fredag 7 oktober 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 3 )


hai bông hồng một thời phiêu lãng (3)

Chiều nay, Thụy Khanh quanh quẩn gần vài chậu cây bên thềm nhà. Những lúc Thụy khanh cảm thấy trong lòng có điều chi mắc mớ, tâm linh của ông lại xốn xang một hoài vọng xa xôi.

Thụy Khanh tạm nghỉ công việc và dành ít phút với vài chậu cây bên vườn. Ông lễ mễ chuyển đôi ba chậu cây để ra ngoài nắng. Sau những cơn mưa tuyết cuối năm, bầu trời đã phơn phớt một màu xanh trở lại. Những tia nắng ấm chỉ hừng lên vài giờ nhưng cũng đủ xua tan đi ít nhiều cái giá lạnh của một mùa đông khắc nghiệt.

Chuyển xong vài chậu cây bên thềm, Thụy Khanh cảm thấy sức lực những năm xa xôi trở về trong đường gân thớ thịt, xương cốt tuổi xế chiều của ông được dịp hồi xuân có lẽ nhờ vào mấy chậu cây xanh mà lâu nay ông vẫn thường chăm sóc. Thụy Khanh ngắm nhìn mảnh vườn nhỏ trước hiên nhà, khoan khoái thở không khí trong lành và nhớ lại ngày ông từng quanh quẩn nhiều giờ trong các tiệm bán cây trồng khi Hồng Thanh dẫn ông làm quen với nơi ở mới.

Nhìn Thụy Khanh mải mê trong dãy nhà kính với cây lá muôn màu, Hồng Thanh chợt hiểu ra một điều thầm kín trong tâm tính Thụy Khanh. Ngày ấy, Hồng Thanh nói với ông "nghề dịch thuật cần một nơi tĩnh trí". Vài ngày sau, Hồng Thanh ra sức tìm kiếm để giúp Thụy Khanh và hai đứa con nhỏ của ông được ở một nơi yên tĩnh, có nhiều cây xanh, xa cách hẳn nơi đô thị ồn ã. Từ ngày Thụy Khanh chuyển về nơi ở mới, Hồng Thanh chưa một lần nói về tiền bạc bỏ ra lo liệu giúp Thụy Khanh. Chuyện mua nhà nơi đây xem ra chẳng đơn giản. Có người bỏ thời gian hàng tháng đi tới đi lui xem xét nhiều căn nhà đang rao bán, nhưng sau ba bốn năm dài vẫn lưỡng lự phân vân không biết cuối cùng sẽ mua nhà nào. Có anh bạn quen thân với Hồng Thanh từ ngày mới đến đây, sau gần mười năm làm việc cần kiệm, không chơi bời đàn đúm hụi lớn hụi nhỏ, mặc thiên hạ ganh đua các kiểu lạ đời, anh ta chỉ lo đi làm để dành tiền... thế rồi đùng một cái anh ta mua một căn nhà hai tầng. Nhà cao cửa thoáng, vườn rộng thênh thang. Thế nhưng ngôi nhà đứng biệt lập một nơi trống vắng, dân tây đôi khi ưa thích sống cảnh này, còn người mình có lẽ lâu ngày chịu không nổi. Quả vậy, chưa tới một năm căn nhà bỏ hoang. Chủ nhà không thể hàng tháng chi trả khoản tiền "khống", anh ta đành cho không một người bạn. 

Niềm vui lớn nhất với Hồng Thanh là việc lo xong nơi ở của bạn, việc này đòi hỏi nhiều tâm sức, am hiểu. Hồng Thanh và vợ ông (cô gái con của Nhà xuất bản ngày trước), vui mừng trong cảnh đàn con của họ và hai đứa con của Thụy Khanh vui đùa và quây quần bên nhau. Bọn trẻ bây giờ có nhiều cái ngộ đến mắc cười không kể đâu cho hết!


*

Sau vài năm trở lại với nghề dịch thuật, bằng các bản chuyển ngữ phóng khoáng, Thụy Khanh đem đến với người đọc nhiều hiểu biết có ích và đa chiều trên tờ báo do Hồng Thanh làm chủ nhiệm. Thụy Khanh thường chọn dịch các bài viết trên các tạp chí nổi tiếng uy tín, các bản tin về những cuộc thăm dò dư luận nóng hổi được cập nhật thường xuyên trên báo. Hồng Thanh biết bạn ông có niềm đam mê và sở trường về chuyển ngữ. Thụy Khanh thường ngồi từ giờ này tới giờ khác mải mê đọc tác phẩm cần dịch, và đương nhiên trong khi Thụy Khanh để hết tâm trí vào bản gốc, khó ai có thể lôi kéo 'con mọt sách' ra khỏi bài viết hay quyển sách được ưa thích. Những bản chuyển ngữ theo sát bản gốc do Thụy Khanh dịch thường uyển chuyển và ngôn ngữ gần gũi, thân thiện với đọc giả. Dù có khi cần dịch sát nghĩa hoặc đôi lúc dịch thoát ý, Thụy Khanh vẫn đem đến bản dịch của ông một gợi mở, một hài lòng thú vị với người đọc. Hồng Thanh rất vui khi biết ông có một trong những cây át chủ bài, tuy rằng cây át chủ bài này chưa hẳn đã nổi danh gần xa biết đến nhưng đích thực là lực hấp dẫn để bạn đọc gần tờ báo hơn. Mãi đến ngày tháng này, quá nửa đời người trong nghiệp "báo bổ", Hồng Thanh chợt hiểu ra và có lần ông tâm sự với Thụy Khanh "một đoạn văn hay, bao giờ cũng dễ hiểu và giản dị, nó làm tươi mát lòng người như một nụ hôn thoáng qua trong giây lát".

... Dưới giàn hoa leo bên thềm cửa, Thụy Khanh ngồi và lặng lẽ lấy ra từ túi áo choàng hai cây viết và cuốn sổ nhỏ. Hai cây viết Hồng Thanh tặng ông, còn cuốn sổ nhỏ dùng để ghi chép là cô con gái biếu ông sau một lần Thụy Khanh đưa tiễn một ... mối tình hờ ra phi trường. Hai kỷ vật này đánh dấu hai khúc ngoặt trong cuộc đời Thụy Khanh.


*
Những mảnh quá khứ thường trở lại trong ký ức Thụy Khanh mỗi khi ông nhớ về Diễm. Một thuở xa vời với những nắng mưa. Phút đầu tiên ông và Diễm nhìn nhau ngập ngừng, bỡ ngỡ. Một con đò nhỏ đứng đợi bên sông vắng. Bởi chiếc đò tròng trành nên khi cùng bước xuống thuyền hai người phải nắm vội tay nhau. Có phải giây phút này đã lướt nhẹ đoạn nhạc mở đầu một mối tình dang dở ?... Vạt áo dài màu hoàng yến của Diễm bay trong hoàng hôn màu tím, và, một cánh tay Diễm đưa lên chới với trong cảnh chiều tà. Con đò nhỏ rời bến và sóng nước hiện lên vô vàn những màu lấp lánh. 

Kỷ niệm ấy lắng đọng mãi trong hồn ông, dù giờ phút này, ông ngồi ở nơi đây, xa bến sông xưa muôn ngàn mây nước, xa mối tình đầu đã mấy chục năm. Ông và Diễm đã nói với nhau những gì, trong chiều hôm đó? Lúc bước xuống đò, Thụy Khanh nắm chặt một bàn tay mềm của Diễm, thoáng nhìn Diễm rồi nhẹ tay kéo Diễm lại gần, và rồi, một ngón tay Diễm dí nhẹ trên trán Thụy Khanh, chẳng hiểu tại sao lúc ấy hai người nhìn nhau cười khúc khích...


*

Những năm sau này, Hồng Thanh mải lo làm ăn nên ít biết tâm tư của bạn. Tuy thế, ít ra đã hơn một lần, Hồng Thanh gợi ý với Thụy Khanh về chuyện "con nuôi cha không bằng bà nuôi ông", rằng "con cái, mỗi đứa có phận riêng của chúng nó. Bọn trẻ, khi lớn khôn bước vào đời, mỗi đứa cũng cần một gia đình riêng". Và sau hết, Hồng Thanh nói xa nói gần, ông rất hãnh diện giúp Thụy Khanh "vượt mọi trở ngại" nếu một ngày Thụy Khanh tìm được "một người bạn song hành trên đường đời". Thụy Khanh tỏ ra chẳng mấy bận tâm về những chuyện ông vẫn nghĩ là ngoài tầm tay của ông, dù có đôi lúc Thụy Khanh bắt gặp vài phút bất ngờ khi một, hai "người đẹp độc thân không vướng bận" đưa mắt thoáng nhìn ông trong vài khoảnh khắc say đắm. Thụy Khanh thường nghĩ, nơi trái tim ông từng tôn thờ một người ông yêu thương, sức quyến rũ của tình yêu với Diễm tựa hương thơm vẫn còn phảng phất cùng ông theo năm tháng. Đến nay, Thụy Khanh vẫn bước lẻ loi trên đường đời với tình cảm riêng ông và bình thản sống tiếp.

Cảm thấy Thụy Khanh né tránh đề nghị ông đưa ra, Hồng Thanh tự biết việc này chẳng thể một sớm một chiều làm được, gượng ép nhiều có thể sẽ sứt mẻ tình cảm giữa hai người. Một hôm ghé thăm Thụy Khanh sau chuyến thăm người nhà nơi xa, Hồng Thanh tặng ông vài tặng phẩm, trong đó có hai cây viết rất đẹp tiện dùng khi cần đ́ến, và Hồng Thanh nói với lời chẳng biết vui hay buồn "thôi, từ nay, việc riêng của anh, anh tự chọn... đường anh - anh cứ đi !".  


*

Ngôi nhà một tầng Thụy Khanh hiện đang ở, so với các khu nhà lân cận, nhìn qua có vẻ ngoài xưa cũ. Con đường vào nhà lượn vòng, dẫn đến khoảng sân hình vuông trước hiên nhà có rải những viên sỏi nhỏ. Một ghế băng đặt gần góc vườn, dưới một cây liễu, tỏa xuống những cành lưa thưa như mái tóc điểm sương của một thiếu phụ. Thụy Khanh bước đến chiếc ghế băng dài. Những khi cần nghĩ ngợi, ông thường ra ngồi ở đây và nhìn về phía xa xa.

Vài bạn cũ đến thăm ông nơi đây, họ thường nói nơi này cô liêu và vắng vẻ; cũng theo nhận xét của họ, nơi đây có phong cảnh của "thiền". Riêng Thụy Khanh, ông lại thích vẻ đơn sơ bên ngoài ngôi nhà. Ông ưa màu vân muôn vẻ của những viên đá núi được ghép với nhau từng mạch trên tường nhà, màu sắc này hợp với tuổi tác của ông, nó gợi lên cho ông những cảm nghĩ sâu xa mỗi khi ông ngồi ngẫm nghĩ. Ngôi nhà đã chứng kiến ngày con trai ông lấy vợ. Đến nay, Hồng Thanh đối với ông, ngoài tình bạn bè thân thiết, giữa hai nhà còn có thêm mối quan hệ nữa: nhà Hồng Thanh vui lòng gả con gái đầu lòng cho con trai ông.

Trong việc này - theo Thụy Khanh nghĩ - duyên số chỉ là chuyện phụ. Mọi việc khởi đầu do Hồng Thanh dự tính, còn các việc tiếp theo được cả hai nhà nhiệt tình vun vén. Bạn bè Thụy Khanh và Hồng Thanh vui mừng cho cả hai gia đình, đôi trẻ vừa đôi phải lứa và cũng có vẻ quý mến nhau. Năm đầu, xem chừng 'hai cô cậu' xuôi chèo, mát mái. Sang đến một hai năm sau, khi đứa cháu nội của Thụy Khanh lẫm chẫm biết đi, không ngờ cậu con trai ông nghe phải một tiếng sét ái tình đánh cho nghiêng ngả. Quan hệ giữa hai nhà, đến hồi này, nhiều người đã nghĩ "hổng còn thuốc chữa!". Một, hai buổi hẹn hò của con trai ông với một cô gái cùng làm trong Hãng, đã đến tai nhiều người, đến tai Thụy Khanh và đến tai cô con dâu của ông. Hồng Thanh và Thụy Khanh, trước tin chẳng hay ho này, cả hai buồn rầu và nhiều lúc sinh ra bực dọc, thế nhưng nghĩ lại, thời tuổi trẻ của hai người có thiếu gì những chuyện như vậy! Có thể con trai ông, đến bước đường đời năm nay, bỗng bắt gặp một tình yêu ngoài sự sắp đặt trước. Và cơ sự, may thay, mới chỉ lẻ tẻ một hai lần hẹn gặp...

Chuyện xảy đến làm hai nhà sầu muộn. Hồng Thanh và Thụy Khanh ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Giữa khi hai người buồn bực chán nản về bầu không khí căng thẳng giữa hai gia đình, thì may thay bỗng nhiên cậu con trai Thụy Khanh "hồi tỉnh" lại. Cô gái mới thoáng bồ bịch với chàng đã thấy sự dan díu của cô làm cô và nhiều người khác khổ tâm. Cô đoạn tuyệt với chàng, và để chấm dứt vĩnh viễn mối tình xảy ra trong lúc cạn nghĩ, cô sống xa hẳn nơi đây, gần một người bạn cũ, để không còn lụy phiền về tình cảm một thời quá khứ.

Thụy Khanh và Hồng Thanh trải qua một phen lên thác xuống ghềnh. Vài ngày sau chuyện các "sắp nhỏ" trở lại bình an, một bữa ngồi uống trà với Thụy Khanh, Hồng Thanh cười vui, nói: "Trời đất! Thôi, tôi cạch đến già, chẳng mối lái cho ai hết. Ở đời đã có ông Tơ, bà Nguyệt rồi... Xém chút nữa thì hết thuốc chữa! Đúng là bọn trẻ bây giờ có nhiều cái ngộ thật".
Thụy Khanh và Hồng Thanh, cả hai nhìn nhau cười vui khi tình quyến thuộc giữa hai nhà trở lại hòa dịu.

(còn tiếp)

VVHP
**********************