tisdag 27 november 2018

Sưu Tầm Danh Ngôn Thế Giới


 * Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng,
      còn tính cách trưởng thành trong bão táp. ( Goethe  )

 * Đời không niềm vui là một cái đèn không có dầu. ( Walter Scott )

 * Yêu cái đẹp là thưởng thức. Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật. ( Ralph Waldo Emerson )

 * Không một tác phẩm nghệ thuật chân chính nào mà nhiên hậu 
     không làm phong phú thêm tự do nội tâm của mỗi người từng biết đến 
     và yêu thích nó. ( Albert Camus )

 * Những gì mà chúng ta trui luyện thành tính khí tốt thì suốt đời
        nó sẽ đi theo chúng ta. ( Humboldt )
  


 * Người nào có cái gì đó để say mê theo đuổi là người hạnh phúc. ( B. Shaw )                                                                
 * Sự tuyệt hảo đạt được từng chút một; nó cần bàn tay của thời gian. ( Voltaire )

 * Cuộc sống là một chuỗi bài học mà bạn cần phải sống mới hiểu được. 
    ( Helen Adam     Keller )
   
 * Một người luôn bận bịu với công việc 
     và có nhiều vấn đề để suy nghĩ sẽ thành công. ( Henry Ford
    
 * Tình yêu nâng cao con người thoát khỏi sự tầm thường. ( Pascal )

 *  Thôi thúc muốn có những chuyến đi
      là một trong những dấu hiệu đầy hy vọng của sự sống. ( Agnes Repplier )

 * Sống vô tư nhưng không khinh suất,
     vui tươi nhưng không ầm ĩ,
     can đảm nhưng không liều lĩnh. ( La Fontaine )

 * Tất cả những người đàn ông và phụ nữ thành công đều là những người mơ mộng.
      Họ mơ mộng về tương lai của họ, lý tưởng trên mọi phương diện; và rồi họ lao động
      mỗi ngày hướng về viễn cảnh đã mơ, mục tiêu hay cái đích tương lai. ( Brian Tracy )

 * Người phụ nữ tốt được biết qua cái mà cô ta làm.
     Người đàn ông tốt được biết qua cái mà anh ta không làm. ( H. Roulend 

 * Vợ không phải người tình mà là người bạn trăm năm. Và chúng ta phải sớm 
     tập làm quen với ý nghĩ yêu nàng khi nàng luống tuổi và cả khi nàng sẽ là
     một bà già. ( Belinsky )

 * Chỉ những người phải hoạt động 7 ngày liên tiếp trong tuần 
     mới nhận thấy giá trị của ngày Chủ Nhật. ( A. Bennet )

 * Mục tiêu của năm mới không phải là chúng ta cần có một năm mới.
     Cái chính là ta cần có một tâm hồn mới. ( G. K . Chesterton )

     Sỹ Linh sưu tầm

lördag 4 augusti 2018

Nhà Bên Đồi (7)


Chị Thơm lấy ra trong túi vải hộp trà giấy màu xanh, chị nói:
- Tuần trước, con gặp anh Hân. Anh nói, anh mắc việc bận nên không kịp đến thăm bố mẹ. Anh nhờ con đem hộp trà này đến và gửi lời chúc sức khỏe bố mẹ.

Ông Hân đón nhận hộp trà, niềm vui mới thể hiện trên nét mặt. Ông nói với bà Hân:
- Thằng Hân nhà này, nó đi đâu xa hay bận việc nó vẫn nhớ đến bố mẹ.
Nâng niu hộp trà trên tay, nhìn Thơm và Diệu, ông nói tiếp:
- Tháng trước, Hân có đến thăm bố. Hân nói, sắp đến mừng lễ sinh nhật mẹ, bố có dự định mới không? Bố nói, thì cũng đặt tiệc tiệm ăn trên phố như năm rồi. Trước tiên để cho gọn, sau nữa nhà mình đâu có nhiều khách khứa. Hân nghĩ một lúc, sau nói với bố, "Con chờ mẹ về, con sẽ hỏi mẹ. Nếu mẹ và bố ưa thích đi du lịch một, hai tuần. Con sẽ đặt vé tặng bố mẹ nhân dịp mừng sinh nhật mẹ năm nay."

Bà Hân nghe ông Hân nói đến đoạn nảy, bà cười:
- Nó giống y chang tính ông mà. Việc gì cũng lo tính trước. Có lần tôi nghe nó nói với con Thơm: "Yêu ai thì yêu và dứt khoát định lập gia đình với người nào thì tự quyết định. Nhưng nếu sống chung với nhau trong khi chưa có tiềm lực để làm đám cưới thì phải cho bố mẹ biết. Cần thiết phải để bố mẹ biết người mà mình đã lựa chọn trong đời."
Diệu nhìn mẹ, cô ngỡ ngàng hỏi mẹ:
- Ảnh nói hồi nào, sao đến nay con mới biết?
- Hân nói hồi con đang học nghề.
- Vậy là đã hơn ba năm rồi. Còn chị Thơm? Em chẳng hiểu việc này đến với chị như thế nào. Đến nay chị vẫn chưa lựa chọn xong ư?

Chị Thơm ngồi trong im lặng, hình như chị muốn nói điều gì đó nhưng ánh mắt chị có vẻ còn lưỡng lự. Bà Hân, một người trước nay vốn thẳng tính, ít khi chịu đựng nổi những giây phút căng thẳng kéo dài, bà nói:
- Chuyện lựa chọn là việc của mỗi người. Trong gia đình ai cũng mong muốn các con gặp được người tốt và sống hạnh phúc. Trước kia, mẹ có lần góp ý với Thơm, đã là con gái thì tính nết nên dịu dàng, kính già mến trẻ thì ai cũng cảm thấy thân thiết muốn gần gũi. Đừng có giữ tính cáu gắt, nói năng chộn rộn khó nghe. Ở quê mẹ, ngày mẹ còn nhỏ, người nào - nếu là con gái chưa chồng - quen nói cộc cằn, gắt gỏng dễ bị làng xóm mắng là "nói năng nhau nhảu chẳng khác chó cắn ma, có chó nó lấy!". Thế đấy. Mình là con gái, có lúc mình cần nghiêm túc nhìn lại mình, giống như nhìn mình trong gương. Biết ra tính xấu của mình, cần thiết phải sửa. Mẹ nói có đúng không?
- Mẹ ơi, chị Thơm năm nay khác với chị Thơm mấy năm trước. Con thấy rõ như thế.
- Ừ, mẹ cũng biết. Nhưng Thơm năm nay, ba mốt ba hai tuổi rồi, đâu còn bé bỏng gì. Hồi mẹ bằng tuổi Thơm bây giờ, con bế con bồng rồi.
- Bà này, bà so sánh bọn trẻ bây giờ với cách lập gia đình thời xa xưa của bà, tôi nghe không hợp chút xíu nào. - Ông Hân lên tiếng.- Bọn trẻ lúc này cần nhiều thời gian tìm hiểu nhau, rồi suy nghĩ lựa chọn.
- Tìm hiểu, rồi lựa qua lựa lại mấy hồi. Khiến bố mẹ sốt cả ruột, ông không thấy ư?
Diệu nói đỡ cho chị:
- Mẹ ơi, con nghe có người nói, "may gặp duyên, chẳng may gặp nợ". Có thể chị Thơm  lo ngại gặp xui xẻo nên chị cần nghĩ kỹ.

Ông Hân vừa pha ấm trà mới, vừa lắng tai nghe những lời đàm luận sôi nổi. Và trong một phút hứng khởi, ông góp lời:
- Bà này chẳng nhớ câu, "Phải duyên thì dính như keo. Trái duyên méo lệch giống kèo đục vênh!". Nó chưa gặp đúng người tốt, hợp với nó mà cứ ép nó sao được. Đúng không?
Bà Hân liếc nhìn chồng:
- Lúc nào ông cũng nói như Thánh phán!
Diệu cười, nhìn ông Hân với vẻ ưa thích, cô hỏi mẹ:
- Thuở bố mới gặp mẹ, bố có khéo nói như bây giờ không, hở mẹ?
- Ôi giời! Ông Hân này mà đã nói thì con kiến trong tổ cũng phải bò ra nghe!
- Thế là "phải duyên" rồi, đúng không bố?
- Đúng là dính hơn kẹo kéo. Đầu tháng sau, đi du lịch, mẹ còn kéo thêm bố đi để hộ tống.

Sau một phút chờ dứt tiếng cười, bà Hân nói:
- Để mẹ nấu cơm cả nhà ăn nhé.
Lúc này Thơm tìm trong túi vải lấy ra vài thứ và đặt lên bàn:
- Thưa mẹ, hôm nay là thứ Tư. Con và em Diệu bàn với nhau làm tiệc nhỏ mừng sinh nhật của mẹ trong gia đình. Con đã mua vài thứ này, ngày mai con và em Diệu mua thêm vài thứ nữa. Bố và mẹ muốn chúng con làm tiệc vào thứ Bảy hay Chủ Nhật tới?
- Tùy các con thôi. Theo bà, ngày nào tiện hơn?
-Ông biết tính tôi. Xưa nay tôi đâu quá quan trọng việc này. Ngày nào cũng được.
- Thưa bố mẹ, còn việc nữa, con xin phép nói thêm...
Thơm đưa mắt nhìn bố mẹ và nhìn Diệu, vẻ lưỡng lự khi nãy lại thể hiện trên nét mặt:
- Trong ngày mừng sinh nhật của mẹ, con xin được giới thiệu với bố mẹ bạn trai của con. Con rất mong bố mẹ cho phép con...
- Giời ơi! Việc quan trọng thế mà đến lúc này mới nói. Thôi, làm sớm cho xong sớm. Làm tiệc luôn thứ Bảy này, khỏi bàn qua tính lại. Ông này, con Thơm nó giống y hệt tính ông đấy. Chờ đợi, hồi hộp rồi đùng một cái, đúng vào ngày tôi chẳng mong đợi thì ông lại nói ông không thể sống xa tôi. Đúng là chuyện bố con nhà ông Hân. Ngày ông ngỏ lời lấy tôi, tôi vừa khóc lại vừa cười đấy.
Ông Hân đỏ mặt khi nghe tới chuyện cũ. Ông nói trống lảng:
- Cái b̀à này, chuyên môn nói chuyện 'giời ơi, đất hỡi'! Thiệt tình.

Diệu ghé tai chị Thơm, khẽ nói:
- Chị chẳng cho em biết trước việc này. Thật là vui, em chúc mừng chị.
Bà Hân bước đến gần Thơm, nhìn cô với vẻ âu yếm:
- Mẹ sẽ làm ba, bốn món ngon đặc biệt để đãi khách. Và còn có em Diệu giúp thêm vào, con không phải lo nhiều. Con đã nói việc này với Hân chưa? Rồi hả. Thế là rất tốt.
Sau vài phút ngẫm nghĩ, bà Hân nói:
- Ồ, định nói điều gì lại quên khuấy mất rồi. À, ông Hân này. Mai mốt ông cần đi đứng trông nghiêm chỉnh đàng hoàng. Một con rể tương lai đến ra mắt ông đấy.
- Thưa bố mẹ. Đến dự mừng sinh nhật mẹ năm nay, có thể có hai chàng rể tương lai của bố mẹ.
Ông Hân nhìn bà Hân:
- Tôi thật chưa hiểu, điều con Thơm vừa nói.
- Thưa bố, thưa mẹ. - Thơm cười, ánh mắt vui hướng về Diệu. - Chàng rể tương lai thứ hai là bạn trai của Diệu. Trước khi đến nhà bố mẹ, chúng con điện thoại đến H̉ải, là bạn trai của Diệu, mời Hải đến dự mừng sinh nhật mẹ và đến thăm gia đình. Chàng rể tương lai này sung sướng như được...
- ... Lên "tầu bay giấy" đấy, bố mẹ ạ! - Diệu nói thêm.
Thơm và Diệu nhìn nhau cười vui. Hai nét mặt rạng ngời, hai nụ cười hạnh phúc.

Vân Võ Hoài Phương

onsdag 1 augusti 2018

Nhà Bên Đồi (6)


Diệu theo chị Thơm bước đến bậc thềm gần cửa phòng khách. Hơn ba, bốn tháng sống xa mái nhà thân yêu của bố mẹ, nay trở về mái nhà xưa, nghe tiếng gió đùa vui với chùm chuông gió treo trên sân, nhìn các cánh hoa nhiều màu rực rỡ đua nở cạnh hàng giậu, gợi cho Diệu nhớ lại những năm mới lớn. Những ngày nắng Hạ trải trước thềm nhà, bố Diệu đứng trên chiếc ghế thấp, cắt tỉa cụm cây leo bên lối vào nhà, mẹ Diệu trải vuông vải dày cạnh thềm, ngồi lựa những chùm hoa vừa hái sau vườn, và chỉ một lúc sau, trên chiếc bàn giữa nhà đã có một bình bông tỏa hương thơm ngát.

Thời học sinh nhiều mộng mơ và rộn vui trong các kỳ nghỉ hè. Sáng sớm vừa thức dậy đã nghe tiếng đàn sẻ ríu rít sau vườn, và khi nắng mới lên lại nhìn thấy từng đôi bướm trắng, bướm vàng vờn đuổi theo nhau bên luống hoa ngoài ngõ. Diệu có lần nghĩ tới bài thơ cô định viết khi nhìn một đôi bướm bay lượn trên những cánh hoa. Đôi bướm bay quyện bên nhau, đuổi theo nhau rồi lại bay lượn bên nhau như đôi bạn thân thiết, giống như đôi tri kỷ suốt đời chẳng thể rời nhau. Hình ảnh trong bài thơ đã có nhưng tìm vận những câu thơ đầu nghĩ mãi vẫn chưa xong...

Tiếng chuông vang lên bên cửa. Chị Thơm bấm chuông tiếp lần nữa. Có tiếng khóa cửa kêu nhẹ và cửa vừa mở đã trông thấy ông Hân - ( Hân là tên con trai ông, những người quen biết gia đình ông nơi đây vẫn thường dùng cách gọi tên theo 'lối' cũ ) - với cặp kính trễ trên sống mũi, đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa vui mừng.
- Chúng con chào bố.- Chị Thơm nói- Bố ơi, hôm nay Diệu, cô con gái hay làm của bố về thăm bố đây.
Diệu mỉm cười tươi tắn, cô bước đến gần ông Hân:
- Con chào bố. Lâu nay bố có được khỏe không, bố? Mẹ của chúng con đâu rồi?
- Khỏe, khỏe! Mẹ các con đang ở sau vườn. Bà ơi, bọn trẻ đã đến!

Không khí trong gia đình như có thêm sức sống mới. Ông Hân, bà Hân nét mặt tươi vui nhìn hai cô con gái với ánh mắt rạng ngời và mỉm cười cảm thấy trong lòng đôi điều mãn nguyện.

( còn tiếp )

VVHP

fredag 27 juli 2018

NHÀ BÊN ĐỒI (5)


Nghe tiếng chân Hải bước bên thềm cửa. Diệu ngẩng lên nhìn. Hải ôm một vòng tay mấy chai nước lớn nhỏ nhiều màu và một tay cầm hai ly nhựa, anh nói:
- Hôm qua, anh mua thêm những chai nước này, để trong mấy ngày trời nóng vừa làm sân vừa uống. Em thường ưa uống thứ nào, cứ uống. Chai này là nước lọc, còn đây là nước suối. Những chai có màu này là...
- Nước các loại quả ép, đúng không anh?
- Đúng. Nhưng anh chưa uống thử loại nào. Mới tinh đấy. Bạn anh có lần nói, uống thứ nước nào hoặc ăn thức ăn nào, nhận biết trong người dễ chịu, khỏe hẳn lên thì thứ nước uống hay thức ăn vừa thưởng thức hợp và tốt với riêng mình. Em có tin không?
- Em uống nước đun sôi để nguội quen rồi, thảng hoặc thêm một ít nước cốt chanh, và bỏ vào vài viên đá lạnh. Em sống quen đơn giản thế. Nhưng, rất có thể, các thứ nước này tốt cho sức khỏe và tiện dùng. Để hôm nao em uống thử, rồi em sẽ nói tin hay không tin. Kìa, sao anh lại nhìn em, anh cười?
- Anh cảm thấy khó nói ra những điều anh vừa nghĩ. Quen biết em chưa lâu, nhưng anh học thêm được nơi em nhiều điều mới. Thật đấy!
Diệu cười:
- Anh biết không? Mỗi khi bố em được mẹ em khen, bố em bảo: "Thôi, Bà đừng có đưa tôi lên 'tầu bay giấy'!
- "Tầu bay giấy" là cái gì?
- Ôi, cái anh này. 'Tầu bay giấy', nghĩa bóng ngụ ý là khen quá mức. Thế nhưng, nghĩa đen là "đưa lên báo".
- À, anh hiểu rồi. Ngày trước, người ta gọi báo chí là 'tầu bay giấy'. Hay nhỉ! Nhưng Diệu này, anh còn muốn hỏi thêm.
- Anh cứ việc hỏi.
Hải cười vui:
- Anh muốn biết, khi bố em khen mẹ em, bố em nói như thế nào?
- Bố em bảo: "Cái bà này, chuyện ở đẩu ở đâu cũng biết. Để bà làm nghề phóng viên thì cả làng. cả phố rủ nhau kéo đến đầy nhà này để nghe bà "kể hành kể tỏi", kể hết việc trên trời kể tới việc dưới đất. Thiệt tình!".
- Em có tài kể hay nhỉ. Sau này... Ồ, lúc này nghĩ đến có thể còn quá sớm. Rất may anh có những ngày sống gần Diệu. Ngày mai...
- Ngày mai anh và em chẳng còn gặp nhau nữa rồi, anh Hải ạ. Anh và em sắp chia tay nhau.
- Kìa, em nói sao, Diệu? - Hải buông rơi chai nước cầm trên tay.
- Em nói thật mà. Sáng nay, em đến Sở làm. Em làm chừng một giờ, bỗng nhiên chị em điện thoại đến. Chị nói, em phải lên giúp chị gấp, việc cần. Liền sau đó, em xin nghỉ vài ngày nơi Sở làm. Cũng may, hiện nay Sở ít việc nên em được nơi làm ưng thuận. Em đã đặt vé, nhưng gần tối mới có một chuyến đến nhà chị. Những thứ này em mua khi qua phố, để hôm nay anh khỏi nấu nướng.
Diệu ngừng nói, cô nhìn giờ trong chiếc điện thoại cầm tay:
- Đến giờ em cần ra ga xe lửa. Em chúc anh ở lại luôn khỏe, vui.
- Diệu, sao em không nói trước để anh biết?-
- Hình như... em nhìn thấy, trong khóe mắt anh ngấn lệ. Thôi, đừng buồn anh nhé. Mấy ngày nữa em sẽ về. Tạm biệt anh !

(còn tiếp)

VVHP

söndag 22 juli 2018

NHÀ BÊN ĐỒI (4)


Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán cô gái đứng gần bên, Hải cười:
- Trông Diệu hôm nay có vẻ hơi khác thường. Hai tuần trước, ở chỗ ngang dốc, anh gặp một cô gái. Ồ, thật khó nói hết những điều anh còn nghĩ chưa ra.

Diệu cười vui vẻ, cô thoáng nhớ lại chuyện cũ:
- May là hôm đó anh nói "hết xăng". Anh mà nói "hết tiền", kể như...
- Kể như làm sao?
- Em nói đùa vui thôi. Nhớ lại lúc người ta kêu "hết!". Em thấy cái anh này trông tội nghiệp làm sao.
- Em cũng biết nói trêu anh, hử?
Diệu cười, những giọt mồ hôi vẫn lấm tấm đọng trên gương mặt có đôi má ửng hồng khiến Hải đứng sững trong giây lát, lần đầu tiên trong đời anh cảm nhận được vẻ đẹp của những giọt mồ hôi lấm tấm...
- Em nói thật mà.
Nhìn ánh nắng trải dài thêm trên sân, Hải nói:
- Đứng lâu ở ngoài nắng nóng không hợp với anh. Hai tuần rồi, anh sửa qua góc sân đúng vào mấy ngày nắng gắt, nên người anh cũng hơi oải. Chúng ta vào chỗ mát ngồi. Anh vào nhà lấy chai nước lạnh ra uống nhé.
Diệu mỉm cười, gật đầu bằng lòng đúng theo lời Hải nói. Lâu nay cô sống xa người thân, sau ngày tình cờ gặp Hải, Diệu cảm thấy đỡ cô đơn hơn. Những niềm vui thường đến với Diệu mỗi khi cô nghĩ về Hải.
Nơi góc sân có chiếc bàn và hai ghế dùng ngoài trời. Một người quen trong dãy nhà nói với Diệu về chủ hộ trước, nay ông dọn về ở với người bà con nên trả lại nhà, bàn ghế cũ ngoài sân là của  chủ trước căn hộ để lại. Nhà Hải ở tầng dưới, nằm gần giữa đường dốc. Căn hộ ở cuối dãy nhà, mảnh sân nhỏ bỏ hoang lâu ngày chẳng thấy một cây hoa mọc, còn hàng dậu gỗ gần lối rẽ vào nay đến lúc cần sang sửa lại. Diệu nhìn quanh sân và cô nhớ đến tiệm bán cây mới ngày nào cô vừa đến.

(còn tiếp)

VVHP   

fredag 20 juli 2018

NHÀ BÊN ĐỒI (3)


Những ngày trước khi chuyển đến sống nơi có những dãy nhà hai tầng giữa triền đồi, Hải tạm ở chung với người bạn anh chơi thân hồi hai người học chung trường dành cho di dân. Trong căn hộ nhỏ của bạn anh, có phòng bếp dành cho một người, phòng đi vệ sinh và tắm. Phòng chính trong nhà, nếu một người ở thì cũng tạm ổn, có thể đặt chiếc giường cỡ vừa, chiếc bàn và hai ghế tựa. Nhìn diện tích chừng hai mươi mét vuông của phòng chính, còn có thể kê thêm một chiếc tủ nhỏ để đựng những thứ thường dùng. Đây là căn hộ một người ở trong "lô" nhà có lẽ xây dựng xưa đến bốn, năm chục năm trước. Nhà bê tông nên bền chắc, gió bão chẳng hề lay chuyển, ấm áp trong mùa đông nhưng về mùa nóng có hôm cảm thấy nóng bức khó ngủ, nhất là về ban đêm. Tuy nhiên bù lại, phòng bếp và phòng chính có cửa sổ mở nhìn ra phía xa, khiến căn hộ thoáng mát thêm ít nhiều vào những ngày nóng nực.

Nói qua vài nét trên để thấy Hải từng sống cảnh 'ra đụng vào chạm' với bạn anh trong căn hộ thời anh "ăn nhờ, ở đậu". Đến tuổi trưởng thành, thường thường ai cũng muốn có một đời sống riêng tư. Còn vì lý do ngoại lệ buộc phải sống chung với bố mẹ, anh chị em thì đành chịu, bởi mấy ai nỡ dứt bỏ tình thân thương trong gia đình. Nhiều đêm Hải nghĩ về cảnh sống phiền toái của bạn anh và của anh. Tuy bạn anh không nói ra nhưng bản thân anh luôn cảm thấy bứt rứt mỗi khi anh chợt nghĩ tới một mái ấm của riêng anh trong những ngày tháng sắp đến.


- Anh nghĩ gì mà đứng ngoài trời nắng thế? 
Hải đang nhớ lại quãng ngày qua anh sống, bỗng anh nghe tiếng Diệu nói. Lúc này nắng mới một ngày hè trải dài bên thềm cửa phía sân sau nhà Hải.
- Anh đoán thử xem, hôm nay em mua thứ gì tặng anh. Anh nhìn này, trong giỏ của em, có món dùng ngay và có món để chiều xuống mới thưởng thức. Đố anh là những thứ gì?
- Nói đến món. Anh nghĩ ngay là các món này chỉ để "măm măm". Đúng không?
- "Măm măm", nghĩa là ăn, có phải không? Ôi, anh chàng! Sau này anh lấy phải cô vợ lười đi chợ có lẽ cả đời chỉ có măm măm mì gói. Thương cho anh nhiều hê!

(còn tiếp)

 VVHP 

måndag 16 juli 2018

NHÀ BÊN ĐỒI (2)

truyện ngắn

Nhà Bên Đồi

Khoảng sân sau căn hộ hai phòng dành cho độc thân, nơi Hải vừa chuyển vào ở, vẫn còn nhiều việc phải làm. Gần hai năm trước, Hải ghi danh xin nhà trong vùng, nhưng anh chờ mãi vẫn chưa đến lượt. Theo thông lệ, nếu trong dãy nhà có người chuyển đi, ngày ấy mới có người được chuyển vào ở. Dịp may đến với Hải vào lần cuối, khi anh đến Sở Nhà Đất - nơi chuyên trách về chỗ ̉ở dân cư trong vùng.  


Hiện thời cơ may đến với những người xin nơi ở mới gần như rất thấp, bởi tại nơi đây, số gia đình chuyển đi vùng khác rất ít, còn người ghi danh xin nhà mới nhiều thêm sau mỗi tuần mỗi tháng. Biết thế, nhưng Hải không nản lòng. Hàng tháng anh cố dành thời giờ đến Sở Nhà Đất, thành thử nhân viên và trưởng phòng cấp nhà mỗi lần thoáng thấy bóng dáng Hải, họ cũng có phần ái ngại cho cảnh sống chưa ổn định của anh. Còn Hải, sau mỗi lần ngồi chờ đến số gọi vào gặp, anh sống trong khoảnh khắc hy vọng thì ít, còn nỗi lo hẫng hụt cứ đeo đuổi anh chẳng rời.     

Khác hẳn vài lần gặp trước, trong lần gặp cuối, ông trưởng phòng trợ giúp nhà ở vừa thoáng nhìn gương mặt có bộ râu mép của Hải, ông mỉm cười với vẻ mến khách. Ông mời Hải ngồi và kéo ngăn bàn lấy ra bản chính quyết định cấp nhà. Ông nói đại khái, "Rất may cho anh hôm nay vừa có người trả nhà. Và may hơn nữa, anh đến đúng lúc. Giấy nhận nhà đây, mời anh ký tên vào. Tôi được biết hãng xưởng anh làm gần vùng đồi này. Đây là dịp tốt đến với anh. Ở nơi này, xa thành phố lớn nhưng đời sống dễ chịu, cảnh thiên nhiên vùng đồi núi những tháng hè này mát mẻ lắm! "

Hai ngày sau, khi mặt trời vừa mọc, Hải thức dậy, anh gom gọn áo quần cùng vài ngăn giấy đựng sách báo, băng đĩa nhạc - 'tài sản' thời mới bước vào đời - để vừa nơi sau ghế lái và lên đường, quên tuốt việc đổ xăng để đến nơi ở mới.

(còn tiếp)

VVHP

söndag 8 juli 2018

NHÀ BÊN ĐỒI (1)



truyện ngắn

NHÀ BÊN ĐỒI


Dãy nhà Diệu ở và dãy nhà Hải ở cách nhau một sân đậu xe rộng. Hồi Diệu mới chuyển đến, hai dãy nhà chưa có một cư dân người Á đông. Cô gái tóc đen vừa chớm tuổi đôi mươi, tóc để ngang vai, vẻ mặt vui tươi, sống đơn thân và bản tính hay giúp người dần dần trở nên thân thiết với hàng xóm láng giềng. Chỉ có điều vải người quen biết cô nơi đây, họ gọi tên cô không đúng như cô mong đợi. Mỗi khi gặp cô, họ chào: "Hây, Diều!". Diệu vui vẻ chào những người thân quen ưa mến mình và cô thoáng mỉm cười, có vẻ vào lúc đó, cô dướn đôi mắt thanh xuân nhìn bầu trời, nhớ lại những cánh diều bay bổng giữa trời xanh.

Diệu sống bình thường như những cư dân khác nơi triền đồi yên tĩnh và cô ít bận tâm nghĩ tới hạnh phúc của mình. Cho đến một ngày, hôm ấy là cuối tuần, quãng ngày này Diệu còn học nghề, kèm theo thực tập trong một hãng nhỏ gần nhà, nên cô được nghỉ ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật. Ngày nghỉ rảnh rỗi, sáng sớm vươn vai thức dậy, thở không khí mát lành ban mai ùa vào trong phòng khiến cô gái trẻ cảm thấy lâng lâng một niềm vui thích vừa chợt đến. Diệu thay đồ mặc đêm hôm trước. cô chọn bộ quần áo thể thao được ưa thích nhất và tự thưởng cho mình - cô vẫn nghĩ thế trước khi chạy bộ - một sáng sớm yên bình, một cuộc chạy bộ nhiều thú vị với cây cỏ mới thức dậy bên triền đồi. Những hoa nhỏ xinh xinh bên đường, những chồi non mới nhú trên cành đón nắng mới, cả tiếng chim hót gần xa; những hình ảnh, âm thanh quyến rũ này lướt qua rồi lại thay đổi tiếp khung màu rực rỡ  khác, mát dịu và làm đẹp thêm toàn cảnh bức tranh thiên nhiên trước mắt Diệu.

Diệu còn nhớ, có lần giữa cuộc chạy bộ, cô dừng lại bên đường, ngồi dưới một tàng cây màu xanh sẫm cô ưa thích. Diệu ngắm nhìn quãng đường ngắn dẫn lên đỉnh đồi. Nơi đây, bên lối mòn đường chạy bộ có một tháp nước lớn. Tháp nước được bơm nước theo đường ống và trữ nước sạch để dân quanh vùng dùng. Công trình xây dựng để đựng chứa nước này có thể đã hiện diện nhiều năm trước, nước sơn bên ngoài với ngày tháng đi qua nay phai màu nhưng kiểu cách tháp nước vẫn còn khiến ai qua đây một lần khó thể quên.

Diệu từng vài lần ngắm nhìn quang cảnh nhiều màu sắc của các khóm cây mọc gần tháp nước, bên cạnh lối chính lên đầu dốc. Cô ước ao có được cái tài của những họa sĩ để vẽ lại bức tranh phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời nhiều lần cô nhìn ngắm. Rồi Diệu lại ước mong sẽ có ngày cô nghĩ được những ý thơ hay, làm xong bài thơ thấm đượm cảm xúc, mà mới đọc một hai câu thơ đầu người yêu thơ đã như thấy cảnh đẹp hoa, lá, cành, hương thơm, vẻ đẹp các loài hoa. Có lúc cô tự hỏi, tại sao nhiều họa sĩ nổi tiếng họ tài giỏi thế? cũng các bút vẽ, hộp màu, khung vải... vài người có thể mua sắm không khó nhưng danh phẩm để lại cho người đời nhớ đến vẫn còn hiếm hoi. Và những người thường băn khoăn nghĩ tới bài thơ chưa đụng tới như có ai nói, "bài thơ hay nhất là bài thơ sẽ viết", đến ngày nào đó họ sẽ thành công chăng? Trong suy nghĩ của Diệu, đôi lúc cô cũng tin rằng bài thơ cô thầm nghĩ đến có thể là bài thơ hay, bởi cô từng nghe nói những bài thơ "chưa đoạn kết" lại là những bài thơ hay nhất.


Trong giờ chạy bộ và những lúc dừng chân nghỉ bên đường dốc quanh đồi, Diệu đôi khi nghĩ về một điều mới nảy nở trong tình cảm của cô. Đương nhiên một cô gái ở tuổi thanh xuân, trước hay sau thể nào cũng có lúc nhìn ngắm mình trong gương rồi bâng khuâng nghĩ ngợi. Điều này hẳn nhiên có chút  hấp dẫn, lãng mạn giống ta thưởng thức bản nhạc trữ tình thuở ban đầu mới gặp. Và với riêng Diệu, cái ngày 'định mệnh' hôm ấy, ngày cô gặp Hải thật tình cờ. Cô còn nhớ mãi khung cảnh lần đầu Diệu thoáng thấy hình dáng cái anh chàng chẳng hẹn mà gặp này.

Một ngày cuối tuần bình thường giống nhiều ngày Diệu chạy bộ quanh quãng đường trên triền đồi. Khi cuộc chạy bộ gần xong, về đến đoạn đường gần hết dốc, Diệu nhìn thấy một thanh niên, dáng người dong dỏng, có bộ râu mép do lâu ngày lười không cạo, nhưng cũng có thể anh ta để râu theo xu hướng mới. "Trông bộ ria mép này có vẻ hơi nghịch ngợm nhỉ?". Diệu nghĩ thầm. Nhìn anh ta đứng cạnh chiếc xe nửa cũ nửa mới nằm không động đậy giữa đường ngang dốc, vẻ mặt bi quan thấy rõ, Diệu cảm thấy không nỡ lòng nào bỏ qua, bản tính tự nhiên hay giúp người khiến cô ngừng chạy. Diệu đứng lại ngang tầm chiếc xe nằm ì giữa đường, cô bước đến gần chủ chiếc xe lúc này tựa lưng bên chiếc xe xui xẻo. Diệu hỏi với vẻ thân thiện:
- Xe của anh làm sao thế? Anh có cần tôi giúp không?

Sau một phút im lặng, chàng thanh niên ngó qua cô gái có khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi, vóc người mảnh khảnh, ánh mắt và giọng nói thân tình. Nhưng cũng sau giây phút này, chàng chỉ nhìn thoáng qua màu sắc có phần hơi chút màu mè bắt mắt của áo quần thể thao cô gái mặc, vẻ mặt chẳng thay đổi, thậm chí đôi môi còn mím lại, có vẻ muốn nói, "cô thì giúp được cái gì!". Rồi bỗng nhiên, anh ta thảng thốt kêu lên như nói với chiếc xe lấm đầy đất cát đường xa của mình:
- Hết xăng !

(còn tiếp)

Vân Võ Hoài Phương 
          

lördag 27 januari 2018

DANH NGÔN - Túi khôn của NHÂN LOẠI (2)




  * Kính nể mọi người đó là một trong những cách ngôn đầy thánh thiện và khôn ngoan. ( Blackie )

  *  Người khôn ngoan, hoạt động biết sức mình và dùng nó chừng mực, cẩn thận. ( Goethe )

  * Sự khôn ngoan khiến người ta tồn tại, nhưng đam mê giúp người ta sống. ( Pau Éluard )

  * ... Tâm hồn luôn luyện tập, ngày càng chín chắn hơn, tự chủ hơn, tránh khéo léo và chịu đựng
  vững chắc sự đụng chạm của mọi nguy hiểm, người ta không còn cảm thấy già nữa. (Dé Charnage )

 
  * Hôn nhân cũng như hắt hơi : Ngay cả khi bạn có cảm nhận được nó, bạn cũng không thể cản
   nó lại. ( Ngạn ngữ Nga )

  * Tìm cách sửa đổi khuyết điểm tự nhiên của kẻ mình yêu là dấu hiệu điên dại...( Henry Fielding )

  * Hiểu biết ích lợi nhất, danh dự nhất và bận tâm của phụ nữ là hiểu biết về nội trợ. ( Montaigne )

  * Ở đâu đàn bà được tôn trọng thì thần thánh hài lòng. ( Cách ngôn Ấn Độ )


  * Viết hay đó là vừa tư tưởng đúng, cảm đúng và diễn tả đúng : Nghĩa là có một trật tự tinh thần, tâm hồn và nhãn thức. ( Buffon )

  * Tính chuẩn xác của ngôn ngữ là nền tảng của phong cách đẹp. ( Aristoteles )

  * Khối óc chỉ là một thửa đất cằn cỗi, sẽ khô cằn và không tạo nên hoa trái trừ khi nó được
vun trồng và chăm sóc bởi những chất liệu mới. ( Sir J. Reynold )

  * Lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng. ( Winston Churchill ) 

  St. Hữu Điển sưu tầm

fredag 12 januari 2018

kỷ niệm thật nhiều (12)



  Nhiều người đã gọi nơi định cư mới của họ là quê hương thứ hai. Với tôi, Thụy Điển - là quê hương thứ hai của tôi và gia đình. Nơi chúng tôi đến đây từ hơn hai mươi năm trước.

Trong Vương quốc Thụy Điển, như nhiều người đã biết, từ rất nhiều năm trước nhà nào cũng có một ấm pha cà phê. Đây là đồ dùng rất cần thiết trong nhà, dẫu đó là gia đình loại khá hoặc nghèo. Bạn bè hay người thân quen đến thăm khi bước vào phòng khách, sau vài lời thăm hỏi xã giao là đã thấy chủ nhà đặt nước pha một ấm cà phê mới, và thường bên ly cà phê thơm, người ta còn thấy đĩa bánh ngon có thể chủ nhà tự làm đặt trên bàn để đãi khách. Khách từ phương xa tới, trong lần gặp đầu, thấy được cảnh hơi khác lạ này, tự hỏi lòng và có khi ngỡ  chủ nhà  nhầm mình với một nhân vật đặc biệt chăng? Nhưng không! Hiểu ra mới biết đây là cách tiếp đãi rất thường của người dân Xứ Thụy nhiều năm qua từ nơi phố xá đông vui tới những vùng thôn dã hẻo lánh. Còn trong các hãng xưởng dù to hay nhỏ, chiếc ấm pha cà phê và những đĩa bánh miễn phí không thể thiếu, để, trong giờ nghỉ mười lăm, hai mươi phút hằng ngày, nhân viên và người làm có dịp ít nhiều được tăng sức lực nhờ những ly cà phê. Hôm nao bỗng nhất thời "cà phê hết nhẵn, bánh trái chẳng còn" thì tinh thần làm việc  trong hãng, xưởng nói chung và những chuyện gặp gỡ vào giờ cà phê nói riêng, rõ ràng chẳng còn nhiều hứng khởi. Và chiếc ấm pha cà phê đứng lẻ loi gần bếp nấu, nhìn thoáng qua cũng chẳng thấy vui như vài lần chuyện vãn hàn huyên bữa trước.

Gọi là "ấm pha cà phê", e rằng chưa hẳn đúng, rõ ràng hình ảnh "ấm" này khác hẳn "ấm pha trà", vì loại "ấm đun" cà phê bằng điện này có vài bộ phận như: nơi đựng nước, chỗ để cà phê, tầng dưới là bình chứa 'nước cốt' cà phê, và dưới cùng là 'bếp' ; nơi vừa đun nước nóng và cũng là nơi giữ độ nóng của bình đựng cà phê đã qua lọc. Bạn là người uống cà phê lâu năm, bạn có thể vào các siêu thị lớn hoặc tới những tiệm bán cà phê hoặc nhận xay cà phê, bạn sẽ thấy rất nhiều loại đồ pha cà phê, từ loại lọc bằng giấy đến loại lọc bằng phin, từ loại "ấm đun cà phê" nhỏ nhắn xinh xinh dùng cho một người đến loại "ấm pha cà phê" cỡ bự dùng cho gia đình có năm, bảy người. Có vài hãng sản xuất ấm pha cà phê được dân chuộng uống cà phê cũng như dân ưa chuộng thẩm mỹ rất thích các sản phẩm của họ. Còn gì hãnh diện hơn khi khách uống cà phê trong phòng bếp nhà bạn bỗng chợt nhìn thấy một chiếc ấm pha cà phê kiểu cách điệu đà sang trọng quý phái mà dẫu họ là dân sành điệu uống cà phê cũng phải vừa nhâm nhi ly cà phê vừa liếc nhìn chiếc "ấm" với ánh mắt nể phục! Ở Xứ Lạnh, mỗi sáng sớm uống một ly cà phê thơm trong phòng bếp (phải là trong phòng bếp, đúng vậy!), hẳn nhiên ai đó sẽ thấy phảng phất đâu đây những mới lạ của một sớm tinh mơ. "Ly cà phê" sáng còn thấy xuất hiện ở nhiều nơi trong các bài thơ, bản nhạc và có Nhà đài ti-vi, đưa chương trình "cà phê sáng" trên màn ảnh nhỏ được nhiều bạn xem ti-vi gần xa ưa thích. 

Có một khác biệt với nhiều nước khác là ở Thụy Điển, trên các sản phẩm cà phê, cũng như trong sách, báo người ta viết là kaffe. Thí dụ, dòng chữ dễ nhận thấy in trên một gói cà phê mua trong siêu thị người ta thường đọc được là "KAFFEROSTERIET (.../.) 1906"; nghĩa là loại cà phê (.../năm) 1906. Hiểu ra, người ta biết thêm là loại cà phê này đã có từ năm 1906. 

Đôi khi ngồi uống cà phê, tôi tự hỏi: Hình như có chút chi đó mình chưa hiểu rõ về ... cà phê. Cà phê, trong tiếng Pháp là café; còn trong tiếng Anh là coffee. Trong tiếng Thụy Điển, gốc gác từ xa xôi nào lại là kaffe ?

Gần đây, tôi mới biết đôi chút liên quan đến nguồn gốc chữ kaffe:
"Người ta  tin rằng tỉnh Kaffa của Ethiopia chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê. Từ thế kỷ thứ 9 người ta đã nói đến loại cây này ở đây." ( Wikipedia tiếng Việt )

Có nơi, người ta gọi thứ nước uống cà phê là loại "đồ uống thơm ngon", và có người tin chắc là mỗi ngày uống một, hai ly cà phê có thể giúp họ giảm cân. Trong một dịp rất tình cờ, tôi đã đến thăm San Francisco, và ở nơi đây, cũng lại rất tình cờ, tôi được thưởng thức "một ly coffee Starbucks chính hiệu" từ tay người bạn tuy mới gặp nhưng đã là tri kỷ tri ân. Nhớ loáng thoáng anh bạn bảo, "Hễ nghe ai nói tới coffee Starbucks, dân ưa uống cà phê hẳn phải 'ngả nón, nghiêng mình' lúc nhớ lại hương vị đượm chất chẳng thể quên được này. Nào, mời anh nâng ly!". Có lẽ anh chưa từng biết tôi cũng là dân uống cà phê từ năm 17, 18 tuổi - nhưng thôi! - để tôn trọng lời tán tụng về 'đại danh' coffee Starbucks của anh, thật sự tôi nghĩ, đây là lần đầu tiên trong đời được nhấp ngụm coffee Starbucks, hẳn nhiên đây là dịp hiếm quý trong đời, và tôi rất vui vì có thêm hạnh phúc mới, hạnh phúc bởi có thêm một bạn cà phê !

Chuyến đến thăm San Francisco thật là một chuyến du lịch 'đáng đồng tiền bát gạo'! Anh bạn tri kỷ họ Trần ( trong đời tôi từng gặp vài anh họ Trần, rất tốt. Hay thế ! ) dẫn đường đưa tôi đến nơi có cột ăng-ten cao ngất, nhìn xuống "San Fran" như anh gọi thân thương quê hương thứ hai của anh.

San Francisco gần biển, nên sáng sớm có nhiều làn sương mờ lan tỏa, tiết trời lúc đó se lạnh gần giống thời tiết lành lạnh của Xừ Thụy Điển.

Vân Võ Hoài Phương
 ( 13 mars 2010 )
 Bài cũ / bổ sung tháng 1. 2018

onsdag 3 januari 2018

DANH NGÔN - Túi khôn của NHÂN LOẠI


hoa vườn nhà (mùa hè 2017)

  * Bất kỳ ai dừng học đều già, dù anh ta ở tuổi hai mươi hay tám mươi.
      Bất kỳ ai đang học tập đều  trẻ. Điều vĩ đại nhất là giữ tâm hồn bạn trẻ trung. ( Hery Ford )

  * Sách - người bạn đường của những ngày gian khó. ( Aleksandr Puskin )

  * Ở đời, gặp nhiều khi phải chơn thành giản dị mới là cách cư xử rất khôn khéo. ( La Bruyère )

  * Có những người mang trong mình sự phong phú và vui tươi,
      và họ truyền thông cho kẻ họ giao tiếp. ( Twolfe )

  * Người điều độ là người biết vừa phải trong những ham muốn của mình. ( Platon )

  * Làm việc mãi cái gì cũng đi đến nơi đến chốn. ( Virgille )

  * Cười với vui đều cần thiết cho người đời. ( Alphonse Karr )

  * Hành động trong lúc giận dữ là tự làm đắm thuyền mình
      trong biển lặng sóng yên. ( Ngạn ngữ Đức )

  * Trời giúp kẻ tự giúp mình. ( B. Franklin )

  Lịch sử chân chính của một người không phải ở trong điều họ đã làm
        mà ở trong điều họ muốn làm. ( Thomas Hardy )

  Giáo dục của một dân tộc được xét đoán theo cách nó cư xử ngoài đường. ( E De Amicis )

 Có tinh thần tốt đẹp chưa đủ, chính yếu là phải áp dụng nó chu đáo. ( Descartes )


      ST. Hữu Điển sưu tầm, tháng Giêng 2018.