lördag 17 juni 2017

Trăng Gầy Miền Duyên Hải (1)

truyện dài

                        Trăng Gầy Miền Duyên Hải (1) 

   Khác với lệ thường, tối nay bà Biểu không thấy ông Biểu xem ti vi. Dưới ánh đèn nhỏ hắt ra từ trên bậc lò sưởi, bà Biểu thấy chồng ngồi gần kệ sách, đầu ông ngả ra sau ghế, hai mắt hé nhìn lên trần nhà và ngón tay trỏ của ông khẽ gõ nhẹ bên tay ghế; một thói quen thường thấy mỗi khi ông trầm tư mặc tưởng.

Tiếng "tích, tắc" của chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường gõ chậm tiếng một. Bầu không khí tĩnh mịch bao trùm trong phòng nhỏ, bà Biểu cảm thấy sự suy tư của ông Biểu trôi lặng lẽ theo từng tiếng gõ chậm của chiếc đồng hồ cũ kỹ. Bà thầm nghĩ, chắc hẳn đã có chuyện gì xảy ra đây.

Bà Biểu bước ra phía ngách hành lang, ở nơi ấy còn cần đến bàn tay của bà. Đây là một ngách nhỏ dẫn thông ra hiên, trước đây vài năm, theo gợi ý của bà, ông Biểu đã dùng vài mảnh gỗ để che chắn lại. Thời gian qua đi, ngày nay nơi đó đã là một chiếc bếp gọn gàng của gia đình bà. Trong khoảng nhỏ bếp, có một bếp dầu, một khoang để nồi niêu, và chiếc chạn nhỏ có bát, đĩa, mắm, muối... Đồ dùng trong bếp tuy đơn sơ là thế, nhưng với cách nấu nướng ngon lành của bà, nhiều bữa ông Biểu cũng thấy bõ cái công một ngày ông đã tay cưa, tay thước và "làm đẹp xuất sắc" (lời khen ngợi của bà Biểu) cái bếp nhỏ ấy, tuy rằng ông không là tay thợ. Và cái ngày hôm ấy, cái ngày mà chiếc áo ông mặc ướt đẫm và trán ông lấm tấm những giọt mồ hôi, khiến bà Biểu trong một phút bất chợt nhìn ông, bà vừa cười vừa thấy thương ông không để đâu cho hết.

Giá dầu dùng cho bếp dầu mua ngoài chợ theo giá hiện thời không rẻ, nay xuống mai lên, mà thời giá nhiều thứ như gạo, thực phẩm, than, củi, dầu... một khi giá cả đã lên thì cứ tăng vọt. Tháng trước bảy, tám hào còn mua được cái bánh mỳ ngon hay uống được cốc cà phê đá. Vài tháng sau, tiền hào đã thành ra thứ tiền khó có thể mua được thứ gì. Rồi người ta dùng đến tiền trăm, tiền ngàn, chục ngàn, trăm ngàn... Những năm dài dân chúng quen dần cảnh sống xếp hàng cả ngày trước các cửa hàng quốc doanh, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng gạo. Nồi cơm nhiều nhà đã thoáng thấy độn khoai, độn sắn. Phần đông nhiều gia đình ăn hôm nay, lo ngày mai có tiền mua gạo. Câu nói "chạy gạo từng bữa" trong thời buổi mà "không làm thì đói, làm thì chói xương hông" chắc hằn ai cũng biết. Ông Biểu và bà Biểu nghỉ dạy học và về hưu vào giai đoạn khốn khó trăm đường này. Dạo ấy, có người nói tiền hưu một tháng đem ăn sáng một tuần còn thiếu, ông bà Biểu nghe mà thấy nản. Nhiều đêm ông Biểu thức trắng ngồi lẻ loi trong phòng, mắt nhìn lên trần nhà, khoé mắt đẫm lệ. Ông có ngờ đâu cảnh sống vợ chồng nhà giáo về hưu nay cũng phải lo ăn từng bữa. Nhưng thật may mắn cho đời ông là ông có người vợ sớm biết lo toan vun vén việc gia đình. Gia đình ông bà Biểu ít người, trông qua nhìn lại có ba người: hai ông bà và cô con gái. Thanh, con gái duy nhất của hai ông bà, nói về khoản ăn uống giống đặc như bố, ăn nhỏ nhẹ như mèo mà lại rất khảnh ăn.



Đôi khi rảnh việc, ông Biểu cũng để mắt xem cách thức nấu nướng của vợ. Và với một chiếc ghế có tựa lưng đặt bên hành lang, thêm cuốn sách ưa thích cầm trên tay, ông Biểu ngồi gần 'giang sơn riêng' của vợ, vừa đọc sách vừa đôi lúc nhìn xem bà Biểu làm các món ăn. Ngày hai buổi, bà Biểu nhóm bếp hai lần. Đầu tiên, bà đặt ấm nước trước, đun sôi và rót vào phích nước, để sau bữa ăn, cả nhà có nước nóng uống. Tiếp theo, bà nấu thức ăn mặn; sau, bà chuyển sang nấu nồi canh rau. Và sau cùng, bà đặt nồi nấu cơm lên bếp. Nồi cơm vừa chín tới, bà dùng đũa cả xới tơi lên, để ra ngoài và đặt lại trên bếp một hai phút nồi canh rau. Ở trên nhà, Thanh đã sắp sẵn xong mâm, bát trên bàn ăn. Khi ông Biểu nhìn thấy vợ xong việc bếp và bước ra khỏi nơi bà có lần nói vui là "giang sơn riêng", thì cũng là lúc ông biết cần phải gấp cuốn sách đang đọc, để - nhiều khi ông Biểu nghĩ - đã đến giờ thưởng thức tay nghề nấu ăn của vợ.

( còn tiếp )

Vân Võ Hoài Phương
( 17. 06. 2017 ) 

onsdag 14 juni 2017

Đôi Điều Ngẫm Nghĩ

                                                            
  Đôi Điều Ngẫm Nghĩ (2)*


 Mỗi mùa hè đến và qua đôi khi để lại trong trang sử đời người ta vài kỷ niệm. "Một mùa đông lạnh lẽo đã qua, và bây giờ, ở nơi đây..."(*). Vài dòng trong một truyện ngắn viết cách nay đã lâu thường gợi lại trong tôi một hai kỷ niệm mỗi khi nắng hạ đến. Sau mùa đông dài lạnh ngắt năm, sáu tháng nay mùa hè tô điểm khắp nơi một màu xanh với vẻ đẹp dịu dàng tươi mát. Từ sáng sớm tinh mơ, vào những ngày đẹp trời và khi mặt trời vừa lên, đường cây bên đường đứng yên tĩnh trong bầu không khí yên bình ban mai. Những ai dậy sớm trong một sáng hè chắc hẳn cảm nhận được niềm vui của một ngày mới vừa đến.

Thành phố nơi tôi đầu tiên đặt chân đến định cư nằm bên cạnh vịnh nhỏ. Có lẽ điều đặc biệt còn ghi lại trong ký ức những người xa xứ đi tìm kiếm quê hương thứ hai là nơi đầu tiên họ sống cuộc đời mới. Và, hình ảnh thành phố tôi có dịp ghi lại trong truyện ngắn đã nói đến là những cảnh đời để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. "Trên các ngả đường trong thành phố, những ông già bà già chậm bước lãng du để quên đi nỗi nhọc nhằn của một thời quá khứ. Vài quán cà phê bên đường đã sắp đặt gọn gàng những bộ bàn ghế dưới hiên, bên những bồn cây xanh và bên những giò hoa treo lơ lửng. Du khách thả người ngồi trên ghế, đưa mắt lặng lẽ nhìn các cô gái đang độ xuân mơn mởn, cười đùa khúc khích và trêu cợt nhau diễu qua trước mắt. Nắng vàng trải dài trên các lối đi, không gian như có thêm những nét duyên dáng của một bài thơ trữ tình...(*)". Vài hình ảnh tuy bình thường nhưng có vẻ vừa cổ điển vừa hiện đại chăng? Trong những thành phố Âu châu thời cổ xưa và trên các đường phố Châu Âu thời hiện đại, thiếu gì những ông già, bà già chậm bước lãng du, và hẳn là chẳng thể thiếu vài quán cà phê bên đường toả hương vị làm xiêu lòng đôi ba khách vãng lai từ xa đến.  

#

  Người ta thường nói, có kỷ niệm thoáng qua và có kỷ niệm in đậm dấu ấn trong ký ức. Trong vài năm đầu sống nơi xứ lạ, hẳn là nhiều người trong đó có tôi từng thấy nhiều cảnh thiên nhiên nhiều màu sắc nhưng khác lạ; và những tay săn ảnh chẳng bỏ lỡ các cảnh hấp dẫn rất ít khi họ thấy. Còn tôi, đôi lúc nhìn thấy một giàn cây leo bên các dãy nhà hay hướng mắt theo đàn chim trời bay trên nền trời xa, tôi lại thoáng nhớ tới kỷ niệm những ngày đầu xa quê hương. Ngày nay, trong các thành phố Châu Âu người ta còn thấy hình ảnh những giàn cây leo mọc xanh tươi bên các dãy nhà, còn những đàn chim thiên di vào những tháng nắng nóng lại bay tìm đến những nơi ưa sống. Đôi khi, ngước nhìn những đàn chim trời mải miết bay tôi ngẫm nghĩ mãi về sức kiên nhẫn và hướng bay của cả đàn. Dĩ nhiên ta phải hiểu, mỗi đàn chim là cùng một giống. Và nhìn kỹ thêm, người ta nhận ra có khi đàn chim bay nhanh, bay miết và bay theo một hướng. Lại có khi cả đàn bay chậm, đường bay chùng lại. Có thể lúc này có một đàn viên yếu sức chăng?

Một hai năm gần đây, tôi ít khi còn được chiêm ngưỡng những đàn chim trời cần nhẫn và mải miết bay như hồi tôi còn sống ở một miền thôn dã. Sống nơi phố thị, nhiều khi tản bộ trên đường phố, ngước mắt nhìn lên người ta chỉ còn thấy một khoảng trời xanh. Vậy thì nếu có đàn chim thiên di bay qua thành phố, chắc hẳn rất ít người được dõi theo cuộc hành trình xa xôi và kiên trì này.

Vào những ngày đẹp trời cuối tuần, có những người ưa tìm đến vài vùng ngoại ô. Họ trải mảnh vải nhỏ trên một sườn đồi, uống với nhau vài ly rượu thơm, ăn một chút đồ nhắm nhẹ và nằm thích chí nhìn lên bầu trời. Lúc này nếu có đàn chim thiên di bay qua, hẳn là để lại thêm một kỷ niệm khó quên trong đời.

Vân Võ Hoài Phương 
14.06.2017

*Đôi điều ngẫm nghĩ (1)/sổ tay văn nghệ, 15.10.2015
**truyện ngắn  phút đầu biết yêu (1993)