måndag 12 december 2022

Lứa Đôi

truyện ngắn

Lứa Đôi

Trước khi ra khỏi nhà để đi dạo quanh vài con phố gần nhà, ông Hữu thường sắp sẵn đôi ba thứ cần mang theo, và như mọi lần,  hôm nay ông đặt các thứ cần thiết trên chiếc bàn gần cửa. "Cần phải ngó qua xem ngoài trời nóng lạnh thế nào đã". Vừa nghĩ ông Hữu vừa nhìn ra quãng đường trước nhà. Theo kinh nghiệm riêng ông, nhìn vài người dạo bước trên đường, để ý một chút đến áo quần khăn mũ họ mang là có thể biết ít nhiều về độ nóng, lạnh ngoài trời. Khi sáng sớm tinh mơ, lúc thời tiết còn đông giá, hẳn nhiên là người đi làm sớm thường mặc áo quần dầy, còn gần giữa trưa, khi đã có thêm vài vạt nắng ấm thì những bộ trang phục của khách bộ hành qua trước cửa nhà ông cũng thay đổi. Định khoác thêm chiếc áo ngoài nữa rồi sẽ 'lên đường dạo phố' bỗng ông Hữu chợt thấy chiếc xe nhỏ của cô em gái dừng trước nhà, và bà Hữu, vợ ông, vẫn mái tóc xòe ra như đầu sư tử, vừa bước ra khỏi xe, bà gọi dõng dạc:

- Ông Hữu đâu rồi ? Ra giúp tôi một tay!

" Trăm lần giống y chang nhau... bao nhiêu năm rồi nhưng tính tình bà này vẫn thế. Đúng là tính ai nết ấy, người thì bé tiếng lại to. Tuy vậy, được cái là bà này chưa để 'ta' đói bữa nào. Trong nhà đồ ăn thứ uống không khi nào thiếu". Ông Hữu thầm nghĩ và bước nhanh chân ra ngoài cửa.

Cô em gái đã mở cửa sau xe, mỉm cười nói trêu ông Hữu:

- Một khi anh đã nghe tiếng gọi của người yêu thì anh phải nhanh mà lắp thêm đôi cánh bay tới. Và phải nói to lên "chào người tình, anh đã đến!". Đâu có để chị đứng chờ, Đúng không chị?

- Cái thời ông anh của cô 'cò cưa' tán tỉnh chị, ông ấy nhiều lời lắm. Chuyện trên trời dưới đất kể ra không thiếu một thứ gì. Chị ngưỡng mộ anh của cô, coi anh như một cuốn tự điển hiếm có. Vậy mà bây giờ, nhiều bữa chị hỏi tới hỏi lui chẳng thấy anh nói nửa lời. Lạ thiệt!

Tuyết, cô em gái ông Hữu, cười:

- Thì ông Gớt (Goethe), ông ấy đã nói: " những người khôn ngoan là những cuốn tự điển tuyệt vời!".

Bà Hữu nhìn Tuyết:

- Ông anh Hữu của cô lúc này khôn ngoan quá nên lại nói quá ít. Nhưng cho chị hỏi: Ông Gớt là ông nào? Chắc hẳn nhà ông ấy ở gần đây...

Ông Hữu cười, hai tay xách hai túi thực phẩm từ tay Tuyết chuyển trên xe xuống, ông đứng nán lại bên ngõ và nói trêu bà Hữu:

- Ông Gớt là cái ông có mái tóc dợn sóng, mũi dọc dừa, tay thường cầm một, hai cuốn sách và vẫn ngồi uống cà phê ở quán nhỏ trên phố, tôi và bà có lần nhìn thấy đó.


Hồi chưa nhận chiếc nhẫn cưới của ông Hữu, Lisa (nay là bà Hữu) - Cô Lisa để kiểu tóc uốn dợn sóng, với lớp tóc phồng cao hợp dáng thon thả của một thiếu nữ tuổi đôi mươi khiến nhiều chàng trai lần đầu nhìn thấy cô, họ không thể dửng dưng trước sức hấp dẫn của kiểu tóc uốn trẻ trung sôi nổi và có vẻ ẩn chứa một đam mê mà họ chưa từng biết.

Ông Hữu - hồi chưa quen biết Lisa - có một hôm dự họp nhân ngày gặp mặt bạn học cũ, tình cờ và rất thản nhiên đứng bên cạnh 'nàng Lisa' (khi đó ông chẳng hay biết là đứng gần bà vợ tương lai.. ). Hai người đứng gần thềm sân khấu vì thiếu chỗ ngồi thì một cô trong Ban tổ chức đưa vào tay hai người bản nhạc in sẵn và đẩy cả hai lên sân khấu góp vui văn nghệ. Chàng Hữu nhà ta, từ phút giây ấy thấy trong lòng lâng lâng niềm vui. Hai người đứng bên nhau, hai mái đầu chụm lại, trai chưa vợ, gái chưa chồng và bốn mắt nhìn nhau. Người ta vẫn nói, hợp duyên thì dính như keo. Chẳng những thế, tình yêu đến trong tuổi thanh xuân nhiều khi làm đời sống đôi trai gái đang yêu thương nhau có thêm vẻ đẹp mới , chắp thêm cánh cho tâm hồn hai người bay bổng. Thời gian qua đi, ông Hữu gặp cô bạn gái quen biết qua đôi ba lần hẹn hò, thực tình ông Hữu cũng chẳng say mê, đắm đuối mái tóc bồng bềnh hay tiếng hát đôi lúc khàn khàn ông thường thưởng thứ́c mà ông chỉ cảm nhận rằng đời ông mãi mãi không thể sống thiếu nàng, và hai người sẽ sống bên nhau,  dựng xây nên một gia đình hạnh phúc. Đến nay ông vẫn còn nhớ láng máng một câu thơ đầu ông làm tặng người ông quý mến ngày hai người có chung niềm mơ ước xa xôi:

" Lisa, Em hỡi Lisa ! ..."


Bà Hữu chẳng mấy khi ngồi nghĩ về cái tên Lisa tự đặt cho mình từ thời còn trẻ. Các cô bạn học ngày trước với bà, như Natalie, và Marina rồi Amanda chẳng hạn, họ cũng cùng màu da, tóc đen là con cháu những người châu Á đến xứ sở tự do này, và để hội nhập xã hội mới, để có thêm một cái tên dễ gọi, bố mẹ hay tự thân họ đặt thêm tên mới. Ai sống ở nơi này đều coi đây là điều bình thường. 

Thế nhưng dần dà, hình như cái tên "Lisa" theo tuổi đời của bà Hữu mỗi năm một khởi sắc. Trong nơi làm của bà, "cô Lisa" được nhiều người ưu ái mến chuộng, bởi nụ cười tươi trẻ hồn nhiên và nhất là vào những dịp ăn mừng Lễ, Tết thì "Cô Lisa của chúng ta nấu món ăn này chắc hẳn các tiệm ăn nổi tiếng trên phố phải đến để nếm thử ...". Quả thật, ở nơi bà Hữu làm hay trong phòng bếp gia đình, "cô Lisa" đúng là được tôn vinh "trăm phần trăm" (100 %). Ông Hữu có lần nhận xét: "Đôi đũa thần của nàng Lisa có nhiều phép lạ. Tài nghệ của nàng khiến cho bụng dạ người trong nhà được sống những ngày phởn phơ. Nhưng này, nàng mà đi vắng chừng một, hai tuần lễ thì người trong nhà chỉ còn biết nhìn thùng mì ăn liền mà than "một mì, một mì lại một mì !..."

Thực ra, bà Hữu chẳng theo học lớp dạy nấu ăn nào. Bà đơn giản học xem cách hướng dẫn nấu nhiều món ăn trên ti vi, và những khi bạn học của các sắc dân khác mời bà đến dự tiệc, bà khôn khéo xin được làm kẻ phụ bếp, nên bà học và biết cách nấu nhiều món ăn mà có người gọi là "các món ăn gia truyền đa sắc tộc". Những món đặc biệt bà Hữu nấu nướng trong các bữa tiệc mừng lễ, tết đông vui khiến vài người ngồi đợi ăn quanh bàn tiệc đôi khi cảm thấy mũi của mình 'tự động' thở ra hít vào rất vô tư khoan khoái trong không khí thoảng bay hương vị thơm ngon của một món ăn truyền thống đã lâu rồi họ mới lại có dịp thưởng thức.


Lâu nay bà Hữu vẫn coi Tuyết - em gái ông Hữu - là người gần gũi và hiểu bà. Còn Tuyết, đôi lúc cô cảm thấy thật khó lý giải tình cảm quý mến của cô với bà Hữu. Cảnh "chị dâu, em chồng" chẳng những chưa có lần nào xảy ra đôi co gay gắt có lẽ một phần bởi hai người đàn bà này tính tình ít khi nóng nảy, một phần nữa cũng do Tuyết có nhiều thời giờ rảnh rỗi, nhà Tuyết ở gần nhà ông bà Hữu, nên mỗi khi bà Hữu có việc cần nhờ tới, Tuyết thường chạy xe đến đón bà chị dâu và giúp bà Hữu việc này, việc kia.

Người ngoài mới lần đầu gặp bà Hữu và Tuyết, cứ ngỡ hai người là chị em ruột. Tuy vẻ ngoài hai người khác nhau, nhưng cái cung cách nói chuyện của bà Hữu và Tuyết thể hiện rõ sự thân tình, niềm nở thường thấy ở những người phụ nữ đôn hậu. Một cái nhìn thông cảm, một nụ cười vui, một vẻ dịu dàng thân thiết thường gắn kết họ, tạo dựng giữa hai người tình chị em lâu bền, vững chắc.


Sau chuyến cùng đi mua đồ ăn xong, bà Hữu bảo Tuyết lái xe đưa bà đến thăm một bà bạn có tiệm ăn ở gần cuối thành phố. Giữa những ngày cuối năm, trong tiệm ăn, khách khứa ra vào ăn uống nhộn nhịp. Tuy nhiên bà bạn bà Hữu vẫn tiếp đón bà Hữu ân cần. Bà chủ tiệm ăn mời hai người vào văn phòng kề bên hông tiệm, bà nói với bà Hữu:

- Tôi đã điện thoại đến chị mấy lần, mà hôm nay chị mới đến. Chị nhìn qua xem, hẳn là chị biết tôi nhiều việc và cần chị đến như thế nào. Nói ngắn gọn là như tôi và chị đã bàn thảo hồi tháng trước, chị sẽ quản lý và là bếp trưởng tiệm ăn này, những việc còn lại các cháu của tôi sẽ phụ giúp chị. Còn tôi, tuy hiện nay trông coi mọi việc ở đây, nhưng nếu chị thuận lòng đến giúp, tôi sẽ chuyển sang kinh doanh vài thứ khác như tôi có dịp nói qua với chị. Chị và tôi là bạn từ ngày mới tới đây. Khi này chẳng thể giúp được nhau ư?


Trên đường trở về nhà, có lúc Tuyết nghĩ nên dừng xe bên đường để hỏi bà Hữu về công việc sắp tới, nhưng nhìn nét mặt đăm chiêu của bà chị dâu chẳng khác vẻ mặt đắn đo, cân nhắc của một người đứng trước ngả ba đường nên Tuyết đành thôi.

Nhân lúc Tuyết dừng xe bên đường chờ đèn xanh, cô hỏi bà Hữu:

- Hôm nay em cảm thấy chị khác hẳn những ngày trước. Lúc này chị có cần em giúp gì không?

- Cám ơn em. Về đến nhà, chị sẽ nói để em rõ thêm.

Tuyết nóng lòng muốn biết bà Hữu lo liệu ra sao sau cuộc gặp nên khi hai chị em về đến nhà, cô hỏi liền:

- Em vừa nghe chị nói với bà bạn của chị là chị cần hai tuần lễ để nghĩ thêm trước khi tính đến làm trong tiệm mới. Chị cho em hỏi: điều chị còn băn khoăn lúc này là gì?

Bà Hữu vẫn biết tính nết "hỏi ngay, biết liền" xưa nay của cô em chồng, bởi vậy bà cười và nói:

- Chị cần nghỉ chút xíu đã... A, ông Hữu chạy đâu mất tiêu rồi? Em biết không, tuy rằng ông Hữu chẳng dính dáng đến việc này, nhưng chị nghĩ cần thiết phải nói qua với ổng.

Nói đến ông Hữu, bà nhớ tới một chuyện đã xa xưa... Bà Hữu cười vui, nói thêm:

- Tuyết có biết không? Trước ngày anh Hữu và chị làm lễ cưới, một hôm chị nghĩ thật nghiêm túc - chị tự nhủ con tim mình phải can đảm lên - để hỏi anh một câu hỏi trước khi kết thúc chuỗi ngày độc thân của hai đứa. 

- Chuyện này nghe có vẻ hấp dẫn đây. Ừa, chị kể tiếp đi. Nhưng chị kể nhanh nhanh lên. Em muốn nghe ngay đoạn cuối.

- Chị nghĩ đi nghĩ lại .. Chị đặt giả thuyết là... mà em có biết không? Người ta vẫn nói là đàn ông có năm, bảy loại đàn ông... Đúng không? Thật may cho chị đã gặp anh Hữu. Kể ra anh Hữu là người đàn ông thẳng thắn, ít khi anh để bụng những chuyện...

- Nhưng, chị hỏi anh Hữu câu hỏi gì trước ngày cưới? 

- Trước khi hỏi, chị đã tính trước rồi. Đặt một câu hỏi đơn giản thôi. Đàn ông, đôi khi cũng có người dễ tự ái lắm. Cho nên, như người ta nói, có khôn có khéo thì...

- Ùi, chuyện ơi là chuyện! Em thì em biết trước câu trả lời của anh Hữu rồi. Thế nhưng, em muốn biết, câu hỏi của chị có dễ nghe không hay là...

- Chị nói với anh Hữu: "Anh và em thường nghe có người nói, gia đình tốt thì xã họ̀i sẽ tốt. Đơn giản thế thôi, đúng không? Vậy nếu sau này, vì lý do nào đó, hoặc gặp ngang trái, anh và em không còn hợp nhau nữa, kể như mỗi người đi riêng một đường. Trong tình cảnh đáng buồn như thế, anh nghĩ sao?

- Ừa, vậy anh Hữu trả lời chị như thế nào?

- Anh nói: "Nếu sau này, đến một ngày nào đó, cho dẫu ngày đó gió mưa lạnh rét, và đúng vào cái ngày mà anh và em đều cảm thấy chẳng cần có nhau trong đời. Khi đó, em chỉ cần nói với anh một lời thôi, rằng, đã đến lúc chúng ta phải chia tay, mỗi người tự tu tỉnh bản thân để sống tốt hơn, thì, anh xin thề với em, cho đù hôm đó mưa gió bão bùng, anh sẽ bỏ lại tất cả để ra đi!".

- Anh nói với chị đúng như thế ư?

- Suốt đời chị không quên những lời này.

- Nhưng nếu có một ngày bão gió mưa rơi, anh cũng nói với chị rằng đã đến lúc hai người cần chia tay, chị nghĩ sao?

Bà Hữu chẳng ngờ cô em chồng hỏi bà câu hỏi này. Ngẫm nghĩ một lúc, bà nói:

- Chị nghĩ, những lời anh Hữu bày tỏ với chị trước ngày cưới là chuyện anh Hữu nói giả dụ thôi. Nhưng nếu có đôi lứa nào đã sống chung, không hợp nhau nữa, rồi cùng ngồi xuống vẫn không xong, thì nên chia tay vui vẻ, và mỗi người đi một ngả, không nên níu kéo làm phiền lụy cả hai. Theo Tuyết, kết cục như thế có giảm được những rắc rối không?

- Chuyện lứa đôi gặp nhau, sau mỗi người chọn một đường, rồi mỗi người đi một ngả, vào đúng ngày mưa bão rét lạnh. Em nghĩ...

Tuyết nhìn bà Hữu nghĩ tiếp. Đúng lúc này, cánh cửa phòng khách hé mở, ông Hữu vừa đi đâu đã về.

- Kìa. - Bà Hữu nhìn ông Hữu, cười vui vẻ. Bà chợt nhớ câu nói khi xưa ông Hữu nói với bà mà bà vừa kể với Tuyết. Bà nhìn chồng bằng ánh mắt âu yếm. - " Cho dẫu ngày đó mưa rơi rét lạnh. Anh cũng sẽ bỏ lại tất cả để ra đi!". May quá, anh Hữu ơi, đến hôm nay anh và em vẫn chưa chia tay nhau. Vui thiệt là vui!

Ông Hữu đứng ngẩn người bên cánh cửa vừa mở, thật tình ông chưa hiểu chuyện gì, nhưng nghe thoáng qua bà Hữu gọi ông bằng những lời "anh anh... em em...", sao mà dễ thương ngọt ngào đến vậy, ông Hữu nhìn bà Hữu cảm động:

- Lâu lắm anh mới nghe mình gọi một tiếng "Anh". Cám ơn em nhiều !

tháng 1. 2018

Vân Võ Hoài Phương  


fredag 9 december 2022

NHỚ & ĐỌC, trong những ngày mưa tuyết

 Anh bạn thơ Lê Dã Sử trong bài thơ Mộng Ước Bình Thường đã phác thảo về người bạn đời lý tưởng "rất bình thường" của anh bằng những nét có vẻ đơn thuần và mộc mạc:

" Rất bình thường mộng ước chơi vơi

mái ấm êm vui ánh rạng ngời

một hiền thê dịu dàng, chung thủy

đôi ba trẻ học, hát à ơi ". 

Và Lê Dã Sử tưởng tượng đến một hôm:

" Khi tôi lữ khách dặm đường xa

mưa bão canh thâu giữa hải hà

nàng ở nhà chong đèn thắc thỏm

cầu người may mắn nạn tai qua ". 

Người ta thường cho rằng thi sĩ là người có tài làm thơ. Riêng tôi, khi đọc những bài thơ của Lê Dã Sử, tôi cảm nhận thêm là các nhà thơ còn có tài thể hiện nhiều hình ảnh đời thường chẳng hạn cảnh "mưa bão canh thâu giữa hải hà, nàng ở nhà chong đèn thắc thỏm, cầu người may mắn nạn tai qua" như nhà thơ họ Lê diễn tả.


Xưa nay những cảnh trăng sáng, trăng thanh, trăng treo đỉnh núi, hoặc hoa thơm chớm nở ... đã có rất nhiều trong thơ ca. Còn Lê Dã Sử dùng phối cảnh này để nói đến điều gì? ta thử ngẫm nghĩ thêm về cảnh đời qua hai câu thơ:

" Trăng lên, mời rượu, xem hoa nở

địa đàng đấy hãy thỏa yêu si".

Ai chẳng mong có dịp vui cảnh điền viên với người bạn đời, và hiển nhiên với những người sống chân chất khi có gia đình, họ thường mong một đời sống yên lành, vui hưởng. Kho tàng thi phú từng có nhiều bài thơ và những áng thơ trác tuyệt về hoa thơm, trăng tỏ ví dụ câu thơ "khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Cảnh "trăng lên, mời rượu, xem hoa nở" của Lê Dã Sử vừa có vẻ thảnh thơi vừa phảng phất chất men say của rượu, tuy rằng mới mời mà chưa uống... ( kẻ viết không rành về rượu, nhưng từng nghe nói "rượu tình chưa uống đã say", có thể là thứ rượu  trong cảnh "trăng lên, hoa nở " này chăng? ). Đến đây thì mộng ước bình thường của tác giả bài thơ đã thăng hoa và anh coi cảnh này giống hệt cảnh "địa đàng" / một "Paradis" (nơi thần tiên, sung sướng).


Một bạn thơ quen thuộc, có lần nói với tôi về "chất lãng mạn" trong thơ, và lời nhận xét khi ấy của anh khiến tôi đôi lúc tự liên hệ tới vài bài thơ đã biết. Anh nói đại khái rằng, "thơ chưa lãng mạn, chưa hẳn là thi sĩ". Đôi khi người ta nói tới vài bài thơ đại loại 'thơ thẩn', thơ 'khô khốc', thơ 'tào lao', thơ 'hiện sinh'... Nhưng thực tình đến nay tôi chẳng rõ mức độ "lãng mạn" trong những bài thơ từng biết đến ra sao, hoặc giả thứ lý thuyết và nhiều thuật ngữ anh dùng đã làm tôi thêm khó hiểu về điều anh nói tới; hay là, tôi chỉ cảm nhận những hình ảnh lãng mạn trong vài bài thơ thôi, còn nói đến "chất lãng mạn" chắc hẳn vấn đề này xa vời lắm.

Riêng với người làm thơ Lê Dã Sử, tôi nghĩ, thơ của anh dễ cảm nhận bằng nhiều hình ảnh đời thường, và người thưởng ngoạn thấy trong bài thơ của anh có bóng dáng họ, có vài hình ảnh lãng mạn thoáng qua, có tâm tư của họ, có những mong ước họ chưa kịp nói ra. Khoảng cách giữa nhà thơ và người yêu thơ có thể được rút ngắn và trở nên gần gũi thân quen với nhiều bài thơ có chung tâm sự hay kỷ niệm ngoài đời, và cũng có khi - như người ta đã nói, tác giả bài thơ đã tự đào một hố sâu ngăn cách, biệt lập với vài câu thơ 'bí hiểm'.


Trong 'mộng ước bình thường' của Lê Dã Sử, có một "ước" lý tưởng. Sở dĩ trong bài này nói đến chữ lý tưởng, và nơi mở bài có nói đến "người bạn đời lý tưởng", vì, theo tôi, nhà thơ có một "ước" rất thực tế về người bạn đời mai sau, với cảnh sống chung tình viết lách, cùng chung hưởng hạnh phúc bền lâu:

" Chiều xuân hứng chí dệt câu thơ

em hãy cùng tôi mở bến bờ

chép giúp bản thảo thêm lời đẹp

ta đan hạnh phúc tằm ươm tơ".

Ẩn tàng trong bài thơ Mộng Ước Bình Thường là tâm tình, ước nguyện về một mái ấm gia đình. Tiếng nói từ tâm tư tác giả bày tỏ với người bạn đời mai sau (?) mà hiện nay thi sĩ vẫn chưa gặp:

" Tôi vẫn tìm em vạn nẻo đường

từ Đông phương bạt đến Tây phương".

Và rồi qua đến đoạn kết thi phẩm, hình ảnh man mác buồn với một "cõi nào xa" nhưng vẫn còn đôi chút hy vọng, có lẽ "em" nghe thấu chăng?:

" Người ơi mộng ước bấy nhiêu thôi

nhưng mỏi mòn hơn nửa kiếp rồi

em cõi nào xa mong mở cửa

tôi tìm bóng nhỏ mộng tinh khôi".

Có thể nói, trong thời đại này vẫn còn những người có tâm cảnh "tôi" như tác giả bài thơ mô tả, và có thể "nơi cõi xa" cũng có những nàng còn đợi mong những lời thành thật yêu thương.

tháng 2. 2016

Vân Võ Hoài Phương