lördag 23 november 2024

CƠM RAU

                                         Trang Văn Nghệ Đời Sống Trong Tuần
 
                                             CƠM RAU

Nhờ có nền nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, nên người Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác sống ở vùng Đông Nam Á thường nấu cơm và ăn ngày hai, ba bữa. Những người già, còn sống đến nay, vẫn còn nhớ cơm tám, gạo dự ở miền Bắc Việt Nam. Cơm tám hay gạo dự thơm ăn với giò chả, được dùng trong những gia đình có tiền, có của. Ở miền Nam nổi tiếng có gạo nàng thơm. Miển Nam từ xưa đến nay là nơi sẵn thóc gạo. Nói đến các loại cơm, phải kể đến một loại cơm đặc biệt của Sài Gòn. Cơm đĩa miền Nam ngon và trình bày đẹp mắt. Một đĩa cơm nóng hổi, thơm l̀ừng trên có nước xốt màu hồng, trông có vẻ một chút thượng lưu và hấp dẫn. Đĩa cơm còn có vài miếng lạp xường, một hột vịt luộc được xắt làm đôi, vài miếng đậu phụ và những miếng thịt lợn trông ngon lành biết mấy. Ai có dịp thưởng thức đĩa cơm miền Nam một lần, còn nhớ mãi về sau; và trong những dịp nói chuyện với người nào về các loại cơm đặc biệt trên thế giới, thì nhớ đến đĩa cơm miền Nam và khen đi khen lại.

Ở Á Châu, người Nhật Bản cũng ăn cơm. Người Nhật có một loại cơm đặc biệt, đó là cơm nấu với rượu Sake và đường.

Trước khi nấu cơm, người ta đập vỏ hạt dẻ, lấy nhân, bóc vỏ, rửa kỹ và cắt ra làm 2 hoặc 4 miếng. Sau đó vo gạo kỹ, để cho ráo nước vả phơi khô trong 3 giờ. Thổi cơm với hạt dẻ cần có thêm chút muối và đường. Khi nồi cơm đã sôi, người ta dùng muỗng súp, đong hai muỗng rượu Sake cho vào. Từ đó đến lúc cơm chín, người ta điều chỉnh nhiệt của bếp vừa đủ để cơm chín ngon lành. Cơm nấu rượu Sake, ăn vào bổ âm và bổ dương.

Nói đến các quốc gia ăn cơm trên thế giới, phải kể đến cơm của người Trung Hoa. Cơm Tàu từ thời xưa đã nổi tiếng như nhiều người đã biết. Nói một cách khách quan, cơm Tàu thường có nhiều món và được nhiều người nhắc đến. Câu nói "ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật" cũng có chỗ đúng của câu nói đó. Người Trung Hoa thời xưa và thời nay, có một quan niệm, một sự hiểu biết rất rộng về thực vật. Những món ăn của họ, có người cho là cầu kỳ nhưng thực ra, việc nấu được món ăn đó là một công trình về ăn uống. Người Trung Hoa hơn những nước láng giềng về ăn, vì họ biết chọn những món ăn có tổng hợp vừa thực phẩm và vừa dược phẩm. Những cây thuốc qúy được nấu cùng những thứ thực phẩm. Điều này không dễ mấy người ở các nước khác hiểu được. Có ai học được chăng nữa cũng không thể nấu bằng người Trung Hoa. Chúng ta phải thừa nhận, đã bao thế kỷ trôi qua, cơm Tàu vẵn được nhiều quốc gia trên thế giới kính nể.
 
Những nước trên thế giới có những loại cơm đặc biệt còn có nhiều. Có kiểu cơm nấu của người Madagascar, khi nấu có cho thịt bò, cà chua, tỏi tây và trái su su bằm nhỏ. Cơm Thổ Nhĩ Kỳ có thêm bơ và muối. Cơm nấu xốt của xứ Senegal. Cơm của thổ dân Haiiti nấu chung với loại nấm đen mọc trong rừng. Cơm nấu chung với bắp cải, phô mai, dầu ăn, muối và hột tiêu của người Ba Tư. Cơm nấu với đậu của dân Ý, được cho thêm thịt mỡ hun khói và thêm nhiều gia vị thơm ngon và béo ngậy ...

Ngày xưa đã có một thời, có những nhà hàng bán cơm Việt Nam, khi có một khách hàng gọi cơm để dùng trong bữa ăn, Nhà hàng liền mang ra một niêu cơm vừa chín tới. Cơm được nấu trong niêu nhỏ bằng đất nung, dẻo và thơm, vừa đủ cho một người ăn. Cơm nắu bằng niêu đất, giữ được hương vị thơm ngon của gạo. Từ lúc mở vung ra ăn cho đến khi ăn xong, niêu đất vẫn còn nóng. Những người bình dân ngày xưa ở nhiều vùng thôn quê thường vẫn nấu cơm bằng một kiểu đặc biệt. Khi nồi cơm cạn nước, người ta đặt ra bên cạnh bếp, gạt tro nóng sang bên và đặt nồi cơm lên trên. Sau đó quây rơm lên trên nồi và đốt lửa. Cơm nấu kiểu này, bảo đảm chín cả trên cả dưới. Nếu được nấu bằng thứ gạo của ngày mùa, chắc chắn thơm ngon và người ăn vì thế khỏe mạnh, dư sức để xốc vác công việc ngày mùa.

Người xưa có câu "cơm tẻ, mẹ ruột". Cơm nấu bằng gạo nếp ăn cũng ngon nhưng không ăn được nhiều. Cơm nấu bằng gạo tẻ, ăn với thức ăn luôn được đổi mới, vẫn thường được ưa dùng nhiều nhất.

Cơm món ở nhà hàng thường ngon và có nhiều món. Thức ăn gồm các món: luộc, ninh, hầm, xào, chiên, rán... Về cá cũng có nhiều món như cá rán, cá kho, chả cá, cá nấu canh... Món luộc cũng được nhiều người ưa dùng: thịt lợn luộc thái mỏng chấm với mắm tôm chanh ớt. Món ninh, hầm được những người già thích ăn vì được nấu kỹ và nhừ. Người không còn răng khi ăn những món ninh, hầm, vẫn cảm thấy thích và ngon miệng. Món xào thích hợp với nhiều lứa tuổi. Một đĩa rau xào, nói ví dụ như rau xào với thịt bò, không chỉ hấp dẫn người ăn vì nóng sốt, mà còn vì màu xanh của rau cải và màu thẫm của thịt bò, khi được xào lên đã tạo thêm nên một màu sắc khiến người ăn ưa thích. Giá sống xào với gan ăn cũng ngon. Thịt bò, thịt lợn nạc xào với cần tây thường tỏa ra mùi thơm đặc biệt. Cũng cần phải nói đến các thứ rau dùng trong bữa ăn, vì "cơm không rau như ốm đau không thuốc". Rau xanh được trồng ở nhiều vùng Á Đông. Trong mâm cơm ngày thường, thiếu món rau, dù chỉ là rau xào không, rau nấu canh suông hoặc rau luộc, bữa ăn sẽ khô khan và kém vẻ tươi mát. Ăn cơm nhà hàng, một bát canh chua nếu không có đĩa rau sống đi kèm, hẳn mất cái ngon của bát canh chua. Những nhà hàng bán bánh cuốn ở Việt Nam, khách ngồi vào bên bàn ăn, đã nhìn thấy một đĩa rau sống đẹp mắt để giữa bàn, cũng là có ý nói "bánh cuốn ăn với rau sống rau thơm là tuyệt vời lắm đó".

Rau sống thường được nhiều người ưa chuộng, vì ăn rau sống, có thêm nhiều sinh tố và khi ăn, ta cảm thấy thú vị khi được nhai những lá rau giòn, mát. Các loại rau thường ăn sống trong bữa ăn là sà lách, rau diếp cuộn hoặc không cuộn. Rau muống chẻ cũng được nhiều người thích ăn với canh, riêu. Khi ăn các loại rau trên, người ta thường ăn cùng với vài thứ rau thơm khác như rau mùi thơm, tía tô, hành lá, húng quế... (*)


Vân Võ Hoài Phương
(*) Bản cuối, đã chỉnh sửa xong tháng 11. 2024
****************************


 

tisdag 19 november 2024

Trang Thơ Bạn Hữu

Khổ Còn Hơn Lỗ

"Yêu chắc khổ mà không yêu chắc lỗ"

bèn nhủ lòng cứ gắng gổ yêu đi

khổ vì ai dù nát cả hồn si

còn hơn lỗ nằm cu ki một đống


Từ cổ kim yêu đương thêm sức sống

giúp con người đứng vững trước phong ba

nhưng khổ đau do tình ái gây ta

làm chết thảm những con tim đắm đuối


Ngặt không yêu thì buồn như chú Cuội

ngồi gốc đa suốt kiếp gió hiu hiu

ngắm nhân gian từng đôi lứa dập dìu

mới cảm nhận duyên phần sao lỗ lã


Vào cuộc tình nhiều lo toan vất vả

song hân hoan có hạnh phúc ái ân

ở một mình được nhàn nhã tấm thân

song thui nẫu cả cõi lòng ảm đạm


Nửa đời qua anh cô đơn vây hãm

định đi tu chẳng yâu nữa c ho xong

kẹt những chiều nhìn tuyết đổ mênh mông

ngó quanh quẩn thiếu bóng hồng thỏ thẻ

Anh lại yêu ... gọi tình về xuân trẻ

dẫu biết rằng yêu phải khổ bao nhiêu

nếu một mai em phụ rẫỹ phiêu diêu

anh chấp nhận thà khổ còn hơn lỗ.

Lê Dã Sử

""""""""""""""

Trận Đời Và Trận Tình

Năm xưa tôi đánh trận đời

thêm trận tình nữa rã rời lao đao

địch quân ngắm lệch tim đào

têi về nằm giữa chiến hào trị thương

chờ ngày yên ắng chiến trường

chờ ngày hồi phục cang cường tâm thân

chẳng ngờ ... ơi hỡi ngày xuân

qua bao thế kỷ xoay vần năm châu

tôi buồn vào tận núi sâu

quyết làm ẩn sĩ thức thâu trên ngàn

nhưng không quên được nhân gian

nhớ đời tôi lại ôm đàn bước ra

xin làm một kẻ du ca

nhìn xem thiên hạ thăng hoa thế nào

vẫn là thế giới lao đao

vẫn còn chinh chiến máu đào tuôn rơl

gặp em nhan sắc nhoẻn cười

rủ tôi cùng đánh trận đời hôm nay

trận tình dẫu đắng dẫu cay

mặc ai vận rủi vận may cam đành

em liền trợ thủ bên anh

một phen nữa quyết tựu thành muôn phương

dù tôi hay em bị thương

tôi hay em lụy giữa đường nhân sinh

cho xong một kiếp chung tình

cho xong một chuyện chúng mình trăm năm.

Lê Dã Sử

""""""""""""""

måndag 11 november 2024

Sưu Tầm Danh Ngôn Thế Giới

 # Sách là ánh sáng soi đường cho văn minh. ( F. D. ROOSEVLT )

# Lý lẽ và khôn ngoan chân chính là biết chừng mực. ( BOSSUELT )

# Bản lĩnh đối với con người cũng như hương đối với hoa. ( SCHNAB )

# "Tôi là người trước đây đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tôi là người rất kém

về ttrí nhớ, lại kém cái thông minh và sức khỏe, sau khi ra trường lại cảm thấy bơ vơ, ngơ ngác trước

con đường học vấn mênh mông. (...) Những kinh nghiệm của tôi trong thời gian tự học thường chỉ dùng

để bàn rộng và bình phẩm những nguyên tắc do các bậc đàn anh chỉ dẫn. (...) Học là để cho đầu óc và

 tâm hồn ngày càng cao hơn, rộng hơn ... có cao, có rộng thì mới tránh được cái nạn "thiên kiến", "chấp 

nhấp" của những đầu óc hẹp hòi". ( THU GIANG Nguyễn Duy Cần )

# Tự học là cần thiết nhưng không phải là một sự bắt buộc; ta được hoàn toàn tự do, tự chủ, nhờ vậ̣y 

nó là một cái thú. (...) Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch,

du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm lần du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không

gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông ... ( Nguyễn Hiến Lê )

# Tôi thích rèn tâm hồn tôi hơn là trang trí nó. ( MONTAIGNE  

# Sách giải trí cũng ích lợi cho sức khỏe như tập thể dục. ( KANT )

# Danh dự của nhà phê bình chẳng phải ở chỗ  chê hay khen, mà chính ở chỗ thông cảm và hiểu biết;

và tài hoa của họ là khéo làm sao cho kẻ khác cùng hiểu được cái mà họ đã hiểu. ( ANDRÉ SUARÈS ) 

# Đam mê là những nhà hùng biện duy nhất luôn thuyết phục thành công.( LA ROCHEFOUCAULD )

# Sống là yêu và cần nhứt là yêu đời sống.  ( B. PIERSON )

Đời không tình ái như năm tháng không có mùa hè. ( cách ngôn Thụy Điển 

Đời sống gia đình là bản dịch ra văn xuôi của một bài thơ tình ái. ( BOVGEART )

Vân Phương sưu tầm tổng hợp, tháng 11. 2024

************************************
 

fredag 8 november 2024

Trang Thơ Bạn Hữu Gần Xa

 Muôn Kiếp Tìm Em

Mơ mộng quá, tôi tìm em muôn kiếp

bao công lao, gian khổ bởi nợ duyên

mà em đâu biền biệt cõi u huyền

đường hoang giá khiến hồn tôi lẻ bóng

...

Khi tuyệt vọng muốn linh hồn siêu độ

trong cô đơn, trong khắc khoải, loạn cuồng

cơn tỉnh say vào những giấc mơ suông

phút cầu nguyện vang hồi chuông vũ trụ

...

Nay nghe tin người em tôi mong đợi

nàng cô đơn trên phố lớn ngày nay

hỡi em ơi, gắng giữ tấm lòng son

nuôi hy vọng tôi tìm em muôn kiếp.

Lê Dã Sử

""""""""""

Rồi Lại Chia Phôi

Ta biết nhau quá muộn màng

con tim sau những lỡ làng thương đau

bây giờ còn lại gì đâu

chỉ còn chắp nối đôi câu ân tình

quá nửa đời chẳng yên bình

thôi dan díu nữa mảnh hình phiêu du

để anh đi một lãng phu

để em về bóng trăng thu đêm dài

dù chia phôi đấy u hoài

nhưng lòng còn tưởng một mai xa vời.

Lê Dã Sử

"""""""""""

Tái Ngộ Ngày Tóc Trắng

"Rồi mai đây có gặp người" (*)

chào nhau ngượng ngập, nụ cười ủ ê

đã tàn phai hết cơn mê

đã tàn phai hết hương thề trăm năm

hẹn hò rơi rụng xa xăm

đợi chờ cũng bỏ biệt tăm dấu hài

chuyện trò chen tiếng thở dài

dư âm nghĩa cũ, u hoài tình xưa

nhìn nhau dãi nắng dầu mưa

da mồi nhăn nhúm, tóc thưa bạc màu

sầu lên mấy cuộc bể dâu 

"đoạn trường ai có qua cầu mới hay"

gặp rồi, rồi lại chia tay

luyến lưu chi nữa, chim bay sông hồ

người về cuối xóm lúa ngô

kẻ đi trăng dãi vi lô dặm ngàn.

Lê Dã Sử

"""""""""""

(*) thơ Định Nguyên



 

         




,

söndag 18 augusti 2024

GIƯÃ HAI MUÀ MƯA LẠNH

 Truyện Ngắn

Giữa Hai Muà Mưa Lạnh

- Anh có biết tại sao người ta thường tìm đến sống bên nhau trong những tháng mùa đông này không ?

- Tại sao ư ? Câu trả lời là ...

Tuyển nhìn Nguyệt, và cũng như những lần trước, anh đắn đo nghĩ chừng một phút để tìm câu trả lời thật đúng. Còn Nguyệt, cô nhìn Tuyển với ánh mắt vừa thăm dò vừa chờ đợi.

- Câu hỏi của em có vẻ hơi oái oăm đấy. Nhưng Nguyệt ạ ... 

Tuyển chợt ngừng nói trong giây lát. Trong đời anh, Tuyển đã trót dại nói hớ hênh một lần để rồi anh sống những ngày trong luyến tiếc.

- Nguyệt ạ. Em thừa biết, anh vả em gặp nhau vào một ngày giá rét. Có thể là do ảnh hưởng thời tiết.

- Anh muốn nói là, vì rét nên tìm đến nhau chăng ?

- Em là một cô nàng hay đặt ra những câu hỏi "tại sao ?" và "như thế nào ?". Đôi lúc anh nghĩ, em sống với sự suy nghĩ của em nhiều hơn là em sống vì vật chất. Thế giới riêng của em là những suy tư, những đoán định nhắm đến ngày mai. Đúng không ?

Nguyệt mỉm cười. Nghe xong lời phán xét, cô bước đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài. Bầu trời mùa đông với màu vẩn đục và không một cánh chim bay.

- Thật ra, em chỉ muốn biết ý kiến của riêng anh, với góc nhìn khác hẳn em. Em hiểu, vậ̣t chất và phương tiện là cần thiết. Nhưng đời sống cũng cần đến tinh thần và tình cảm. Thế giới riêng của em không thể thiếu những thứ này, và đó là quan niệm về hạnh phúc của em. Lúc này anh nghĩ như thế nào ?

-  Anh nghĩ, tình yêu hiện thời chúng ta đang có trong tầm tay, nhưng hạnh phúc thì còn xa vời vợi. Anh không biết tình yêu sẽ làm mùa đông bớt phần lạnh lẽo, hay là mùa đông sẽ làm tình yêu ấm áp thêm.

- Hôm qua em nghĩ ra câu hỏi này để hôm nay lục vấn anh. Nghe ra ý kiến của anh không đến nỗi tệ lắm.

- Anh được nghỉ làm hai ngày đầu năm ở nhà, đang định dọn dẹp quanh phòng để gọn gàng đôi chút thì em đến. Ngày đầu năm mà thấy người là thấy "tại sao". À, có một đêm anh nằm mơ thấy em, và em có biết lúc đó em nói câu gì không ?

Nguyệt cười:

- Anh có định 'sáng tác' thêm một truyện cười nào không đấy ?

- Em đến bên anh và ôm anh làm anh gần như nghẹt thở, sau đó em nói nhỏ ...

Nguyệt mỉm cười, cô nhìn Tuyển trong tâm trạng vừa muốn nghe thêm đoạn kết nhưng cũng muốn ra về để câu chuyện mãi còn dang dở sau lưng.

- Bây giờ, em còn phải ghé qua tiệm. Chào anh.

Nguyệt bước về phía cửa ra vào, nhìn Tuyển và vẫy nhẹ tay chào. Tuyển nhìn theo, bất giác anh nghĩ vẩn vơ về một cuộc tình đã xa.


Nguyệt là cô gái thứ hai đến với Tuyển trong vài năm gần đây. Nhưng mối quan hệ của hai người vẫn trong giai đoạn thử thách, chưa lần nào họ bàn đến việc ở chung; một phần vì cả hai còn lo ổn định đời sống riêng của mỗi người, phần còn lại là tuy ở cùng một dãy nhà, nhưng một ở đầu và một ở cuối dãy. Thương mến nhau đã hơn hai mùa đông, nhưng chỉ gắn bó và chăm sóc bên nhau những khi cần thiết. Thời thế bây giờ, chẳng ai dám đoan chắc mọi việc sẽ thuận lợi mãi mãi. Nhà ở và phòng cho thuê có thể dễ kiếm, dễ tìm trong các mục quảng cáo trên báo hàng ngày. Nhưng một khi đã sống chung, ở chung... mấy ai biết trước tình cảnh rồi ra tốt hơn hoặc sẽ nảy sinh vài mâu thuẫn mới. Vài năm trước, khi bị người tình thứ nhất hối thúc làm đám cưới, có một hôm Tuyển nóng giận nói:

- Anh cảm thấy quá nhức đầu bởi vì cách vài bữa em lại đem chuyện đám cưới ra thúc giục anh. Chuyện xây dựng một gia đình mới, tính việc nên vợ nên chồng cũng cần để anh tính qua bàn lại. Để anh tính toán dần dần, chứ đâu có thể làm ngay được.

- Anh nói tính dần đã bao lâu rồi ?- Người yêu Tuyển nhìn anh không chớp mắt với nét mặt bực tức. - Em chỉ cần anh tổ chức một tiệc cưới chừng hai, ba chục bạn thân và hai chúg ta mỗi người nói một câu là xong, vậy mà anh lần khân mãi. Nói tới thì anh bảo em thúc giục. Em đâu phải l̀à người đến đòi nợ mà anh nói em thúc giục.

- Dẫu cho kiếp trước có nợ nhau thì kiếp này cũng phải lo trả. Nhưng trả nợ cũng phải trả dần thôi. Cách nói của em hối thúc y chang một người đòi nợ.

Người tình thứ nhất mắt mở to đứng trân trân nhìn Tuyển. Cô ngỡ ngàng nghe Tuyển nói, và sau lời nói của Tuyển, người đàn ông đứng trước mặt cô đã trở nên hoàn toàn xa lạ.

- Tất cả đồ kỷ niệm chung của anh và của tôi trong nhà này, anh vứt bỏ đi oâu thì vứt !

- Kìa, em. Khi mua sắm chọn kỹ và toàn đồ đắt tiền...

- Người còn không tiế́c, tiếc gì đồ ! Chấm hết !


Cuộc tình đã thự̣c sự "chấm hết" từ lâu, và mặc dầu sau đó Tuyển mua vài túi đựng đồ rất đẹp, anh gom các kỷ niệm cũ gửi về nơi bạn thân người tình, mong ít nhiều chuộc lại lỗi lầm nhưng kết cuộc vẫn không hàn gắn nổi rạn nứt tình cảm giữa hai người.

Nghĩ lại thì vại đã vỡ... Bây giờ, Tuyển có hối tiếc thì chuyện đã muộn màng. Những tháng ngày sống cô đơn khi người tình bỏ ra đi là quãng thời gian giúp Tuyển tu tỉnh lại và sửa mình để mỗi ngày anh thấy đời sống có thêm ý nghĩa. Thật sự, khi Tuyển gặp Nguyệt, tâm tinh anh khác trước rất nhiều. Và Nguyệt, mỗi lần nghe một nhận xét, hoậc ý kiến của Tuyển, cô nhận biết trong lời nói của Tuyển có sự cẩn trọng pha chút hài hước. Mối găn kết và sự xích lại gần nhau giữa cô và Tuyển có thể từ những lần hai người trò chuyện...

- Chào anh. Em về kịp trước khi trời đổ mưa đấy, anh Tuyển ơi.

Tuyển nghe tiếng Nguyệt từ ngoài cửa và anh chợt trở lại với thực tại.

Nguyệt đứng bên cửa mỉm cười nhìn anh, với nụ cười như hôm nào hai người lần đầu gặp gỡ.

Vân Võ Hoài Phương

( Truyện ngắn đã đăng lần đầu trong trang nhà Câu lạc bộ Tình nghệ sĩ )




 
















 


 


onsdag 31 juli 2024

Sưu Tâm̀ Danh Ngôn Thế Giới

 # Ngày nào đọc được một cuốn sách hay, là ngày đó đáng ghi  trong đời sống. ( LAMRTIN )

# Luôn luôn có cái gì mới cho ta học. ( G. B. SHAW )

# Làm điều hữu ích, nói lời can đảm, thưởng thức cái đẹp: đó là đủ 

cho cuộc đời của một con người. ( T. S. ELIOT )

# Thật buồn khi già đi, nhưng thật tốt khi trở nên chín chắn. ( B. BARDOT )

# Niềm vui cao quý nhất là niềm vui của sự hiểu biết. ( LEONARDO da VINCI )

# Trong thời gian khó khăn, hãy mang theo điều gì đó đẹp đẽ trong tim. ( BLAISE PASCAL )

# Với nghệ thuật, không thể đạt được điều gì đúng mà thiếu đi lòng nhiệt huyết,
 ( ROBERT SCHUMANN )

# Thành công 90 % là mồ hôi và 10 % là cảm hứng. ( THOMAS EDISON )

# Tôi yêu người có thể cười trong nghịch cảnh, có thể tìm sức mạnh trong sự khốn cùng 

và trở nên can đảm nhờ suy nghĩ. ( THOMAS PAINE )

 Kiến thức là cái gì còn lại khi người ta đã quên hết những 

điều đã học. ( SELMA LAGERLOF )

# Người không có cuộc sống bên trong là nô lệ của môi trường bên ngoài. ( H. F. AMIEL )

#  Nói hay và hùng hồn là một nghệ thuật, nhưng biết lúc nào cần ngừng lời

cũng là nghệ thuật chẳng kém hơn. ( MOZART )

Vân Phương sưu tầm tổng hợp, tháng 7. 2024.