fredag 22 december 2017

Đón Mừng Năm Mới 2018


Đón Mừng Năm Mới 2018

* Đường phố sáng đèn



* Bên nhau chung lối mộng...


sách là bạn !


SÁCH LÀ BẠN !

 
* Tạp chí Khởi Hành, số 217-218
VĂN TUYỂN MÙA XUÂN
"Số báo trong tầm mắt quí bạn đọc
đăng tải những danh-tác được viết cách đây
trên nửa thế kỷ, nay đã là những tác phẩm
cổ điển của Văn Học Việt Nam".

(Lời dẫn trong tạp chí Khởi Hành, số 217-218)

*

 * Việt Nam Thi Văn Hải Ngoại
1975-2003
Trích tuyển & Chú thích
"... Đây chỉ là phần giới thiệu tổng quát
về phần văn học hải ngoại nên chúng tôi 
chưa thể đề cập tới các tác phẩm của từng tác giả. 
Chúng tôi hy vọng sẽ bổ túc phần thiếu sót này trong tương lai.

(Lời Vào Đề trong sách của tác giả Nguyễn Hải Hà)

*


* Một tác phẩm có những luận bàn tới nhiều đề tài, như:
Con người và những cái nhìn con người trong văn hóa nghệ thuật,
Chưởng Kim Dung có phải là văn học không?
Bà huyện Thanh Quan - một mảnh tình riêng
"Tống Biệt Hành" và ứng xử nghệ thuật của Thâm Tâm
............

*


* Quyển Lý Luận Và Phê Bình
Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước
(1975-1995)
"Trình bày diện mạo cũng như dòng vận động
của văn học Việt hai mươi năm qua ngoài nước
trên nhiều khía cạnh, với một cái nhìn nhận định,
đánh giá sâu sắc và đầy tính thẩm mỹ".
"Chia sẻ một số suy nghĩ và lý luận về mỹ học phê bình. 
Đặt dòng phê bình lý luận này trong bối cảnh chung của văn học thế giới".

"... Đây là một nỗ lực ghi nhận quan trọng, đẹp đẽ và cần thiết về
hai mươi năm văn học Việt Nam ngoài quê hương mà tất cả những ai
quan tâm đến văn học Việt đều không thể không tìm đọc". 

(Trích lời giới thiệu trên bìa sau tác phẩm)

*

Đôi Điều Tâm Đắc

 Một lần đến thăm Ông chủ bút đáng kính và thân quen trong Vùng, tôi thấy nét mặt ông có vẻ sầu muộn. Gạn hỏi mãi, ông mới nói lý do. Thì ra ông vừa nhận mấy lá thư của vài tác giả vẫn gửi bài đến. Và trong một hai số thư đó, có vài dòng "hờn giận", "bực bội" vì lẽ trên trang bìa của số tạp chí vừa 'ra lò', chủ bút đã xếp tên các tác giả theo cảm tính, nghĩa là mến chuộng người nào thì đưa kẻ đó lên trên trong mục các bài đăng (?!). Uống xong tuần trà, ông bảo: "Số báo sau, tôi sẽ xếp theo thứ tự A, B, C. Xem còn 'anh' nào ganh nữa không! Số sau nữa, thì 'trự' nào nhiều tuổi sẽ đứng đầu! Và tiếp sau số nữa, bài nào nhẹ 'ký', tôi sẽ đưa lên trên! Nào, xem các ông mãnh này còn nói ra nói vô nữa không?".

Tôi còn nhớ mãi đoạn 'diễn ngôn' của ông khi ấy.

Hôm nay, nhân xếp lại vài quyển sách trong kệ sách, tôi sắp xếp riêng ra vài quyển cần xem lại trên, và ngẫm nghĩ tới vài đoạn ngắn trích dẫn "không thể không tìm đọc", liền nảy ra ý nghĩ đưa lên trang "đường xa văn nghệ" để chia sẻ với quí bạn gần xa. Tuy nhiên, để tránh "hờn giận", "bực bội" có thể có, tác phẩm nhiều trang được xếp sau. Rất mong nhận được sự hài lòng của các tác giả!

CHÚC VUI !
 V.V.H.P


fredag 15 december 2017

kỷ niệm thật nhiều (11)



* Đón mừng Xuân mới

  Kể từ ngày tôi vui hưởng dịp Tết đầu tiên nơi hải ngoại tính đến nay đã hơn hai mươi năm. Hơn hai mươi mùa Xuân. Hơn hai mươi lần Tết đến. Còn nhớ một lần Tết đến trong Trại tị̣ nạn nơi xa vào một chiều ba mươi Tết. Nhóm bạn độc thân và trai trẻ, chừng hơn chục người, ngồi quây quần bên đống lửa, vừa đàn vừa hát cho nhau nghe những bản nhạc quen thuộc của một thời nhiều kỷ niệm.

Trong nhóm bạn độc thân, có vài người là Thiện nguyện viên hoặc là người được ban giám đốc Trại tuyển dùng làm vài việc giúp sinh hoạt thường ngày. Đống lửa nhỏ đặc biệt chiều ba mươi Tết tỏa sáng ấm áp trên khoảnh nhỏ một triền cát ven đảo, cách xa các khu nhà lợp mái tôn trong trại, bên cạnh lối mòn dẫn lên trại trên và không xa triền cát có ngọn lửa sưởi ấm là dãy hàng rào cao chạy dài theo một đường vòng quanh đảo.

Tiếng hát, nhịp đàn hòa theo của bạn trẻ học sinh hay sinh viên một chiều gần tết xa xưa hai mươi năm trước gợi cho tôi nhớ lại những kỷ niệm xa xôi... Một thời nhiều mộng mơ trêu đùa bạn học ngồi chung lớp; sau ngày thôi học bỗng nghe tin nàng lấy chồng, rồi chợt một hôm ngồi nghỉ bên một tiệm cà phê, người đem ly nước uống cho khách lại chính là cô bạn học ngày nào (một tình yêu thời học trò, vẩn vơ và ngoài tầm tay với). Tiếng hát, tiếng đàn trầm ấm của những tâm hồn xa quê hương giữa không gian giá lạnh cuối năm tôi được nghe bên triền cát còn có những nhạc phẩm kể lại tâm tình giữa những người bạn thiết, và còn lưu lại mãi trong tiềm thức của tôi có đoạn lời hát thật tuyệt vời và tha thiết,"hai người hai lối biết thương nhau mà thôi". Ai từng sống qua một thời trẻ, mỗi khi nhớ lại vài kỷ niệm đẹp trong tuổi xuân thì - thời của những ước muốn, hoài bão và ưa thích gom góp hiểu biết - hẳn sẽ tự cám ơn ngàn lần quãng đời thanh xuân đã có.

Phút giây này chắc hẳn là Tết Tây và Tết Ta đương tới gần thềm năm mới (theo cách nói và diễn tả thoảng hương vị ngóng chờ xuân của các bậc giàu trí tưởng tượng), và theo các thi, nhạc sĩ tình tứ và lãng mạn của chúng ta thì, Nàng Xuân tuy gặp tiết trời se lạnh nhưng vẫn khoe dáng vẻ mảnh mai và diễm tuyệt. Hình như có đoạn lời hát nhiều người đã thuộc "Xuân đã đến bên ta. Dáng Xuân tuyệt vời..." Ôi, chỉ giản dị trong một thoáng đến, thoáng nhìn mà Nàng Xuân trong tâm tưởng nhiều người đã nhiều hấp dẫn, khó quên!

Hơn hai mươi mùa Xuân qua, nhưng tôi không thể quên một chiều Tết đã xa. Nhớ những bạn trẻ năm xưa - Những Thiện nguyện viên đàn và hát trong các ngày vui sinh hoạt văn nghệ trong Trại tý nạn. Phải chăng những bạn trẻ ngồi bên tôi ngày ấy, họ hát lên những lời ca đượm buồn và cũng đượm một tình yêu xa vắng để nhớ về nơi buồn thương họ đã rời bỏ? Hay là, giữa một ngày cuối năm lạnh giá, vài bạn bè ngồi bên tôi, đàn và hát lên những bản nhạc trữ tình để thấy lòng ấm áp thêm tình thương mến, hy vọng tới một ngày sáng tươi?

Xin cảm ơn quãng ngày qua, cảm ơn một thời tôi có dịp sống bên các bạn trẻ trong một chiều Tết xa. Nhóm bạn trẻ Thiện nguyện viên ngày ấy từng bỏ nhiều công khó sửa sang lại một nhà kho hoang tàn nơi triền cát ven bờ đảo để làm một thư viện nhỏ và họ đã gom sách, báo, tạp chí từ những bằng hữu ở  phương xa gửi về. Cám ơn những ngày tôi được mượn đọc nhiều sách, báo trong thư viện nhỏ của Nhóm bạn thân thiết nơi xa.

Vân Võ Hoài Phương
18. 02. 2015
(Bài cũ/bổ khuyết)
           



fredag 8 december 2017

kỷ niệm thật nhiều (10)



* hoa vườn nhà

  Bạn tôi viết vài dòng trong thư và nhờ Nét chuyển đến tôi. Thư viết ngắn và gọn, chừng mươi dòng, như một lời nhắn gửi. Cuối thư, có lời chúc và mong "mọi điều tốt đẹp" đến với tôi. Đúng ra, theo tôi hiểu, lời chúc cũng là lời từ biệt, gần giống câu hát "vẫy tay, vẫy tay, chào nhau. Một lần đầu và một lần cuối...". Và lúc này, tôi là người đứng lại để nhìn những vẫy tay của người từng gắn bó nhiều kỷ niệm trong đời với mình.

Sau lúc nhận thư và đọc những dòng chữ từ phương xa 'bay' đến, tôi sống trong niềm bâng khuâng, đi ra đi vô hoài, có cảm tưởng vừa sống qua vài phút chia tay với một người bạn thiết đã có thời cùng bước chung đường, những câu trêu đùa vẫn còn đó và tiếng nói dịu ngọt vẫn còn đây.

Vẫn còn nhớ tới nhau và viết vài dòng cho nhau. Những giây phút trân quý tình bạn hữu âý, hay tình cảm hai người cảm mến nhau - với tôi - là những giây phút huyền diệu. "Một người ngồi nhớ một người", trong khi, người kia lại không biết đến. Rồi lá thơ bay đi, người nhận thư lại ngồi nhớ tới người đã viết vài dòng chia sẻ, tâm tình. Chợt nhớ, khi xưa một bạn văn kể tôi nghe một giai thoại về những lá thư. Thật ra, anh chỉ kể về lá thư thứ hai, còn thư thứ nhất, người nghe tự hiểu. Theo lời kể ngắn gọn của anh, thì cuối lá thư thứ hai, người nhận thư đọc được một dòng:
"Anh nói anh không còn yêu tôi nữa, cớ sao thư anh viết nhiều chữ đến thế này?"

Tôi từng nhận được vài lá thư bạn hữu gửi đến. Trong một hai thư có cả tiếng cười "híc, híc" - trước cả thời nhiều người đã đọc hai chữ "he he" hiện giờ! Có thể người viết thư, viết đến đoạn này, bỗng cảm thấy một niềm vui cần chia sẻ, thốt lên tiếng cười và viết tặng bạn xa không chừng. Mới đầu, đọc đến hai chữ "híc híc", thật lòng tôi cũng hơi ngạc nhiên. Nhưng sau nghĩ lại và thử đặt mình trong tâm trạng bạn viết lúc âý, tôi cũng thấy vui vui. Tôi hiểu thêm ra niềm vui cần được chia sẻ mỗi thời mỗi khác, tuy nhiên cần mang lại tiếng cười cảm thông và không đến nỗi "quá tệ" như có ai đã nói.

Đến nay, mỗi khi nhớ đến "híc híc", "he he" tôi cảm nhận một niềm vui xốn xang như thời tôi còn trẻ. Đời có vẻ đẹp thêm ra bởi trong giây phút nào đó ta bỗng nhớ lại một kỷ niệm vui và mỉm một nụ cười tươi trẻ.

Người ta thường nói, tuổi trẻ nhiều niềm vui và sôi nổi, còn người có tuổi thì hay suy nghiệm, ngẫm nghĩ. Phải chăng hai vẻ đẹp này luôn hiện diện ở nhiều nơi.

 Vân Võ Hoài Phương
      tháng 04. 2014
  

onsdag 6 december 2017

kỷ niệm thật nhiều (9)


Sông Hương Núi Ngự (Hình: Internet)

  Theo hoạch định trong quãng ngày sắp tới, vào ngày thứ Bẩy cuối tuần, tôi sẽ rời khỏi nhà ra ngoài làm vài công chuyện nhỏ.

Bản 'dự thảo việc ngày thứ Bẩy' chẳng ngờ hôm nay gặp ngày tuyết buông, nên đành ngồi nhà nhâm nhi ly cà phê và nghĩ về vài kỷ niệm những ngày phiêu du trên đất khách. 

Hình như cụm chữ "đất khách, quê người" dùng để nói đến một nơi xa lạ, khác hẳn những chữ "quê hương, bản quán". Vài chục năm về trước, một người dời xa khỏi làng xóm, tỉnh thành mình ở, đến sống tại một nơi khác - dẫu là tỉnh thành gần bên - người này cũng nghĩ là sống nơi đất khách, quê người. Thường đó là cảm nghĩ và tâm trạng của những kẻ gọi là dân giả (dân thường). Còn với các thi sĩ, nhạc sĩ - những kẻ có tâm hồn đa cảm- họ cảm nhận ra sao?

Ngồi nhớ lại vài kỷ niệm trên đất khách, chợt nhớ đến một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính. Ai một thời "khăn gói" lãng du đến xứ xa, chịu đựng những cơn mưa dai dẳng ngày này qua ngày khác hẳn là thấu hiểu nỗi lòng Nguyễn Bính, nhà thơ từng trải qua cảnh sống nơi đất khách quê người trong một chuyến viễn du xứ Huế. Và chẳng may cho thi sĩ và người bạn cùng chuyến ấy, hai người đến thăm Huế đúng vào những ngày sông Hương, núi Ngự ... mưa "cứ kéo dài ra đến mấy ngày", và "thu về lại giở gió heo may".

Xin trích một đoạn ngắn, thi sĩ kể lại:
" Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây.

Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay"

Bài thơ Giời mưa ở Huế là một trong những thi phẩm hay của Nguyễn Bính. Hay, không chỉ nói đến một địa danh nổi tiếng như Huế. Từ xưa đến nay ai cũng biết, Huế đã được nhiều văn, thi, nhạc sĩ viết về Huế rất hay và rất tình. Thế nhưng, bài thơ Giời mưa ở Huế lại mang nét đẹp riêng, nồng đượm tâm tình và cảm xúc riêng tư rất đặc biệt, chứa chất mối băn khoăn phong trần của kẻ lữ thứ. Có ai đó từng nói: kẻ làm nghệ thuật tài giỏi là kẻ đã để lại trong trí nhớ người thưởng ngoạn những hình ảnh không phai mờ về tác phẩm đã có. Nguyễn Bính với thi phẩm Giời mưa ở Huế, thật sự đã làm nhiều người mãi mãi nhớ về Huế. Người ta nhớ tới một nhà thơ nổi tiếng đã gắn bó với Huế trong những ngày mưa ở Huế, buồn làm sao nhưng cũng làm xứ Huế thêm đáng yêu, bởi những ngày có "mưa trên xứ Huế".

Là nhà thơ có nhiều năm sống tại những "thôn Đoài, thôn Đông" ngoài Bắc, Nguyễn Bính cùng bạn ông lãng du và giang hồ đến miền Trung, đến xứ Huế. Và hai kẻ lữ thứ xa nhà bị kẹt vì mưa "cứ kéo dài ra đến mấy ngày". Câu thơ được nhắc đến bốn lần trong thi phẩm, khiến kẻ nào chưa biết đến "mưa trên xứ Huế" cũng cảm thấy nao lòng. Bài thơ có những nét buồn ẩn hiện, nhưng bên cạnh đó, hình ảnh thi nhân và người bạn đồng hành lử thử khi đó:
"Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hòa một vị chua cay
Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều...con nước mây"

 Hình ảnh được nhà thơ ghi nhận cùng những uẩn khúc trong tâm hồn hai kẻ xa nhà thật cảm động. "Giời mưa..." có lẽ chỉ là cái cớ để Nguyễn Bính trải bày nỗi lòng trắc ẩn. Với nhiều văn, thi, nhạc sĩ tài danh, hình ảnh thiên nhiên và cảnh trời đất chỉ là cái cớ, một cái 'phông' nhiều màu cho tác phẩm của họ.

Hình như nhiều người yêu thơ rất ít thấy các nhà thơ dùng đến chữ "Giời" như nhà thơ Nguyễn Bính. Trong bài thơ trích dẫn trên, thi sĩ dùng phương ngữ nơi ông sinh trưởng. Dân ngoài Bắc, lúc gặp cảnh chẳng như ý, thường than vãn kêu: "Giời ơi!", hoặc "Giời ạ!".

Thưởng thức những nét đáng yêu trong thi phẩm Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính, người ta còn thấy nhiều câu thơ giá trị về nghệ thuật, nói theo cách nói của mấy kẻ làm thơ là "rất xứng quan tiền, thúng gạo!". Một bạn thơ góp đôi lời với tôi và anh nói thêm, có thể là, một bài thơ hay thì mỗi thời người ta cảm mến thêm vẻ lấp lánh ẩn hiện trong dòng thơ của thi sĩ.

Trong Giời mưa ở Huế còn có câu thơ phảng phất chất danh ngôn, như
"Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
Cả đến ông giời cũng đổi thay!"
Nói theo ngôn ngữ thời hậu hiện đại lúc này thì nhiều sự thể có khi bất ngờ thay đổi, chẳng ai biết trước, vì "cả đến ông giời cũng đổi thay!".

Đoản tuỳ bút viết theo dòng cảm hứng và cũng chẳng theo một đề tài nào - như trong cuốn tự điển định nghĩa về thể văn tuỳ bút (*) - xin tạm ngưng nơi đây. Hẹn gặp lại quý bạn gần xa vào những ngày nắng đẹp, khi các khóm hoa thủy tiên nở nụ, bông tươi tắn nhiều màu.

Vân Võ Hoài Phương
     (tháng 4. 2014) 

(*) Việt Nam Tự Điển, Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ..,
Nhà Sách Khai Trí, xb 1970, tr. 1457.  


lördag 2 december 2017

kỷ niệm thật nhiều (8)



                                * Hoa chanh thơm trong vườn Anh H.

  Một hôm nhìn vài chùm huệ trắng, vài hoa chanh nhỏ tỏa hương dìu dịu trong mộ̣t tiệm bán cây cảnh và hoa tươi gần nhà, tôi chợt nhớ đến hương chanh, hương huệ của một ngày xuân năm nào.

... Từ ngày về nhà chồng, vì bận rộn việc nhà việc cửa và lo cơm nước gia đình, rồi có thêm vài đứa con nhỏ nên chị lớn của tôi ít khi có dịp về thăm bố mẹ và anh em chúng tôi. Thế nhưng thường vào dịp đầu năm, trước Rằm tháng Giêng một tuần, vào một ngày họp mặt Tân niên bố tôi đã định trước, thì thể nào chị lớn của mấy anh em chúng tôi cũng về dự vui chung với gia đình. Thời con gái, chị có mái tóc dài chấm ngang lưng. Còn nay, chị búi tròn một búi tóc gọn gàng sau gáy. Chị ưa gội đầu bằng vài nắm lá thơm gồm lá bưởi, vài nhánh mùi cỗi, vài quả bồ kết và một hai nhánh sả. Mỗi khi chị có dịp về qua thăm nhà, lúc chị vừa bước vào đến cửa, nhiều người đã nhận ra hương thơm đặc biệt của những thứ lá thơm quen thuộc và hương chanh thơm thoang thoảng dễ chịu. Có người nghe chị nói, gội đầu bằng lá thơm và thêm một chút cốt chanh, đầu sạch hết gầu và người thêm khỏe.

Ngày họp mặt tân niên, chị dâu, vợ anh trai tôi cũng đến. Khác hẳn với chị lớn, chị dâu nhỏ người hơn, tính tình hòa dịu hơn và là người ít nói. Chị lớn, qua nhiều năm buôn bán có sạp nhỏ ngồi trong Chợ Sắt, tiếp xúc và giao thiệp với đủ hạng người nên từng trải, am tường trong cuộc sống. Chị chưa đến mức quá tinh xảo "con ruồi bay qua, biết ngay là con đực, con cái", hoặc ăn nói kiểu đanh đá cá cầy chỏng lỏn, nhưng cách sống của chị thể hiện bản lĩnh ưa tính thiện, với vài việc ngang tai trái mắt ít khi chị bỏ qua, chị chơi thân với cả người bên Đạo và bên Đời. Tuy nhiên, bản tính chị cởi mở nên cũng có khi lời nói của chị pha âm hưởng trào phúng. Những lúc ngồi nghe chuyện của chị, bố tôi cười khoái lắm, nhưng thực tình ông không dám cười to. Còn mẹ tôi, bà ngồi nghe với vẻ điềm tĩnh như gắng tìm trong lời kể một vài ý nghĩa nào đó. Tính chị lớn không ham làm giàu, hơn nữa, thời cuộc ba bốn chục năm về trước kiếm sống nuôi đủ gia đình đã là khó, kẻ giàu có nhiều tiền chỉ đếm trên vài đầu ngón tay. Tuy vậy, những người buôn bán ngồi chợ vẫn sống 'dễ thở' hơn, dù nhiều dù ít cũng được bữa no bữa đói, nghĩa là không ở mức "đói kinh niên" mà nhiều người từng nghe nói đến.  

Mỗi lần nghỉ một hôm ngồi chợ vì ngày đó chợ có đoàn kiểm tra và dĩ nhiên không thể thiếu những cảnh tịch thu hàng hóa, chị lớn có việc và ghé qua thăm nhà. Mẹ tôi hỏi chị về chuyện chợ búa lúc này ra sao, chị thường nói một câu mà thời đó nhiều người đã nói: "Buôn bán kiểu này chẳng khác gì nó vỗ cho béo để nó làm thịt". Có thể chị đã thấy hiện tình đó nên chị không ham hố làm giàu chăng? Sau này, những vụ đầu cơ buôn lậu, hối lộ mắc ngoặc thuộc loại chuyện thường ngày, sạp hàng chị tôi vẫn chỉ đủ nuôi sống gia đình vì bản tính chị không ưa thích sống theo chiều hướng đó. Chị có một may mắn lớn nhất trong đời, theo tôi hiểu, là chị gặp và sống hạnh phúc với người chồng tính tình hiền lành mà chị suốt đời yêu thương.

* Chị Vân Thanh, trong ngày Tết đón Xuân.

Anh rể tôi, gốc gác người Hà Nội. Ngày trước, nghe nói bố anh là nhân viên Sở Điện Lực Hà Thành. Sau, Hải Phòng có thêm nhà máy phát điện Cửa Cấm nên bố anh chuyển về sống tại Đất Cảng. Có thể là, cái gốc tích gia đình anh, những người đích thực gốc đế đô thanh lịch vẫn còn đậm chất hiền hòa trong con người anh. Anh làm rể gia đình đã vài chục năm, nhưng chưa khi nào tôi thấy anh tỏ ra nóng nảy, to tiếng. Tính nết chị tôi nhiều khi cương quyết, còn anh lại rất đỗi nhẹ nhàng. Gặp ngày ít việc và hàng họ rơi vào những ngày mưa dầm gió bấc, tôi thường đóng cửa tiệm sửa đồ điện của mình và qua thăm gia đình chị lớn và anh rể ở gần nhà tôi hai dãy phố. Tôi và anh rể gần như hợp tính nhau. Còn anh rể tôi, mỗi lần thấy cậu em vợ đến thăm thì vẻ vui mừng hiện rõ trên gương mặt. Nếu hôm tôi đến thăm, gặp chị tôi cũng chưa đi chợ hoặc có việc cần làm ở nhà thì ngày đó hẳn nhiên anh rể được tự do ngồi chơi xơi nước, bỏ qua một bên những chuyện sai vặt. Vì lẽ đó, anh có phần đặc biệt quí mến và rất vui mỗi lần anh và tôi nói vài chuyện bên chén trà nóng tỏa hương vị quen thuộc.

Mỗi khi qua thăm gia đình chị lớn, tôi được biết thêm chị tôi thường ưa thích hay thay đổi đồ đạc hoặc xếp đặt nơi để bàn ghế trong nhà. Phòng ngoài diện tích chỉ chừng hơn chục mét vuông, kê một chiếc tủ dài và đặt bộ bàn ghế tiếp khách là vừa đẹp, thế nhưng nửa tháng sau, chiếc tủ dài đã chuyển vào phòng trong còn bộ bàn ghế đặt ở ngoài sân dưới một chiếc dù lớn. Và nửa tháng sau, bốn chiếc ghế dựa lưng nặng như cối đá và chiếc bàn hình chữ nhật đã được thay thế bằng bộ bàn ghế thấp bên chiếc bàn mặt kính. Nửa tháng sau lại thấy một cảnh khác... Anh rể tôi than: "Nói đúng ra, chị của cậu phải làm nghề đổi phông cảnh trên sân khấu mới phải!".  Mấy đứa con của anh chị lại có vẻ ưa thích những thay đổi này. Riêng tôi nghĩ, đôi khi cần thay đổi cảnh trí và màu sắc trong nhà để giúp cuộc sống phóng khoáng hơn.

Còn chị dâu tôi thời đó cũng giống nhiều phụ nữ khác sống cùng khu phố, và một công việc thường thấy với nhiều phụ nữ là vào Tổ đan len, đan những chiếc áo len để xuất khẩu sang các nước cộng sản. Ngay thời đó nhiều người đã biết, nghề đan áo len là một nghề tuy nhàn nhã nhưng rất khó nuôi nổi một nhà nghèo đông con.

Sinh trưởng trong gia đình chỉ còn mẹ và em trai nên tính chị dâu tôi cũng ít nói. Chị có mái tóc bồng bềnh chấm ngang vai như nhiều phụ nữ thời ấy. Chị không vướng bận con nhỏ nên dáng dấp chị lúc nào cũng thong thả. Chị có tài làm vài món ngon đặc biệt được bố mẹ chồng và anh em chúng tôi rất tán thưởng trong nhiều bữa tiệc gia đình. Đó là món nộm xu hào cà rốt trộn lạc cay chua rất tuyệt vời. Còn món nem thính cuộn rau xanh ăn với tương ớt cay ngọt của chị thì hết chê! Nói ngắn gọn là chị đã đem về nhà chồng một "tài sản" hiếm quí, gồm tài nghệ khéo tay làm các món ngon thơm lừng và rất được dân ưa nhậu trong nhà mến chuộng.

Trong ngày gia đình họp mặt Tân niên, bên túi đồ riêng chị dâu đem đến biếu tặng nhà bố mẹ chồng và anh em chúng tôi, chị còn mua một chục huệ trắng để mẹ tôi đặt trên bàn lễ Gia Tiên. Mẹ tôi, đương nhiên là rất quí cô con dâu rất gần gũi với bà trong các bữa tiệc gia đình hay trong những ngày Giỗ Tết. Bà cũng giống chị dâu tôi, ưa chuộng hương thơm thuần khiết của những bông huệ trắng.

Vân Võ Hoài Phương

torsdag 30 november 2017

kỷ niệm thật nhiều (7)

                   
                                                                       
                                                          * hành trang đường xa '2007

Vào một ngày trong tháng Bảy nhiều nắng, cách đây đã vài năm, tôi có dịp được lãng du trên đất Mỹ.

Chuyến du lịch xa xôi chẳng hẹn mà đúng như mơ. Trước chuyến đi chừng hai tuần, tôi chẳng ngờ sẽ có ngày xách va-li lên đường sang Mỹ. Từ những vùng lạnh giá của năm nước Bắc Âu đến được các nước Âu châu là những chặng đường dài, qua cầu, qua phà. Gọi là phà, nhưng thực ra đó là chiếc tàu thủy rất to, nhiều tầng. Người ta thường thấy từng đoàn xe vận tải chở hàng hóa đứng dãy dài ở tầng dưới cùng. Một tầng trong các tầng phía trên là nơi hành khách ngồi nghỉ ngơi lúc qua phà. Còn tầng trên nữa, tầng du khách có thể đứng ngắm cảnh có thêm các tiệm bán đồ ăn uống, tiệm bán đồ dùng khi du lịch và có cả những tiệm nhỏ bán đồ lưu niệm.

Có một lần tôi sang Âu châu, ngồi trên chiếc phà chạy giữa Đan Mạch và Đức. Đó là chiếc tàu thủy thuộc loại lớn. Tầng dưới cùng nhìn thấy một đường ray và các toa tàu hỏa, bên cạnh đó là một dãy dài xe vận tải. Du khách qua phà được thêm một vé phụ. Với vé phụ này, du khách được mua một khoản hàng với giá tượng trưng. Và đương nhiên, chẳng một du khách nào bỏ lỡ món quà tặng chủ phà đã ân cần chiêu đãi khách. Dịp đó, khi phà đang chuyển hướng sang bờ bên kia, tôi theo vài du khách lên tầng trên mua vài thứ. Lúc trở ra, đi xuống tầng dưới, vì có quá nhiều cửa nên tôi bước theo một lối ra, qua một dãy thang lòng vòng và rồi bỗng nhiên xuống thẳng tầng cuối cùng. Lòng phà rộng mênh mang và cao như một nhà nhiều tầng. Chẳng thể nào biết đâu là cửa dẫn đến tầng du khách. Mở một cửa, nghe tiếng máy chạy ầm vang cả một khoang tàu. Đi loanh quanh và nghĩ tới nghĩ lui, tôi trèo theo bậc thang lên trên vài tầng nữa và mở tiếp một cửa, bỗng thấy một ngài trông tựa như Đô Đốc hàng hải hiện ra. Chắc hẳn 'ngài Đô Đốc' vẫn thường thấy nhiều cảnh tương tự như cảnh này, nên lúc ấy ngài nhìn tôi tỉnh bơ. "Để xem nhà ngươi sẽ xoay xở ra sao ở cõi này?" Ý hẳn ngài nghĩ vậy... (dân Tây thuộc loại sành đời thường lặng lẽ quan sát và biểu lộ nét mặt với "ngôn ngữ" đó). Còn tôi, "tay xách nách mang" mấy thứ đồ mua trên phà, lạc bước vào cõi của ngài, lúc này, chẳng hiểu tại sao, bỗng một bên mắt nhắm và một bên mắt mở, nhìn ngài lần cuối rồi lặng lẽ thoái lui. Và trong giây phút sau chót, chợt nhìn thấy 'ngài đô đốc' mỉm một nụ cười hài hước... Rất may cho tôi, khi phà sắp cập bến, tôi tìm đến được tầng du khách.

Người ta thường nói "Có đi mới biết", hoặc "Ở nhà biết ngày nào khôn". Còn một câu nói nữa, đôi khi ngẫm nghĩ xem ra cũng có lý: "Khôn nhà dại chợ!". Và nếu bạn là kẻ hay ưa thích tìm hiểu, đôi lúc trong những chuyến du lịch đường xa, có thể bạn sẽ thấy rất nhiều điều thi vị.

Dường như tôi là kẻ đi sau người khác ở khoản du lịch. Tin rằng đã có người lo cho mình từ A đến Z trong lộ trình đến Mỹ nên khi nhận tấm vé 'bay' của mấy đứa cháu trong nhà mua giúp trao cho, tôi có cảm tưởng như đã thấp thoáng nhìn thấy nước Mỹ. Nhưng than ôi! việc đời đâu có dễ đến như vậy.

Áo quần đúng điệu đường xa và đem theo hành trang lên đường từ một nước Bắc Âu, rồi 'bay' đến một phi cảng ở miền Trung nước Đức (bởi mua vé muộn, nên các chuyến bay thẳng đến Mỹ đã hết vé vì đầu mùa du lịch, đành phải mua vé bay vòng). Đây là chuyến du lịch lần đầu bằng đường hàng không từ Âu châu đến nước Mỹ, bởi thế, tôi gặp vài cảnh ngộ lạ lẫm nên khi 'đụng' việc, thấy ngay mình là kẻ... lơ ngơ.

Trong lúc check in, nhân viên sân bay miền Trung nước Đức hỏi tôi: "Nơi nào sẽ đến trên đất Mỹ?". Tôi nói và thuận tay hướng vào dòng chữ ghi trên tấm vé "San Francisco".
Nữ nhân viên hỏi tiếp: "Đến địa chỉ nào tại San Francisco?"
Khi đó tôi chỉ còn biết giải thích đôi lời rằng, tôi đến thăm một người bên họ ngoại, đã có gia đình và có vài đứa con hiện sống ở San Francisco.
"Ở tại đường phố nào? Tên đường và số nhà?". Nữ nhân viên thoáng đưa mắt nhìn dòng người đứng chờ sau tôi và lại nhìn tôi. Còn tôi, làm sao nhớ nổi tên đường phố và số nhà, bởi lẽ việc đặt vé và các giấy tờ do các cháu trong nhà lo liệu. Em họ ngoại của tôi bên Mỹ, chỉ dặn dò vài lời: "Anh nghỉ hè sang thăm gia đình chúng em. Các cháu trong nhà mua vé xong, anh báo sang để chúng em biết ngày đến. Hai chúng em sẽ ra đón." Sau đó, tôi nhận vé bay, được biết sẽ chuyển tiếp tại phi cảng miền Trung nước Đức, để bay tới Mỹ.
Nào ngờ, trong thời điểm ấy (tháng 7, năm 2007), việc đến nước Mỹ có nhiều kiểm soát khắc khe.

Chuyến bay ghi trên tấm vé đã cất cánh. Còn tôi ngồi lại trong phòng chờ, tự nghĩ mà rất bực với bản thân vì đã chểnh mảng một việc lẽ ra phải để tâm đến. Sau một hồi xem thêm và tìm lại kỹ lưỡng từ quần đến áo, từ túi trong đến túi ngoài, hy vọng trước đó đã trở thành vô vọng.

Đúng lúc tôi ngán ngẩm vì số kiếp long đong thì bỗng nhiên, 'Thần Du Lịch' mỉm cười. Tôi chợt nhìn thấy một mảnh giấy đặt trong một ngăn nhỏ phía sau của hành lý đem theo. Mảnh giấy gấp đôi chỉ hé lộ một cạnh ngắn. Mảnh giấy ấy, với nét chữ ghi vội vàng địa chỉ người em họ ở bên Mỹ. Có thể là, trước lúc tôi lên đường, ai đó trong nhà tiện tay hay vô tình thấy tấm giấy ghi địa chỉ và đặt vào nơi ngăn nhỏ...

Từ miền Trung nước Đức, vài giờ sau kể từ khi tìm ra mảnh giấy nhỏ, tôi 'bay' lên và được ngắm nhìn bầu trời xanh trong qua kính cửa sổ máy bay, nhìn một đại dương mênh mông và lúc này, nhìn nắng đẹp trải rộng trong khoảng không, tôi chợt nghĩ đến một ngày rất gần được nhìn thấy tượng Thần Tự Do trên đất Mỹ.

Ai đã sống mà chẳng một lần mơ ước?

Vân Võ Hoài Phương  


  


onsdag 15 november 2017

kỷ niệm thật nhiều (6)

 
kỷ niệm thật nhiều (6)
 
 
 
 Nhớ lại những ngày đầu đến định cư tại xứ Bắc Âu, việc cần thiết nhất của nhiều gia đình mới đến là "sắm được" một chiếc telefon dùng trong nhà (những năm đó chưa có loại điện thoại di động như hiện nay). Và mỗi khi chiếc máy điện thoại đặt ở đâu đó trong nhà rộn lên chưa kịp hết hồi chuông thứ nhất, liền ngay lúc đó đã có một bàn tay nhấc ống nghe lên, cho dẫu khi đó giữa đêm đông khuya vắng, nhà trên nhà dưới đã tắt đèn và ai nấy trùm chăn từ đầu đến chân kín mít. Nhưng vừa chợt nghe hồi chuông máy điện thoại vang lên, cả nhà bật dậy và chẳng cần nhìn kỹ cũng biết người nào cũng tỉnh như sáo sậu. Cùng lúc người trong nhà xúm tụm lại gần bên chiếc điện thoại, hồi hộp lạ thường, một tiếng thở mạnh hoặc ho khan cũng không có. Người trong nhà lắng nghe tiếng nói từ bên kia đại dương, và ai nấy những tưởng lúc này đây, nơi bên kia biển muôn ngàn sóng vỗ, cũng có nhiều người xúm quanh bên chiếc điện thoại với nỗi mừng vui và có thể có cả những băn khoăn day dứt. Những tiếng chào hỏi vội vàng, vài lời hỏi thăm chân tình của láng giềng, thân hữu.
 
"- Ôi, anh Hai đó ư ? Em đây, Út Hải Ngọc của anh ngày trước đây! Chia tay với anh từ đêm anh vượt biển ngày đó..."
"- Út Ngọc ơi, suốt đời anh chẳng thể quên em!"
 
Nghe thoảng qua có tiếng nấc nghẹn và tiếng thì thầm bên ống nghe. Thời gian và không gian bỗng đứng yên và lặng tờ trong vài khoảng khắc. Kỷ niệm những đêm vượt biển, những phút giây sinh tử kề cận chạy theo đường lộ biên giới, bỏ lại quê hương để tìm sự sống thoáng hiện trong trí nhớ nhiều người lúc này. Chiếc máy điện thoại trong mỗi nhà khi mới đến đây là nhịp cầu tình cảm nối liền hai xứ sở cách biệt, là một chút hy vọng còn sót lại sau những ngày xa cách. Vài kỷ niệm yên bình xa xưa được nhắc lại, những giọt nước mắt nóng hổi lăn trào nơi khóe mắt, và những tiếng cười reo vui lúc nhận ra tiếng nói người thương.
 
"- Anh Hai à, bển có gì vui không anh?"
"- Vui, vui, vui. Vui lắm! Hải Ngọc xa xôi ơi, anh chúc em mạnh khỏe. Anh chúc em nhiều."
"- Thôi, ông anh ơi. Chúc chi chúc nhanh lên để người khác chúc.."
"- Kìa, sao chẳng còn nghe thấy gì nữa.."
 
Những ngày tháng cũ đó đã lùi xa trong ký ức nhiều người. Anh Hai, bạn tôi, là người đã kể cho tôi nghe mẩu chuyện ngắn này. Có vài dịp gặp lại anh, anh Hai lại kể chuyện về cô Hải Ngọc của anh, những chuyện xa xôi từ những ngày đầu hai người mới quen nhau, nhìn ánh mắt xa vắng của anh, thoáng một chút nhớ thương vời vợi..
 
Vân Võ Hoài Phương     
 
  


söndag 24 september 2017

Giữa Trang Đời

       Giữa Trang Đời
 
 
 
Ngồi nghĩ lại quãng đời ta đã sống
Như hạt bụi bay trong cuộc bể dâu
Hơn nửa kiếp đời vẫn còn tay trắng
Buổi xa tình trôi dạt đến nơi đâu
 
Từ bữa ấy sầu dâng lên mắt đỏ
Bước hững hờ theo ngày tháng miên man
Niềm thao thức ướt mưa dầm tháng hạ
Nẻo bình yên ủ mộng dưới sương ngàn
 
Ngày tháng rộng nhưng đời nghe đã hẹp
Vì cô đơn khép kín buổi chia đời
Còn đọng lắng trong hồn ta mãi khép
Mái tóc bồng bay tạt bóng thu vơi
 
Trăng ngoài ngõ đọng ngấn sương như lệ
Ướt như tình một thuở đã phôi phai
Quê hương cũ dấu xa trong ký ức
Nghe đêm hiền ru giấc mộng tương lai
 
Tìm theo dấu phương người hong tóc rủ
Cho mến yêu còn thoảng chút hương thừa
Dù một thoáng thiên đường thôi cũng đủ
Để ngày về rừng thay lá hoang sơ
 
                  Trần Đan Hà
    (Trích thi tập Tìm Trong Yêu Dấu)



lördag 23 september 2017

kỷ niệm thật nhiều (5)

 
kỷ niệm thật nhiều (5)
 
 
 
 
     Đến tuổi bốn mươi, tôi mới thực sự nhìn thấy tuyết. Vui thich lúc chính mắt minh nhìn thấy tuyết thật (không phải thứ tuyết trên màn ảnh ti-vi, hoặc tuyết trong phim). Nhìn những bông tuyết bay lượn giữa khoảng trời và quyện bay theo gió, trong tâm tư bỗng nhiên có nhiều điều mới lạ. Tuyết đọng trên môi và vương nhẹ trên mũ len, áo khoác. Khi ấy tôi quên hết cảnh tuyết trong phim ảnh hoặc cảnh tuyết ti-vi  thường trình chiếu. Khung cảnh ngày hôm đầu mới có tuyết thật đẹp. Tuyết xuống nhẹ nhàng giữa một khoảng không êm ả, mát lạnh.
 
 Đó là kỷ niệm những ngày đầu đến Xứ Tuyết, một vùng đất xa tít tận phía bắc Âu châu. Ở nơi đây, với tên gọi Bắc Âu nhiều nơi xa từng biết đến, cái giá lạnh trong mùa đông (sau này tôi biết thêm), thường thường tái tê và có lúc "lạnh khủng khiếp" như nhiều người đã chứng kiến.
 
 Bạn tôi, anh từng sống nơi đây qua hai thập niên, nếu tính ra trên hai chục mùa đông giá rét. Trong một bài thơ, ngay hai câu đầu, ngắm nhìn bầu trời Bắc Âu, anh than:
 
     "tuyết trắng mênh mông tuyết bốn trời
       lạnh lùng khủng khiếp lắm người ơi" 
 
 Bài thơ viết dưới tựa đề Tuyết Đông Xứ Bắc Âu. Sau hai câu có hình ảnh mênh mông của tuyết và lời than vãn để vơi đi ít nhiều nỗi lạnh giá của tình khúc mùa đông đem tới, anh tả cảnh thiên nhiên và cảnh người:
 
      "tuyết trên cây cối trên nhà cửa
        tuyết phủ lên tôi ..." 
 
 và:
       " ngàn cây trụi lá đứng trơ xương
         chẳng thấy hoa phô sắc tím hường"
 
 và còn nữa:
 
       "phố xá thênh thang vắng bộ hành
        chỉ còn xe cộ ngược xuôi nhanh
        quán hàng đóng kín ngăn hơi lạnh
        ai bước cô đơn giữa thị thành"
 
 Có lẽ tác giả, và nhiều người khác nữa, trong đó có vài người thân thiết của tôi và tôi, sống qua nhiều năm nơi xứ lạnh, trong những ngày đông giá rét, cũng có nhiều khi bước cô đơn nơi xứ xa, buồn tái tê trong rét lạnh khủng khiếp.
 
 Cái lạnh nhiều lúc thấm vào da thịt. Đôi khi, nếu bước bộ ngoài trời vài giờ, tay chân lạnh tê cứng như gỗ, lạnh đến mức này có kẻ đã than là lạnh thấu xương.
 
 Trong bài thơ Tuyết Đông Xứ Bắc Âu, tác giả Lê Dã Sử đã nói hộ tâm cảm rất nhiều người:
 
        "những ngày mưa tuyết trắng không gian
         gió réo bay tung tuyết bạt ngàn
         tê cứng xương da người đứng đợi
         đợi hoài một bóng nẻo quan san"
 
 Nhà thơ đã đem nhiều hình ảnh ngoài đời vào trang thơ. Giá trị trong bài Tuyết Đông Xứ Bắc Âu là những nét vừa "bi" và vừa "cảm". Thi nhân quan sát cảnh đời trong Cõi Lạnh với những chọn lọc tinh tế bằng góc nhìn của một người bước ngoài trời giá lạnh, với tiếng kêu than chia xẻ "lạnh lùng khủng khiếp lắm người ơi", hay những cảm nhận với tha nhân "ai bước cô đơn giữa thị thành", hoặc "tê cứng xương da người đứng đợi. Đợi hoài một bóng ... "
 
Bạn đọc thơ chẳng là kẻ đa cảm cũng hiểu, đây là bài thơ có sức chứa rộng về cảnh và về tâm tư trong hai đoạn thơ sau:  
 
        "lữ hành lội tuyết mịt mù khơi
         biết đến bao giờ mới tới nơi
         bát ngát chân mây tìm mộng tưởng
         băng tuyết e trơn té nửa vời
 
         người đi kẻ ở nhớ thương không
         tuyết dãi buồn vây kín cõi lòng
         rồi thời gian chết trên tay lạnh
         hồn xin chút ấm giữa mùa đông"
 
 Khoảng không gian lạnh buốt mùa đông cùng với thời gian theo tờ lịch ngày tháng cũng lặng lẽ qua, để nắng ấm mùa hạ lại tới. Kẻ đọc bài thơ đoán biết, có thể, trong khi trải tâm tình qua những câu thơ, Lê Dã Sử chưa nghĩ tới một mùa hè sẽ đến, nhưng ở đoạn kết, nhà thơ gốc Á Đông sống lâu niên tại Xứ Lạnh đã đem ánh lửa ấm áp trong thi phẩm Tuyết Đông Xứ Bắc Âu, đến với người gần xa yêu mến những câu thơ nhiều hình ảnh và tâm tư  của anh:
 
         "nhiệt đới từ tôi tới Bắc Âu
          mong thời hòa hợp khắp năm châu
          mong tình nhân loại dâng lai láng
          như tuyết lung linh phủ địa cầu"
 
                            Lê Dã Sử
 
 
*
 
 
     Một ngày vừa mới đây thôi, theo mô tả hài hước của bạn cà phê gần nhà thì, đây là khi "gặp lúc nhất thời trà nhẵn, cà phê hết. Tiền cạn, gạo còn; nhưng những thứ nhâm nhi đã nói lời ... "không". Trong lúc những ý nghĩ chẳng đâu vào đâu, tôi ngó ti-vi để xem có thêm kênh nào mới, thì vừa lúc anh bạn thân thiết vẫn thường tới thăm xóm tôi vào ngày cuối tuần xuất hiện bên cửa. Bạn tôi đặt các thứ vào một góc bàn bên cửa, gồm gói cà phê, hộp sữa nước để lát nữa làm vài ly cà phê sữa đá. Đây là ý tưởng hơi lạ và tự nguyện của anh. Một lần anh nói, "tôi là người đã ăn thì phải ra ăn, đã uống ra uống. Ăn mà còn thòm thèm, uống mà còn thấy khát, thì, nói xin lỗi, đừng ăn đừng uống!"Và để tỏ ra đúng người đã nói là làm, một chiều cuối tuần, trong khi bạn cà phê túm tụm bên hiên nhỏ nhà tôi, anh khiến ai cũng ngạc nhiên khi anh mang theo hộp trà ngon, cà phê và sữa còn mới nguyên. Đấy, đời sống thực là muôn màu muôn vẻ và trong đời đúng thực là có những con người hơi khác chúng ta về cách sống. Trong những bạn cà phê tôi từng biết lău nay, mỗi người một vẻ và dĩ nhiên với riêng từng người, ai cũng có đặc tính riêng và trải nghiệm riêng.
 
 - Cái gì mà đang khi mùa hè lại đem phim mùa đông tuyết rơi ra chiếu ? - Anh bạn vừa đến nhìn cảnh tuyết trên màn ti-vi, nói .
 Tôi nhìn anh, nhận ra lời anh nói có lý vì tôi cũng thoáng nghĩ đến điều này. Bạn tôi bước lòng vòng trong phòng khách, nói tiếp:
 - Rồi đến mùa đông, nhìn ti-vi lại thấy cảnh tắm biển mùa hè? Mấy anh Nhà đài ti-vi này có những program thật là oái oăm và khác thường.
 Nét mặt anh lúc này trông giống hệt vẻ trầm ngâm của một triết gia. Chợt anh dừng bước, ngoái đầu nhìn lại cảnh tuyết trắng ngần trên màn ảnh nhỏ, nghĩ ngợi một lát và nói:
 - Những cảnh này có thể là một cách tân nghệ thuật. - Ngừng một lát. anh nói tiếp - Đúng, bây giờ tôi hiểu. Đây là một cách làm giảm sức nóng của mùa hè.
 - Thế còn những cảnh khoe áo tắm biển trên ti-vi vào mùa đông, thì sao? - tôi hỏi.
 - Ồ, dễ hiểu quá! Để mùa đông đỡ lạnh. Anh chưa biết đấy, câu hát "Em là mặt trời của tôi", hát lên trong một chiều mùa đông thì hay và hấp dẫn phải biết. 
 Tôi nhìn anh, nói trêu một câu:
 - Hôm nào anh thử giọng hát câu này cho cô láng giềng độc thân của anh nghe, xem trái tim nàng có rung động không. Tôi thấy anh có tướng nghệ sĩ đấy.
 Anh cười, giọng nửa đùa nửa thật:
 - Người ta thường nói có tâm hồn nghệ sĩ chứ không ai nói có tướng nghệ sĩ. Còn cô hàng xóm của tôi, không hiểu tại sao mỗi lần tôi nổi hứng thử giọng một hai câu, thì bên tường đối diện với góc bếp nhà cô ta, tiếng nồi niêu soong chảo vang lên...
 - Có thể đây là một rung động khác thường chăng? Phụ nữ là một thế giới khó hiểu mà.  
 - Anh nói đúng. Họ luôn luôn khác thường và khó hiểu!
 
  VVHP
   2010     
           



torsdag 21 september 2017

kỷ niệm thật nhiều (4)

 
 
kỷ niệm thật nhiều (4)
 
 
 
    Vào quãng ngày tôi viết những dòng này, tháng Giêng năm Tân Mão ở nơi đây vẫn còn khoác chiếc áo mùa đông và hàng cây ven rừng với những cành khẳng khiu trơ trụi lá. Ở các xứ nhiệt đới, nhiều người nay vui hưởng gần xong một mùa xuân và ai nấy lại lo làm ăn với những ngày tháng dài nối tiếp. Còn ở xứ lạnh nơi đây? Mùa đông như vẫn còn muốn dừng chân lưu lại thêm ít ngày. Hai bên đường, các lớp tuyết trắng vẫn còn vương trên nhiều lối rẽ, những đụn tuyết vẫn còn "cười với gió đông."
 
 Chiều qua, khi tôi từ ngoài phố về, nhiệt độ ngoài trời khoảng chừng 7 độ trừ (có người nói: âm 7 độ C); với nhiệt độ ngoài trời như hôm nay, dân chúng nơi tôi ở thường tỏ vẻ lạc quan, cái lạnh này với dân Bắc Âu chẳng thấm vào đâu, nếu lúc này ngoài trời không mưa không gió.
 
 "Ngước nhìn khoảng trời giá lạnh, và nhìn những bông tuyết lượn bay theo gió, bạn sẽ cảm thấy lãng mạn đôi chút, tuy rằng khuôn mặt có man mát tê tê chút chút, nhưng tâm hồn cảm thấy vui vui." Nhớ lời bạn láng giềng nói trong ngày đầu tuyết lượn bay trên phố, tôi thoáng nghĩ tới những vùng tuyết băng giá quanh năm. Còn nơi đây chưa hẳn đứng hạng vô địch 'tủ lạnh số 1 của thế giới', cụm chữ hài hước này bạn tôi từng nói vui có lẽ chỉ tặng riêng vùng Bắc Cực, nơi có những tảng băng lạnh quanh năm. Tâm tính tuổi trẻ đôi khi có vài nhận xét bất ngờ, hoặc có lúc nhìn cảnh đời rồi tỏ ra hứng khởi và tâm hồn chợt bay bổng với ý tưởng lãng mạn vui vui là chuyện thường nhiều người đã biết. Còn các bà nội trợ trong những gia đình sống nơi đây - những phụ nữ nhiều năm với "bếp nhà ta nấu" - sẽ lo liệu ra sao khi ngoài trời tuyết bay trắng đường, ngập phố?
 
 Những 'nội tướng' có bản lãnh về "dưa, cà, mắm, muối" trong quãng ngày đông giá thường nghĩ, nhắm ngay đến thực tiễn nhiều hơn, và tính thực dụng luôn được hoạch định trong việc bếp núc. Các bà, các cô ít để tâm tới chuyện "lãng mạn". Những hôm ngoài trời lạnh như hôm nay, vài thứ thực phẩm "thịt thà, cá mú" vừa mua về, chưa dùng đến, liền được chủ bếp nhà đem để ra ngoài hiên (tủ lạnh thiên nhiên mà!), chẳng cần phải lo nghĩ chi. Đợi đến khi, nhiệt độ ngoài trời ở mức O độ C, nếu chưa nấu nướng hết, các nội tướng mới lặng lẽ đem xếp vào ngăn tủ lạnh.
 
 Ai từng sống nơi nổi tiếng lạnh giá này chừng một, hai chục năm chắc hẳn ít nhiều hiểu tính tình của dân xứ lạnh. Với khách du lịch đặt chân đến nhiều vùng đất nóng, lạnh trên thế giới thì họ cảm nhận được sự khác biệt giữa dân xứ nóng và dân xứ tuyết. Như nhiều người đã biết, dân xứ nóng thường linh hoạt, biểu hiện nồng nhiệt mỗi khi tâm trạng hứng khởi. Còn dân xứ lạnh lại có vẻ trầm tư hay đắn đo khi quan sát hoặc cần lượng định một việc gì. Bởi thế, bạn nơi xa, hãn hữu gặp vài dân gốc xứ lạnh, thấy họ có vẻ tư lự hay điềm đạm, ít nói - cũng xin chớ lấy làm lạ, nếu như đã đọc qua vài dòng này.
 
 Những kẻ lưu tâm thế sự thường hiểu, bất kể ai, sống lâu ở nơi nào thường mang bản tính địa phương nơi ấy, và được mặc định ít ra về hình thức giống câu nói "ở bầu thì tròn, ở bí thì dài" dù là dân bản địa hoặc di dân. Địa phương tính này được nhìn nhận gần như một quan niệm chung, chẳng hạn khi nói "dân chúng nơi tôi qua thăm sống rất hiền hòa", hay "ở vùng mà hồi trước tôi nói đến, có nhiều đứa khó tin lắm." Cách đánh giá này tuy chỉ là nhận xét cá nhân nhưng gặp người cũng am tường thì hiển nhiên nhận được hưởng ứng và nể phục vì đã ít nhiều thấu hiểu. 
 
 Gặp dịp viết đến vài kỷ niệm nơi đây, chợt nhớ một hôm, một bạn văn sống nhiều năm nơi Kinh thành Ánh sáng, hỏi tôi một câu qua đường điện thoại: "Mùa này ở trên đó nghe nói dịu mát lắm phải không? Mùa này lên đó nghỉ mát hẳn là sướng hơn Tiên nhỉ." 
 
 Vâng, vào mùa hè, bạn có dịp đến nghỉ mát tại xứ Bắc Âu, xin thưa rằng chẳng có nơi nào dịu mát và hiền hòa hơn nơi đây. Khi mà cái nóng như hun người tại nhiều vùng châu Âu vào quãng tháng nóng nhất khiến nhiều thành phố vắng hoe vì dân chúng đã ra vùng ngoại ô để trốn nóng, thì miền đất này trở nên vùng đất lý tưởng nhiều thơ mộng. Vào mùa nóng nực trong năm, dân nơi đây thường thấy nhiều đoàn du lịch từ Đức, Hòa Lan(*) và nhiều khách du lịch từ các nước Âu châu đến nghỉ mát. Có người đem theo cả gia đình trên những chiếc xe đầy đủ tiện nghi và cũng có người dùng xe đạp ruổi rong trên đường thiên lý, sống lãng tử với muôn ngàn cảnh đẹp thiên nhiên. Còn dân bản địa và các nhóm di dân sống nơi đây, trong những tháng hè, họ dành quãng ngày nghỉ semester (đợt nghỉ phép năm) đến thăm họ hàng, quyến thuộc gần xa hay du lịch tới những địa danh họ chưa từng biết. Ai đó đã nói "Mỗi năm một lần, hãy đến nơi nào bạn chưa từng đến." Câu nói này quả thật chí lý!
 
   
 
    Nhớ trong chuyến viễn du sang Hoa Kỳ cách nay vài năm, một anh bạn mới quen gặp trong hotel hỏi tôi một câu làm tôi nhớ mãi: "Anh sống hơn chục năm bên đó, có nhiều khác lạ so với những nơi khác không anh?"
 
 Tôi ngồi ngẩn người và chẳng thể nào trả lời ngay câu hỏi ấy. Thì ra khi đã sống quá quen thuộc tại một nơi nào, người ta thường thấy cảnh sống nơi đó trở nên quen nhìn, bình thường và chẳng còn nhiều quan tâm để ý tới.
- Đời sống nói chung vẫn bình thường. Cùng là dân tỵ nạn mà anh, đến được quốc gia thứ ba thì coi đó là quê hương thứ hai rồi.
 
 Tôi nhớ, tôi chỉ nói được vài lời ngắn ngủi. Trong phòng thuê của khách sạn hạng vừa này, có sẵn hai chiếc ghế tựa, tôi và anh đem ra ngồi gần cửa sổ, nơi thoáng đãng và nhiều ánh sáng nhất trong phòng. Anh bạn ngồi bên tôi, tuổi cỡ chừng hơn kém tôi vài tuổi. Thật sự tôi không đoán được thật đúng, bởi lúc anh cười, trông anh trẻ hơn tôi nhiều.
 
 Hình như tính anh cũng ít nói, kiệm lời. Còn tôi, với người lần đầu mới quen, nhất là lại đương chân ướt, chân ráo đến nơi đây, còn bỡ ngỡ nên chẳng thể nói thêm lời nào.
 
- Nghe bạn tôi nói, anh từ Âu châu qua thăm. Sáng nay tôi có việc về qua nhà nên tiện thể đến thăm anh.
 Nói xong, anh bước ra phía gần cửa ra vào, với tay xách một túi bia. Trước đó, người em họ có giới thiệu qua với tôi về anh. Nghe nói, anh làm trong một hãng du lịch nhỏ, thường lái xe chở du khách tới thăm vài nơi trong thành phố. Những ngày này, vì mải chỉ dẫn thợ sửa qua tiệm nên thỉnh thoảng em họ tôi mới qua khách sạn thăm tôi. Ngay hôm đến San Francisco, em họ tôi cho tôi mượn một điện thoại cầm tay, để phòng khi có việc cần sẽ gọi tới giúp. Việc sửa tiệm có lẽ một, hai ngày nữa sẽ xong.
 
 Anh bạn mới quen đặt túi bia gần nơi tôi và anh ngồi. Anh nói:
-Tôi nghe nói, vài loại bia tại châu Âu cũng lừng danh trên thế giới. Anh thử uống thứ bia Mỹ này xem có khác nhau không.
 
 Tôi vốn chẳng được hay lắm về khoản này, nên chẳng biết nói sao. Rõ ràng giữa anh và tôi, chưa có mối liên hệ nào để gợi thêm câu chuyện. Từ lúc biết anh đã sống tại vùng Cựu Kim Sơn với hai chục năm có lẻ, tôi vui lắm nhưng chẳng biết làm cách nào để trong những ngày viễn du tới có được anh bạn San Francisco 'vàng ròng' này!
 
 Vài phút sau, anh đứng lên, chìa tay cho tôi, dường như tỏ ra lần gặp này là lần cuối. Anh nói:
- Chúc anh vài tuần lễ thăm viếng vùng vịnh này vui vẻ. Nơi đây gần biển, nhưng ban trưa nóng lắm, chẳng băng giá về mùa đông như bên Âu châu.
 
 Tôi đứng lên, bắt chặt tay anh. "Biết nói gì trong giây phút này?" Tôi tự nhủ. Và tiếp đó, tôi nói, giọng nói chẳng hiểu tại sao có âm hưởng tạ từ lưu luyến:
- Nơi tôi ở, gần giống như châu Âu, thường là rét lạnh và có tuyết vào mùa đông.
 Chợt tôi nghe anh nói:
- Ở đây, San Francisco này, chẳng bao giờ có tuyết.
 Thật chẳng ngờ, trong câu nói có nhắc tới "tuyết" đã gỡ bí cho tôi. Nhưng tôi chưa kịp nghĩ thêm thì anh buông tay tôi ra, hỏi tiếp:
- Lạnh rét tuyết rơi, người bên đó ăn uống như thế nào, anh?
 
- Ồ, tuy đông giá, rét mướt làm nước ngoài đường ngoài phố đóng băng, thế nhưng trong các siêu thị, lúc nào cũng đầy đủ thực phẩm, rau quả. Đặc biệt, các loại rau, quả Á châu cũng nhiều: quả vải, nhãn, dừa, xoài, khế, chanh... không thiếu. Thường là rau, quả của nước nào đều có dán nhãn giấy trên rau quả đó hay có ghi chữ bên quầy để người mua biết.
 
 Anh bạn mới quen nghe đến đây tỏ ra rất thích. Anh hỏi thêm tôi những món ăn dân xứ lạnh ưa dùng. Tôi, lúc ấy, được đà nói thêm vài món đặc biệt hấp dẫn và ngon tuyệt vời từng thưởng thức. Kẻ nào chưa nếm thử các món này, nghe kể đến đoạn này chắc hẳn ít nhiều phải tiếc là chưa có dịp đến thăm miền đất lạnh nhưng rất nhiều món 'nhắm'. Vốn liếng của tôi về khoản này nhiều lắm. Ai mà chẳng đã dự vài bữa tiệc nơi xứ lạnh dẫu chỉ là di dân? Những bữa tiệc liên hoan cuối khóa học, tiệc lễ cuối năm, tiệc mừng sinh nhật... Có tiệc toàn đồ ăn nguội, có tiệc toàn đồ ăn nóng. Nhiều món ngon, chỉ một năm mới có một lần chủ tiệc khao đãi khách. Anh bạn nghe tôi kể, vẻ mặt vui mừng hứng khởi thấy rõ. Anh thân mật vỗ nhẹ vai tôi như đã thân thiết lâu ngày:
- Anh nghỉ trong khách sạn này đợi tôi. Chừng một, hai giờ nữa tôi đến đón anh về nhà. Hôm nay tôi sẽ khoản đãi anh món phở đặc biệt do tôi làm. Tuần tới, có thể tôi sẽ xin nghỉ vài hôm, rong chơi với anh vài nơi. Lâu lắm cứ mải làm. Kiếp người trông qua nhìn lại đâu có là bao. Mấy lúc được vui như hôm nay.
 
 Tôi nhớ loáng thoáng anh nói những lời có vẻ tiếc cho ngày tháng chóng qua, mà sau này tôi biết thêm, đời sống nơi xứ Hoa Kỳ chuyển động nhanh thật. Tôi có cảm nghĩ, sống nơi lạnh giá, một ngày trôi qua rất lâu. Thế nhưng, cũng khoảng thời giờ ấy, một ngày bên Mỹ qua rất nhanh.
 
 Anh tạm chia tay tôi với vẻ mặt hoan hỉ. Những ngày sau tôi được biết thêm về anh, anh đã từ lâu ôm mộng mở một tiệm ăn. Có thể, câu chuyện tôi kể anh nghe về những món ăn đã làm anh ưa thích? Hay là, một đam mê trong đời của anh đương khởi động. Anh sẽ là chủ một nhà hàng? Anh sẽ là nghệ sĩ tài ba với món phở gà, phở bò thơm nức mũi khiến nhiều người còn nhớ tới tên tuổi? Dù gì đi nữa, là bạn một chủ tiệm phở lừng lẫy hay là khách đặc biệt một quán ăn sang trọng cũng là vinh dự rồi. Hy vọng trong tương lai gần, bạn tôi thực hiện tốt niềm đam mê hằng ấp ủ.
 
 Rất may với tôi gặp được đúng anh để kể về vài việc vui nơi vùng đất lạnh xa vời. Còn anh, sau những lần gặp gỡ với tôi, anh trở nên vui tính và là người bạn rất thân thiết nhiệt tình đưa tôi đến thăm nhiều nơi nổi tiếng về cảnh đẹp trên đất Mỹ.
 
Vân Võ Hoài Phương
    Tháng Giêng 2011
 
 (*) Hòa Lan, Hà Lan.. : "Hà Lan, còn gọi là Hòa Lan (tiếng Hà Lan: Nederland,  tiếng Anh: Netherlands), là một quốc gia nằm ở châu Âu." (theo Bách khoa toàn thư Wikipedia).