đất sống. Ông và hai con còn nhỏ dại bước lên chiếc thuyền mỏng manh nhưng chẳng thể biết ngày sau sẽ sống nơi đâu?

Qua vài năm sống dưới mái nhà vòm trong Trại tị nạn, rồi đến xứ sở này, ở nơi đây, Thụy Khanh may mắn gặp lại một người bạn ngày trước. Bạn ông làm tại tòa soạn một tạp chí trong vùng. Tờ tạp chí đã qua giai đoạn thử thách và sống được là nhờ sự thương mến của người việt quanh vài vùng lân cận. Bạn ông, viết báo với nhiều bút hiệu, nhưng bạn bè vẫn quen gọi ông là Hồng Thanh. Khác hẳn với tính tình trầm tĩnh của Thụy Khanh, Hồng Thanh là một người nhanh nhẹn và nhiều nhiệt huyết. Dường như ngay từ thời còn trẻ, Hồng Thanh đã không để phí một thời xuân. Ông xông xáo với niềm vui thích trong nhiều lãnh vực, quyết thực hiện bằng được hoài bão hằng ấp ủ. Những năm sống trong quân trường, và một thời xuôi ngược trên những vùng chiến thuật đã giúp Hồng Thanh có cái nhìn từng trải trong đời. Bước chân binh nghiệp của Hồng Thanh đã đi qua những đồi hoa sim, và có đêm Hồng Thanh nằm ngắm các vì tinh tú trên trời trong những đêm ngưng tiếng súng, anh mơ đến một ngày thanh bình trên đất Mẹ.

Cuộc đời lính chiến của Hồng Thanh nay đây mai đó, những cuộc hẹn hò và những ánh mắt trao... đến với anh đôi lúc thoảng qua như hương đời thơm ngát. Nhưng những mối duyên tình trong một thời khói lửa ngút trời đó, dẫu có đượm đà và thi vị đến mấy, kết cuộc cũng chỉ hai người hai góc trời nhớ tiếc khôn nguôi khi cuộc chiến vẫn chưa ngưng nghỉ. Trong một lần ghé qua nhà và nhân tiện một công đôi việc, Hồng Thanh cầm theo tác phẩm đầu tay của anh đến một nhà xuất bản cùng lá thư bạn anh nhờ gửi tới người chú họ làm ở đây. Gặp cơ duyên hay vận may xui khiến... chính nơi đây, Hồng Thanh tình cờ gặp cô con gái của Nhà xuất bản. Cuộc gặp gỡ ban đầu ngỡ như trong mơ. Chàng trai lính chiến với vẻ phong trần bên cô gái ngây thơ chưa biết một chút gì gió bụi. "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...", gần đúng câu thơ một thi sĩ đã viết. Hai người ngỡ chừng mến nhau từ hồi nào, nay lại có cơ duyên gặp lại. Chất men tình yêu thật diệu kỳ; ánh mắt trao nhau nồng nàn thắm thiết, vài lời tình tự bâng quơ làm xao xuyến con tim. Hồng Thanh trở lại quân ngũ, vẫn không quên nụ cười và ánh mắt trao duyên của người em gái nhỏ hậu phương.

( còn tiếp )

VVHP

**********************



onsdag 7 september 2016

đường gần đường xa





một ngày vui mới trên đường Bolsa, Quận Cam

*
đường gần đường xa

Có người dùng hình ảnh con tằm nhả tơ để nói về cuộc đời của người làm văn nghệ. Xét trên nhiều phương diện, hình ảnh này khó có thể chấp nhận. Trong lúc vui chuyện, người đời thường bộc bạch những nhận xét của họ. Những nhận xét đó có thể đúng và có thể sai. Đúng hoặc sai, còn tuỳ thuộc đối tượng họ nhận xét, tuỳ thuộc mức độ hiểu biết và sự từng trải trong đời của họ.

Như chúng ta thường thấy, quốc gia nào cũng có những người làm văn nghệ. Con đường nghệ thuật là một con đường có nhiều người dấn thân vào; có người vì vui với đời đã dấn thân vô, và có người tự nguyện bước chân vào để theo đuổi một chí hướng. Những thăng trầm lịch sử thường đẩy đưa hướng đời của nhiều người đến một nơi không định trước và cuộc đời của văn nghệ sĩ theo sự đẩy đưa đó trở nên phiêu diêu.

Trong cơn biến loạn của đất nước, bão tố cuộc đời, vì lý do này hoặc lý do khác, có văn nghệ sĩ đã từ bỏ những ước muốn trước đây họ có và rời xa con đường văn nghệ dù trong tâm họ chẳng đặng đừng. Họ trở về sống cảnh vui thú gia đình hoặc sống lặng lẽ, ít quan tâm đến những đổi đời trong giới văn nghệ, tìm con đường khác để mưu sinh dù tâm tưởng vẫn lưu luyến quãng đời trước đây họ đã sống.

Những ai ít nhiều dấn thân vào đường văn nghệ đều có chung một nhận định: đó là con đường không dễ đi, nhiễu nhương và có những rủi ro không lường trước. Đứng vững trên con đường đó đã là việc khó, bước tiếp để có thêm một bước tiến mới trong cuộc đời, nhận được sự tán thưởng của người đời là một việc cần nhiều tâm sức. Một người tài giỏi cũng có khi sa cơ lỡ bước. Sa cơ lỡ bước vì những nhận định chưa rõ ràng. Sa cơ, lỡ bước vì vài điều trước đó họ không lường đến.

Vì lẽ trên chúng ta hiểu thấu những bước tiến và những bước lùi của người làm văn nghệ. Có thể trong bước tiến có sự cẩn trọng và trong bước lùi có sự may mắn.

Người làm văn nghệ góp mặt với đời, nhận sự tán thưởng hoặc chê bai còn tùy tâm của công chúng. Thực ra, niềm vui trong đời những người làm văn nghệ không nhiều, còn những oan khiên, những trái ngang kể ra không hết.

Văn nghệ sĩ còn là những người bận rộn gần như suốt cuộc đời. Bận rộn để mưu sinh, bận rộn vì nghệ thuật. Chính từ hiện trạng đó nên có nhiều người cho rằng cuộc đời của người làm văn nghệ là một kiếp đa mang.

Một kiếp đa mang, nghĩa là một cuộc đời bận rộn nhiều việc. Xét ra, ít người thích sống kiểu chẳng mấy lúc rảnh này. Nhưng có những văn nghệ sĩ vẫn mỉm cười đời đa mang đó. Và riêng điểm này những người làm văn nghệ đáng được đời kính nể. Bởi vì, nếu văn nghệ sĩ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng dài ngày, quên luôn chức nghiệp phụng sự nghệ thuật, quên luôn công chúng. Ai là người vui đây? (1)


*

Đời của người làm văn nghệ thường có những cơ may và đôi lúc đối diện với vài hẩm hiu ngang trái. Văn nghệ sĩ là những người nhạy cảm. Họ có thể cùng người đời vui với niềm vui bất tận và cũng nặng lòng nỗi đau ly biệt quê hương.

Ai trong chúng ta chẳng đã hơn một lần nhớ về vài kỷ niệm thân thương nơi quê nhà. Yêu thương cũng có, mủi lòng cũng có, đắng cay cũng có và vững tin cũng có. Ai xa biệt quê hương chẳng ước mong một mai núi sông yên bình. Chính tình cảm yêu thương và niềm tin đó đã giúp chúng ta vững bước trên đường xa. Nhiều người làm văn nghệ thời nay đã có trong tâm tình cảm trân quí đó. Trí tưởng, tình cảm trong sáng tác và trong sự mải miết dấn thân trên đường nghệ thuật của họ đã đẩy lùi sự tẻ nhạt đời thường và gửi đến đời nhiều hoa thơm quả ngọt.

Những người vẫn trầm tư với nỗi đau nhân thế, thương đời phiêu diêu, ấp ủ niềm tin xa vời nhưng vẫn ráng làm ra được những món ăn tinh thần để đời thêm vui, thêm ý nghĩa: Đó phải chăng là những người làm văn nghệ có tấm lòng với núi sông dấu yêu, có niềm tin yêu nhân loại dù đường đời còn xa vời và tình người còn nhiều trắc ẩn? (2)

Vân Võ Hoài Phương

(1) Phần một Đường Gần Đường Xa đăng trên TIN VĂN (thông tin nghị luận về sinh hoạt văn hóa tại hải ngoại / bulletin d ́information du P.E.N. Club Vietnamien  en Europe .. Paris.), Xuân Ất Hợi, số 11 tháng 2. 1995; Và đăng trên tạp chí TỰ DO / FRIHETEN (Hội Văn Hóa Việt Nam tại Thụy Điển / Sveriges Vietnamesiska Kulturförbund), số 12, mùa Thu 1997.

(2) Phần một và hai Đường Gần Đường Xa đăng trên tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay (ấn bản tại Âu châu), số 3 tháng 1, năm 2002.

(Bài Đường Gần Đường Xa đăng trên TIN VĂN
và 2 số tạp chí kể trên, tác giả ký với bút hiệu Văn Hữu)

Bạn ưa mến Đường Xa Văn Nghệ vui lòng liên lạc và góp ý qua email:
Vanvohoaiphuong@gmail.com

      **********************