måndag 12 december 2022

Lứa Đôi

truyện ngắn

Lứa Đôi

Trước khi ra khỏi nhà để đi dạo quanh vài con phố gần nhà, ông Hữu thường sắp sẵn đôi ba thứ cần mang theo, và như mọi lần,  hôm nay ông đặt các thứ cần thiết trên chiếc bàn gần cửa. "Cần phải ngó qua xem ngoài trời nóng lạnh thế nào đã". Vừa nghĩ ông Hữu vừa nhìn ra quãng đường trước nhà. Theo kinh nghiệm riêng ông, nhìn vài người dạo bước trên đường, để ý một chút đến áo quần khăn mũ họ mang là có thể biết ít nhiều về độ nóng, lạnh ngoài trời. Khi sáng sớm tinh mơ, lúc thời tiết còn đông giá, hẳn nhiên là người đi làm sớm thường mặc áo quần dầy, còn gần giữa trưa, khi đã có thêm vài vạt nắng ấm thì những bộ trang phục của khách bộ hành qua trước cửa nhà ông cũng thay đổi. Định khoác thêm chiếc áo ngoài nữa rồi sẽ 'lên đường dạo phố' bỗng ông Hữu chợt thấy chiếc xe nhỏ của cô em gái dừng trước nhà, và bà Hữu, vợ ông, vẫn mái tóc xòe ra như đầu sư tử, vừa bước ra khỏi xe, bà gọi dõng dạc:

- Ông Hữu đâu rồi ? Ra giúp tôi một tay!

" Trăm lần giống y chang nhau... bao nhiêu năm rồi nhưng tính tình bà này vẫn thế. Đúng là tính ai nết ấy, người thì bé tiếng lại to. Tuy vậy, được cái là bà này chưa để 'ta' đói bữa nào. Trong nhà đồ ăn thứ uống không khi nào thiếu". Ông Hữu thầm nghĩ và bước nhanh chân ra ngoài cửa.

Cô em gái đã mở cửa sau xe, mỉm cười nói trêu ông Hữu:

- Một khi anh đã nghe tiếng gọi của người yêu thì anh phải nhanh mà lắp thêm đôi cánh bay tới. Và phải nói to lên "chào người tình, anh đã đến!". Đâu có để chị đứng chờ, Đúng không chị?

- Cái thời ông anh của cô 'cò cưa' tán tỉnh chị, ông ấy nhiều lời lắm. Chuyện trên trời dưới đất kể ra không thiếu một thứ gì. Chị ngưỡng mộ anh của cô, coi anh như một cuốn tự điển hiếm có. Vậy mà bây giờ, nhiều bữa chị hỏi tới hỏi lui chẳng thấy anh nói nửa lời. Lạ thiệt!

Tuyết, cô em gái ông Hữu, cười:

- Thì ông Gớt (Goethe), ông ấy đã nói: " những người khôn ngoan là những cuốn tự điển tuyệt vời!".

Bà Hữu nhìn Tuyết:

- Ông anh Hữu của cô lúc này khôn ngoan quá nên lại nói quá ít. Nhưng cho chị hỏi: Ông Gớt là ông nào? Chắc hẳn nhà ông ấy ở gần đây...

Ông Hữu cười, hai tay xách hai túi thực phẩm từ tay Tuyết chuyển trên xe xuống, ông đứng nán lại bên ngõ và nói trêu bà Hữu:

- Ông Gớt là cái ông có mái tóc dợn sóng, mũi dọc dừa, tay thường cầm một, hai cuốn sách và vẫn ngồi uống cà phê ở quán nhỏ trên phố, tôi và bà có lần nhìn thấy đó.


Hồi chưa nhận chiếc nhẫn cưới của ông Hữu, Lisa (nay là bà Hữu) - Cô Lisa để kiểu tóc uốn dợn sóng, với lớp tóc phồng cao hợp dáng thon thả của một thiếu nữ tuổi đôi mươi khiến nhiều chàng trai lần đầu nhìn thấy cô, họ không thể dửng dưng trước sức hấp dẫn của kiểu tóc uốn trẻ trung sôi nổi và có vẻ ẩn chứa một đam mê mà họ chưa từng biết.

Ông Hữu - hồi chưa quen biết Lisa - có một hôm dự họp nhân ngày gặp mặt bạn học cũ, tình cờ và rất thản nhiên đứng bên cạnh 'nàng Lisa' (khi đó ông chẳng hay biết là đứng gần bà vợ tương lai.. ). Hai người đứng gần thềm sân khấu vì thiếu chỗ ngồi thì một cô trong Ban tổ chức đưa vào tay hai người bản nhạc in sẵn và đẩy cả hai lên sân khấu góp vui văn nghệ. Chàng Hữu nhà ta, từ phút giây ấy thấy trong lòng lâng lâng niềm vui. Hai người đứng bên nhau, hai mái đầu chụm lại, trai chưa vợ, gái chưa chồng và bốn mắt nhìn nhau. Người ta vẫn nói, hợp duyên thì dính như keo. Chẳng những thế, tình yêu đến trong tuổi thanh xuân nhiều khi làm đời sống đôi trai gái đang yêu thương nhau có thêm vẻ đẹp mới , chắp thêm cánh cho tâm hồn hai người bay bổng. Thời gian qua đi, ông Hữu gặp cô bạn gái quen biết qua đôi ba lần hẹn hò, thực tình ông Hữu cũng chẳng say mê, đắm đuối mái tóc bồng bềnh hay tiếng hát đôi lúc khàn khàn ông thường thưởng thứ́c mà ông chỉ cảm nhận rằng đời ông mãi mãi không thể sống thiếu nàng, và hai người sẽ sống bên nhau,  dựng xây nên một gia đình hạnh phúc. Đến nay ông vẫn còn nhớ láng máng một câu thơ đầu ông làm tặng người ông quý mến ngày hai người có chung niềm mơ ước xa xôi:

" Lisa, Em hỡi Lisa ! ..."


Bà Hữu chẳng mấy khi ngồi nghĩ về cái tên Lisa tự đặt cho mình từ thời còn trẻ. Các cô bạn học ngày trước với bà, như Natalie, và Marina rồi Amanda chẳng hạn, họ cũng cùng màu da, tóc đen là con cháu những người châu Á đến xứ sở tự do này, và để hội nhập xã hội mới, để có thêm một cái tên dễ gọi, bố mẹ hay tự thân họ đặt thêm tên mới. Ai sống ở nơi này đều coi đây là điều bình thường. 

Thế nhưng dần dà, hình như cái tên "Lisa" theo tuổi đời của bà Hữu mỗi năm một khởi sắc. Trong nơi làm của bà, "cô Lisa" được nhiều người ưu ái mến chuộng, bởi nụ cười tươi trẻ hồn nhiên và nhất là vào những dịp ăn mừng Lễ, Tết thì "Cô Lisa của chúng ta nấu món ăn này chắc hẳn các tiệm ăn nổi tiếng trên phố phải đến để nếm thử ...". Quả thật, ở nơi bà Hữu làm hay trong phòng bếp gia đình, "cô Lisa" đúng là được tôn vinh "trăm phần trăm" (100 %). Ông Hữu có lần nhận xét: "Đôi đũa thần của nàng Lisa có nhiều phép lạ. Tài nghệ của nàng khiến cho bụng dạ người trong nhà được sống những ngày phởn phơ. Nhưng này, nàng mà đi vắng chừng một, hai tuần lễ thì người trong nhà chỉ còn biết nhìn thùng mì ăn liền mà than "một mì, một mì lại một mì !..."

Thực ra, bà Hữu chẳng theo học lớp dạy nấu ăn nào. Bà đơn giản học xem cách hướng dẫn nấu nhiều món ăn trên ti vi, và những khi bạn học của các sắc dân khác mời bà đến dự tiệc, bà khôn khéo xin được làm kẻ phụ bếp, nên bà học và biết cách nấu nhiều món ăn mà có người gọi là "các món ăn gia truyền đa sắc tộc". Những món đặc biệt bà Hữu nấu nướng trong các bữa tiệc mừng lễ, tết đông vui khiến vài người ngồi đợi ăn quanh bàn tiệc đôi khi cảm thấy mũi của mình 'tự động' thở ra hít vào rất vô tư khoan khoái trong không khí thoảng bay hương vị thơm ngon của một món ăn truyền thống đã lâu rồi họ mới lại có dịp thưởng thức.


Lâu nay bà Hữu vẫn coi Tuyết - em gái ông Hữu - là người gần gũi và hiểu bà. Còn Tuyết, đôi lúc cô cảm thấy thật khó lý giải tình cảm quý mến của cô với bà Hữu. Cảnh "chị dâu, em chồng" chẳng những chưa có lần nào xảy ra đôi co gay gắt có lẽ một phần bởi hai người đàn bà này tính tình ít khi nóng nảy, một phần nữa cũng do Tuyết có nhiều thời giờ rảnh rỗi, nhà Tuyết ở gần nhà ông bà Hữu, nên mỗi khi bà Hữu có việc cần nhờ tới, Tuyết thường chạy xe đến đón bà chị dâu và giúp bà Hữu việc này, việc kia.

Người ngoài mới lần đầu gặp bà Hữu và Tuyết, cứ ngỡ hai người là chị em ruột. Tuy vẻ ngoài hai người khác nhau, nhưng cái cung cách nói chuyện của bà Hữu và Tuyết thể hiện rõ sự thân tình, niềm nở thường thấy ở những người phụ nữ đôn hậu. Một cái nhìn thông cảm, một nụ cười vui, một vẻ dịu dàng thân thiết thường gắn kết họ, tạo dựng giữa hai người tình chị em lâu bền, vững chắc.


Sau chuyến cùng đi mua đồ ăn xong, bà Hữu bảo Tuyết lái xe đưa bà đến thăm một bà bạn có tiệm ăn ở gần cuối thành phố. Giữa những ngày cuối năm, trong tiệm ăn, khách khứa ra vào ăn uống nhộn nhịp. Tuy nhiên bà bạn bà Hữu vẫn tiếp đón bà Hữu ân cần. Bà chủ tiệm ăn mời hai người vào văn phòng kề bên hông tiệm, bà nói với bà Hữu:

- Tôi đã điện thoại đến chị mấy lần, mà hôm nay chị mới đến. Chị nhìn qua xem, hẳn là chị biết tôi nhiều việc và cần chị đến như thế nào. Nói ngắn gọn là như tôi và chị đã bàn thảo hồi tháng trước, chị sẽ quản lý và là bếp trưởng tiệm ăn này, những việc còn lại các cháu của tôi sẽ phụ giúp chị. Còn tôi, tuy hiện nay trông coi mọi việc ở đây, nhưng nếu chị thuận lòng đến giúp, tôi sẽ chuyển sang kinh doanh vài thứ khác như tôi có dịp nói qua với chị. Chị và tôi là bạn từ ngày mới tới đây. Khi này chẳng thể giúp được nhau ư?


Trên đường trở về nhà, có lúc Tuyết nghĩ nên dừng xe bên đường để hỏi bà Hữu về công việc sắp tới, nhưng nhìn nét mặt đăm chiêu của bà chị dâu chẳng khác vẻ mặt đắn đo, cân nhắc của một người đứng trước ngả ba đường nên Tuyết đành thôi.

Nhân lúc Tuyết dừng xe bên đường chờ đèn xanh, cô hỏi bà Hữu:

- Hôm nay em cảm thấy chị khác hẳn những ngày trước. Lúc này chị có cần em giúp gì không?

- Cám ơn em. Về đến nhà, chị sẽ nói để em rõ thêm.

Tuyết nóng lòng muốn biết bà Hữu lo liệu ra sao sau cuộc gặp nên khi hai chị em về đến nhà, cô hỏi liền:

- Em vừa nghe chị nói với bà bạn của chị là chị cần hai tuần lễ để nghĩ thêm trước khi tính đến làm trong tiệm mới. Chị cho em hỏi: điều chị còn băn khoăn lúc này là gì?

Bà Hữu vẫn biết tính nết "hỏi ngay, biết liền" xưa nay của cô em chồng, bởi vậy bà cười và nói:

- Chị cần nghỉ chút xíu đã... A, ông Hữu chạy đâu mất tiêu rồi? Em biết không, tuy rằng ông Hữu chẳng dính dáng đến việc này, nhưng chị nghĩ cần thiết phải nói qua với ổng.

Nói đến ông Hữu, bà nhớ tới một chuyện đã xa xưa... Bà Hữu cười vui, nói thêm:

- Tuyết có biết không? Trước ngày anh Hữu và chị làm lễ cưới, một hôm chị nghĩ thật nghiêm túc - chị tự nhủ con tim mình phải can đảm lên - để hỏi anh một câu hỏi trước khi kết thúc chuỗi ngày độc thân của hai đứa. 

- Chuyện này nghe có vẻ hấp dẫn đây. Ừa, chị kể tiếp đi. Nhưng chị kể nhanh nhanh lên. Em muốn nghe ngay đoạn cuối.

- Chị nghĩ đi nghĩ lại .. Chị đặt giả thuyết là... mà em có biết không? Người ta vẫn nói là đàn ông có năm, bảy loại đàn ông... Đúng không? Thật may cho chị đã gặp anh Hữu. Kể ra anh Hữu là người đàn ông thẳng thắn, ít khi anh để bụng những chuyện...

- Nhưng, chị hỏi anh Hữu câu hỏi gì trước ngày cưới? 

- Trước khi hỏi, chị đã tính trước rồi. Đặt một câu hỏi đơn giản thôi. Đàn ông, đôi khi cũng có người dễ tự ái lắm. Cho nên, như người ta nói, có khôn có khéo thì...

- Ùi, chuyện ơi là chuyện! Em thì em biết trước câu trả lời của anh Hữu rồi. Thế nhưng, em muốn biết, câu hỏi của chị có dễ nghe không hay là...

- Chị nói với anh Hữu: "Anh và em thường nghe có người nói, gia đình tốt thì xã họ̀i sẽ tốt. Đơn giản thế thôi, đúng không? Vậy nếu sau này, vì lý do nào đó, hoặc gặp ngang trái, anh và em không còn hợp nhau nữa, kể như mỗi người đi riêng một đường. Trong tình cảnh đáng buồn như thế, anh nghĩ sao?

- Ừa, vậy anh Hữu trả lời chị như thế nào?

- Anh nói: "Nếu sau này, đến một ngày nào đó, cho dẫu ngày đó gió mưa lạnh rét, và đúng vào cái ngày mà anh và em đều cảm thấy chẳng cần có nhau trong đời. Khi đó, em chỉ cần nói với anh một lời thôi, rằng, đã đến lúc chúng ta phải chia tay, mỗi người tự tu tỉnh bản thân để sống tốt hơn, thì, anh xin thề với em, cho đù hôm đó mưa gió bão bùng, anh sẽ bỏ lại tất cả để ra đi!".

- Anh nói với chị đúng như thế ư?

- Suốt đời chị không quên những lời này.

- Nhưng nếu có một ngày bão gió mưa rơi, anh cũng nói với chị rằng đã đến lúc hai người cần chia tay, chị nghĩ sao?

Bà Hữu chẳng ngờ cô em chồng hỏi bà câu hỏi này. Ngẫm nghĩ một lúc, bà nói:

- Chị nghĩ, những lời anh Hữu bày tỏ với chị trước ngày cưới là chuyện anh Hữu nói giả dụ thôi. Nhưng nếu có đôi lứa nào đã sống chung, không hợp nhau nữa, rồi cùng ngồi xuống vẫn không xong, thì nên chia tay vui vẻ, và mỗi người đi một ngả, không nên níu kéo làm phiền lụy cả hai. Theo Tuyết, kết cục như thế có giảm được những rắc rối không?

- Chuyện lứa đôi gặp nhau, sau mỗi người chọn một đường, rồi mỗi người đi một ngả, vào đúng ngày mưa bão rét lạnh. Em nghĩ...

Tuyết nhìn bà Hữu nghĩ tiếp. Đúng lúc này, cánh cửa phòng khách hé mở, ông Hữu vừa đi đâu đã về.

- Kìa. - Bà Hữu nhìn ông Hữu, cười vui vẻ. Bà chợt nhớ câu nói khi xưa ông Hữu nói với bà mà bà vừa kể với Tuyết. Bà nhìn chồng bằng ánh mắt âu yếm. - " Cho dẫu ngày đó mưa rơi rét lạnh. Anh cũng sẽ bỏ lại tất cả để ra đi!". May quá, anh Hữu ơi, đến hôm nay anh và em vẫn chưa chia tay nhau. Vui thiệt là vui!

Ông Hữu đứng ngẩn người bên cánh cửa vừa mở, thật tình ông chưa hiểu chuyện gì, nhưng nghe thoáng qua bà Hữu gọi ông bằng những lời "anh anh... em em...", sao mà dễ thương ngọt ngào đến vậy, ông Hữu nhìn bà Hữu cảm động:

- Lâu lắm anh mới nghe mình gọi một tiếng "Anh". Cám ơn em nhiều !

tháng 1. 2018

Vân Võ Hoài Phương  


fredag 9 december 2022

NHỚ & ĐỌC, trong những ngày mưa tuyết

 Anh bạn thơ Lê Dã Sử trong bài thơ Mộng Ước Bình Thường đã phác thảo về người bạn đời lý tưởng "rất bình thường" của anh bằng những nét có vẻ đơn thuần và mộc mạc:

" Rất bình thường mộng ước chơi vơi

mái ấm êm vui ánh rạng ngời

một hiền thê dịu dàng, chung thủy

đôi ba trẻ học, hát à ơi ". 

Và Lê Dã Sử tưởng tượng đến một hôm:

" Khi tôi lữ khách dặm đường xa

mưa bão canh thâu giữa hải hà

nàng ở nhà chong đèn thắc thỏm

cầu người may mắn nạn tai qua ". 

Người ta thường cho rằng thi sĩ là người có tài làm thơ. Riêng tôi, khi đọc những bài thơ của Lê Dã Sử, tôi cảm nhận thêm là các nhà thơ còn có tài thể hiện nhiều hình ảnh đời thường chẳng hạn cảnh "mưa bão canh thâu giữa hải hà, nàng ở nhà chong đèn thắc thỏm, cầu người may mắn nạn tai qua" như nhà thơ họ Lê diễn tả.


Xưa nay những cảnh trăng sáng, trăng thanh, trăng treo đỉnh núi, hoặc hoa thơm chớm nở ... đã có rất nhiều trong thơ ca. Còn Lê Dã Sử dùng phối cảnh này để nói đến điều gì? ta thử ngẫm nghĩ thêm về cảnh đời qua hai câu thơ:

" Trăng lên, mời rượu, xem hoa nở

địa đàng đấy hãy thỏa yêu si".

Ai chẳng mong có dịp vui cảnh điền viên với người bạn đời, và hiển nhiên với những người sống chân chất khi có gia đình, họ thường mong một đời sống yên lành, vui hưởng. Kho tàng thi phú từng có nhiều bài thơ và những áng thơ trác tuyệt về hoa thơm, trăng tỏ ví dụ câu thơ "khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Cảnh "trăng lên, mời rượu, xem hoa nở" của Lê Dã Sử vừa có vẻ thảnh thơi vừa phảng phất chất men say của rượu, tuy rằng mới mời mà chưa uống... ( kẻ viết không rành về rượu, nhưng từng nghe nói "rượu tình chưa uống đã say", có thể là thứ rượu  trong cảnh "trăng lên, hoa nở " này chăng? ). Đến đây thì mộng ước bình thường của tác giả bài thơ đã thăng hoa và anh coi cảnh này giống hệt cảnh "địa đàng" / một "Paradis" (nơi thần tiên, sung sướng).


Một bạn thơ quen thuộc, có lần nói với tôi về "chất lãng mạn" trong thơ, và lời nhận xét khi ấy của anh khiến tôi đôi lúc tự liên hệ tới vài bài thơ đã biết. Anh nói đại khái rằng, "thơ chưa lãng mạn, chưa hẳn là thi sĩ". Đôi khi người ta nói tới vài bài thơ đại loại 'thơ thẩn', thơ 'khô khốc', thơ 'tào lao', thơ 'hiện sinh'... Nhưng thực tình đến nay tôi chẳng rõ mức độ "lãng mạn" trong những bài thơ từng biết đến ra sao, hoặc giả thứ lý thuyết và nhiều thuật ngữ anh dùng đã làm tôi thêm khó hiểu về điều anh nói tới; hay là, tôi chỉ cảm nhận những hình ảnh lãng mạn trong vài bài thơ thôi, còn nói đến "chất lãng mạn" chắc hẳn vấn đề này xa vời lắm.

Riêng với người làm thơ Lê Dã Sử, tôi nghĩ, thơ của anh dễ cảm nhận bằng nhiều hình ảnh đời thường, và người thưởng ngoạn thấy trong bài thơ của anh có bóng dáng họ, có vài hình ảnh lãng mạn thoáng qua, có tâm tư của họ, có những mong ước họ chưa kịp nói ra. Khoảng cách giữa nhà thơ và người yêu thơ có thể được rút ngắn và trở nên gần gũi thân quen với nhiều bài thơ có chung tâm sự hay kỷ niệm ngoài đời, và cũng có khi - như người ta đã nói, tác giả bài thơ đã tự đào một hố sâu ngăn cách, biệt lập với vài câu thơ 'bí hiểm'.


Trong 'mộng ước bình thường' của Lê Dã Sử, có một "ước" lý tưởng. Sở dĩ trong bài này nói đến chữ lý tưởng, và nơi mở bài có nói đến "người bạn đời lý tưởng", vì, theo tôi, nhà thơ có một "ước" rất thực tế về người bạn đời mai sau, với cảnh sống chung tình viết lách, cùng chung hưởng hạnh phúc bền lâu:

" Chiều xuân hứng chí dệt câu thơ

em hãy cùng tôi mở bến bờ

chép giúp bản thảo thêm lời đẹp

ta đan hạnh phúc tằm ươm tơ".

Ẩn tàng trong bài thơ Mộng Ước Bình Thường là tâm tình, ước nguyện về một mái ấm gia đình. Tiếng nói từ tâm tư tác giả bày tỏ với người bạn đời mai sau (?) mà hiện nay thi sĩ vẫn chưa gặp:

" Tôi vẫn tìm em vạn nẻo đường

từ Đông phương bạt đến Tây phương".

Và rồi qua đến đoạn kết thi phẩm, hình ảnh man mác buồn với một "cõi nào xa" nhưng vẫn còn đôi chút hy vọng, có lẽ "em" nghe thấu chăng?:

" Người ơi mộng ước bấy nhiêu thôi

nhưng mỏi mòn hơn nửa kiếp rồi

em cõi nào xa mong mở cửa

tôi tìm bóng nhỏ mộng tinh khôi".

Có thể nói, trong thời đại này vẫn còn những người có tâm cảnh "tôi" như tác giả bài thơ mô tả, và có thể "nơi cõi xa" cũng có những nàng còn đợi mong những lời thành thật yêu thương.

tháng 2. 2016

Vân Võ Hoài Phương 

  

torsdag 17 november 2022

CHUNG QUANH BẾP NÚC

CHUNG QUANH BẾP NÚC

( Mến Tặng Những Bạn Ưa Thích Nấu Ăn ) 

Anh đàn ông nào có người vợ hoặc người tình được nhiều người biết đến với tài nấu ăn thì coi bộ chàng đó vui mừng chẳng có bút mực nào kể cho hết những niềm vui đó.

Các cụ ông cụ bà ngày xưa đã nói: Người đàn bà, đàn gà cái bếp, nghĩa là người phụ nữ cần biết quán xuyến việc gia đình, như chăm sóc nguồn thu nhập, làm sinh sôi đàn gà đàn lợn, để vừa có thực phẩm dùng trong gia đình vừa có thể bán cho người ngoài, nhờ thế đỡ túng thiếu. Những ngày giỗ chạp hoặc năm hết tết đến, nhà nào cũng phải cúng giỗ Tổ Tiên, có được đàn gà, vài con lợn béo để lo việc tư việc tết, ai nấy đều hởi lòng hởi dạ.

Người phụ nữ thời xưa có những đức tính dễ thương như tần tảo, giỏi việc nhà, biết lo toan. Nhiều phụ nữ thời xưa còn hiểu được một điều rất ý nghĩa: Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê.

Trong vài chục năm qua, bếp núc của nhiều gia đình đã có nhiều thay đổi. Những gia đình sống ở đô thị hoặc gần nơi dễ dàng mua bán than củi đã đỡ phiền phức khi cần đun nấu. Nấu ăn bằng củi tiện hơn bằng rơm rạ, tuy vậy người làm bữa vẩn phải trông chừng đển bếp. Người dùng bếp củi thỉnh thoảng cần ngó trông đến bếp, đẩy củi vào bếp để ngọn lửa không cháy ra ngoài, đỡ tốn củi. Còn đun nấu bằng than, rõ ràng tiện hơn bằng củi. Một bếp than, một ngày chỉ cần nhóm lửa một lần. Khi thấy than trong lò gần tàn, cần tiếp thêm một đợt than mới, ít phải trông coi. Dùng bếp điện tiện hơn, vì trong bếp và trong nhà không có khói và bụi. Hiện nay vài nước trên thế giới sản xuất các loại bếp điện và được nhiều người ưa dùng,

Ngoài ra còn phải kể đến vài loại bếp khác nữa. Đó là loại bếp gas, bếp cồn và bếp dùng dầu hỏa. Ba loại bếp này có những tiện lợi hơn bếp than và bếp củi. Khi nấu ăn, người dùng bếp có thể điều chỉnh ngọn lửa cần thiết cho món nấu. Dùng vài loại bế́p này, ta có thể chuyển bếp từ nơi này đến nơi khác, không bị phụ thuộc vào nguồn điện năng và trong khi chuyển bếp, việc cần làm không mất nhiều sức lực.

Nấu bếp là một việc tuy không đến nỗi nặng nhọc, nhưng người làm bếp cần phải biết tháo vát, nhanh nhẹn trong nhiều việc. Có những món ăn, nếu ta nấu kỹ quá sẽ làm giảm giá trị món ăn đó. Câu nói "rau cần nấu tái, rau cải nấu thêm" đã bao hàm ý nghĩa đó. Người giỏi bếp núc là người biết điều chỉnh ngọn lửa hoặc điều chỉnh nhiệt của bếp sao cho đúng mức. Những món ăn thuộc món ninh, lúc nồi dùng để ninh đã sôi, ta cần giảm lửa hoặc giảm nhiệt của bếp xuống (để nhiệt bếp số thấp), khi đó nồi ninh chỉ còn sôi chút ít. Cho đến lúc ta nếm thử, thấy món ăn đã kỹ, lúc đó ta giảm lửa hoặc nhiệt của bếp xuống mức thấp nhất. Chờ khi người nhà ngồi bên bàn ăn, nồi ninh vẫn nóng, các thứ được ninh sau lúc tăng giảm đúng nhiệt nên hương vị không tỏa bay nhiều, bữa ăn thêm ngon.

Kỹ thuật để lửa to lửa nhỏ hoặc tăng giảm nhiệt của bếp không chỉ cần đến khi làm các món ăn. Ngày trước có những cô gái, khi nấu một nồi cơm không biết hạ ngọn lửa của bếp xuống lúc nồi cơm cạn nước. Nấu xong nồi cơm, thường bị cả nhà chê nồi cơm là trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét. May sao gần đây, nhiều nhà đã có một loại nồi chuyên dùng để nấu cơm. Chỉ cần vo gạo xong, đổ nước và gạo vào nồi, nhìn mức nước vừa phải, và các bà các cô cứ việc nhẩn nha thong thả ngồi đọc thơ hoặc tiểu thuyết cho đến khi ngửi thấy mùi cơm thơm vừa chín tới. Mặc dầu từ lúc bắt đầu nấu cơm đến khi cơm chín, mải đọc cuốn truyện hoặc xem vài trang thơ, chẳng một lần động đũa vào nồi cơm bên bếp cũng chẳng sao. Vì loại nồi chuyên dùng đó, có bộ phận tự ngắt nguồn điện vào, giúp người nấu cơm khỏi lo về kỹ thuật, chẳng còn lo chuyện cả nhà chê cơm sống cơm khê.

Những mẩu chuyện chung quanh bếp núc có vài chuyện kể ra nghe tươi vui thêm đời thường. Bên bàn ăn khang trang sạch sẽ, trong mùi thơm của các món ăn tỏa bay, người có mặt trong nhà thường tề tựu và ra vào trong bếp. Có ông chồng hay có tính trêu đùa vợ, lúc vợ nấu nướng gần xong, ông thường vào bếp nhìn qua vài món, và nói giỡn vui vài lời, coi đó là niềm vui được gần bên người vợ yêu quý. Ở những vùng quê xưa, có vài đôi trai gái thương mến nhau, thường tìm dịp bếp nhà bữa nào thêm một hai món ngon lành, liền nhân đó đem qua biếu tặng nhà bên để hai nhà thêm tinh thần trước tình yêu đôi lứa.

Ngày xưa cũng như ngày nay, những cô gái khéo việc nhà giỏi tay làm bếp vẫn thường là những cô gái đắt chồng. Có cô gái được người mẹ trong nhà truyền cho bí quyết nấu được các món ăn ngon. Và cũng có vài cô gái khéo tay tinh mắt học nấu được thêm các món ăn nhiều người ưa chuộng.

Đã có người nói không ngoa rằng: Người phụ nữ giỏi việc bếp núc là đã có một nửa hạnh phúc gia đình. Và có nơi, người ta coi việc bếp núc là một nghệ thuật.


Ăn là một trong hai việc rất cần thiết với xã hội loài người, vì như người ta thường nói việc ăn việc ở. Người làm trong sở, người ở nhà thường ngày cần ăn để làm tốt việc và giữ gìn sức khỏe. Một người khỏe mạnh, tính tình hòa nhã, nhưng vì hoàn cảnh, lý do nào đó mà ăn không đủ hoặc ăn không ngon, cơ thể bị mất cân bằng, tính tình dễ sinh ra quạu quọ khó tính. Ngày thường, ăn là việc bình thường, nhưng những ngày trong gia đình mở vài tiệc vui, việc bếp núc cần có những người giỏi giang mới đảm đương nổi.

Những nhà có nền nếp và khá về giao thiệp, thường mỗi tháng mời người quen, thân hữu đến dự một, hai bữa tiệc nhỏ trong gia đình. Ở vài quốc gia, người ta còn coi việc mở tiệc khoản đãi tân khách, bạn xưa là một bước tiến trong quan hệ ngoại giao. Nấu được một bữa tiệc ngon, không chỉ cần đến khéo tay mà còn cần am hiểu nghệ thuật của việc bếp núc. Người nấu bếp trong gia đình, người làm bếp trong các tiệm ăn và trong những vương triều, chính phủ thường được nhiều người quý trọng là vì lẽ đó.

Một cô gái mới bước chân về nhà chồng sẽ xoay xở ra sao khi cùng chồng sống trong một gia đình có bố mẹ chồng khái tính, thường ưa thưởng thức vài món ăn mới lạ. Chẳng lẽ cô chỉ nghĩ đến mỗi người chồng yêu thương? Lúc son rỗi có thể chưa bận bịu lắm, nhưng vài năm nữa khi con bế con bồng, chẳng lẽ cô không bao giờ cần đến ông nội, bà nội? Với một cô gái giỏi việc bếp núc thì lúc này là một dịp may lý tưởng. Cô sẽ ra tay và trổ tài để bố mẹ chồng tròn xoe mắt nhìn và thán phục cô con dâu quý hóa. "Ôi, cậu con trai nhà tôi tài thật, tìm đâu được cô vợ có đôi bàn tay vàng. Thôi, hai con yêu quý ạ. Từ nay ở gần cha mẹ cho vui. Gặp khó khăn về khoản mua nhà mua xe... cha mẹ không hẹp hòi". Hai cụ sẽ xoa tay hoan hỷ và cười tươi nói với đôi vợ chồng trẻ.

Cũng cần nói thêm rằng với vài vị cao niên, dẫu có địa vị nào trong xã hội, có được cô con dâu hoặc chàng rể có tài nấu ăn, đều mừng hơn được vàng bạc châu báu. Còn gì vui thích hơn, khi mỗi tuần thưởng thức một món ăn ngon và bạn bè khen ngợi về món ăn này, bởi món đó lại được làm ra ở chính trong nhà của ta. Niềm vui này sẽ làm ta vui mãi. Hiển nhiên ai cũng muốn thỉnh thoảng thưởng thức vài món ăn ngon, để như người ta nói: hưởng chút ân huệ nơi trần thế. Còn ngày thường, có lẽ chẳng ai không mong trong nhà có được hai bữa ăn ngon miệng.

Có một câu chuyện vui kể lại như sau.

Một đôi vợ chồng trẻ vừa cưới nhau xong và sống với nhau trong tháng đầu tiên. Tuần lễ thứ nhất, chồng được vợ cho ăn món trứng luộc, rồi đến món trứng tráng. Tuần lễ thứ hai cũng chỉ ăn quanh đi quẩn lại hai món trứng tráng và trứng luộc. Sang tuần lễ thứ ba, khi mâm cơm được bày ra, cũng chỉ nhìn thấy món trứng. Nhưng lần này là món trứng mặn và trứng hấp, lúc đó chồng chỉ còn biết mỉm cười.

Mẩu chuyện vừa kể chỉ là một chuyện vui nhưng nghĩ ra bổ ích cho những đôi trai gái có ý định sống chung với nhau, đừng quên nói với nhau trước về việc ăn uống. Và có lẽ, các cô gái trước khi lấy chồng cũng cần học hỏi và làm quen dần với việc bếp núc để nấu được những bữa ăn ngon.


Một người biết nấu ăn ngon thường được họ hàng và người thân kính nể. Biết pha chế, gia giảm đồ ăn để có một bữa ăn ngon lành là một việc đã khó, biết lựa chọn mua các thứ thực phẩm để dùng, lại là việc chẳng dễ chút nào. Bởi thế nên một người nấu ăn giỏi thường giỏi luôn việc mua thực phẩm. Có thể việc tìm mua đồ nấu ăn, phái nữ thường hơn hẳn phái nam. 

Nói một cách khách quan, nữ giới khá hơn nam giới về tính toán chi tiêu trong gia đình. Đôi khi có vị đàn ông nào được vợ trao phó việc đi chợ hôm nào, thì y hệt hôm đó bị vợ la rầy thứ này mắc, chê thứ kia là "trông đồ̀ quá tệ thế này mà ông cũng mua". Người ta đã quen nghĩ, đàn ông đi chợ là để cho qua việc, đôi lúc lỡ mua vài thứ giá cao hơn giá phụ nữ vẫn mua và thường nhiều khi nam giới để tâm nhiều đến hình thức hơn. Những phụ nữ giỏi việc nội trợ, biết quản lý và tiêu dùng hợp lý thường chọn mua các thực phẩm hợp khẩu vị người trong gia đình ; biết đôi khi 'nới tay' để mỗi tuần đôi, ba bữa cả nhà được vài chầu ăn uống mãn nguyện.

Phái nữ bận rộn với việc bếp núc và trong lúc bận rộn họ lại có niềm vui hãnh diện hơn cánh đàn ông. Đó là việc tính toán chi tiêu, giữ chức phó gia đình để mua bán, sắm sửa. Nhìn các bà các cô tươi tỉnh đi chợ, vui vẻ kháo nhau thứ này đắt, thứ kia rẻ. "Món này ông lão nhà tôi thích lắm đấy", hoặc, "Hôm nay ngày nghỉ, được món này nhậu, chắc hẳn ông xã nhà tôi phải nhớ tôi đến vài năm!". Đấy, hạnh phúc gia đình bền vững thêm bởi có người thân biết lựa chọn những thực phẩm đúng khẩu vị.

Khi mua xong thực phẩm vừa ý để dùng vào bữa ăn gia đình, người nội trợ cần xếp đặt việc bếp núc gọn gàng theo nề nếp tốt quen thuộc. Việc cần nhất không nên để khu vực trong bếp bừa bãi. Các thứ mua về nên tạm xếp một nơi hoặc để riêng mỗi thứ một chỗ cho có thứ tự, dễ thấy, dễ tìm. Làm như thế sẽ đem đến một khung cảnh sạch sẽ, luôn giữ được phong cách bình tĩnh dẫu công việc bề bộn. Sau đó cần nghỉ vài phút để thêm thanh thản, ngồi nhẩm tính việc nào nên làm trước, việc nào làm sau; món nào cần nấu trước, món nào để khi cơm sắp chín mới bắt tay vào việc. Giai đoạn dự tính này giúp ta thoáng thấy một thời biểu trong lúc nấu nướng, lo liệu thứ tự vài việc cần làm. Có thể dự tính được thời giờ gần đúng từ khi khởi đầu đến lúc kết thúc.

Nghệ thuật nấu ăn coi trọng những cách pha chế và gia giảm gia vị. Một nồi canh ngọt gọi là vừa ăn phải hợp khẩu vị số đông người trong gia đình. Thức ăn mặn nếu là thịt, cá, khi mua về được coi là tươi, lúc đun nấu không nên nấu kỹ quá. Rau xanh hoặc các loại củ, quả để nấu canh, khi đun nấu để ngỏ vung nhiều, các chất sinh tố sẽ tiêu hao và món nấu mất ngon. Có vài thứ thực phẩm cần chặt to, kho kỹ. Và cũng có thứ thực phẩm cần thái thật mỏng, được nấu nhanh chóng. Bếp gia nào từng trải nhiều trong nghề luôn hiểu, có thứ thực phẩm vẫn ưa nấu với thứ thường được nấu chung - nhưng cũng thứ thực phẩm đó - nếu nấu với một thứ lạ hoắc có khi lại kém ngon và rất ít kẻ sành ăn để mắt tới. Cho nên từ xưa có câu "con gà cục tác lá chanh...", một am hiểu hữu ích trong việc bếp núc.

Thịt gà luộc xong, chặt miếng vừa phải, rắc một ít lá chanh thái mỏng lên trên được người ăn chấm muối nhỏ có vắt chanh và thêm chút hạt tiêu xay nhỏ, ngon hết sảy. Những nhà sống xa thôn xóm khó tìm lá chanh, có thể để vài nhánh mùi lên đĩa thịt gà, màu xanh này sẽ làm đĩa thịt gà thêm bắt mắt. Thịt lợn nấu lẫn với hành sẽ thơm ngon hơn. Khi nấu thịt lợn, lúc gần chín, ta thái một ít hành lá rắc vào, dùng đũa đảo qua đảo lại vài lần, món nấu sẽ tỏa ra hương thơm nức mũi. Ngoài ra, các thứ vẫn thường dùng đến như: chanh, ớt, hành, tỏi, rau húng, tía tô... vào lúc các món ăn nấu xong, nếu ta biết dùng những thứ này sẽ làm bữa ăn thêm hương vị, thêm màu sắc xanh tươi và có chút vẻ sang trọng. 


Trong những bữa tiệc to hay nhỏ, khi các món ăn đã đặt trên bàn tiệc, cần vài người khéo tay xếp đặt, trang trí các món ăn để bữa tiệc thêm trang trọng. Về khoản này - dân Âu, Mỹ rất coi trọng - và qua việc chăm chút kỹ lưỡng trên bàn tiệc, đã thể hiện lòng quý mến, ân cần với khách dự tiệc. Ai đến dự những bữa tiệc được tổ chức chu đáo đó, tinh mắt ngắm nhìn sẽ nhận ra vài nét đẹp truyền thống của dân Âu, Mỹ. Nơi dự tiệc sạch sẽ và trang hoàng vui mắt. Các món ăn sau khi được các bếp gia tài giỏi thực hiện, đặt gọn gàng tươi mắt trên bàn tiệc. Một bữa tiệc tại xứ Bắc Âu thường trong vẻ hoan hỷ của gia chủ và của khách đến dự. Trong tiệc người ta nói những chuyện tâm đắc với nhau nhiều hơn, cử chỉ nhã nhặn lịch thiệp hơn ngày thường. Khách đến dự tiệc rất hài lòng và mãn nguyện lúc thưởng thức các món ăn, bởi giá trị dinh dưỡng và bởi vẻ đẹp chung quanh bàn tiệc. Vẻ đẹp thoáng nhìn qua tưởng chừng khiêm nhường. Một vẻ đẹp khiêm nhường lịch lãm. 


Với vài nét phác qua về việc bếp núc, chưa thể thỏa mãn nhiều bạn muốn hiểu rõ thêm, hay muốn am tường rộng hơn về nghề nấu ăn. Người nào muốn nghiên cứu kỹ lưỡng, học hỏi những bí quyết về nấu ăn, chắc hẳn cần nhiều thời gian và nhiều cố gắng. Người nào muốn nấu bếp giỏi đều phải học. Phương pháp hữu hiệu là nên học qua sách, báo để từ am hiểu đến tinh tường, thông thạo các cách thức trong việc bếp núc. Vì vậy nên tìm đọc vài loại sách hướng dẫn nấu ăn của các nhà xuất bản có uy tín. Qua những cuốn sách của các tác giả từng trải có dịp đến thăm nhiều nơi, từng thưởng thức nhiều món ăn truyền thống và dân dã nổi tiếng, chắc hẳn người đọc sẽ biết đến nhiều cách nấu nướng đặc biệt. Và trong các cuốn sách thuộc thể loại nấu ăn, đôi khi độc giả có thêm hiểu biết về một vùng đất cùng những cảm nhận mới lạ rất thú vị của tác giả. Niềm vui của những "du khách-viết sách" đó, là niềm vui của kẻ biết vui hưởng điều hay, nét đẹp, thể hiện nhiều ý nghĩa tốt lành trong cuộc đời. 

Vài tạp chí, nguyệt san đôi khi cũng đăng tải cách nấu những món ăn cổ truyền hoặc hiện đại. Đọc sách, xem báo, theo dõi hướng dẫn nơi ti vi để biết thêm cách thức nấu vài món ăn cũng cần thiết. Người nào khá ngoại ngữ càng có dịp mở rộng hiểu biết để nấu ngon thêm một, hai món ăn nổi tiếng thế giới. Nấu giỏi vài món ăn bình dân, bạn bè nếm thử và khen ngợi là một việc khó. Người nấu món này cần biết dùng các thực phẩm "cây nhà, lá vườn", tuy giản dị ngon lành nhưng có hương vị dân tộc.

Việc học hỏi tại nơi bếp núc cũng cần thiết. Có những mùi thơm tỏa bay trong bếp, phải đứng trong bếp và theo dõi các bếp gia thực hiện mới biết được cách thức làm ra hương vị đó. Và hiển nhiên, niềm vui sẽ nhiều hơn đến với ai từng tham gia vào việc này. Ai chẳng hãnh diện với bạn hữu khi một món ăn trên bàn tiệc nhiều người để mắt đến lại là món ngon có ta góp đôi chút trong đó. Niềm vui này khiến cuộc đời phong phú và vui thêm.

Trong những ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ rảnh rỗi, vài người thường vui với bạn bè và lãng đãng bước vào một tiệm ăn nào đó. Khung cảnh vui vẻ trong các tiệm ăn thường đem lại cho họ vài giờ thoải mái. Trải qua một thời lênh đênh, chìm nổi, phiêu diêu... nay ngồi lại bên bạn xưa một, hai chục phút để ăn uống đôi ba thứ ngon lành nhiều người biết tới, đâu phải là không biết hưởng những tặng phẩm của đời.

Một người bạn kể thêm cho người viết một mẩu chuyện vui. Có những người đếm hai mươi chẵn tròn hai chục.. (người đếm hai mươi chẵn tròn hai chục là người chi tiêu biết tính toán, không lơi lỏng trong việc tiền nong), nhưng vẫn thường dẫn chồng, hoặc vợ hay người tình đến các tiệm ăn, thưởng thức các món ăn được nhiều người sành ăn biết tới, để sau đó, vào một hôm rảnh rỗi ở nhà, trổ tài và ra tay làm bếp, khiến cho cả nhà tròn xoe mắt mũi. Tuy chẳng thể ngon tuyệt vời như món nấu trong tiệm ăn, nhưng người trong nhà được một phen biết đến một món ăn lạ miệng; âu đó có thể là chủ đề một câu chuyện vui, làm người trong nhà và khách đến dự tiệc cười vui từ khi thưởng thức các món ăn ngon cho đến lúc mãn tiệc.

Vân Võ Hoài Phương

( Bản cuối, chỉnh sửa xong ngày 17 tháng 11. 2022 )

tisdag 8 november 2022

Giữa Hai Mùa Mưa Lạnh

truyện ngắn

Giữa Hai Mùa Mưa Lạnh

- Anh có biết tại sao người ta thường tìm đến sống bên nhau trong những tháng mùa đông này không?

- Tại sao ư? Câu trả lời là...

Tuyển nhìn Nguyệt, và cũng như những lần trước, anh đắn đo nghĩ chừng một phút để tìm câu trả lời thật đúng. Còn Nguyệt, cô nhìn Tuyển với ánh mắt vừa thăm dò và vừa chờ đợi.

- Câu hỏi của em có vẻ hơi oái oăm đấy. Nhưng Nguyệt ạ...

Tuyển chợt ngừng nói trong giây lát. Trong đời anh, Tuyển đã trót dại nói hớ hênh một lần để rồi anh sống những ngày trong hối tiếc.

- Nguyệt ạ. Em thừa biết, anh và em gặp nhau vào một ngày bắt đầu lạnh rét. Có thể là do ảnh hưởng thời tiết.

- Anh muốn nói là, vì rét mướt nên tìm đến nhau chăng?

- Em là một cô nàng hay đặt ra những câu hỏi "tại sao?" và "như thế nào?". Đôi lúc anh nghĩ, em sống với sự suy nghĩ của em nhiều hơn là sống vì vật chất. Thế giới riêng của em là những suy tư, đoán định  nhắm đến ngày mai. Đúng không?

Nguyệt mỉm cười. Nghe xong lời phán xét, cô bước đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài. Bầu trời mùa đông với màu vẩn đục và không một cánh chim bay.

- Thật ra, em chỉ muốn biết ý kiến của riêng anh. Đơn giản thế thôi. Với em, vật chất là cần thiết. Nhưng đời sống cũng cần đến tinh thần và tình cảm. Thế giới riêng của em không thể thiếu những thứ này, và đó là quan niệm về hạnh phúc của em. Lúc này anh nghĩ như thế nào?

- Anh nghĩ, tình yêu hiện thời chúng ta đang có trong tầm tay, nhưng hạnh phúc thì còn xa vời vợi. Anh không biết tình yêu sẽ làm mùa đông bớt phần lạnh lẽo, hay là mùa đông sẽ làm tình yêu ấm áp thêm.

- Hôm qua em nghĩ ra câu hỏi này để hôm nay lục vấn anh. Nghe ra ý kiến của anh không đến nỗi tệ lắm.

- Anh được nghỉ làm hai ngày đầu năm ở nhà, đang định dọn dẹp quanh phòng để gọn gàng đôi chút thì em đến. Ngày đầu một năm mà thấy người là thấy "tại sao". À, có một đêm anh nằm mơ thấy em hiện ra, và em có biết lúc đó em nói câu gì không?

Nguyệt cười:

- Anh có định 'sáng tác' thêm một truyện cười nào không đấy?

- Em hiện ra và ôm anh làm anh gần như nghẹt thở, sau đó em nói nhỏ...

Nguyệt mỉm cười, cô  nhìn Tuyển trong tâm trạng vừa muốn nghe thêm đoạn kết nhưng cũng muốn ra về để câu chuyện mãi còn dang dở sau lưng.

- Bây giờ, em còn phải ghé qua tiệm. Chào anh.

Nguyệt bước về phía cửa ra vào, nhìn Tuyển và vẫy tay chào. Tuyển nhìn theo, bất giác anh nghĩ vẩn vơ về một cuộc tình đã xa.


Nguyệt là cô gái thứ hai đến với Tuyển trong vài năm gần đây.Nhưng mối quan hệ của hai người vẫn trong giai đoạn thử thách, chưa lần nào họ bàn tính đến việc ở chung; một phần vì cả hai còn lo ổn định đời sống riêng mỗi người, phần còn lại là tuy ở cùng một dãy nhà, nhưng một ở đầu và một ở cuối dãy. Thương mến nhau đã hơn hai mùa đông, nhưng chỉ gắn bó và chăm sóc bên nhau những khi cần thiết. Thời thế bây giờ, chẳng ai dám đoan chắc mọi việc sẽ thuận lợi mãi mãi. Nhà ở hoặc phòng cho thuê có thể dễ kiếm, dễ tìm trong các mục quảng cáo trên báo hàng ngày. Nhưng một khi đã sống chung, ở chung... mấy ai biết trước tình cảnh rồi ra tốt hơn hoặc sẽ nảy sinh những mâu thuẫn mới. Vài năm trước, khi bị người tình thứ nhất hối thúc làm đám cưới, có một hôm Tuyển nóng giận nói:

- Anh cảm thấy quá nhức đầu bởi vì cách vài bữa em lại đem chuyện đám cưới ra thúc giục anh. Chuyện xây dựng một gia đình mới, tính việc nên vợ nên chồng cũng cần để anh bàn qua bàn lại. Để anh tính toán dần dần, chứ đâu có thể làm ngay được. 

- Anh nói tính dần đã bao lâu rồi?- Người yêu Tuyển nhìn anh không chớp mắt với nét mặt bực tức- Em chỉ cần anh tổ chức một tiệc cưới với chừng hai, ba chục bạn thân và hai chúng ta mỗi người nói một câu là xong. Vậy mà anh lần khân mãi. Nói tới thì anh bảo em thúc giục. Em đâu phải  là người đến đòi nợ mà anh nói em thúc giục.

- Dẫu cho kiếp trước có nợ nhau thì kiếp này cũng phải lo trả. Nhưng trả nợ cũng phải trả dần thôi. Cách nói của em hối thúc y chang một người ̣đòi nợ.

Người tình thứ nhất mắt mở to đứng trân trân nhìn Tuyển. Cô ngỡ ngàng nghe Tuyển nói, và sau lời nói của Tuyển, người đàn ông đứng trước mặt cô đã trở nên hoàn toàn xa lạ.

- Tất cả đồ kỷ niệm chung của anh và của tôi trong nhà này, anh vứt bỏ đi đâu thì vứt!

- Kìa, em. Khi mua sắm chọn kỹ và toàn đồ đắt tiền...

- Người còn không tiếc, tiếc gì đồ! Chấm hết ! 


Cuộc tình đã thực sự "chấm hết" từ lâu, mặc dầu sau đó Tuyển mua vài túi đựng đồ rất đẹp, anh gom các kỷ niệm cũ gửi về nơi bạn thân người tình, mong ít nhiều chuộc lại lỗi lầm nhưng kết cuộc vẫn không hàn gắn nổi rạn nứt tình cảm hai người. Nghĩ lại thì vại đã vỡ... Bây giờ Tuyển có hối tiếc thì chuyện đã muộn màng. Những ngày tháng sống cô đơn khi người tình bỏ ra đi là quãng thời gian giúp Tuyển tu tỉnh lại và sửa mình để mỗi ngày anh thấy đời sống có thêm ý nghĩa. Thật sự, khi Tuyển gặp Nguyệt, tâm tính anh khác trước rất nhiều. Và Nguyệt, mỗi lần nghe một nhận xét, hoặc ý kiến của Tuyển, cô nhận biết trong lời nói của Tuyển có sự cẩn trọng pha chút hài hước. Mối gắn kết và sự xích lại gần nhau giữa cô và Tuyển có thể từ những lần hai người trò chuyện...

- Chào anh. Em về kịp trước khi trời đổ mưa đấy, anh Tuyển ơi.

Tuyển nghe tiếng Nguyệt từ ngoài cửa và anh chợt trở lại với thực tại.

Nguyệt đứng bên cửa mỉm cười nhìn anh, với nụ cười như hôm nào

hai người lần đầu gặp gỡ.

1. 2014

Vân Võ Hoài Phương

(chuyến chuyển nhà gần đây tôi tìm ra một vài truyện ngắn và đôi bài viết đã gửi đăng trên vài trang nhà ..  báo văn nghệ...  Nay có dịp rảnh xin đăng lại nơi đây để góp chút vui chung văn nghệ ..   )

lördag 12 februari 2022

VIẾT VĂN, ĐỌC VĂN : ĐỐI THOẠI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI

VIẾT VĂN, ĐỌC VĂN : ĐỐI THOẠI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI

' Viết Văn, Đọc Văn' , những sự việc thông thường, có gì phải nói. Vâng, chẳng có gì phải nói, nhưng "CÁCH VIẾT, CÁCH ĐỌC", đấy là vấn đề.

"Văn" gồm lời và chữ. Viết Văn là dùng lời (câu văn) và chữ diễn đạt ý mình, trước tiên cho mình, sau đó cho kẻ khác, cho độc giả nói chung. 'Đọc Văn' là qua 'lời và chữ' của tác giả trong tác phẩm nhìn ra những 'trao gởi' của tác giả với cuộc đời trong đó có mình. Do đó, "VIẾT VĂN, ĐỌC VĂN LÀ MỘT HÌNH THỨC ĐỐI THOẠI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI". Ngoài lời nói miệng ra, Văn dù đưới hình thức, thể loại nào, vẫn là phương tiện giao lưu, truyền thông lâu đời và hữu hiệu. Ngày nay, trên Internet, người ta cũng sử dụng Văn (lời và chữ, thêm âm thanh, hình ảnh) để giao lưu dù rất giới hạn đến mức tối đa tính cách dông dài. 

Mỗi người, dù cuộc sống ra sao, vẫn có lúc cảm thấy đôi chán chường, nhạt nhẽo, trống vắng trong tâm tư. Ngoài đôi việc làm bâng quơ để quên hay để 'giải thoát' những 'ưu tư', những 'thờ thẫn, trống vắng' đó, với những người thích văn chương thì quay ra viết văn, đọc văn để trao gởi hoặc đón nhận ý tình nơi kẻ khác giải tỏa những tư lự của mình. 

Viết văn là để 'giải thoát' mình, nói theo Sainte Beuve (...) . Các Bà, các Ông Việt Nam cao niên nơi hải ngoại hiện nay, vốn không là nhà thơ, nhà văn nhưng lại thích làm thơ, làm văn hay viết lách nầy nọ là để giải tỏa những phút 'trống vắng', để được 'sống lại' với những cái đã 'chết' nơi mình (tức thời gian quá khứ) để tâm sự với mình và dụng ý lưu truyền một kỷ niệm để đời cho con cháu. Lớp trẻ, thích văn chương, cũng làm thơ, viết văn để nói lên mọi dậy dàng của tâm trí, để trao đổi với bạn bè, thân hữu mọi cảm nghĩ của mình. 'Viết Văn' là giúp mình tự 'sống' với mình; giúp mình tự tìm 'hạnh phúc' cho mình (niềm vui sáng tác) qua những rủi ro, bất hạnh, khổ đau (kể cả những chết chóc), những vui sướng, hạnh phúc, những thái độ, việc làm, những cách thế ứng xử trước từng cảnh đời của nhân vật trong tác phẩm mình.

"Viết Văn, vì thế là một 'đối thoại với mình', để ": khơi dậy những gì sôi nổi, rộn ràng, bức xúc, những gì còn kín nhiệm, u uẩn, những ẩn ức tiềm tàng nơi tự thân mình do nhu cầu giải tỏa một 'trống rỗng' của tâm tư hay do một 'bức bách' của cảnh ngộ hoặc do một 'hướng vọng' của thần trí hầu thiết lập một 'an bình' cho mình, cho người. Khi viết một tác phẩm nào (tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, ...), người viết thường luôn đứng trước bốn vấn đề : Viết về cái gì, Viết cho ai, Viết thế nào, Viết với chủ đích gì. Từ đó, chủ đề, đề tài, tìm ý, hành văn, bố cục, xây dựng nhân vật trong từng môi trường, thời đại ... đến với tác giả qua kinh nghiệm, kiến thức, xúc cảm, tường tường, qua cái 'nhìn' về nhân tình, thế sự, về cuộc đời, của nhà văn. Nhà văn đã 'đối thoại với mình qua mình' trong những điều trên. Viết văn là cách tìm tòi lại mình, sửa chữa mình, tự rèn luyện mình không chỉ về nghệ thuật mà còn về thái độ, cách sống của mình.

                                                                                    *

.......

'Đọc Văn cũng là một đối thoại với mình, với người' qua một 'hệ thống quy chiếu' tức tác phẩm của các tác giả. 'Đối thoại với mình' là 'ta tự sống với ta', tự hỏi về ta, tự tra vấn, tự chiêm nghiệm về ta' đối chiếu với những gì đang đọc. 'Đối thoại với người' là 'nhận xét, phẩm bình, đánh giá' bức 'thông điệp' tức những gì tác giả muốn trao gởi đến mọi người qua nội dung tác phẩm để hoặc 'thông cảm, đồng tình, tán đồng' hoặc 'phản biện, chống đối, bác bỏ' lúc đối chiếu tác phẩm với ta, với cuộc sống, với thời đại. "Phép đọc sách là gì ?  Là mượn sách của người để tự mình tư tưởng. Vậy thì sách gì giúp được mình tư tưởng, gợi được cái tư tưởng của mình là sách hay, nên đọc cả. Có khi giúp cách trực tiếp, có khi giúp cách gián tiếp. Giúp trực tiếp là sách đồng ý với mình, giúp nghị luận được xác thực, phô diễn được rõ ràng, khiến cho mình nhân đấy mà suy cứu cái tư tưởng của mình cho đến cùng cực. Giúp gián tiếp là khi sách trái với ý mình, bày cái tư tưởng ra một phương diện khác hẳn của mình, khiến cho mình phải sát hạch lại tư tưỡng của mình, phải gia công biện bác, thảo luận cho vỡ lẽ. Mà cách gián tiếp có khi lại bổ ích hơn là cách trực tiếp, vì nó kích thích tư tưởng của mình một cách mạnh bạo hơn". ( Vũ Ký : Nghệ thuật đọc và viết văn, nxb Nguồn Sống, in lần thứ năm tại Hoa Kỳ cuối 1996, trang 77). 

Tóm lại, Viết Văn, Đọc Văn là 'đối thoại với mình, với người' vì Văn là phương tiện truyền thông, giao lưu hai chiều (...). Dĩ nhiên, Viết Văn khó hơn Đọc Văn. Viết Văn cần phải chú trọng cả Hình thức lẫn Nội dung. Hình thức là Chữ, Lời, Bố cục ; Nội dung là Ý, Tình, Tư Tưởng. Chữ dùng phải minh xác, trong sáng; lời văn phải thông gọn, trau chuốt, văn hoa, truyền cảm; Bố cục phải phân minh, hợp lý vừa đúng theo diễn tiến sự việc vừa tạo bất ngờ, thích thú. Ý, Tình, Tư Tưởng phải hàm xúc, cô đọng, phải phơi bày được tất cả sắc thái sâu sắc của sự việc, sự vật, của nhân vật cùng lúc mang tác dụng hướng dẫn người đọc nghĩ suy để cùng hướng về xây dựng cho nhau những cảnh đời càng nhân bản hơn. Đọc văn, thật ra cũng không phải dễ. Nếu chỉ đọc cho qua thì giờ thì không có gì phải nói. Nhưng đọc trong ý hướng và nhu cầu đối thoại với mình, với người thì cũng lắm điều phải nói : Đọc cái gì, đọc loại sách nào, đọc làm sao, đọc với mục đích gì ? Đọc chỉ để giải trí hay đọc để hiểu mình, hiểu người; đọc để phong phú kinh nghiệm, kiến thức hầu ứng xử với mình, với người; đọc để tìm tòi, khám phá những gì mới lạ giúp mình thêm vững chắc trong mọi dự định 'sáng tạo' về mặt nầy mặt nọ.

Tiếp nhận một lời văn là nắm bắt cái ẩn ý, cái mới lạ, cái khác thường, cái hay đẹp của ý tình tác giả để phong phú hóa mình hơn dù không đồng tình với tác giả.

"Văn chính là người", nói theo Bulfon... Số tác phẩm của một nhà văn và số sách đã đọc nơi một người nào đó, ta có thể biết được phần nào khuynh hướng nghệ thuật cùng khuynh hướng 'sống' của nhà văn và của người đó. 'Trong "Đối thoại với mình, với người", Viết Văn, Đọc Văn là cách giúp ta với bắt cái "PHẦN CON NGƯỜI SẼ TRỞ NÊN CỦA MÌNH" ( Vũ Ký, sđd, trang 49 ), và sẽ trở nên về nhân cách, phẩm giá, sẽ trở nên kinh nghiệm hơn, sáng suốt hơn, minh mẫn hơn trong suy tư, ứng xử, sẽ trở nên phong phú về kiến thức, trí tuệ, để góp phần xây dựng cuộc sống mình và xã hội tốt đẹp, tươi sáng hơn.

Nguyễn Thùy


fredag 7 januari 2022

Lời Chúc Xa Xôi


                                                                      


 Lời Chúc Xa Xôi

Vào mộ̣t ngày rét mướt, nhiệt độ ngoài trời lúc này đã xuống dưới độ âm. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, dọc ngang trời đầy mây xám vần vụ, có lẽ chẳng hy vọng vài ngày nữa có được một ngày đẹp nắng. Ngoại cảnh âm u xám xịt đó thực tình dễ làm người ta cảm thấy tình đời như đang đi vào ngõ hẹp. Tôi nghĩ tới nghĩ lui, chưa tìm ra giải pháp nào khả dĩ xóa đi sự ưu phiền thường lảng vảng tìm đến. 

" Đối diện với nỗi cô đơn, liệu tâm trí người ta sẽ tốt hơn hay sẽ ..." Tôi chưa kịp đặt xong câu hỏi và tự sắp xếp câu trả lời thì tiếng chuông điện thoại đã reo lên nơi phòng khách. 

"A lô. Ai đó ?"

" Anh đó à. Mấy hôm nay anh vẫn được khỏe chứ ?"

Tôi nhận ra tiếng nói của Thơm, gần chục năm trước tình cờ gặp nhau ở trại tỵ nạn, quen thân với gia đình và nhận vợ chồng tôi là anh chị nuôi. Một cô gái dễ mến và cũng hay đùa vui. Tôi cũng cảm thấy vui, bèn cười trả lời :

" Anh thì lúc nào cũng khỏe, chỉ hơi túng tiền tiêu vặt thôi. Em có dư, cấp đỡ anh chút đỉnh ".

" Ôi, anh là hay đùa lắm đó. Bà xã nhà anh đâu ? Em muốn nhờ chị giúp cho một việc. Mấy bữa nay em cứ hắt hơi hoài à, mắt lại cứ nháy lia... "

" Ồ, việc này nên mừng đó. Chắc hẳn có anh nào đã gặp em, nói vài chuyện tâm tình với em, rồi về tương tư nhớ đến em đó thôi ".

" Em cầu thánh thần mang đi. Mà anh này, thần thánh gặp anh cũng phải cười đó! Lúc này anh còn để ria mép chứ, hay là sợ vợ cạo béng đi rồi. Em cầu thánh thần thích tính vui nhộn của anh, đón mời anh đi luôn cho rồi !"

" Ồ, được chung bước với thánh thần thì khỏi lo đói và khỏi lo khổ rồi. Mà em này, nhớ giữ bí mật lời cầu đó nghen. Kẻo nhiều người cầu là không đến lượt anh đâu ".

Cô em nuôi của tôi cười, và hình như sau vài giây nghĩ lại, cô nói :

" Anh ơi, nói vui vậy thôi. Anh được thánh thần rước đi sớm thì những lúc rảnh rỗi, em và chị ở nhà biết cùng ai nói vài chuyện vui ? Thôi, em xá tội cho anh đó. Ồ, anh còn chưa trả lời câu em hỏi. Chị đâu rồi anh ?"

" Hôm nay tiệm bán đồ nhà bếp treo bảng bán giảm giá đầu năm, nên bếp trưởng ăn sáng xong nhanh chân đến tiệm đó rồi ".

" Còn anh ? Lúc này anh làm gì vậy?"

" Anh đang ngồi nghĩ chuyện linh tinh thì em gọi điện thoại đến đó ".

Cô em nuôi tôi hỏi, giọng nói có vẻ quan tâm :

" Vài tháng nay anh có còn sáng tác thêm không ?" 

Nghe hỏi tới nỗi muộn phiền đã hơn tháng nay tôi thường nghĩ đến, tôi nói:

" Em cũng biết, lúc này nhân tài hiếm hoi như tinh tú giữa trời dông bão. Còn anh, còn lâu mới được gọi là nhân tài. Bây giờ anh như thấy nhiều trở ngại quá. Biết viết gì đây giữa lúc tình đời đôi lúc chênh vênh trắc trở và nhiều những suy tư, chọn lựa ?"

" Sao giọng anh rầu rĩ vậy ?"

" Anh chỉ nói ra một thực tế hiện giờ ".

" Đừng nên bi quan quá anh à. Em xem chừng các bạn anh đâu có thoái chí. Thỉnh thoảng họ cũng có thêm vài sáng tác mới đó ".

" Ồ, em đừng nên so sánh anh với họ. Bởi lẽ họ nhiều vốn sống hơn anh. Họ đến nơi này nơi kia nhiều nên họ từng trải hơn. Còn anh, mộng ước một chuyến viễn du đã lâu lắm rồi, mà em cũng biết đó, mấy năm nay anh vẫn ngồi một chỗ và mơ ước có một ngày vui vẻ với hành trang lên đường. Vốn liếng nghề văn mỗi ngày mỗi... "

" Em cũng chỉ biết cầu chúc anh nhiều may mắn trên con đường anh đã chọn. Vậy là anh vẫn chưa có ý định bỏ nghiệp văn. Chúc mừng anh !"

" Em chúc mừng anh lúc này e quá sớm ".

" Tại sao vậy ?"

" Bây giờ anh cảm tưởng trang bản thảo rộng bao la như sa mạc hoang vắng. Ngồi nghĩ bấn lên mà đã xong đâu ".

" Nhưng em tin anh sẽ xong việc này. Ngồi nghĩ lẩn thẩn là không xong rồi, anh ạ ".

" Anh cũng nghĩ vậy. Ngồi nghĩ vẩn vơ lại càng thấy rét hơn. Nhiều lúc phải viết để quên đi cái rét ".

" Hơn tuần nay ở bên này chúng em cũng thấy mỗi ngày một lạnh thêm. Thời tiết mấy bữa nay chẳng hiểu sao rét dữ quá, anh à. Lò sưởi trong nhà vẫn ấm nhưng cái lạnh như vẫn thấm vào..."

Tôi thoáng nhìn ra cửa sổ, khung trời vẫn xám mờ như trước. Đầu dây bên kia chợt có tiếng tiếp theo :

" Có lẽ anh chẳng quan tâm đến chuyện thời tiết nhỉ. Phải vậy không ?"

Tôi trả lời :

" Anh nghĩ, thường đến lúc nói tới chuyện thời tiết thì chắc hằn câu chuyện sắp kết thúc rồi. À, mà hôm nay bỗng vui với ngày lạnh rét hay sao, ưa nói chuyện với anh dữ vậy ?"

" Anh đoán mới chỉ đúng một nửa. Em vừa dùng thêm chiếc điện thoại cầm tay nên bữa nay ngày cuối tuần gọi đến anh. Chẳng có ưa đâu nha !"

" À ha. Vậy là em cũng khôn đấy nhỉ ?"

" Chuyển giúp em lời chúc chị luôn vui. "

" Sắp bai anh đó hả ?"

" Vâng, good bye, bai anh nhé !" 

" Ồ, anh biết ngay mà. Vậy anh cũng nói lời tạm biệt của một người hiện sống ở Bắc Âu vẫn nói : "Hây đô em !"

                                                                       *

Tôi đặt tay nghe điện thoại xuống và chợt nhớ đến tấm ảnh kỷ niệm ngày Tết gia đình lúc còn ở Trại tỵ nạn, nay vẫn được đặt bên những tấm hình khác cùng một khung kính. Tôi đến bên khung ảnh và nhìn tấm hình. Phải, trong đời tôi và đời những ḅạn tôi quy tụ lại trong gia đình hôm đó đã có những giây phút vui mừng, dẫu rằng vẫn phảng phất đâu đó nỗi khắc khoải, đợi chờ. Họ cũng như tôi, luôn sống và mong một ngày mai tốt đẹp hơn, thân ái và gần gũi nhau, khích lệ nhau những lúc cảm thấy nhiều suy tư, băn khoăn khi phải chọn một hướng đời.

Tôi đến bên cửa sổ, nhìn khung trời lạnh giá, thầm cám ơn tấm hình kỷ niệm những bạn bè ngày trước và vui với niềm vui mới hôm nay.

Vũ Thụy Anh (*)

(*)  Đoạn tản văn trên đăng trên báo Văn Nghệ Ngày Nay, số 3 tháng 1 năm 2002 , tác giả ký bút danh Vũ Thụy Anh ( đây là bút danh thứ hai của VVHP trên báo VNNN và còn vài bút danh nữa, sẽ có dịp nói sau... ). Vân Võ Hoài Phương chỉnh sửa, bổ túc lần cuối.

                                                                

  



söndag 2 januari 2022

Sưu Tầm Danh Ngôn Thế Giới

Sưu Tầm Danh Ngôn Thế Giới

# Phê bình thì dễ còn nghệ thuật mới khó. ( Destouches )

# Loại văn nào cũng tốt trừ loại gây buồn chán. ( Voltaire )

# Có những cuốn sách chỉ nếm qua thôi, có cuốn phải nuốt, sau cùng có một số ít

phải nhai và tiêu hóa. ( F. Bacon )

# Sách lựa kỹ ta phải coi như bạn, như tri kỷ, như địch thủ. Ta đàm thoại, lý luận,

tranh luận với nó. Đọc sách chỉ sinh lợi với điều kiện đó. ( Diderot )

# Bạn hãy nhanh lên một cách chậm chậm. ( Auguste )

# Không thiên tài nào mà không có một chút điên. ( Aristote )

# Không bao giờ có triết gia nào nhẫn nại chịu nhức răng cả. ( Shakesperare )

# Một người lạc quan là người nhìn đôi mắt bạn, còn người bi quan là người

nhìn đôi chân bạn. ( Chersterton )

# Hãy suy nghĩ lâu nếu bạn muốn chọn ai là bạn tâm giao. ( Senèque ) 

# Tâm giao là xi măng của đời sống. ( Amyot )

# Khi tranh luận biến thành cãi lộn thì bạn phải làm thinh : Đó không phải

là bạn thua cuộc. ( Larare Sadi Carnot )

# Người khôn tự rèn luyện mình. ( Lời Đức Thích Ca )

 Vân Võ Hoài Phương sưu tầm tháng 1. 2022