fredag 30 september 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 2 )



 hai bông hồng một thời phiêu lãng (2)

Tác phẩm đầu tay của Hồng Thanh, in dấu một thời kỷ niệm qua các vùng chiến thuật, được in ra cũng là khi Hồng Thanh xuất ngũ bởi lý do sức khỏe và chuyển sang sống đời dân sự. Ông chủ nhà xuất bản trao cho anh tiền nhuận bút, với vẻ mặt chẳng lấy gì làm vui, khi biết anh đã chiếm lĩnh được trái tim cô con gái quý. Dẫu thế nào mặc lòng, Hồng Thanh và cô vẫn làm lễ cưới. Mẹ cô nói với bố vợ tương lai của anh: "Ông à, thương con thì ngon rau... ". Mãi sau, ông chủ nhà xuất bản mới chịu. Đám cưới, đương nhiên ông bố vợ phải ra tay giúp và khá tưng bừng với quan viên hai họ. Một bên là nhà gái, ăn mặc quyền quý kiêu sa, pháo đỏ rượu hồng và xe hoa lộng lẫy; một bên là Hồng Thanh và những người bạn chiến binh, với cuộc đời chiến trận, sờn vai áo lính. Đám cưới có vẻ một nửa nhà binh và một nửa phú thương.

Cô con gái Nhà xuất bản hợp duyên và tốt phúc, một phần bởi vẻ nết na đằm thắm sẵn có, một phần vì cô chăm sóc, cưng chiều Hồng Thanh với tình yêu chân chất. Có thể vì vậy, nên Hồng Thanh chẳng còn lòng nào mơ tưởng đến những người đàn bà khác. Niềm vui được sống bên nhau, những tháng năm đượm lửa yêu thương của hai người, và sức mạnh tình yêu đã tạo nên cho họ một đàn con. Riêng Hồng Thanh, bằng cây viết và bằng nội lực vui thích thời trẻ, sau vài năm trong nghề, anh quả thật là người có chân tài và gây dựng một cơ ngơi  không nhỏ.

Thụy Khanh còn nhớ ngày tình cờ gặp lại Hồng Thanh trong một siêu thị. Cái duyên văn tự giữa hai người vẫn không hề phai nhạt, tựa như câu hát xa xưa "biết nhau từ thuở se thừng, trăm chắp ngàn mối... ". Dáng vẻ Hồng Thanh vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ chẳng khác những ngày trước hai người gặp nhau trong tòa soạn báo do Hồng Thanh đứng tên chủ bút. Quãng ngày ấy Hồng Thanh kế nghiệp ông bố vợ quá xuất sắc, vừa làm báo lại vừa in sách, Bà mẹ vợ vui mừng hả dạ lắm, có hôm bà tươi cười nói với ổng: "Ông à, đúng là ông bà ngày trước ăn ở nhân đức nên con cháu có phước có phần".

... Được biết Thụy Khanh mới sang và còn bỡ ngỡ về nhiều thứ, Hồng Thanh đem những trải nghiệm chia sẻ với bạn. Hồng Thanh sống nơi đây đã lâu, gia đình ông trải qua nhiều cay cực khi mới định cư nơi này. Có những ngày hai vợ chồng rời nhà từ mờ sáng, đến xưởng làm tận tối mịt mới về, đàn con chẳng mấy khi có dịp chuyện trò cùng bố mẹ. Trong quãng ngày ly hương gây dựng lại không ít cực khổ và làm quên ngày quên tháng, đàn con nhỏ của vợ chồng Hồng Thanh chỉ còn biết nương tựa vào ông bà ngoại. Ngày tháng qua nhanh, những người cùng quê hương xứ sở quy tụ về nơi đây làm ăn sinh sống, mong có đời sống yên vui cùng người bản địa. Hồng Thanh, hồi còn sống trong nước có một quãng đời là dân làm ăn, đến nay với vốn liếng ban đầu ít ỏi, ông trở lại niềm ưa chuộng nghề nghiệp năm xưa và những năm này làm ăn khá tốt. Nhiều khi ngồi nghĩ ngợi, ông cũng chẳng rõ nhờ bí quyết nào giúp ông nuôi nổi tờ báo. Nói đến cơ may đưa đến trong nghiệp "báo bổ" quả thật khó, trước Hồng Thanh và sau ông, có vài người tài giỏi nhưng chỉ "gồng, gánh" một quãng thời gian không nhiều lắm. Với Hồng Thanh trong ngày gặp lại, ông không thể bỏ mặc bạn. Tuy nhiên ông cũng không khỏi đắn đo liệu tính vài việc trước sau.

Hồng Thanh vẫn biết vốn liếng ngoại ngữ của Thụy Khanh rất khá. Sau vài ngày gặp gỡ thân tình, Hồng Thanh đứng ra lo liệu giúp Thụy Khanh, bàn định với Thụy Khanh về việc dùng tài năng để sống. Và sau vài tháng nghỉ ngơi, sắp xếp ổn định nơi ở mới, Thụy Khanh dần dà làm quen, thực hiện tiếp công việc chuyển ngữ trước đây của ông.

Thụy Khanh từng thức trắng nhiều đêm trong nghề dịch thuật. Có những khi mệt mỏi, ông buông cây viết đứng dậy, trong giây phút cô đơn lặng lẽ, Thụy Khanh lại nghĩ đến "cô gái nghèo" của ông. Ông cảm nhận hương vị sầu mong của cảnh đời đơn lẻ. Những đêm khuya lạnh hình như làm tâm trí ông có thêm một chút vấn vương, trong ký ức thoáng hiện về những luyến nhớ một thời xa xôi diệu vợi. Niềm mong ước của Thụy Khanh theo tháng năm chậm đến chậm đi khiến ánh nhìn của ông có lúc hờ hững, nhưng bức tranh "cô gái nghèo" ông thường mường tượng, đã không phai mờ mà lại càng ngày càng rõ nét.

( còn tiếp )

VVHP

**********************

Inga kommentarer:

Skicka en kommentar