torsdag 30 november 2017

kỷ niệm thật nhiều (7)

                   
                                                                       
                                                          * hành trang đường xa '2007

Vào một ngày trong tháng Bảy nhiều nắng, cách đây đã vài năm, tôi có dịp được lãng du trên đất Mỹ.

Chuyến du lịch xa xôi chẳng hẹn mà đúng như mơ. Trước chuyến đi chừng hai tuần, tôi chẳng ngờ sẽ có ngày xách va-li lên đường sang Mỹ. Từ những vùng lạnh giá của năm nước Bắc Âu đến được các nước Âu châu là những chặng đường dài, qua cầu, qua phà. Gọi là phà, nhưng thực ra đó là chiếc tàu thủy rất to, nhiều tầng. Người ta thường thấy từng đoàn xe vận tải chở hàng hóa đứng dãy dài ở tầng dưới cùng. Một tầng trong các tầng phía trên là nơi hành khách ngồi nghỉ ngơi lúc qua phà. Còn tầng trên nữa, tầng du khách có thể đứng ngắm cảnh có thêm các tiệm bán đồ ăn uống, tiệm bán đồ dùng khi du lịch và có cả những tiệm nhỏ bán đồ lưu niệm.

Có một lần tôi sang Âu châu, ngồi trên chiếc phà chạy giữa Đan Mạch và Đức. Đó là chiếc tàu thủy thuộc loại lớn. Tầng dưới cùng nhìn thấy một đường ray và các toa tàu hỏa, bên cạnh đó là một dãy dài xe vận tải. Du khách qua phà được thêm một vé phụ. Với vé phụ này, du khách được mua một khoản hàng với giá tượng trưng. Và đương nhiên, chẳng một du khách nào bỏ lỡ món quà tặng chủ phà đã ân cần chiêu đãi khách. Dịp đó, khi phà đang chuyển hướng sang bờ bên kia, tôi theo vài du khách lên tầng trên mua vài thứ. Lúc trở ra, đi xuống tầng dưới, vì có quá nhiều cửa nên tôi bước theo một lối ra, qua một dãy thang lòng vòng và rồi bỗng nhiên xuống thẳng tầng cuối cùng. Lòng phà rộng mênh mang và cao như một nhà nhiều tầng. Chẳng thể nào biết đâu là cửa dẫn đến tầng du khách. Mở một cửa, nghe tiếng máy chạy ầm vang cả một khoang tàu. Đi loanh quanh và nghĩ tới nghĩ lui, tôi trèo theo bậc thang lên trên vài tầng nữa và mở tiếp một cửa, bỗng thấy một ngài trông tựa như Đô Đốc hàng hải hiện ra. Chắc hẳn 'ngài Đô Đốc' vẫn thường thấy nhiều cảnh tương tự như cảnh này, nên lúc ấy ngài nhìn tôi tỉnh bơ. "Để xem nhà ngươi sẽ xoay xở ra sao ở cõi này?" Ý hẳn ngài nghĩ vậy... (dân Tây thuộc loại sành đời thường lặng lẽ quan sát và biểu lộ nét mặt với "ngôn ngữ" đó). Còn tôi, "tay xách nách mang" mấy thứ đồ mua trên phà, lạc bước vào cõi của ngài, lúc này, chẳng hiểu tại sao, bỗng một bên mắt nhắm và một bên mắt mở, nhìn ngài lần cuối rồi lặng lẽ thoái lui. Và trong giây phút sau chót, chợt nhìn thấy 'ngài đô đốc' mỉm một nụ cười hài hước... Rất may cho tôi, khi phà sắp cập bến, tôi tìm đến được tầng du khách.

Người ta thường nói "Có đi mới biết", hoặc "Ở nhà biết ngày nào khôn". Còn một câu nói nữa, đôi khi ngẫm nghĩ xem ra cũng có lý: "Khôn nhà dại chợ!". Và nếu bạn là kẻ hay ưa thích tìm hiểu, đôi lúc trong những chuyến du lịch đường xa, có thể bạn sẽ thấy rất nhiều điều thi vị.

Dường như tôi là kẻ đi sau người khác ở khoản du lịch. Tin rằng đã có người lo cho mình từ A đến Z trong lộ trình đến Mỹ nên khi nhận tấm vé 'bay' của mấy đứa cháu trong nhà mua giúp trao cho, tôi có cảm tưởng như đã thấp thoáng nhìn thấy nước Mỹ. Nhưng than ôi! việc đời đâu có dễ đến như vậy.

Áo quần đúng điệu đường xa và đem theo hành trang lên đường từ một nước Bắc Âu, rồi 'bay' đến một phi cảng ở miền Trung nước Đức (bởi mua vé muộn, nên các chuyến bay thẳng đến Mỹ đã hết vé vì đầu mùa du lịch, đành phải mua vé bay vòng). Đây là chuyến du lịch lần đầu bằng đường hàng không từ Âu châu đến nước Mỹ, bởi thế, tôi gặp vài cảnh ngộ lạ lẫm nên khi 'đụng' việc, thấy ngay mình là kẻ... lơ ngơ.

Trong lúc check in, nhân viên sân bay miền Trung nước Đức hỏi tôi: "Nơi nào sẽ đến trên đất Mỹ?". Tôi nói và thuận tay hướng vào dòng chữ ghi trên tấm vé "San Francisco".
Nữ nhân viên hỏi tiếp: "Đến địa chỉ nào tại San Francisco?"
Khi đó tôi chỉ còn biết giải thích đôi lời rằng, tôi đến thăm một người bên họ ngoại, đã có gia đình và có vài đứa con hiện sống ở San Francisco.
"Ở tại đường phố nào? Tên đường và số nhà?". Nữ nhân viên thoáng đưa mắt nhìn dòng người đứng chờ sau tôi và lại nhìn tôi. Còn tôi, làm sao nhớ nổi tên đường phố và số nhà, bởi lẽ việc đặt vé và các giấy tờ do các cháu trong nhà lo liệu. Em họ ngoại của tôi bên Mỹ, chỉ dặn dò vài lời: "Anh nghỉ hè sang thăm gia đình chúng em. Các cháu trong nhà mua vé xong, anh báo sang để chúng em biết ngày đến. Hai chúng em sẽ ra đón." Sau đó, tôi nhận vé bay, được biết sẽ chuyển tiếp tại phi cảng miền Trung nước Đức, để bay tới Mỹ.
Nào ngờ, trong thời điểm ấy (tháng 7, năm 2007), việc đến nước Mỹ có nhiều kiểm soát khắc khe.

Chuyến bay ghi trên tấm vé đã cất cánh. Còn tôi ngồi lại trong phòng chờ, tự nghĩ mà rất bực với bản thân vì đã chểnh mảng một việc lẽ ra phải để tâm đến. Sau một hồi xem thêm và tìm lại kỹ lưỡng từ quần đến áo, từ túi trong đến túi ngoài, hy vọng trước đó đã trở thành vô vọng.

Đúng lúc tôi ngán ngẩm vì số kiếp long đong thì bỗng nhiên, 'Thần Du Lịch' mỉm cười. Tôi chợt nhìn thấy một mảnh giấy đặt trong một ngăn nhỏ phía sau của hành lý đem theo. Mảnh giấy gấp đôi chỉ hé lộ một cạnh ngắn. Mảnh giấy ấy, với nét chữ ghi vội vàng địa chỉ người em họ ở bên Mỹ. Có thể là, trước lúc tôi lên đường, ai đó trong nhà tiện tay hay vô tình thấy tấm giấy ghi địa chỉ và đặt vào nơi ngăn nhỏ...

Từ miền Trung nước Đức, vài giờ sau kể từ khi tìm ra mảnh giấy nhỏ, tôi 'bay' lên và được ngắm nhìn bầu trời xanh trong qua kính cửa sổ máy bay, nhìn một đại dương mênh mông và lúc này, nhìn nắng đẹp trải rộng trong khoảng không, tôi chợt nghĩ đến một ngày rất gần được nhìn thấy tượng Thần Tự Do trên đất Mỹ.

Ai đã sống mà chẳng một lần mơ ước?

Vân Võ Hoài Phương  


  


Inga kommentarer:

Skicka en kommentar