kỷ niệm thật nhiều (4)
Vào quãng ngày tôi viết những dòng này, tháng Giêng năm Tân Mão ở nơi đây vẫn còn khoác chiếc áo mùa đông và hàng cây ven rừng với những cành khẳng khiu trơ trụi lá. Ở các xứ nhiệt đới, nhiều người nay vui hưởng gần xong một mùa xuân và ai nấy lại lo làm ăn với những ngày tháng dài nối tiếp. Còn ở xứ lạnh nơi đây? Mùa đông như vẫn còn muốn dừng chân lưu lại thêm ít ngày. Hai bên đường, các lớp tuyết trắng vẫn còn vương trên nhiều lối rẽ, những đụn tuyết vẫn còn "cười với gió đông."
Chiều qua, khi tôi từ ngoài phố về, nhiệt độ ngoài trời khoảng chừng 7 độ trừ (có người nói: âm 7 độ C); với nhiệt độ ngoài trời như hôm nay, dân chúng nơi tôi ở thường tỏ vẻ lạc quan, cái lạnh này với dân Bắc Âu chẳng thấm vào đâu, nếu lúc này ngoài trời không mưa không gió.
"Ngước nhìn khoảng trời giá lạnh, và nhìn những bông tuyết lượn bay theo gió, bạn sẽ cảm thấy lãng mạn đôi chút, tuy rằng khuôn mặt có man mát tê tê chút chút, nhưng tâm hồn cảm thấy vui vui." Nhớ lời bạn láng giềng nói trong ngày đầu tuyết lượn bay trên phố, tôi thoáng nghĩ tới những vùng tuyết băng giá quanh năm. Còn nơi đây chưa hẳn đứng hạng vô địch 'tủ lạnh số 1 của thế giới', cụm chữ hài hước này bạn tôi từng nói vui có lẽ chỉ tặng riêng vùng Bắc Cực, nơi có những tảng băng lạnh quanh năm. Tâm tính tuổi trẻ đôi khi có vài nhận xét bất ngờ, hoặc có lúc nhìn cảnh đời rồi tỏ ra hứng khởi và tâm hồn chợt bay bổng với ý tưởng lãng mạn vui vui là chuyện thường nhiều người đã biết. Còn các bà nội trợ trong những gia đình sống nơi đây - những phụ nữ nhiều năm với "bếp nhà ta nấu" - sẽ lo liệu ra sao khi ngoài trời tuyết bay trắng đường, ngập phố?
Những 'nội tướng' có bản lãnh về "dưa, cà, mắm, muối" trong quãng ngày đông giá thường nghĩ, nhắm ngay đến thực tiễn nhiều hơn, và tính thực dụng luôn được hoạch định trong việc bếp núc. Các bà, các cô ít để tâm tới chuyện "lãng mạn". Những hôm ngoài trời lạnh như hôm nay, vài thứ thực phẩm "thịt thà, cá mú" vừa mua về, chưa dùng đến, liền được chủ bếp nhà đem để ra ngoài hiên (tủ lạnh thiên nhiên mà!), chẳng cần phải lo nghĩ chi. Đợi đến khi, nhiệt độ ngoài trời ở mức O độ C, nếu chưa nấu nướng hết, các nội tướng mới lặng lẽ đem xếp vào ngăn tủ lạnh.
Ai từng sống nơi nổi tiếng lạnh giá này chừng một, hai chục năm chắc hẳn ít nhiều hiểu tính tình của dân xứ lạnh. Với khách du lịch đặt chân đến nhiều vùng đất nóng, lạnh trên thế giới thì họ cảm nhận được sự khác biệt giữa dân xứ nóng và dân xứ tuyết. Như nhiều người đã biết, dân xứ nóng thường linh hoạt, biểu hiện nồng nhiệt mỗi khi tâm trạng hứng khởi. Còn dân xứ lạnh lại có vẻ trầm tư hay đắn đo khi quan sát hoặc cần lượng định một việc gì. Bởi thế, bạn nơi xa, hãn hữu gặp vài dân gốc xứ lạnh, thấy họ có vẻ tư lự hay điềm đạm, ít nói - cũng xin chớ lấy làm lạ, nếu như đã đọc qua vài dòng này.
Những kẻ lưu tâm thế sự thường hiểu, bất kể ai, sống lâu ở nơi nào thường mang bản tính địa phương nơi ấy, và được mặc định ít ra về hình thức giống câu nói "ở bầu thì tròn, ở bí thì dài" dù là dân bản địa hoặc di dân. Địa phương tính này được nhìn nhận gần như một quan niệm chung, chẳng hạn khi nói "dân chúng nơi tôi qua thăm sống rất hiền hòa", hay "ở vùng mà hồi trước tôi nói đến, có nhiều đứa khó tin lắm." Cách đánh giá này tuy chỉ là nhận xét cá nhân nhưng gặp người cũng am tường thì hiển nhiên nhận được hưởng ứng và nể phục vì đã ít nhiều thấu hiểu.
Gặp dịp viết đến vài kỷ niệm nơi đây, chợt nhớ một hôm, một bạn văn sống nhiều năm nơi Kinh thành Ánh sáng, hỏi tôi một câu qua đường điện thoại: "Mùa này ở trên đó nghe nói dịu mát lắm phải không? Mùa này lên đó nghỉ mát hẳn là sướng hơn Tiên nhỉ."
Vâng, vào mùa hè, bạn có dịp đến nghỉ mát tại xứ Bắc Âu, xin thưa rằng chẳng có nơi nào dịu mát và hiền hòa hơn nơi đây. Khi mà cái nóng như hun người tại nhiều vùng châu Âu vào quãng tháng nóng nhất khiến nhiều thành phố vắng hoe vì dân chúng đã ra vùng ngoại ô để trốn nóng, thì miền đất này trở nên vùng đất lý tưởng nhiều thơ mộng. Vào mùa nóng nực trong năm, dân nơi đây thường thấy nhiều đoàn du lịch từ Đức, Hòa Lan(*) và nhiều khách du lịch từ các nước Âu châu đến nghỉ mát. Có người đem theo cả gia đình trên những chiếc xe đầy đủ tiện nghi và cũng có người dùng xe đạp ruổi rong trên đường thiên lý, sống lãng tử với muôn ngàn cảnh đẹp thiên nhiên. Còn dân bản địa và các nhóm di dân sống nơi đây, trong những tháng hè, họ dành quãng ngày nghỉ semester (đợt nghỉ phép năm) đến thăm họ hàng, quyến thuộc gần xa hay du lịch tới những địa danh họ chưa từng biết. Ai đó đã nói "Mỗi năm một lần, hãy đến nơi nào bạn chưa từng đến." Câu nói này quả thật chí lý!
Nhớ trong chuyến viễn du sang Hoa Kỳ cách nay vài năm, một anh bạn mới quen gặp trong hotel hỏi tôi một câu làm tôi nhớ mãi: "Anh sống hơn chục năm bên đó, có nhiều khác lạ so với những nơi khác không anh?"
Tôi ngồi ngẩn người và chẳng thể nào trả lời ngay câu hỏi ấy. Thì ra khi đã sống quá quen thuộc tại một nơi nào, người ta thường thấy cảnh sống nơi đó trở nên quen nhìn, bình thường và chẳng còn nhiều quan tâm để ý tới.
- Đời sống nói chung vẫn bình thường. Cùng là dân tỵ nạn mà anh, đến được quốc gia thứ ba thì coi đó là quê hương thứ hai rồi.
Tôi nhớ, tôi chỉ nói được vài lời ngắn ngủi. Trong phòng thuê của khách sạn hạng vừa này, có sẵn hai chiếc ghế tựa, tôi và anh đem ra ngồi gần cửa sổ, nơi thoáng đãng và nhiều ánh sáng nhất trong phòng. Anh bạn ngồi bên tôi, tuổi cỡ chừng hơn kém tôi vài tuổi. Thật sự tôi không đoán được thật đúng, bởi lúc anh cười, trông anh trẻ hơn tôi nhiều.
Hình như tính anh cũng ít nói, kiệm lời. Còn tôi, với người lần đầu mới quen, nhất là lại đương chân ướt, chân ráo đến nơi đây, còn bỡ ngỡ nên chẳng thể nói thêm lời nào.
- Nghe bạn tôi nói, anh từ Âu châu qua thăm. Sáng nay tôi có việc về qua nhà nên tiện thể đến thăm anh.
Nói xong, anh bước ra phía gần cửa ra vào, với tay xách một túi bia. Trước đó, người em họ có giới thiệu qua với tôi về anh. Nghe nói, anh làm trong một hãng du lịch nhỏ, thường lái xe chở du khách tới thăm vài nơi trong thành phố. Những ngày này, vì mải chỉ dẫn thợ sửa qua tiệm nên thỉnh thoảng em họ tôi mới qua khách sạn thăm tôi. Ngay hôm đến San Francisco, em họ tôi cho tôi mượn một điện thoại cầm tay, để phòng khi có việc cần sẽ gọi tới giúp. Việc sửa tiệm có lẽ một, hai ngày nữa sẽ xong.
Anh bạn mới quen đặt túi bia gần nơi tôi và anh ngồi. Anh nói:
-Tôi nghe nói, vài loại bia tại châu Âu cũng lừng danh trên thế giới. Anh thử uống thứ bia Mỹ này xem có khác nhau không.
Tôi vốn chẳng được hay lắm về khoản này, nên chẳng biết nói sao. Rõ ràng giữa anh và tôi, chưa có mối liên hệ nào để gợi thêm câu chuyện. Từ lúc biết anh đã sống tại vùng Cựu Kim Sơn với hai chục năm có lẻ, tôi vui lắm nhưng chẳng biết làm cách nào để trong những ngày viễn du tới có được anh bạn San Francisco 'vàng ròng' này!
Vài phút sau, anh đứng lên, chìa tay cho tôi, dường như tỏ ra lần gặp này là lần cuối. Anh nói:
- Chúc anh vài tuần lễ thăm viếng vùng vịnh này vui vẻ. Nơi đây gần biển, nhưng ban trưa nóng lắm, chẳng băng giá về mùa đông như bên Âu châu.
Tôi đứng lên, bắt chặt tay anh. "Biết nói gì trong giây phút này?" Tôi tự nhủ. Và tiếp đó, tôi nói, giọng nói chẳng hiểu tại sao có âm hưởng tạ từ lưu luyến:
- Nơi tôi ở, gần giống như châu Âu, thường là rét lạnh và có tuyết vào mùa đông.
Chợt tôi nghe anh nói:
- Ở đây, San Francisco này, chẳng bao giờ có tuyết.
Thật chẳng ngờ, trong câu nói có nhắc tới "tuyết" đã gỡ bí cho tôi. Nhưng tôi chưa kịp nghĩ thêm thì anh buông tay tôi ra, hỏi tiếp:
- Lạnh rét tuyết rơi, người bên đó ăn uống như thế nào, anh?
- Ồ, tuy đông giá, rét mướt làm nước ngoài đường ngoài phố đóng băng, thế nhưng trong các siêu thị, lúc nào cũng đầy đủ thực phẩm, rau quả. Đặc biệt, các loại rau, quả Á châu cũng nhiều: quả vải, nhãn, dừa, xoài, khế, chanh... không thiếu. Thường là rau, quả của nước nào đều có dán nhãn giấy trên rau quả đó hay có ghi chữ bên quầy để người mua biết.
Anh bạn mới quen nghe đến đây tỏ ra rất thích. Anh hỏi thêm tôi những món ăn dân xứ lạnh ưa dùng. Tôi, lúc ấy, được đà nói thêm vài món đặc biệt hấp dẫn và ngon tuyệt vời từng thưởng thức. Kẻ nào chưa nếm thử các món này, nghe kể đến đoạn này chắc hẳn ít nhiều phải tiếc là chưa có dịp đến thăm miền đất lạnh nhưng rất nhiều món 'nhắm'. Vốn liếng của tôi về khoản này nhiều lắm. Ai mà chẳng đã dự vài bữa tiệc nơi xứ lạnh dẫu chỉ là di dân? Những bữa tiệc liên hoan cuối khóa học, tiệc lễ cuối năm, tiệc mừng sinh nhật... Có tiệc toàn đồ ăn nguội, có tiệc toàn đồ ăn nóng. Nhiều món ngon, chỉ một năm mới có một lần chủ tiệc khao đãi khách. Anh bạn nghe tôi kể, vẻ mặt vui mừng hứng khởi thấy rõ. Anh thân mật vỗ nhẹ vai tôi như đã thân thiết lâu ngày:
- Anh nghỉ trong khách sạn này đợi tôi. Chừng một, hai giờ nữa tôi đến đón anh về nhà. Hôm nay tôi sẽ khoản đãi anh món phở đặc biệt do tôi làm. Tuần tới, có thể tôi sẽ xin nghỉ vài hôm, rong chơi với anh vài nơi. Lâu lắm cứ mải làm. Kiếp người trông qua nhìn lại đâu có là bao. Mấy lúc được vui như hôm nay.
Tôi nhớ loáng thoáng anh nói những lời có vẻ tiếc cho ngày tháng chóng qua, mà sau này tôi biết thêm, đời sống nơi xứ Hoa Kỳ chuyển động nhanh thật. Tôi có cảm nghĩ, sống nơi lạnh giá, một ngày trôi qua rất lâu. Thế nhưng, cũng khoảng thời giờ ấy, một ngày bên Mỹ qua rất nhanh.
Anh tạm chia tay tôi với vẻ mặt hoan hỉ. Những ngày sau tôi được biết thêm về anh, anh đã từ lâu ôm mộng mở một tiệm ăn. Có thể, câu chuyện tôi kể anh nghe về những món ăn đã làm anh ưa thích? Hay là, một đam mê trong đời của anh đương khởi động. Anh sẽ là chủ một nhà hàng? Anh sẽ là nghệ sĩ tài ba với món phở gà, phở bò thơm nức mũi khiến nhiều người còn nhớ tới tên tuổi? Dù gì đi nữa, là bạn một chủ tiệm phở lừng lẫy hay là khách đặc biệt một quán ăn sang trọng cũng là vinh dự rồi. Hy vọng trong tương lai gần, bạn tôi thực hiện tốt niềm đam mê hằng ấp ủ.
Rất may với tôi gặp được đúng anh để kể về vài việc vui nơi vùng đất lạnh xa vời. Còn anh, sau những lần gặp gỡ với tôi, anh trở nên vui tính và là người bạn rất thân thiết nhiệt tình đưa tôi đến thăm nhiều nơi nổi tiếng về cảnh đẹp trên đất Mỹ.
Vân Võ Hoài Phương
Tháng Giêng 2011
(*) Hòa Lan, Hà Lan.. : "Hà Lan, còn gọi là Hòa Lan (tiếng Hà Lan: Nederland, tiếng Anh: Netherlands), là một quốc gia nằm ở châu Âu." (theo Bách khoa toàn thư Wikipedia).