fredag 30 september 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 2 )



 hai bông hồng một thời phiêu lãng (2)

Tác phẩm đầu tay của Hồng Thanh, in dấu một thời kỷ niệm qua các vùng chiến thuật, được in ra cũng là khi Hồng Thanh xuất ngũ bởi lý do sức khỏe và chuyển sang sống đời dân sự. Ông chủ nhà xuất bản trao cho anh tiền nhuận bút, với vẻ mặt chẳng lấy gì làm vui, khi biết anh đã chiếm lĩnh được trái tim cô con gái quý. Dẫu thế nào mặc lòng, Hồng Thanh và cô vẫn làm lễ cưới. Mẹ cô nói với bố vợ tương lai của anh: "Ông à, thương con thì ngon rau... ". Mãi sau, ông chủ nhà xuất bản mới chịu. Đám cưới, đương nhiên ông bố vợ phải ra tay giúp và khá tưng bừng với quan viên hai họ. Một bên là nhà gái, ăn mặc quyền quý kiêu sa, pháo đỏ rượu hồng và xe hoa lộng lẫy; một bên là Hồng Thanh và những người bạn chiến binh, với cuộc đời chiến trận, sờn vai áo lính. Đám cưới có vẻ một nửa nhà binh và một nửa phú thương.

Cô con gái Nhà xuất bản hợp duyên và tốt phúc, một phần bởi vẻ nết na đằm thắm sẵn có, một phần vì cô chăm sóc, cưng chiều Hồng Thanh với tình yêu chân chất. Có thể vì vậy, nên Hồng Thanh chẳng còn lòng nào mơ tưởng đến những người đàn bà khác. Niềm vui được sống bên nhau, những tháng năm đượm lửa yêu thương của hai người, và sức mạnh tình yêu đã tạo nên cho họ một đàn con. Riêng Hồng Thanh, bằng cây viết và bằng nội lực vui thích thời trẻ, sau vài năm trong nghề, anh quả thật là người có chân tài và gây dựng một cơ ngơi  không nhỏ.

Thụy Khanh còn nhớ ngày tình cờ gặp lại Hồng Thanh trong một siêu thị. Cái duyên văn tự giữa hai người vẫn không hề phai nhạt, tựa như câu hát xa xưa "biết nhau từ thuở se thừng, trăm chắp ngàn mối... ". Dáng vẻ Hồng Thanh vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ chẳng khác những ngày trước hai người gặp nhau trong tòa soạn báo do Hồng Thanh đứng tên chủ bút. Quãng ngày ấy Hồng Thanh kế nghiệp ông bố vợ quá xuất sắc, vừa làm báo lại vừa in sách, Bà mẹ vợ vui mừng hả dạ lắm, có hôm bà tươi cười nói với ổng: "Ông à, đúng là ông bà ngày trước ăn ở nhân đức nên con cháu có phước có phần".

... Được biết Thụy Khanh mới sang và còn bỡ ngỡ về nhiều thứ, Hồng Thanh đem những trải nghiệm chia sẻ với bạn. Hồng Thanh sống nơi đây đã lâu, gia đình ông trải qua nhiều cay cực khi mới định cư nơi này. Có những ngày hai vợ chồng rời nhà từ mờ sáng, đến xưởng làm tận tối mịt mới về, đàn con chẳng mấy khi có dịp chuyện trò cùng bố mẹ. Trong quãng ngày ly hương gây dựng lại không ít cực khổ và làm quên ngày quên tháng, đàn con nhỏ của vợ chồng Hồng Thanh chỉ còn biết nương tựa vào ông bà ngoại. Ngày tháng qua nhanh, những người cùng quê hương xứ sở quy tụ về nơi đây làm ăn sinh sống, mong có đời sống yên vui cùng người bản địa. Hồng Thanh, hồi còn sống trong nước có một quãng đời là dân làm ăn, đến nay với vốn liếng ban đầu ít ỏi, ông trở lại niềm ưa chuộng nghề nghiệp năm xưa và những năm này làm ăn khá tốt. Nhiều khi ngồi nghĩ ngợi, ông cũng chẳng rõ nhờ bí quyết nào giúp ông nuôi nổi tờ báo. Nói đến cơ may đưa đến trong nghiệp "báo bổ" quả thật khó, trước Hồng Thanh và sau ông, có vài người tài giỏi nhưng chỉ "gồng, gánh" một quãng thời gian không nhiều lắm. Với Hồng Thanh trong ngày gặp lại, ông không thể bỏ mặc bạn. Tuy nhiên ông cũng không khỏi đắn đo liệu tính vài việc trước sau.

Hồng Thanh vẫn biết vốn liếng ngoại ngữ của Thụy Khanh rất khá. Sau vài ngày gặp gỡ thân tình, Hồng Thanh đứng ra lo liệu giúp Thụy Khanh, bàn định với Thụy Khanh về việc dùng tài năng để sống. Và sau vài tháng nghỉ ngơi, sắp xếp ổn định nơi ở mới, Thụy Khanh dần dà làm quen, thực hiện tiếp công việc chuyển ngữ trước đây của ông.

Thụy Khanh từng thức trắng nhiều đêm trong nghề dịch thuật. Có những khi mệt mỏi, ông buông cây viết đứng dậy, trong giây phút cô đơn lặng lẽ, Thụy Khanh lại nghĩ đến "cô gái nghèo" của ông. Ông cảm nhận hương vị sầu mong của cảnh đời đơn lẻ. Những đêm khuya lạnh hình như làm tâm trí ông có thêm một chút vấn vương, trong ký ức thoáng hiện về những luyến nhớ một thời xa xôi diệu vợi. Niềm mong ước của Thụy Khanh theo tháng năm chậm đến chậm đi khiến ánh nhìn của ông có lúc hờ hững, nhưng bức tranh "cô gái nghèo" ông thường mường tượng, đã không phai mờ mà lại càng ngày càng rõ nét.

( còn tiếp )

VVHP

**********************

tisdag 27 september 2016

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng ( 1 )


Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng

*Đôi lời tác giả: Mến tặng bạn hữu và bạn gần xa tôi đã gặp sau những ngày rời xa Quê Hương.
Cám ơn các bạn kể tôi nghe những kỷ niệm trong đời để tôi có thêm chất liệu và cảm xúc làm nên tác phẩm.

Mến tặng Anh HT (sĩ quan Thủ Đức) và Anh HC (tạp chí Tự Do); kỷ niệm tình bằng hữu trong những
tháng năm đầu tị nạn.

TRÂN TRỌNG
Vân Võ Hoài Phương
             *

Hai Bông Hồng Một Thời Phiêu Lãng (1)

Thụy Khanh đang ở độ tuổi xế chiều, nhưng nhìn cách đi đứng của ông, người ngoài biết ông vẫn còn giữ được phong độ và tư cách. Thời thanh niên của Thụy Khanh là những tháng năm cần mẫn và miệt mài với sách vở. Trong các môn học, Thụy Khanh nổi trội về ngoại ngữ, văn bằng tốt nghiệp khi rời ghế nhà trường ghi nhận hạng ưu của ông về môn học này. Thụy Khanh đã yêu tha thiết một cô gái, con một ông Đốc học. Hai người đã nguyện thề cùng sống bên nhau, nhưng cái duyên cái số của họ không được ông Tơ, bà Nguyệt để ý đến; và sau hết cuộc tình, nàng lên xe hoa ngậm ngùi trong tiếng khóc, còn chàng lui về một xóm nhỏ ngoại ô... Một chuyện tình cách nay vài chục năm vẫn thường trắc trở là vậy, và những tình khúc với giai điệu này, tuy có đôi chút lãng mạn nhưng cũng có vị cay đắng lúc chia xa. Thụy Khanh không vì thế mà giận đời, vả lại khi đó Diễm - người tình một thuở của anh - đã bước qua cầu, sống cuộc đời vàng son trong nhung lụa. Thụy Khanh nào có gì, ngoài tấm bằng lúc đó bán chẳng ai mua, anh bước vào đời với hai bàn tay trắng.

Tuy vậy, Thụy Khanh vẫn còn một chút may mắn. Trong thời sinh viên anh kết thân với vài bạn học tốt, họ từng chia ngọt sẻ bùi những khi anh gặp nhiều gian khó. Thường trong đời những người mến nhau về đức, về tài - hợp nhau về tính tình, cảnh ngộ - thường là sống lâu bền bên nhau trong mối thiện cảm thân thiết. Bạn bè mến Thụy Khanh, bởi vì anh có sức học hơn người, nhưng anh không kiêu căng hợm hĩnh. Kiếm được tiền thì rủ bạn bè đi ăn nhậu, mua sắm. Hết, lại mải chạy tìm việc để kiếm ra tiền, vất vả và nhiều mệt nhọc nhưng không một lời than thở. Tuổi thanh xuân đã qua, nhưng phong cách Thụy Khanh vẫn điềm tĩnh và có vẻ chịu đựng như ngày nào, ngay cả khi bão tố cuộc đời dồn dập ào tới, lúc vợ anh bỏ anh...

Sau các biến cố dữ dội và sau cuộc đổi đời nhiều người từng nếm trải, đời sống càng lúc càng khó khăn hơn. Quãng ngày tan hoang và ngổn ngang đó, Thụy Khanh sống với một mẹ già và hai đứa con của vợ để lại. Anh sống qua những ngày dài đói khổ và nhiều khi phải cố dằn lòng, soi vào gương và nhìn nụ cười của anh trong gương để tiếp tục sống. "Biết đâu... Ồ, nếu có một ngày... một ngày ở đâu đó, một tình yêu sẽ đến với ta. Có thể, khi đó vẫn còn chưa muộn." Đó là lời Thụy Khanh thầm nhắc nhủ anh, trong quãng ngày anh buồn như chiếc lá héo ủ rũ. "Một cô gái cũng nghèo như ta, cũng gặp biết bao đắng cay trắc trở. Và hai kẻ chịu nhiều đau khổ sẽ sống bên nhau những khi gió lạnh, sương chiều". 

*

Mãi đến năm nay, mái tóc đã nhuốm chút màu muối tiêu, Thụy Khanh vẫn chưa tìm được "cô gái nghèo" ông thường nghĩ tới. Sau khi mẹ ông bệnh nặng và qua đời, thời thế khiếp đảm sau cuộc biến đổi kinh sợ năm 1975 đẩy nhiều gia đình đến các vùng kinh tế mới, sống khốn khổ ăn uống qua ngày, còn người ở lại sống trong sợ hãi và không thể kể hết những người tù nhiều năm nằm nơi rừng sâu núi hiểm. Thụy Khanh là một trong hàng triệu người rời xa quê hương để tìm đất sống. Ông và hai con còn nhỏ dại bước lên chiếc thuyền mỏng manh nhưng chẳng thể biết ngày sau sẽ sống nơi đâu?

Qua vài năm sống dưới mái nhà vòm trong Trại tị nạn, rồi đến xứ sở này, ở nơi đây, Thụy Khanh may mắn gặp lại một người bạn ngày trước. Bạn ông làm tại tòa soạn một tạp chí trong vùng. Tờ tạp chí đã qua giai đoạn thử thách và sống được là nhờ sự thương mến của người việt quanh vài vùng lân cận. Bạn ông, viết báo với nhiều bút hiệu, nhưng bạn bè vẫn quen gọi ông là Hồng Thanh. Khác hẳn với tính tình trầm tĩnh của Thụy Khanh, Hồng Thanh là một người nhanh nhẹn và nhiều nhiệt huyết. Dường như ngay từ thời còn trẻ, Hồng Thanh đã không để phí một thời xuân. Ông xông xáo với niềm vui thích trong nhiều lãnh vực, quyết thực hiện bằng được hoài bão hằng ấp ủ. Những năm sống trong quân trường, và một thời xuôi ngược trên những vùng chiến thuật đã giúp Hồng Thanh có cái nhìn từng trải trong đời. Bước chân binh nghiệp của Hồng Thanh đã đi qua những đồi hoa sim, và có đêm Hồng Thanh nằm ngắm các vì tinh tú trên trời trong những đêm ngưng tiếng súng, anh mơ đến một ngày thanh bình trên đất Mẹ.

Cuộc đời lính chiến của Hồng Thanh nay đây mai đó, những cuộc hẹn hò và những ánh mắt trao... đến với anh đôi lúc thoảng qua như hương đời thơm ngát. Nhưng những mối duyên tình trong một thời khói lửa ngút trời đó, dẫu có đượm đà và thi vị đến mấy, kết cuộc cũng chỉ hai người hai góc trời nhớ tiếc khôn nguôi khi cuộc chiến vẫn chưa ngưng nghỉ. Trong một lần ghé qua nhà và nhân tiện một công đôi việc, Hồng Thanh cầm theo tác phẩm đầu tay của anh đến một nhà xuất bản cùng lá thư bạn anh nhờ gửi tới người chú họ làm ở đây. Gặp cơ duyên hay vận may xui khiến... chính nơi đây, Hồng Thanh tình cờ gặp cô con gái của Nhà xuất bản. Cuộc gặp gỡ ban đầu ngỡ như trong mơ. Chàng trai lính chiến với vẻ phong trần bên cô gái ngây thơ chưa biết một chút gì gió bụi. "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...", gần đúng câu thơ một thi sĩ đã viết. Hai người ngỡ chừng mến nhau từ hồi nào, nay lại có cơ duyên gặp lại. Chất men tình yêu thật diệu kỳ; ánh mắt trao nhau nồng nàn thắm thiết, vài lời tình tự bâng quơ làm xao xuyến con tim. Hồng Thanh trở lại quân ngũ, vẫn không quên nụ cười và ánh mắt trao duyên của người em gái nhỏ hậu phương.

( còn tiếp )

VVHP

**********************



onsdag 7 september 2016

đường gần đường xa





một ngày vui mới trên đường Bolsa, Quận Cam

*
đường gần đường xa

Có người dùng hình ảnh con tằm nhả tơ để nói về cuộc đời của người làm văn nghệ. Xét trên nhiều phương diện, hình ảnh này khó có thể chấp nhận. Trong lúc vui chuyện, người đời thường bộc bạch những nhận xét của họ. Những nhận xét đó có thể đúng và có thể sai. Đúng hoặc sai, còn tuỳ thuộc đối tượng họ nhận xét, tuỳ thuộc mức độ hiểu biết và sự từng trải trong đời của họ.

Như chúng ta thường thấy, quốc gia nào cũng có những người làm văn nghệ. Con đường nghệ thuật là một con đường có nhiều người dấn thân vào; có người vì vui với đời đã dấn thân vô, và có người tự nguyện bước chân vào để theo đuổi một chí hướng. Những thăng trầm lịch sử thường đẩy đưa hướng đời của nhiều người đến một nơi không định trước và cuộc đời của văn nghệ sĩ theo sự đẩy đưa đó trở nên phiêu diêu.

Trong cơn biến loạn của đất nước, bão tố cuộc đời, vì lý do này hoặc lý do khác, có văn nghệ sĩ đã từ bỏ những ước muốn trước đây họ có và rời xa con đường văn nghệ dù trong tâm họ chẳng đặng đừng. Họ trở về sống cảnh vui thú gia đình hoặc sống lặng lẽ, ít quan tâm đến những đổi đời trong giới văn nghệ, tìm con đường khác để mưu sinh dù tâm tưởng vẫn lưu luyến quãng đời trước đây họ đã sống.

Những ai ít nhiều dấn thân vào đường văn nghệ đều có chung một nhận định: đó là con đường không dễ đi, nhiễu nhương và có những rủi ro không lường trước. Đứng vững trên con đường đó đã là việc khó, bước tiếp để có thêm một bước tiến mới trong cuộc đời, nhận được sự tán thưởng của người đời là một việc cần nhiều tâm sức. Một người tài giỏi cũng có khi sa cơ lỡ bước. Sa cơ lỡ bước vì những nhận định chưa rõ ràng. Sa cơ, lỡ bước vì vài điều trước đó họ không lường đến.

Vì lẽ trên chúng ta hiểu thấu những bước tiến và những bước lùi của người làm văn nghệ. Có thể trong bước tiến có sự cẩn trọng và trong bước lùi có sự may mắn.

Người làm văn nghệ góp mặt với đời, nhận sự tán thưởng hoặc chê bai còn tùy tâm của công chúng. Thực ra, niềm vui trong đời những người làm văn nghệ không nhiều, còn những oan khiên, những trái ngang kể ra không hết.

Văn nghệ sĩ còn là những người bận rộn gần như suốt cuộc đời. Bận rộn để mưu sinh, bận rộn vì nghệ thuật. Chính từ hiện trạng đó nên có nhiều người cho rằng cuộc đời của người làm văn nghệ là một kiếp đa mang.

Một kiếp đa mang, nghĩa là một cuộc đời bận rộn nhiều việc. Xét ra, ít người thích sống kiểu chẳng mấy lúc rảnh này. Nhưng có những văn nghệ sĩ vẫn mỉm cười đời đa mang đó. Và riêng điểm này những người làm văn nghệ đáng được đời kính nể. Bởi vì, nếu văn nghệ sĩ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng dài ngày, quên luôn chức nghiệp phụng sự nghệ thuật, quên luôn công chúng. Ai là người vui đây? (1)


*

Đời của người làm văn nghệ thường có những cơ may và đôi lúc đối diện với vài hẩm hiu ngang trái. Văn nghệ sĩ là những người nhạy cảm. Họ có thể cùng người đời vui với niềm vui bất tận và cũng nặng lòng nỗi đau ly biệt quê hương.

Ai trong chúng ta chẳng đã hơn một lần nhớ về vài kỷ niệm thân thương nơi quê nhà. Yêu thương cũng có, mủi lòng cũng có, đắng cay cũng có và vững tin cũng có. Ai xa biệt quê hương chẳng ước mong một mai núi sông yên bình. Chính tình cảm yêu thương và niềm tin đó đã giúp chúng ta vững bước trên đường xa. Nhiều người làm văn nghệ thời nay đã có trong tâm tình cảm trân quí đó. Trí tưởng, tình cảm trong sáng tác và trong sự mải miết dấn thân trên đường nghệ thuật của họ đã đẩy lùi sự tẻ nhạt đời thường và gửi đến đời nhiều hoa thơm quả ngọt.

Những người vẫn trầm tư với nỗi đau nhân thế, thương đời phiêu diêu, ấp ủ niềm tin xa vời nhưng vẫn ráng làm ra được những món ăn tinh thần để đời thêm vui, thêm ý nghĩa: Đó phải chăng là những người làm văn nghệ có tấm lòng với núi sông dấu yêu, có niềm tin yêu nhân loại dù đường đời còn xa vời và tình người còn nhiều trắc ẩn? (2)

Vân Võ Hoài Phương

(1) Phần một Đường Gần Đường Xa đăng trên TIN VĂN (thông tin nghị luận về sinh hoạt văn hóa tại hải ngoại / bulletin d ́information du P.E.N. Club Vietnamien  en Europe .. Paris.), Xuân Ất Hợi, số 11 tháng 2. 1995; Và đăng trên tạp chí TỰ DO / FRIHETEN (Hội Văn Hóa Việt Nam tại Thụy Điển / Sveriges Vietnamesiska Kulturförbund), số 12, mùa Thu 1997.

(2) Phần một và hai Đường Gần Đường Xa đăng trên tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay (ấn bản tại Âu châu), số 3 tháng 1, năm 2002.

(Bài Đường Gần Đường Xa đăng trên TIN VĂN
và 2 số tạp chí kể trên, tác giả ký với bút hiệu Văn Hữu)

Bạn ưa mến Đường Xa Văn Nghệ vui lòng liên lạc và góp ý qua email:
Vanvohoaiphuong@gmail.com

      **********************