fredag 12 januari 2018

kỷ niệm thật nhiều (12)



  Nhiều người đã gọi nơi định cư mới của họ là quê hương thứ hai. Với tôi, Thụy Điển - là quê hương thứ hai của tôi và gia đình. Nơi chúng tôi đến đây từ hơn hai mươi năm trước.

Trong Vương quốc Thụy Điển, như nhiều người đã biết, từ rất nhiều năm trước nhà nào cũng có một ấm pha cà phê. Đây là đồ dùng rất cần thiết trong nhà, dẫu đó là gia đình loại khá hoặc nghèo. Bạn bè hay người thân quen đến thăm khi bước vào phòng khách, sau vài lời thăm hỏi xã giao là đã thấy chủ nhà đặt nước pha một ấm cà phê mới, và thường bên ly cà phê thơm, người ta còn thấy đĩa bánh ngon có thể chủ nhà tự làm đặt trên bàn để đãi khách. Khách từ phương xa tới, trong lần gặp đầu, thấy được cảnh hơi khác lạ này, tự hỏi lòng và có khi ngỡ  chủ nhà  nhầm mình với một nhân vật đặc biệt chăng? Nhưng không! Hiểu ra mới biết đây là cách tiếp đãi rất thường của người dân Xứ Thụy nhiều năm qua từ nơi phố xá đông vui tới những vùng thôn dã hẻo lánh. Còn trong các hãng xưởng dù to hay nhỏ, chiếc ấm pha cà phê và những đĩa bánh miễn phí không thể thiếu, để, trong giờ nghỉ mười lăm, hai mươi phút hằng ngày, nhân viên và người làm có dịp ít nhiều được tăng sức lực nhờ những ly cà phê. Hôm nao bỗng nhất thời "cà phê hết nhẵn, bánh trái chẳng còn" thì tinh thần làm việc  trong hãng, xưởng nói chung và những chuyện gặp gỡ vào giờ cà phê nói riêng, rõ ràng chẳng còn nhiều hứng khởi. Và chiếc ấm pha cà phê đứng lẻ loi gần bếp nấu, nhìn thoáng qua cũng chẳng thấy vui như vài lần chuyện vãn hàn huyên bữa trước.

Gọi là "ấm pha cà phê", e rằng chưa hẳn đúng, rõ ràng hình ảnh "ấm" này khác hẳn "ấm pha trà", vì loại "ấm đun" cà phê bằng điện này có vài bộ phận như: nơi đựng nước, chỗ để cà phê, tầng dưới là bình chứa 'nước cốt' cà phê, và dưới cùng là 'bếp' ; nơi vừa đun nước nóng và cũng là nơi giữ độ nóng của bình đựng cà phê đã qua lọc. Bạn là người uống cà phê lâu năm, bạn có thể vào các siêu thị lớn hoặc tới những tiệm bán cà phê hoặc nhận xay cà phê, bạn sẽ thấy rất nhiều loại đồ pha cà phê, từ loại lọc bằng giấy đến loại lọc bằng phin, từ loại "ấm đun cà phê" nhỏ nhắn xinh xinh dùng cho một người đến loại "ấm pha cà phê" cỡ bự dùng cho gia đình có năm, bảy người. Có vài hãng sản xuất ấm pha cà phê được dân chuộng uống cà phê cũng như dân ưa chuộng thẩm mỹ rất thích các sản phẩm của họ. Còn gì hãnh diện hơn khi khách uống cà phê trong phòng bếp nhà bạn bỗng chợt nhìn thấy một chiếc ấm pha cà phê kiểu cách điệu đà sang trọng quý phái mà dẫu họ là dân sành điệu uống cà phê cũng phải vừa nhâm nhi ly cà phê vừa liếc nhìn chiếc "ấm" với ánh mắt nể phục! Ở Xứ Lạnh, mỗi sáng sớm uống một ly cà phê thơm trong phòng bếp (phải là trong phòng bếp, đúng vậy!), hẳn nhiên ai đó sẽ thấy phảng phất đâu đây những mới lạ của một sớm tinh mơ. "Ly cà phê" sáng còn thấy xuất hiện ở nhiều nơi trong các bài thơ, bản nhạc và có Nhà đài ti-vi, đưa chương trình "cà phê sáng" trên màn ảnh nhỏ được nhiều bạn xem ti-vi gần xa ưa thích. 

Có một khác biệt với nhiều nước khác là ở Thụy Điển, trên các sản phẩm cà phê, cũng như trong sách, báo người ta viết là kaffe. Thí dụ, dòng chữ dễ nhận thấy in trên một gói cà phê mua trong siêu thị người ta thường đọc được là "KAFFEROSTERIET (.../.) 1906"; nghĩa là loại cà phê (.../năm) 1906. Hiểu ra, người ta biết thêm là loại cà phê này đã có từ năm 1906. 

Đôi khi ngồi uống cà phê, tôi tự hỏi: Hình như có chút chi đó mình chưa hiểu rõ về ... cà phê. Cà phê, trong tiếng Pháp là café; còn trong tiếng Anh là coffee. Trong tiếng Thụy Điển, gốc gác từ xa xôi nào lại là kaffe ?

Gần đây, tôi mới biết đôi chút liên quan đến nguồn gốc chữ kaffe:
"Người ta  tin rằng tỉnh Kaffa của Ethiopia chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê. Từ thế kỷ thứ 9 người ta đã nói đến loại cây này ở đây." ( Wikipedia tiếng Việt )

Có nơi, người ta gọi thứ nước uống cà phê là loại "đồ uống thơm ngon", và có người tin chắc là mỗi ngày uống một, hai ly cà phê có thể giúp họ giảm cân. Trong một dịp rất tình cờ, tôi đã đến thăm San Francisco, và ở nơi đây, cũng lại rất tình cờ, tôi được thưởng thức "một ly coffee Starbucks chính hiệu" từ tay người bạn tuy mới gặp nhưng đã là tri kỷ tri ân. Nhớ loáng thoáng anh bạn bảo, "Hễ nghe ai nói tới coffee Starbucks, dân ưa uống cà phê hẳn phải 'ngả nón, nghiêng mình' lúc nhớ lại hương vị đượm chất chẳng thể quên được này. Nào, mời anh nâng ly!". Có lẽ anh chưa từng biết tôi cũng là dân uống cà phê từ năm 17, 18 tuổi - nhưng thôi! - để tôn trọng lời tán tụng về 'đại danh' coffee Starbucks của anh, thật sự tôi nghĩ, đây là lần đầu tiên trong đời được nhấp ngụm coffee Starbucks, hẳn nhiên đây là dịp hiếm quý trong đời, và tôi rất vui vì có thêm hạnh phúc mới, hạnh phúc bởi có thêm một bạn cà phê !

Chuyến đến thăm San Francisco thật là một chuyến du lịch 'đáng đồng tiền bát gạo'! Anh bạn tri kỷ họ Trần ( trong đời tôi từng gặp vài anh họ Trần, rất tốt. Hay thế ! ) dẫn đường đưa tôi đến nơi có cột ăng-ten cao ngất, nhìn xuống "San Fran" như anh gọi thân thương quê hương thứ hai của anh.

San Francisco gần biển, nên sáng sớm có nhiều làn sương mờ lan tỏa, tiết trời lúc đó se lạnh gần giống thời tiết lành lạnh của Xừ Thụy Điển.

Vân Võ Hoài Phương
 ( 13 mars 2010 )
 Bài cũ / bổ sung tháng 1. 2018

Inga kommentarer:

Skicka en kommentar