lördag 12 februari 2022

VIẾT VĂN, ĐỌC VĂN : ĐỐI THOẠI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI

VIẾT VĂN, ĐỌC VĂN : ĐỐI THOẠI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI

' Viết Văn, Đọc Văn' , những sự việc thông thường, có gì phải nói. Vâng, chẳng có gì phải nói, nhưng "CÁCH VIẾT, CÁCH ĐỌC", đấy là vấn đề.

"Văn" gồm lời và chữ. Viết Văn là dùng lời (câu văn) và chữ diễn đạt ý mình, trước tiên cho mình, sau đó cho kẻ khác, cho độc giả nói chung. 'Đọc Văn' là qua 'lời và chữ' của tác giả trong tác phẩm nhìn ra những 'trao gởi' của tác giả với cuộc đời trong đó có mình. Do đó, "VIẾT VĂN, ĐỌC VĂN LÀ MỘT HÌNH THỨC ĐỐI THOẠI VỚI MÌNH, VỚI NGƯỜI". Ngoài lời nói miệng ra, Văn dù đưới hình thức, thể loại nào, vẫn là phương tiện giao lưu, truyền thông lâu đời và hữu hiệu. Ngày nay, trên Internet, người ta cũng sử dụng Văn (lời và chữ, thêm âm thanh, hình ảnh) để giao lưu dù rất giới hạn đến mức tối đa tính cách dông dài. 

Mỗi người, dù cuộc sống ra sao, vẫn có lúc cảm thấy đôi chán chường, nhạt nhẽo, trống vắng trong tâm tư. Ngoài đôi việc làm bâng quơ để quên hay để 'giải thoát' những 'ưu tư', những 'thờ thẫn, trống vắng' đó, với những người thích văn chương thì quay ra viết văn, đọc văn để trao gởi hoặc đón nhận ý tình nơi kẻ khác giải tỏa những tư lự của mình. 

Viết văn là để 'giải thoát' mình, nói theo Sainte Beuve (...) . Các Bà, các Ông Việt Nam cao niên nơi hải ngoại hiện nay, vốn không là nhà thơ, nhà văn nhưng lại thích làm thơ, làm văn hay viết lách nầy nọ là để giải tỏa những phút 'trống vắng', để được 'sống lại' với những cái đã 'chết' nơi mình (tức thời gian quá khứ) để tâm sự với mình và dụng ý lưu truyền một kỷ niệm để đời cho con cháu. Lớp trẻ, thích văn chương, cũng làm thơ, viết văn để nói lên mọi dậy dàng của tâm trí, để trao đổi với bạn bè, thân hữu mọi cảm nghĩ của mình. 'Viết Văn' là giúp mình tự 'sống' với mình; giúp mình tự tìm 'hạnh phúc' cho mình (niềm vui sáng tác) qua những rủi ro, bất hạnh, khổ đau (kể cả những chết chóc), những vui sướng, hạnh phúc, những thái độ, việc làm, những cách thế ứng xử trước từng cảnh đời của nhân vật trong tác phẩm mình.

"Viết Văn, vì thế là một 'đối thoại với mình', để ": khơi dậy những gì sôi nổi, rộn ràng, bức xúc, những gì còn kín nhiệm, u uẩn, những ẩn ức tiềm tàng nơi tự thân mình do nhu cầu giải tỏa một 'trống rỗng' của tâm tư hay do một 'bức bách' của cảnh ngộ hoặc do một 'hướng vọng' của thần trí hầu thiết lập một 'an bình' cho mình, cho người. Khi viết một tác phẩm nào (tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, ...), người viết thường luôn đứng trước bốn vấn đề : Viết về cái gì, Viết cho ai, Viết thế nào, Viết với chủ đích gì. Từ đó, chủ đề, đề tài, tìm ý, hành văn, bố cục, xây dựng nhân vật trong từng môi trường, thời đại ... đến với tác giả qua kinh nghiệm, kiến thức, xúc cảm, tường tường, qua cái 'nhìn' về nhân tình, thế sự, về cuộc đời, của nhà văn. Nhà văn đã 'đối thoại với mình qua mình' trong những điều trên. Viết văn là cách tìm tòi lại mình, sửa chữa mình, tự rèn luyện mình không chỉ về nghệ thuật mà còn về thái độ, cách sống của mình.

                                                                                    *

.......

'Đọc Văn cũng là một đối thoại với mình, với người' qua một 'hệ thống quy chiếu' tức tác phẩm của các tác giả. 'Đối thoại với mình' là 'ta tự sống với ta', tự hỏi về ta, tự tra vấn, tự chiêm nghiệm về ta' đối chiếu với những gì đang đọc. 'Đối thoại với người' là 'nhận xét, phẩm bình, đánh giá' bức 'thông điệp' tức những gì tác giả muốn trao gởi đến mọi người qua nội dung tác phẩm để hoặc 'thông cảm, đồng tình, tán đồng' hoặc 'phản biện, chống đối, bác bỏ' lúc đối chiếu tác phẩm với ta, với cuộc sống, với thời đại. "Phép đọc sách là gì ?  Là mượn sách của người để tự mình tư tưởng. Vậy thì sách gì giúp được mình tư tưởng, gợi được cái tư tưởng của mình là sách hay, nên đọc cả. Có khi giúp cách trực tiếp, có khi giúp cách gián tiếp. Giúp trực tiếp là sách đồng ý với mình, giúp nghị luận được xác thực, phô diễn được rõ ràng, khiến cho mình nhân đấy mà suy cứu cái tư tưởng của mình cho đến cùng cực. Giúp gián tiếp là khi sách trái với ý mình, bày cái tư tưởng ra một phương diện khác hẳn của mình, khiến cho mình phải sát hạch lại tư tưỡng của mình, phải gia công biện bác, thảo luận cho vỡ lẽ. Mà cách gián tiếp có khi lại bổ ích hơn là cách trực tiếp, vì nó kích thích tư tưởng của mình một cách mạnh bạo hơn". ( Vũ Ký : Nghệ thuật đọc và viết văn, nxb Nguồn Sống, in lần thứ năm tại Hoa Kỳ cuối 1996, trang 77). 

Tóm lại, Viết Văn, Đọc Văn là 'đối thoại với mình, với người' vì Văn là phương tiện truyền thông, giao lưu hai chiều (...). Dĩ nhiên, Viết Văn khó hơn Đọc Văn. Viết Văn cần phải chú trọng cả Hình thức lẫn Nội dung. Hình thức là Chữ, Lời, Bố cục ; Nội dung là Ý, Tình, Tư Tưởng. Chữ dùng phải minh xác, trong sáng; lời văn phải thông gọn, trau chuốt, văn hoa, truyền cảm; Bố cục phải phân minh, hợp lý vừa đúng theo diễn tiến sự việc vừa tạo bất ngờ, thích thú. Ý, Tình, Tư Tưởng phải hàm xúc, cô đọng, phải phơi bày được tất cả sắc thái sâu sắc của sự việc, sự vật, của nhân vật cùng lúc mang tác dụng hướng dẫn người đọc nghĩ suy để cùng hướng về xây dựng cho nhau những cảnh đời càng nhân bản hơn. Đọc văn, thật ra cũng không phải dễ. Nếu chỉ đọc cho qua thì giờ thì không có gì phải nói. Nhưng đọc trong ý hướng và nhu cầu đối thoại với mình, với người thì cũng lắm điều phải nói : Đọc cái gì, đọc loại sách nào, đọc làm sao, đọc với mục đích gì ? Đọc chỉ để giải trí hay đọc để hiểu mình, hiểu người; đọc để phong phú kinh nghiệm, kiến thức hầu ứng xử với mình, với người; đọc để tìm tòi, khám phá những gì mới lạ giúp mình thêm vững chắc trong mọi dự định 'sáng tạo' về mặt nầy mặt nọ.

Tiếp nhận một lời văn là nắm bắt cái ẩn ý, cái mới lạ, cái khác thường, cái hay đẹp của ý tình tác giả để phong phú hóa mình hơn dù không đồng tình với tác giả.

"Văn chính là người", nói theo Bulfon... Số tác phẩm của một nhà văn và số sách đã đọc nơi một người nào đó, ta có thể biết được phần nào khuynh hướng nghệ thuật cùng khuynh hướng 'sống' của nhà văn và của người đó. 'Trong "Đối thoại với mình, với người", Viết Văn, Đọc Văn là cách giúp ta với bắt cái "PHẦN CON NGƯỜI SẼ TRỞ NÊN CỦA MÌNH" ( Vũ Ký, sđd, trang 49 ), và sẽ trở nên về nhân cách, phẩm giá, sẽ trở nên kinh nghiệm hơn, sáng suốt hơn, minh mẫn hơn trong suy tư, ứng xử, sẽ trở nên phong phú về kiến thức, trí tuệ, để góp phần xây dựng cuộc sống mình và xã hội tốt đẹp, tươi sáng hơn.

Nguyễn Thùy