( hình minh họa )
Trong dịp đến thăm một đàn anh trong làng văn nghệ - một người đã trình làng tác phẩm đầu tay cách đây trên một thập niên và hơn tuổi tôi cũng chừng đó năm tháng - tôi rất vui và thêm chút kính nể ông, bởi ông vẫn khoẻ và còn nhiều thanh niên tính như ngày nào tôi và ông còn sống chung trong một Trại tỵ nạn ở một vùng Đông Nam Á. Trong lúc ông vảo phòng bếp bên cạnh đem ra vài thứ để tiếp khách, tôi ngồi lặng lẽ và tự hỏi: phải chăng vị chủ nhà này đã có một bí quyết để giữ được đời sống chẳng nhạt phai?
Cảnh trí trong nhà không khác chi các gia đình tôi đã vài dịp được mời đón. Ở bên này, như nhiều người đã biết, mỗi nhà dù lớn dù nhỏ, nhà nào cũng có một phòng khách. Và phòng khách tôi ngồi hiện giờ, trông qua cũng bình thường với vài chậu cây nhỏ đặt bên cửa sổ, một bộ bàn ghế vừa gọn ghẽ vừa thích hợp với diện tích của phòng; một bức tranh treo trên tường rất ưa nhìn và một chiếc tủ gỗ với vài khung kính, bên trong bày vài kỷ vật có lẽ dùng để trang trí nhiều hơn.
Một khung cảnh chẳng có chi đặc biệt lắm. Vậy sống giữa cõi thường này, gia chủ phải là kẻ có tàng ẩn trong tâm linh bí quyết nào đó mới có thể hiện hữu với trạng thái vui vẻ như hôm nay. Tôi băn khoăn lắm và lúc này bận tâm nghĩ cách nhân dịp đến thăm ông bữa nay để học thêm kinh nghiệm sống hiếm này ...
- Cuối cùng thì anh cũng tìm đến thăm tôi - Chủ nhà từ phòng bếp bước ra, cười - tìm đến một kẻ ở nơi hẻo lánh.
- Từ ngày chia tay với anh ở trại tỵ nạn, hôm nay mới gặp lại anh một lần nữa. Nhưng nghe nói anh thường được tiếng là nhiều khách đến thăm lắm. - Tôi nói đỡ lời ông.
- Người ta đồn đãi vậy thôi. Thực ra đã vài tuần nay tôi chẳng có ai đến thăm để nói vài câu chuyện. Còn anh, đây là lần thứ hai tôi mời anh mới đến.
Tôi cười, định nói lời nhận lỗi nhưng ông nói tiếp:
- Kể ra cũng chẳng trách anh được, vì lúc đó vào đúng dịp anh chuyển gia đình. Tôi đã qua vài phen như vậy nên tôi hiểu và chẳng có ý trách anh đâu.
Chúng tôi ngồi nhẩn nha uống nước. Những ngày này ông và tôi được thư thả. Ông đã nghỉ hưu vài tháng nay, còn tôi gặp dịp nghỉ lễ thong thả vài ngày. Trong giây phút im lặng, dường như ông và tôi mỗi người đang để tâm tư của mình nghĩ đến những việc xa xôi...
Tôi nhìn bầu trời xanh ngoài khung cửa sổ, nhìn vài đám mây nhẹ lãng đãng trên nền trời và nắng vàng chan hòa nơi xứ lạ. Tôi chợt thấy trong tâm trí hình ảnh quyến rũ của một chuyến du lịch. Cảnh vui tươi nhiều màu sắc đó vẫn thường hiện lên trong tôi những lúc tôi có dịp ngắm nhìn một khoảng trời xanh và một khung trời nhiều nắng. Những bến ga với những đường ray tỏa về muôn hướng, nét mặt của vài du khách ánh lên niềm vui. Mùa hè về, người ta thường mong được đến thăm những nơi xa, ở nơi đó đường phố nhộn nhịp, có bầu trời xanh trong và nắng vảng rộn rã đợi chờ họ với bao niềm yêu thích mới. Ai trong chúng ta chẳng có một mơ ước nhỏ nhoi trong cuộc đời...
Ông đưa tiếp cho tôi một ly nước nữa và nói:
- Trong số các bạn sống chung một trại tỵ nạn ngày trước, chỉ có tôi và anh may mắn được sống gần nhau lúc này. Còn những người kia nay mỗi người một nẻo. Những ngày này lại nhớ những năm xưa.
Tôi nhìn chiếc ly cầm trong tay, mỉm cười nhớ đến một thời đã từng uống chung với ông một ấm trà:
- Anh vẫn giữ được bộ ly này từ ngày còn ở trại. Qua mấy đợt chuyển trại, rồi từ bên ấy sang bên này, chẳng sứt mẻ chi, khéo thật! Tôi còn nhớ, bộ ly này anh mua hôm lĩnh được ngày lương thứ nhất.
- Hôm nay, kỷ niệm bữa tiệc mừng tự do của anh và tôi mười năm về trước, tôi đặc biệt đem ra để uống mừng cùng anh.
Nhớ lại ngày hôm đó, anh và tôi nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Chợt như thấy thoáng qua trong tâm trí vài tháng trời ăn cơm trại, chia nhau từng mẩu thuốc, người gầy ruộc bởi nhớ người thân còn kẹt lại quê nhà. Những quãng ngày đó, nhìn người nào cũng tơi bời vì vừa được cứu thoát sau một cơn biến loạn dữ dội. Gần ngày các trại viên được chấp nhận sang định cư ở một nước thứ ba, Ban quản trị Trại cho các trại viên ra ngoài trại tìm kiếm việc làm để thêm chút tiền, bồi dưỡng thêm sức và mua vài thứ đồ cần dùng. Anh và tôi quen một người bạn sang trước, xin giúp được hai chân khuân đồ rau quả cho một tiệm bán thực phẩm. Việc khuân chuyển những lồ đầy rau quả cũng khá nặng nề. Tôi và anh lúc đó trông còm nhom, vậy mà vào việc, làm cũng nhanh thoăn thoắt; mỗi người như có một chiếc "mô-tơ" gắn ở sau lưng. Việc chuyển rau quả dưới bến lên xe rồi từ xe xuống tiệm rất nhanh gọn. Qua một ngày làm với anh, tôi phải thừa nhận anh là người rất nhanh quen việc. Bản chất tốt và vui vẻ của anh được những người làm chung quanh ưa mến.
Ngày hôm đó chủ tiệm rất hài lòng, trả luôn tiền lương ngày đầu rất hậu và nhận luôn anh và tôi làm tiếp. Mỗi người cầm gần hai trăm đô tiền bản xứ trong tay, vui quá chẳng còn biết nên mua thứ chi lúc này. Vui vì từ hôm nay được sống tự do, và được đi nơi đó nơi đây thỏa như ước nguyện. Niềm vui trong những ngày làm xếp rau quả đã xoa dịu bớt nỗi buồn của quãng ngày lênh đênh nơi đất khách...
- Tôi thường nhớ lại những kỷ niệm xưa nên cuộc đời cũng đỡ trống trải. Kỷ niệm dù khổ đau hay vui sướng cũng giống một thần dược giúp bản thân có thêm nghị lực. Anh có nghĩ như vậy không?
Câu hỏi của ông làm tôi bối rối một phút. tôi trả lời đại:
- Anh "tu luyện" đã lâu trong cõi thường này nên về lãnh vực tâm linh hẳn anh hơn tôi nhiều lắm. Lời vừa nói của anh, tôi sẽ ghi vào cuốn sổ riêng của tôi.
Ông nhìn tôi và cười như thời hai chúng tôi còn sống trong Trại, khi thấy tôi giả bộ tìm cuốn sổ tay trong túi. Rồi ông nói vui:
- Tôi rất sẵn lòng mời anh ở thêm ít ngày trong túp nhà nhỏ bé này để truyền lại vài kinh nghiệm của tôi, nếu anh chẳng khước từ.
Nói đến đây, dường như vừa nhớ ra một việc có thể là "quan trọng", ông quay về phía phòng bếp nói tiếp:
- Kể ra, anh đến thăm tôi một tháng trước thì bếp núc tưng bừng lắm. Tháng trước Sở cũ gửi cho tôi một món tiền kha khá, nên chi tiêu cũng rủng rỉnh. Mải vui với mấy anh bạn đến ăn mừng nên tháng này lại trở về lối xưa. Nhưng không sao, anh đã sống với tôi ở trại tỵ nạn, bây giờ đến với nhau là quí rồi. Có rau ăn rau, có mắm ăn mắm. A! Hình như trong tủ lạnh vẫn còn món xà bần.
Tôi nhìn ông chăm chú. Có thể tôi đã nghe hoặc đọc ở đâu đó giới thiệu qua về món này. Tôi thành thực nói:
- May mắn quá! Tôi chưa bao giờ được thưởng thức món này. Nhưng món xà bần của anh đặt mua ở đâu vậy?
Ông ngạc nhiên nhìn tôi:
- Món này không phải đặt. Có sẵn trong tủ lạnh mà.
Nói rồi ông kéo trễ cặp kính xuống, nhìn kỹ vẻ mặt thật sự chẳng biết gì về món "xà bần" của tôi. Ông cười có vẻ khoái lắm.
- Vậy đúng là anh chưa biết món xà bần như thế nào! Thong thả ngồi nói chuyện một hồi nữa, uống xong xuôi tuần nước này, rồi anh sẽ được thưởng thức món xà bần đặc biệt của tôi.
Và như muốn nhấn mạnh thêm "tầm quan trọng", ông nói tiếp:
- Anh nên nhớ, món đặc biệt này chỉ có trong tủ lạnh của tôi. Chẳng có một restaurang nào bán.
Trong lúc ông bận rộn pha thêm một đợt nước mới, tôi chợt nhớ ra món quà phương xa đem theo trong túi xách. Tôi mở túi lắy ra vài gói bánh xốp và đặt lên bàn:
- Nhân chuyến đến thăm anh, tôi đem theo vài thứ để chúc mừng anh.
Nhìn ra bầu trời xanh ngoài khung cửa, ông cười nói với tôi:
- Trời hôm nay đẹp quá. Mà anh cũng khéo sao, đến đúng vào một hôm đẹp trời.
Nói xong, ông vào phòng bếp đem ra một chiếc đĩa để đựng bánh. Những chiếc bánh xốp có kem ở giữa, tuy chưa phải là loại thượng hảo hạng, nhưng để dùng trong khi nói chuyện vui thì cũng khó chê được. Tôi và ông như cảm thấy bầu không khí trong nhà vui vẻ thêm.
- Lâu nay anh có gì mới không?
Tôi ngẫm nghĩ một lát. Chắc ông cũng biết qua vài việc đã đến với tôi trong mấy năm gần đây. Thường đôi, ba 'nguồn tin lang bang' ở đâu đó thỉnh thoảng rọi chiếu đến một hai người trước đây đã thân quen. Tôi hiểu điều đó nên nói:
- Chuyện gia đình của tôi vẫn thế. Còn vốn liếng để theo nghề... (Tôi làm một cử chỉ gò lưng xuống bàn cặm cụi viết để ông hiểu,)... mỗi ngày một vơi thêm. Vận số chưa đến, biết làm sao anh?
- Anh cũng biết câu Nghiệp tình lận đận lênh đênh, thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay. Tôi cũng giống anh, mê mải nghiệp đèn sách từ ngày còn trẻ. Thời mới biết chuyện tình ái, tôi là vai chính trong một vở bi tình sử. Tôi gặp một nàng cũng đam mê văn chương lắm. Chúng tôi yêu nhau mê say, nhưng lúc đó đâu hiểu cặn kẽ rằng bên cạnh tình yêu, hai người cần lo tính trước về đời sống của một gia đình. Và chuyện tình đó đã kết thúc giống y màn cuối một vở bi tình sử. Tôi và nàng đã chia tay nhau. Chuyện tình của hai kẻ mê thơ văn thường đẹp như mơ, nhưng sau hết chỉ còn nuối tiếc,
- ?
- Anh biết những năm tháng đó rồi, lo một thân còn chưa xong, nói chi lo đến một gia đình. Còn tôi vốn dĩ chẳng muốn nhờ cậy ai. Nói thật tình, tôi cũng không muốn một người nữa cùng chịu khổ chung với mình.
- Đấy có phải là cách tự phê phán theo kiểu kinh nghiệm đầy mình không nhỉ? Cái kiểu tự kiểm này tôi nghi ngờ lắm.
- Chà, thì ra anh và những người khác tôi đã gặp, lâu nay sống trong một xã hội dân chủ, việc chi thấy kh̀ông đúng hoặc nghi ngờ là nói ngay. Nhưng kiểu nói của tôi đâu phải là kiểu nói bảo thủ.
Tôi cười:
- Vậy là anh cũng tự kết luận được đấy.
Ông ngồi gần lại bên tôi, giọng nói trở nên thân mật:
- Lâu nay mới gặp dịp trò chuyện cùng anh, và dù quan điểm của anh không giống tôi, nhưng thực tình tôi cũng thấy thoải mái. Cùng nhau nói đến vài chuyện đời thường giữa anh và tôi, tôi nghĩ cũng như chúng ta cùng chung tay xây một nhịp cầu thân tình nối liền hai thế hệ. Anh cũng biết đấy, dù hơn tuổi anh chút ít, nhưng từ ngày còn ở chung trại tỵ nạn, ở chung một buồng mấy trăm người, anh là người thân thiết với tôi.
- Và kiểu nói của tôi cũng làm anh nhiều phen ấm ức lắm.
- Đúng vậy. Nhiều lúc tức ghê lắm nhưng vẫn phải cười. Nhưng nghĩ ra, anh đúng là một bạn tốt.
- Hóa ra tôi sắm vai này cũng được một khán giả như anh ưa thích.
Anh cười. Trước đây chúng tôi đã có những lúc trêu đùa nhau khiếp lắm. Nhiều khi mang "bệnh" của nhau ra "chữa trị". Hai chúng tôi đâu phải là thánh hiền; vì thế mà một thì có 'tật' dại gái, còn một có 'tật' nói ngay không để bụng, do đó cũng dễ mất mát bạn bè.
- Hôm nay tôi muốn nói với anh chuyện này. Để chia sẻ những ưu phiền của những người đàn ông như anh và tôi, tôi buộc lòng ph̉ải nói đến.
- Nghe anh nói, tưởng chừng nghe một hồi chuông...
- Tôi vẫn biết anh là người trực tính, nhưng chuyện này có thể có ích cho anh và tôi nữa. Vậy đừng vội giận tôi.
- Vâng, anh cứ nói.- Tôi cười vui vẻ nói thêm - Nhưng anh nói qua phần dẫn nhập rồi đó. Anh cứ nói luôn, khỏi vòng vo mãi.
- Anh vốn biết, một truyện ngắn khó nhất là đoạn trước tiên. Cái khó thứ hai là dùng chữ để thuật lại câu chuyện của nhân vật chính...
- Vâng, tôi muốn nghe anh kể về nhân vật chính,
- Một văn sĩ yêu một cô gái bình thường. Rồi hai người cùng nhau xây tổ ấm. Thời gian lặng lẽ qua đi, và tổ ấm đó đã có thêm hai, ba đứa con. Văn sĩ vẫn mải theo đuổi con đường gập ghềnh của anh; còn cô vợ, vốn chỉ là phụ nữ bình thường nên cô chỉ mơ ước chồng cô rạng rỡ về tiền tài như những người đàn ông khác. Rồi những bộn bề của đời thường ập đến, văn sĩ vẫn mải lo nghĩ có được một hai tác phẩm, còn người vợ mỗi ngày lại thấy ước mơ của cô một xa vời, nhất là lúc này đây, gia đình đó lại sống ở hải ngoại.
- Anh nói đúng. Và anh đã chọn tôi làm nhân vật chính trong câu chuyện thì phải.
- Ôi...
Ông nhìn tôi, ánh mắt tỏ rõ niềm hứng khởi:
- Bóng dáng văn sĩ đó cũng là bóng dáng của anh và của tôi. Ở hải ngoại lúc này, anh và tôi cũng như nhiều người khác đã biết: văn, thi sĩ là những người nghèo về vật chất. Vậy cảnh đời của anh và cảnh đời của các gia đình khác cũng ở trong tình cảnh đó, rồi sẽ ra sao trước cuộc chạy đua về tiền tài, vật chất mà rất nhiều người ham mê lúc này?
- Anh tỏ ra đã am hiểu rất nhiều về điều này.
Tôi nhìn ông kính nể.
- Nhưng tôi biết, chuyện gia đình anh rồi sẽ qua.
- Tôi chưa hiểu,,,
- Vì cứ theo lời ông thầy đã coi tay cho anh ngày trước ở trong Trại. Ông ấy đã nói trước rằng, đường đời anh gập ghềnh lắm, nhưng qua khỏi đoạn gập ghềnh sẽ đến một đoạn êm xuôi thôi.
Tôi chợt nhớ ra.
- Ồ, đúng vậy. Lúc này đây, đường đời còn ngổn ngang lắm.
- Thôi, tôi cũng khích lệ anh, ráng vượt qua quãng đường ngán ngẩm này.
- Còn anh? Ngày đó ông thầy cũng xem tay cho anh, Đến nay anh đã thấy ứng nghiệm chưa?
Đúng lúc đó, tôi và ông nghe một tiếng chuông reng lên ngoài cửa, chủ nhà nhìn tôi, ông nói khẽ:
- Chắc là sắp sửa ứng nghiệm đó ghen! Anh chờ tôi một chút.
Ông đứng dậy, bước những bước nhẹ tiến ra cửa ngoài. Tôi ngồi lại và rất muốn biết cơ sự nào sắp đến với ông. Tôi nghe tiếng một phụ nữ, giọng còn trẻ và tiếng chủ nhà nói, bằng những lời thân thiết:
- Nhà bố đương có khách. Ngày mai con và mẹ đến thăm cũng được. Khách còn ở lại vài ngày, có vội gì đâu.
- Nhưng bố ạ, khách đàn ông hay khách đàn bà?
- Đàn ông.
Im lặng một lát, tôi nghe tiếng chủ nhà ho khan và một phút chờ đợi qua nhanh.
- Đàn ông thì bố sợ gì. Bố cứ để con vào.
- Nhưng mà...
- Chuyện này con thấy hemligt quá.
- Đâu có chi bí mật. Con không tin bố nuôi của con à?
- Con tin bố. Nhưng mẹ con chẳng tin chuyện này.
- Thôi vậy...
Việc thương lượng chắc hẳn đã đến hồi kết, hình như chủ nhà đã nhân nhượng. Tôi thoáng nghe tiếng cửa ra vào đóng lại và tiếng chân hai người bước vào phòng khách.
- Chào chú ạ.
Một phụ nữ tuổi ngoài hai mươi, một người đã có gia đình vì trông vẻ ngoài cũng sồ sề một chút, vừa nhìn thấy tôi đã chào.
- Cháu nó gọi tôi bằng bố nuôi. Còn mẹ cháu, lúc trước ở V.N, nay qua bên này được vài tháng.
Tôi chào cô con nuôi của chủ nhà. Nghe giọng nói ngập ngừng của ông lúc này, tôi cũng có vẻ thích thích chẳng hiểu tại sao...
- Tháng trước, tôi có ít tiền, gửi cháu mua giúp một ít thực phẩm. Chẳng may đợt đó vài thứ cần mua chưa về, hôm vừa rồi mới có. Hôm nay cháu mua thêm và đem lại. Anh và tôi hôm nay gặp hên, khỏi dùng món xà bần trong tủ lạnh nữa.
Để câu chuyện thêm hấp dẫn, tôi nhìn chủ nhà nói vui:
- Tôi tiếc món xà bần đặc biệt của anh quá.
- Anh đâu biết món xà bần của tôi là món gì, đúng không? Nào, anh thử hỏi con nuôi của tôi xem tôi nói có đúng không.
Trong giọng nói của chủ nhà, vừa có vẻ kiêu hãnh vừa có vẻ thách thức. Tôi biết tính tình ông xưa nay vẫn vậy, trong tranh luận dù thắng, dẫu thua cũng cãi "đến cùng", một người bạn ngày trước gọi đùa đây là tính cố chấp, dường như về khoản này, ông vẫn còn hăng lắm. Tôi hỏi cô con nuôi:
- Bố nuôi củ̉a cháu nói với chú là ông có món chú chưa biết đến. Đó là món xà bần để trong tủ lạnh. Nhưng thực ra, chú chưa biết món gọi là xà bần này là món gì. Cháu thử nói để chú biết, món này là món gì vậy?
- Chú chưa biết thật sao? Món này là các thứ bữa trước để lại đó. Mấy bữa trước, nhà có tiệc, làm nhiều món quá, dư hẳn một mâm mà toàn đồ ngon nên mẹ cháu và cháu để dành lại trong tủ lạnh.
- Nếu đúng như thế, các món đã nấu chưa dùng đến, gom để dành lại nên gọi là món thập cẩm. Tôi biết có nhà hàng cơm đã bán món này. Có thể, đôi khi cùng một món ăn nhưng người ta gọi khác đi chăng?
- Nhưng dẫu gì câu chuyện vừa rôi chứng tỏ tôi hiểu biết nhiều trong đời hơn hẳn anh rồi nhé. Thôi, con về kể với mẹ hôm nay bố đã thắng một tay thuộc loại chữ nghĩa nhé.
Nhìn nét mặt hân hoan và nụ cười hài lòng của ông, tôi thấy cần nhún nhường ông lúc này.
Cô con nuôi chủ nhà nhìn ông và tôi, rồi vừa chào vừa cười ra về.
- Vậy ra ông thầy tướng xem cho anh ngày trước đoán cũng đúng đấy.
Tôi nói để qua việc vừa rồi. Chủ nhà khôn lắm, ông biết tỏng chuyện này. Ông cười:
- Kiểu này là anh định nói kháy tôi hả? Nhưng khoan nói đến đoạn này. Để tôi xem con nuôi của tôi đem đến những thứ gì đã.
Nói rồi ông bước ra lối ngoài xách vào hai túi thực phẩm nặng.
- Chu choa! Hai túi này god mat, hẩu xực rồi. Tôi và anh dùng đến hai tuần cũng chưa hết. Kể ra anh cũng tốt số, đến đâu cũng được thánh nhân phù trợ. Đúng như ông thầy ngày trước đã nói.
- Nghĩ ra thì lúc còn xuôi ngược tìm một nơi sống an lành thời xa xôi đó, lời ông ấy nói với anh và tôi đã giúp chúng ta một chút hy vọng về ngày mai.
- Đúng. Tôi cũng phải cảm ơn ông ấy. Dù những lời của ông nói có vẻ xa vời. Lúc đó, bốn cõi điêu linh, nhân tâm rối bời. Ông ấy đã nói những lời tâm tình, những lời giúp bạn bè ráng vượt qua cơn bĩ cực để đón một ngày mai tươi đẹp hơn. Đó là lời nói của một tấm lòng nhân hậu.
Sau câu nói đó, ông cười nhìn tôi:
- Đã đến giờ chúng ta vào bếp được chăng? ở nhà này anh cứ trổ tài bếp núc. Tôi làm chân phụ bếp giúp anh.
Tôi nói đùa:
- Nấu nướng thì tôi kém lắm, nhưng viết một, hai bài bình phẩm vài món đã được khoản đãi thì cũng không đến nỗi. Tôi rất mong dịp này đến thăm anh...
- Vậy là anh đã đến đúng địa chỉ. Nhưng anh có đem theo chai rượu bổ nào không đấy? Có à. Vậy là có dịp vui với nhau. Lâu quá rồi chưa có dịp ngồi tâm tình với anh.
Tôi chợt nhớ ra, nói với ông:
- Anh còn quên chưa kể tôi nghe về chuyện riêng của anh. Người ta nói anh rất hên về hậu vận. Tôi nghe chừng có lẽ ứng nghiệm.
Ông nói:
- Khoảng chừng một thập niên trước, tôi chuyển đến ở vùng này. Xứ Bắc Âu mùa đông lạnh lẽo băng giá với cảnh tuyết trắng trên những nẻo đường. Mùa đông rét tái tê làm tâm hồn những kẻ ly hương như tôi cảm thấy cô quạnh, Tôi sống lẻ loi trong căn hộ và quãng ngày đầu đến đây, tôi nhớ khôn nguôi vài bạn hữu đã cùng tôi sống ngắc ngoải trong vài trại tỵ nạn. Dẫu sao đoạn đời đó cũng để lại trong ký ức tôi kỷ niệm thương đau của một thời...
Nơi này dù xa lắc xa lơ, nhưng tôi vẫn còn gặp vài kẻ cùng cảnh xa quê hương. Và tôi đã quen biết gia đình hai cháu, lúc đó các cháu gọi đùa tôi là bố nuôi. Nỗi ưu phiền của cảnh cô đơn cũng nhẹ vơi đôi chút. Vừa qua, hai vợ chồng hai cháu bảo tôi về ở chung. Hai cháu nói: "Hiện nay bố sống cô đơn, còn mẹ của chúng con hơn chục năm nay sống cũng chỉ một bóng. Bố về ở chung cho vui nhà". Tôi còn lưỡng lự lắm. Anh ở lại vui với tôi vài ngày, rồi nghĩ thử coi có thể giúp tôi...
- Chuyện đời xưa nay gặp nhau rồi xum vầy, xum vầy rồi ly tán... ly tán rồi lại xum vầy là chuyện thường anh ạ. Nhưng sống để thêm niềm vui. thêm kỷ niệm ân tình trong quãng đời mới là hay. Tháng năm cũ rồi sẽ phai tàn, còn niềm vui và kỷ niệm theo chúng ta suốt cuộc đời. Tôi tin rằng anh sẽ hiểu ra.
- Chuyện đời xưa nay gặp nhau rồi xum vầy, xum vầy rồi ly tán... ly tán rồi lại xum vầy là chuyện thường anh ạ. Nhưng sống để thêm niềm vui. thêm kỷ niệm ân tình trong quãng đời mới là hay. Tháng năm cũ rồi sẽ phai tàn, còn niềm vui và kỷ niệm theo chúng ta suốt cuộc đời. Tôi tin rằng anh sẽ hiểu ra.
Nghe tôi nói, ông cười vui vẻ:
- Anh cũng khéo nói vun vào lắm. Bữa nào tôi chuyển nhà, tôi sẽ mời anh đến dự. Bữa đó, anh phải đờn và hát. Liệu anh có nhận lời giúp tôi không?
- Giọng tôi chẳng được hay lắm, nhưng hôm đó tôi sẽ đứng cạnh anh để chúng ta cùng hát góp vui một bài. Anh nghĩ nên chăng?
Ông cười:
- Việc đó để bàn sau. Còn hôm nay tôi sẽ khoản đãi anh một bữa thật đặc biệt!
Vân Võ Hoài Phương
(Chỉnh sứa xong bản cuối, tháng 8. 2023)
*************************
Inga kommentarer:
Skicka en kommentar