onsdag 7 september 2016

đường gần đường xa





một ngày vui mới trên đường Bolsa, Quận Cam

*
đường gần đường xa

Có người dùng hình ảnh con tằm nhả tơ để nói về cuộc đời của người làm văn nghệ. Xét trên nhiều phương diện, hình ảnh này khó có thể chấp nhận. Trong lúc vui chuyện, người đời thường bộc bạch những nhận xét của họ. Những nhận xét đó có thể đúng và có thể sai. Đúng hoặc sai, còn tuỳ thuộc đối tượng họ nhận xét, tuỳ thuộc mức độ hiểu biết và sự từng trải trong đời của họ.

Như chúng ta thường thấy, quốc gia nào cũng có những người làm văn nghệ. Con đường nghệ thuật là một con đường có nhiều người dấn thân vào; có người vì vui với đời đã dấn thân vô, và có người tự nguyện bước chân vào để theo đuổi một chí hướng. Những thăng trầm lịch sử thường đẩy đưa hướng đời của nhiều người đến một nơi không định trước và cuộc đời của văn nghệ sĩ theo sự đẩy đưa đó trở nên phiêu diêu.

Trong cơn biến loạn của đất nước, bão tố cuộc đời, vì lý do này hoặc lý do khác, có văn nghệ sĩ đã từ bỏ những ước muốn trước đây họ có và rời xa con đường văn nghệ dù trong tâm họ chẳng đặng đừng. Họ trở về sống cảnh vui thú gia đình hoặc sống lặng lẽ, ít quan tâm đến những đổi đời trong giới văn nghệ, tìm con đường khác để mưu sinh dù tâm tưởng vẫn lưu luyến quãng đời trước đây họ đã sống.

Những ai ít nhiều dấn thân vào đường văn nghệ đều có chung một nhận định: đó là con đường không dễ đi, nhiễu nhương và có những rủi ro không lường trước. Đứng vững trên con đường đó đã là việc khó, bước tiếp để có thêm một bước tiến mới trong cuộc đời, nhận được sự tán thưởng của người đời là một việc cần nhiều tâm sức. Một người tài giỏi cũng có khi sa cơ lỡ bước. Sa cơ lỡ bước vì những nhận định chưa rõ ràng. Sa cơ, lỡ bước vì vài điều trước đó họ không lường đến.

Vì lẽ trên chúng ta hiểu thấu những bước tiến và những bước lùi của người làm văn nghệ. Có thể trong bước tiến có sự cẩn trọng và trong bước lùi có sự may mắn.

Người làm văn nghệ góp mặt với đời, nhận sự tán thưởng hoặc chê bai còn tùy tâm của công chúng. Thực ra, niềm vui trong đời những người làm văn nghệ không nhiều, còn những oan khiên, những trái ngang kể ra không hết.

Văn nghệ sĩ còn là những người bận rộn gần như suốt cuộc đời. Bận rộn để mưu sinh, bận rộn vì nghệ thuật. Chính từ hiện trạng đó nên có nhiều người cho rằng cuộc đời của người làm văn nghệ là một kiếp đa mang.

Một kiếp đa mang, nghĩa là một cuộc đời bận rộn nhiều việc. Xét ra, ít người thích sống kiểu chẳng mấy lúc rảnh này. Nhưng có những văn nghệ sĩ vẫn mỉm cười đời đa mang đó. Và riêng điểm này những người làm văn nghệ đáng được đời kính nể. Bởi vì, nếu văn nghệ sĩ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng dài ngày, quên luôn chức nghiệp phụng sự nghệ thuật, quên luôn công chúng. Ai là người vui đây? (1)


*

Đời của người làm văn nghệ thường có những cơ may và đôi lúc đối diện với vài hẩm hiu ngang trái. Văn nghệ sĩ là những người nhạy cảm. Họ có thể cùng người đời vui với niềm vui bất tận và cũng nặng lòng nỗi đau ly biệt quê hương.

Ai trong chúng ta chẳng đã hơn một lần nhớ về vài kỷ niệm thân thương nơi quê nhà. Yêu thương cũng có, mủi lòng cũng có, đắng cay cũng có và vững tin cũng có. Ai xa biệt quê hương chẳng ước mong một mai núi sông yên bình. Chính tình cảm yêu thương và niềm tin đó đã giúp chúng ta vững bước trên đường xa. Nhiều người làm văn nghệ thời nay đã có trong tâm tình cảm trân quí đó. Trí tưởng, tình cảm trong sáng tác và trong sự mải miết dấn thân trên đường nghệ thuật của họ đã đẩy lùi sự tẻ nhạt đời thường và gửi đến đời nhiều hoa thơm quả ngọt.

Những người vẫn trầm tư với nỗi đau nhân thế, thương đời phiêu diêu, ấp ủ niềm tin xa vời nhưng vẫn ráng làm ra được những món ăn tinh thần để đời thêm vui, thêm ý nghĩa: Đó phải chăng là những người làm văn nghệ có tấm lòng với núi sông dấu yêu, có niềm tin yêu nhân loại dù đường đời còn xa vời và tình người còn nhiều trắc ẩn? (2)

Vân Võ Hoài Phương

(1) Phần một Đường Gần Đường Xa đăng trên TIN VĂN (thông tin nghị luận về sinh hoạt văn hóa tại hải ngoại / bulletin d ́information du P.E.N. Club Vietnamien  en Europe .. Paris.), Xuân Ất Hợi, số 11 tháng 2. 1995; Và đăng trên tạp chí TỰ DO / FRIHETEN (Hội Văn Hóa Việt Nam tại Thụy Điển / Sveriges Vietnamesiska Kulturförbund), số 12, mùa Thu 1997.

(2) Phần một và hai Đường Gần Đường Xa đăng trên tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay (ấn bản tại Âu châu), số 3 tháng 1, năm 2002.

(Bài Đường Gần Đường Xa đăng trên TIN VĂN
và 2 số tạp chí kể trên, tác giả ký với bút hiệu Văn Hữu)

Bạn ưa mến Đường Xa Văn Nghệ vui lòng liên lạc và góp ý qua email:
Vanvohoaiphuong@gmail.com

      **********************







  




Inga kommentarer:

Skicka en kommentar