Sông Hương Núi Ngự (Hình: Internet)
Theo hoạch định trong quãng ngày sắp tới, vào ngày thứ Bẩy cuối tuần, tôi sẽ rời khỏi nhà ra ngoài làm vài công chuyện nhỏ.
Bản 'dự thảo việc ngày thứ Bẩy' chẳng ngờ hôm nay gặp ngày tuyết buông, nên đành ngồi nhà nhâm nhi ly cà phê và nghĩ về vài kỷ niệm những ngày phiêu du trên đất khách.
Hình như cụm chữ "đất khách, quê người" dùng để nói đến một nơi xa lạ, khác hẳn những chữ "quê hương, bản quán". Vài chục năm về trước, một người dời xa khỏi làng xóm, tỉnh thành mình ở, đến sống tại một nơi khác - dẫu là tỉnh thành gần bên - người này cũng nghĩ là sống nơi đất khách, quê người. Thường đó là cảm nghĩ và tâm trạng của những kẻ gọi là dân giả (dân thường). Còn với các thi sĩ, nhạc sĩ - những kẻ có tâm hồn đa cảm- họ cảm nhận ra sao?
Ngồi nhớ lại vài kỷ niệm trên đất khách, chợt nhớ đến một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính. Ai một thời "khăn gói" lãng du đến xứ xa, chịu đựng những cơn mưa dai dẳng ngày này qua ngày khác hẳn là thấu hiểu nỗi lòng Nguyễn Bính, nhà thơ từng trải qua cảnh sống nơi đất khách quê người trong một chuyến viễn du xứ Huế. Và chẳng may cho thi sĩ và người bạn cùng chuyến ấy, hai người đến thăm Huế đúng vào những ngày sông Hương, núi Ngự ... mưa "cứ kéo dài ra đến mấy ngày", và "thu về lại giở gió heo may".
Xin trích một đoạn ngắn, thi sĩ kể lại:
" Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội
Bốn tháng hình như kém mấy ngày
Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh
Để rồi nằm mốc ở nơi đây.
Thuốc lào hút mãi người ra khói
Thơ đọc suông tình hết cả hay"
Bài thơ Giời mưa ở Huế là một trong những thi phẩm hay của Nguyễn Bính. Hay, không chỉ nói đến một địa danh nổi tiếng như Huế. Từ xưa đến nay ai cũng biết, Huế đã được nhiều văn, thi, nhạc sĩ viết về Huế rất hay và rất tình. Thế nhưng, bài thơ Giời mưa ở Huế lại mang nét đẹp riêng, nồng đượm tâm tình và cảm xúc riêng tư rất đặc biệt, chứa chất mối băn khoăn phong trần của kẻ lữ thứ. Có ai đó từng nói: kẻ làm nghệ thuật tài giỏi là kẻ đã để lại trong trí nhớ người thưởng ngoạn những hình ảnh không phai mờ về tác phẩm đã có. Nguyễn Bính với thi phẩm Giời mưa ở Huế, thật sự đã làm nhiều người mãi mãi nhớ về Huế. Người ta nhớ tới một nhà thơ nổi tiếng đã gắn bó với Huế trong những ngày mưa ở Huế, buồn làm sao nhưng cũng làm xứ Huế thêm đáng yêu, bởi những ngày có "mưa trên xứ Huế".
Là nhà thơ có nhiều năm sống tại những "thôn Đoài, thôn Đông" ngoài Bắc, Nguyễn Bính cùng bạn ông lãng du và giang hồ đến miền Trung, đến xứ Huế. Và hai kẻ lữ thứ xa nhà bị kẹt vì mưa "cứ kéo dài ra đến mấy ngày". Câu thơ được nhắc đến bốn lần trong thi phẩm, khiến kẻ nào chưa biết đến "mưa trên xứ Huế" cũng cảm thấy nao lòng. Bài thơ có những nét buồn ẩn hiện, nhưng bên cạnh đó, hình ảnh thi nhân và người bạn đồng hành lử thử khi đó:
"Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ
Đôi lòng hòa một vị chua cay
Đứa thương cha yếu thằng thương mẹ
Cha mẹ chiều chiều...con nước mây"
Hình ảnh được nhà thơ ghi nhận cùng những uẩn khúc trong tâm hồn hai kẻ xa nhà thật cảm động. "Giời mưa..." có lẽ chỉ là cái cớ để Nguyễn Bính trải bày nỗi lòng trắc ẩn. Với nhiều văn, thi, nhạc sĩ tài danh, hình ảnh thiên nhiên và cảnh trời đất chỉ là cái cớ, một cái 'phông' nhiều màu cho tác phẩm của họ.
Hình như nhiều người yêu thơ rất ít thấy các nhà thơ dùng đến chữ "Giời" như nhà thơ Nguyễn Bính. Trong bài thơ trích dẫn trên, thi sĩ dùng phương ngữ nơi ông sinh trưởng. Dân ngoài Bắc, lúc gặp cảnh chẳng như ý, thường than vãn kêu: "Giời ơi!", hoặc "Giời ạ!".
Thưởng thức những nét đáng yêu trong thi phẩm Giời mưa ở Huế của Nguyễn Bính, người ta còn thấy nhiều câu thơ giá trị về nghệ thuật, nói theo cách nói của mấy kẻ làm thơ là "rất xứng quan tiền, thúng gạo!". Một bạn thơ góp đôi lời với tôi và anh nói thêm, có thể là, một bài thơ hay thì mỗi thời người ta cảm mến thêm vẻ lấp lánh ẩn hiện trong dòng thơ của thi sĩ.
Trong Giời mưa ở Huế còn có câu thơ phảng phất chất danh ngôn, như
"Mưa chiều, nắng sớm, người ta bảo
Cả đến ông giời cũng đổi thay!"
Nói theo ngôn ngữ thời hậu hiện đại lúc này thì nhiều sự thể có khi bất ngờ thay đổi, chẳng ai biết trước, vì "cả đến ông giời cũng đổi thay!".
Đoản tuỳ bút viết theo dòng cảm hứng và cũng chẳng theo một đề tài nào - như trong cuốn tự điển định nghĩa về thể văn tuỳ bút (*) - xin tạm ngưng nơi đây. Hẹn gặp lại quý bạn gần xa vào những ngày nắng đẹp, khi các khóm hoa thủy tiên nở nụ, bông tươi tắn nhiều màu.
Vân Võ Hoài Phương
(tháng 4. 2014)
(*) Việt Nam Tự Điển, Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ..,
Nhà Sách Khai Trí, xb 1970, tr. 1457.