fredag 8 februari 2019

NHỚ & ĐỌC, trong những ngày mưa tuyết


Ở tuổi ngoài bốn mươi, lần đầu tiên trong đời tôi trông thấy tuyết. Vui thích lúc chính mắt nhìn thấy tuyết thật (không phải là thứ tuyết trên màn ảnh ti vi, hoặc tuyết trong phim). Ngắm nhìn những bông tuyết bay lượn giữa khoảng trời và quyện bay theo gió, tâm tư bỗng nhiên có nhiều cảm xúc mới lạ. Trong lúc còn bâng khuâng trước khung cảnh tuyết bay trắng trên bầu trời lộng gió, lòng cảm thấy vui khi trên môi, trên khuôn mặt chợt mát lạnh những tuyết. Ngày hôm ấy, cho dẫu nhiệt độ ngoài trời dưới - O độ C, thế nhưng với những người lần đầu trông thấy tuyết thì lại là một ngày thật đẹp. Tuyết vương nhẹ trên mũ len, áo khoác. Tuyết theo gió quyện bay, đọng lại trên khăn quàng, trên vai, trên tóc. Những khi yên gió, tuyết xuống nhẹ nhàng giữa một khoảng không êm ả, mát lạnh.

Đó là kỷ niệm khó quên những ngày đầu đến Xứ Tuyết, một vùng đất xa tít tận phía bắc châu Âu. Ở nơi đây, với tên gọi Bắc Âu (Skandinavien) nhiều nơi xa biết đến, "từ Skandinavien chỉ chung ba nước: Đan mạch, Thụy điển và Na uy".

Nghe nói tới Xứ Tuyết hay Xứ Lạnh, người ta thường nghĩ đến những vùng tuyết băng lạnh quanh năm. Thật ra ba nước nói trên, sau những tháng mùa đông lạnh lẽo (mùa đông Bắc Âu thường có khi đến 5, 6 tháng) - là những tháng mùa xuân và mùa hè, thời tiết rất dễ chịu và thiên nhiên tỏ ra rất ưu đãi với dân chúng sống nơi đây.

Tuy nhiên, vào khoảng gần cuối năm, khi những cơn gió cuối thu tràn về đem theo luồng không khí lạnh Bắc Cực, thì chẳng nhìn thấy những đám mây nhiều màu bay lang thang đó đây. Bầu trời lúc này chỉ còn một màu xám ngắt, và khoảng không ngoài trời lạnh dần theo những ngày cuối năm. Mùa đông đã đến gần. Dân bản địa có thể thích nghi thời tiết giá lạnh mùa đông bởi họ đã sống nhiều năm nơi đây, còn dân từ những vùng nhiệt đới mới đến định cư Xứ Lạnh, mà lại tới đây vào thời điểm tuyết rơi rét mướt, nhiệt độ̣ lạnh xuống dưới độ âm (- 0 C) hai, ba chục độ thì ai cũng cảm thấy lạnh cóng "cuộc đời".

Bạn tôi, anh từng sống ở Bắc Âu qua hai thập niên, nếu tính theo mùa đông đầu đến nay thì đã trên hai chục mùa đông giá rét. Trong một bài thơ, ở hai câu đầu, anh than:
"tuyết trắng mênh mông tuyết bốn trời
lạnh lùng khủng khiếp lắm người ơi "

Bài thơ viết dưới tựa đề Tuyết Đông Xứ Bắc Âu. Sau hai câu mở, anh tả cảnh thiên nhiên và cảm nhận cái lạnh ngấm vào người:
"tuyết trên cây cỏ trên nhà cửa
tuyết phủ lên tôi lạnh cuộc đời "

Bài thơ viết về Xứ Tuyết trong những ngày "tuyết trắng mênh mông" và "lạnh lùng khủng khiếp"- không thấy tác giả nói tới độ lạnh - anh đặc tả bức tranh mùa đông bằng hình ảnh:
"ngàn cây trụi lá đứng trơ xương
chẳng thấy hoa phô sắc tím hường"

và còn nữa:

"phố xá thênh thang vắng bộ hành
chỉ còn xe cộ ngược xuôi nhanh
quán hàng đóng kín ngăn hơi lạnh
ai bước cô đơn giữa thị thành "

Có lẽ tác giả bài thơ Lê Dã Sử, và nhiều người có chung tâm trạng ly hương, trong số này có vài người thân thiết của tôi và tôi, từng sống qua nhiều năm nơi xứ lạnh, trong những ngày đông giá rét, đã có lúc bước từng bước cô đơn nơi xứ xa với nỗi buồn thương tái tê trong lạnh cóng...
Cái lạnh nhiều khi thấm vào da thịt. Đôi lúc cảm thấy lạnh đến mức, như có kẻ đã nói "lạnh thấu xương".

Trong Tuyết Đông Xứ Bắc Âu, Lê Dã Sử nói hộ tâm cảm rất nhiều người:
"những ngày mưa tuyết trắng không gian
gió réo bay tung tuyết bạt ngàn
tê cứng xương da người đứng đợi
đợi hoài một bóng nẻo quan san "

Giữa khi "gió réo bay tung tuyết bạt ngàn", đã thấy bóng dáng người "tê cứng xương da" đứng đợi. Nhà thơ đem nhiều hình ảnh ngoài đời vào trang thơ. Giá trị nghệ thuật Tuyết Đông Xứ Bắc Âu là những nét vừa "bi" và vừa "cảm", thi nhân quan sát cảnh đời trong Cõi Lạnh với một chọn lọc tinh tế; bạn đọc thơ chẳng là kẻ đa cảm chắc hẳn cũng hiểu, đây là bài thơ có sức chứa rộng về cảnh và về tâm tư trong đoạn thơ sau: 
"lữ hành lội tuyết mịt mù khơi
biế́t đến bao giờ mới tới nơi
bát ngát chân mây tìm mộng tưởng
băng tuyết e trơn té nửa vời "

Hình ảnh "lữ hành lội tuyết", quả thật rất sống động trong bài thơ, mà ai là dân xứ tuyết chắc khó thể quên. Nhà thơ đắn đo tự hỏi lòng "biết đến bao giờ mới tới nơi", khi nhìn quanh chỉ thấy "bát ngát chân mây...", chắc hẳn nên cẩn trọng, kẻo gặp "băng tuyết e trơn té nửa vời ".

Những đoạn thơ trong Tuyết Đông Xứ Bắc Âu còn có thêm lời thơ đượm nỗi nhớ giữa người đi và kẻ ở, mong có được "chút ấm giữa mùa đông":
"người đi kẻ ở nhớ thương không
tuyết dãi buồn vây kín cõi lòng
rồi thời gian chết trên tay lạnh
hồn xin chút ấm giữa mùa đông "

Khoảng không lạnh buốt cuối mùa đông cùng thời gian theo tờ lịch ngày tháng cũng lặng lẽ qua, để nắng ấm mùa hè lại tới. Kẻ đọc bài thơ đoán biết, có thể, trong lúc trải tâm tình qua những câu thơ, Lê Dã Sử chưa nghĩ tới một mùa nắng hạ sẽ tới, nhưng ở đoạn kết bài thơ, tác giả - một kẻ đến từ xứ nhiệt đới - mong mỏi:
" nhiệt đới từ tôi đến Bắc Âu
mong thời hòa hợp khắp năm châu
mong tình nhân loại dâng lai láng
như tuyết lung linh phủ địa cầu "(*)

VVHP
(Bài cũ nay bổ túc, đăng lại)

(*)Bài thơ Tuyết Đông Xứ Bắc Âu
tác giả: Lê Dã Sử
đăng lần đầu trên Tự Do Friheten
số 7, Mùa Đông/Vinter 1995.